- Chưa bàn về nội dung, có thể thấy chất lượng phiên chất vấn ngày được tăng lên, các bộ trưởng thực sự bị “quay tới bến” chứ không đơn giản là nói cho qua chuyện.

Như vậy, phiên chất vấn tại kì họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV đã kết thúc. Trong chương trình lần này, chiếc ghế nóng điểm tên Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, Tài nguyên – Môi trường, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh – và xã hội cùng các phó thủ tướng chuyên trách. Đó đều là những lĩnh vực gây bức xúc trong công luận thời gian qua, từ câu chuyện trạm BOT, ô nhiễm môi trường, tiêu cực đất đai, cho đến chất lượng giáo dục đi xuống.

Những câu trả lời và phản biện của Bộ trưởng và đại biểu tại nghị trường đã phần nào giải tỏa được băn khoăn của cử tri, hay ít nhất, giúp cử tri đánh giá được năng lực của người đứng đầu các ngành. Chưa bàn về nội dung, có thể thấy chất lượng phiên chất vấn ngày được tăng lên, các bộ trưởng thực sự bị “quay tới bến” chứ không đơn giản là nói cho qua chuyện. Đơn cử như với Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể: trong lần này số đại biểu tranh luận với câu trả lời của Bộ trưởng áp đảo số câu hỏi nêu ra, trong đó rất nhiều phản biện khá “gay gắt” về trách nhiệm của bộ trưởng với BOT. Với Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ, máy tính hội trường bị treo sau khi có quá nhiều đại biểu yêu cầu chất vấn. Chắc chắn, những đối đáp công khai và dân chủ như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình của các thành viên chính phủ, khiến việc ban hành và thực thi chính sách hiệu quả và phù hợp hơn.

Nguyên nhân trực tiếp tạo ra những phiên chất vấn sôi nổi là bởi chúng được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Khi lên sóng, đại biểu sẽ phải truy vấn bộ trưởng về những vấn đề cử tri gửi gắm một cách đầy đủ và cụ thể nhất, còn người trả lời cũng phải “học bài” chứ không thể xuề xòa như trong các cuộc họp trù bị. Bởi cả đại biểu và bộ trưởng đều hiểu rằng một khi lỡ lời trên sóng quốc gia, thì rất có thể phát ngôn của họ sẽ bị đem ra đàm tiếu trong công luận, thậm chí trở thành đề tài cho chương trình Gặp nhau cuối năm.

Về điểm này, cần phải có lời khen ngợi cho những nỗ lực của Quốc hội trong việc công khai minh bạch hoạt động. Việc phát sóng trực tiếp phiên chất vấn được bắt đầu từ hơn 20 năm trước (năm 1994 là lần đầu tiên thử nghiệm), và vẫn đều đặn thu hút sự quan tâm của cử tri mỗi kỳ họp. Trong thời gian gần đây, Quốc hội tích cực cải tiến hệ thống cổng thông tin điện tử, công bố chi tiết chương trình làm việc, dự thảo luật được đề xuất, cùng hàng loạt các hoạt động có liên quan để cử tri theo dõi. Thêm vào đó, biên bản các kỳ họp hiện nay cũng đã được “gỡ băng”, trở thành tư liệu quý giá cho báo chí và những ai quan tâm. Bằng nhiều cải tiến mạnh mẽ, Quốc hội đang thực sự trở thành một diễn đàn chính sách thực sự, chứ không phải chỉ là nơi để thông qua nghị quyết.

Nhưng nói vậy không có nghĩa phiên chất vấn lần này không có những vết sạn. Số lượng câu hỏi chất vấn nhiều, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy chất lượng câu hỏi còn chưa được cao. Mặc dù ngay trước kỳ họp lần này, Quốc hội đã giảm thời lượng hỏi từ hai phút xuống còn một phút, vẫn còn nhiều đại biểu hỏi lan man, chưa đúng trọng tâm, làm mất thời gian của các đại biểu khác. Điều này thứ nhất là do tinh thần trách nhiệm của các đại biểu chưa tốt, chưa có sự chuẩn bị kĩ càng. Thứ hai là công tác tham vấn chưa hiệu quả. Phần lớn đại biểu Quốc hội là không chuyên trách, sẽ rất khó đòi hỏi họ nắm vững lĩnh vực chuyên môn nào đó khi chất vấn những người đứng đầu. Bởi vậy, các đoàn đại biểu, hay thậm chí là chính các đại biểu, cần phải trao đổi với các chuyên gia của từng lĩnh vực trước khi lên nghị trường.

Kì họp lần này, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, một số phiên họp tại hội trường có số đại biểu  vắng mặt nhiều hơn 20% tổng số, trong đó có đoàn vắng trên 50% số đại biểu. Đây là thể hiện sự vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng cử tri, và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Quốc hội. Người dân bầu đại biểu để họ truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của mình đến với những người có trách nhiệm cao nhất, chứ không phải bầu đại biểu ngủ gật trong nghị trường hay “trốn họp” như những học sinh cá biệt. Để giải quyết vấn đề này, có lẽ Quốc hội cần có bảng thông báo những ai vắng mặt, thậm chí gửi thông tin đó về địa phương mà đại biểu đó đại diện.

Đó là chuyện của kỳ họp sau. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ còn làm việc đến ngày 15/6, và dự kiến sẽ phải quyết định số phận của những dự luật đang được bàn luận sôi nổi vừa qua như Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và An ninh mạng. Hi vọng tinh thần công khai, minh bạch, phi vụ lợi, vì dân sẽ tiếp tục được Quốc hội và các đại biểu đề cao trước khi đưa ra những quyết định “bấm nút” hệ trọng này.

Nguyễn Khắc Giang

Chất vấn đến cùng: nghị sĩ được dùng hết quyền?

Chất vấn đến cùng: nghị sĩ được dùng hết quyền?

Mong QH sẽ bổ sung quy định để mở đường cho ĐBQH đẩy chất vấn đi đến cùng được dễ dàng hơn.

Xem báo chí, tư lệnh ngành sẽ đoán được chất vấn

Xem báo chí, tư lệnh ngành sẽ đoán được chất vấn

Chất lượng, uy tín của mỗi cơ quan truyền thông cũng phần nào phụ thuộc vào chất lượng, độ nóng, độ tin cậy của những tin bài mà cả cử tri và đại biểu đều thấy cần cho mình.

"Nợ xấu" của chất vấn

"Nợ xấu" của chất vấn

 Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào kỳ họp giữa tháng 8.

Khi Quốc hội bỏ phiếu xong mới chất vấn...

Khi Quốc hội bỏ phiếu xong mới chất vấn...

 Phiên chất vấn lần này diễn ra sau buổi lấy phiếu tín nhiệm nên khó có thể xảy ra hệ quả trực tiếp nào. Tuy nhiên, các bộ trưởng cũng nên nhớ rằng hoạt động đánh giá tín nhiệm từ nay sẽ được tiến hành thường xuyên.