Điện Kremlin và các giáo sĩ Hồi giáo Iran đang đưa ra những tính toán lạnh gáy về cách đối phó với Tổng thống Erdogan. Điều này có thể làm chấn động phương Tây nhiều hơn chính nơi xảy ra vụ ám sát

Có thể vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nguyên nhân gây ra một trận “động đất” địa chính trị, nhưng là một triệu chứng cho thấy đất đang rung chuyển dưới chân phương Tây. Cuộc khủng hoảng Syria giờ đã trở thành một cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn quá sớm để nói chính xác động cơ nào khiến một viên sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ám sát ngài Đại sứ Nga tại Ankara ngày 19/12 vừa qua. Nhưng mức độ tàn nhẫn, vẻ ngoài chuyên nghiệp của y được truyền hình trực tiếp khiến ai cũng phải sửng sốt.

Đây chắc chắn không phải là một hành động bột phát. Kẻ ám sát đã hô vang “hãy trả thù cho Aleppo”, nhưng cách anh ta cầm súng cho thấy anh ta vô cảm như thế nào. Có thể mục đích của anh ta là phá hoại quá trình xích lại gần nhau giữa Nga –Thổ đang ngày càng mạnh mẽ bất chấp những bất đồng giữa hai bên trong vấn đề Syria. Ngay cả khi thành công, những kẻ ám sát không bao giờ đạt được mục đích mà chúng muốn, nhưng các vụ ám sát chính trị cấp cao luôn tạo ra một hậu quả lớn.

{keywords}

Có thể vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nguyên nhân gây ra một trận “động đất” địa chính trị.

Chắc mọi người còn nhớ chàng sinh viên Gavrilo Princip người Serbia đã giật cầu chì Chiến tranh Thế giới I như thế nào khi ám sát người kế thừa ngai vàng nước Áo. Khi đó các cường quốc đã đồng loạt lên án đây là một hành động khủng bố, nhưng chỉ 6 tuần sau, họ lại đánh nhau về cách phản ứng của Vienna. Lên án chủ nghĩa khủng bố là điều mà ai cũng đồng ý, nhưng trừng phạt nó như thế nào lại cho thấy những chia rẽ, vì các chính phủ khác nhau có những lợi ích của riêng mình.

Trở lại năm 1982, khi đại sứ Israel tại Anh Park Lane bị một phần tử khủng bố người Palestin bắn chết. Ngay cả các chính phủ Arab và các nhà ngoại giao ở các nước này đều thừa nhận rằng các vụ tấn công sát hại các nhà ngoại giao không có lợi cho họ. Tuy nhiên, khi Israel đổ lỗi cho PLO của ông Yassir Arafat, có trụ sở ở Lebanon và đưa quân tấn công miền Nam Lebanon, thì nhiều nước đã đưa ra những phản ứng trái ngược.

Thái độ đồng loạt lên án vụ ám sát Đại sứ Nga tuần này có thể nóng lên hay nguội đi, tùy thuộc vào cách phản ứng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc kẻ ám sát gắn hành động của mình với cảnh ngộ ở Aleppo cho thấy sự vỡ mộng đối với chính sách Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sự hỗ trợ công khai của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Vụ tấn công này diễn ra ngay trước thềm một cuộc gặp ba bên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga – Iran – Thổ. Nhớ rằng không có sự tham gia của đồng minh hiệp ước của Thổ trong NATO hay bất kỳ quốc gia Arab vùng Vịnh nào vốn ủng hộ đường hướng chống Assad mạnh mẽ của Ankara. Vụ ám sát có thể nhằm phá hoại cuộc gặp tay ba này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến sự bùng phát của chủ nghĩa khủng bố từ sau âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7.

Hầu hết đều nhằm trực tiếp vào Tổng thống Erdogan. Một phần vì ông Erdogan tức giận với việc phương Tây chỉ trích hành động trấn áp mạnh tay của Ankara sau cuộc đảo chính, phần khác là vì ông Erdogan cho rằng Mỹ đã phản ứng quá yếu đuối trong vấn đề Syria, và ông dường như đang chuẩn bị cho một cuộc cách mạng về ngoại giao. Đây cũng không phải lần đầy tiên.

Erdogan từng là một người bạn lớn của Bashar al-Assad vào năm 2009, trước khi trở thành kẻ thù không đội trời chung vào năm 2011. Và trong khi Erdogan lên án giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu vụ đảo chính tháng 7, hai người họ từng móc ngoặc với nhau trong nhiều năm liền vì đều mong muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ theo đường lối Hồi giáo “hiện đại”.

Kẻ ám sát Đại sứ Karlov bị áo buộc là một người ủng hộ Gulen đã thâm nhập vào lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. Đây xem ra chỉ là một mánh khóe. Hãy nhớ xem làm thế nào viên phi công Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga năm 2015  bỗng nhiên “xuất hiện” và bị bắt với cáo buộc âm mưu đi theo Gulen tiến hành đảo chính. Người Thổ đã quá quen với các tuyên bố tung hỏa mù.

Cuộc khủng hoảng bất ngờ hiện nay là một triệu chứng tàn bạo cho thấy dòng nước xoáy từ cuộc khủng hoảng Syria đang rối loạn đến mức nào. Nếu Thổ Nhĩ kỳ quay lưng lại với phương Tây vì ông Erdogan tức giận với cách ứng phó yếu kém của liên minh do Mỹ đứng đầu đối với chính phủ Assad, thì chính vụ ám sát Đại sứ Karlov cũng có thể làm hỏng mối quan hệ của cặp đôi Erdogan – Putin. Thử tưởng tượng xem, chỉ cần có bằng chứng cho thấy có sự thông đồng hay lơ đễnh của các lực lượng an ninh Thổ, tạo điều kiện cho một tay súng tiếp cận sát mục tiêu khủng bố đến vậy, thì Nga có thể sẽ không để yên tại Ankara, và khi đó liệu ông Erdogan có sẵn sàng hy sinh người của mình?

Đối với phương Tây, kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, nước mà nói cho cùng thì vẫn là một đồng minh NATO. Nhưng đáng buồn là nếu xu hướng xích lại gần nhau Nga – Thổ càng được đẩy nhanh sau vụ ám sát Đại sứ Karlov, thì việc phương Tây thở phào vì tránh khỏi một cuộc khủng hoảng sẽ đi kèm với những lo ngại về khả năng ông Erdogan trượt khỏi vòng tay phương Tây ngã vào một liên minh Á – Âu. Có thể vụ giết người này sẽ chả đi đến đâu, nếu kẻ ám sát chỉ muốn thọc gậy bánh xe quan hệ Nga- Thổ. Nhưng ngay cả khi mục đích của hắn là như vậy, và Erdogan và Putin không rơi vào những vụ buộc tội lẫn nhau, thì vụ việc vẫn sẽ để lại những vết hằn lớn.

Một cái gì đó sắp xảy ra giữa Ankara, Điện Kremlin và Tehran. Bối cảnh mà trong đó NATO đối đầu với Nga và Iran, và cả IS, dường như sắp có sự thay đổi căn bản. Vụ ám sát Đại sứ Karlov sẽ đẩy nhanh tiến trình này. Có thể nó không phải là nguyên nhân gây ra một trận “động đất” địa chính trị, nhưng là một triệu chứng cho thấy đất đang rung chuyển dưới chân phương Tây. Cuộc khủng hoảng Syria giờ đã trở thành một cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó là điều mà phương Tây đang liều mạng bỏ qua. Nhưng khoảnh khắc kịch tính này xảy đến đúng vào lúc Washington đang bận rộn với cuộc chuyển giao quyền lực cho ông Donald Trump còn châu Âu lại đang rơi vào trạng thái trầm tư suy ngẫm. Điện Kremlin và các giáo sĩ Hồi giáo Iran đang đưa ra những tính toán lạnh gáy về cách đối phó với Tổng thống Erdogan. Điều này có thể làm chấn động phương Tây nhiều hơn chính nơi xảy ra vụ ám sát./.

Thảo Linh