Ông Donald Trump vừa nhũn nhặn với Bắc Kinh bằng một cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, khẳng định sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc". Nhưng vẫn nhiều lĩnh vực bất đồng giữa hai cường quốc, như tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Triều Tiên, chưa được đề cập đến trong các tuyên bố công khai về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Tháng 12/2016, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khiến Trung Quốc sốc khi tiến hành cuộc điện đàm chưa từng thấy giữa một lãnh đạo Mỹ với người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn và gợi ý có thể thay đổi chính sách Một Trung Quốc vốn là nền tảng quan hệ với Bắc Kinh trong gần 4 thập kỷ qua.

Nhưng trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi chính thức nhậm chức ngày 20/1, ông Trump đổi giọng và công nhận chính sách Một Trung Quốc. Trước đó, hôm 8/2, ông Trump cũng gửi một bức thư cho ông Tập, không chỉ gửi lời chúc mừng năm mới tới người dân Trung Quốc mà còn bày tỏ mong muốn phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng và đôi bên cùng có lợi.

Hiện chưa rõ liệu ông Trump có nhận lại bất cứ sự nhượng bộ nào từ phía Trung Quốc hay không, để đổi lại việc ông thay đổi như vậy. Tân Hoa Xã của Trung Quốc hả hê loan tin rằng hai lãnh đạo đã nhất trí “tăng cường hợp tác cùng có lợi” về thương mại, kinh tế, đầu tư và các vấn đề quốc tế.

{keywords}
Ông Donald Trump vừa nhũn nhặn với Bắc Kinh bằng một cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, khẳng định sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc".

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng bản thân ông Trump tự nhận ra sự căng thẳng nghiêm trọng bằng việc gây căng thẳng với chính quyền Bắc Kinh trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.

Cựu giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc James Zimmerman cho rằng ông Trump lùi bước có thể vì đã nhận ra rằng đây là “một vấn đề rất phức tạp, gai góc và đơn giản là không thể thảo luận được”.

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, một cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc bình luận: “Điều này sẽ được Trung Quốc hiểu là một chiến thắng vĩ đại trong cách đối phó của ông Tập với ông Trump”.

Xuống giọng với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ có thể đã ngăn chặn một cuộc đối đầu với một quốc gia nổi tiếng táo tợn, đang nung nấu quyết tâm trỗi dạy cạnh tranh với chính nước Mỹ. Sự thay đổi này được cho là bước đi khôn ngoan của ông Trump nhằm tránh các thủ đoạn nghiêm trọng mà Trung Quốc có thể sẽ áp dụng nhằm trả đũa.

Trung Quốc luôn coi chính sách Một Trung Quốc là “vấn đề cốt lõi” liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Trong ngôn ngữ ngoại giao, từ này có nghĩa là Đài Loan là vấn đề mà Bắc Kinh rất nhạy cảm. Ông Tập đã đặt nhiều vốn liếng chính trị của mình vào việc tìm một giải pháp cho vấn đề Đài Loan, một “cái nhọt” đã mưng mủ từ năm 1949. Bắc Kinh chưa bao giờ thôi nguôi ngoai tìm cách giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này. Trung Quốc ngày nay đã mạnh hơn rất nhiều về quân sự và uy tín quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, thỏa thuận 1992 đang là “cái gai” giữa Đài Bắc và Bắc Kinh sau khi bà Thái Anh Văn không công khai ủng hộ thỏa thuận này trong diễn văn nhậm chức của mình hồi tháng 5/2016. Tình hình giữa hai bờ vẫn rất căng thẳng đến đầu năm 2017, khi ông Du Chính Thanh, ủy viên thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây cảnh báo quan hệ hai bờ sẽ “phức tạp hơn”. Việc ông Tập Cận Bình nhận được sự công nhận thỏa thuận 1992 từ phía ông Trump là một bước tiến lớn nhằm xoa dịu sự tự ái của Bắc Kinh.

Từ một động thái khác cũng khiến cho giới chuyên gia lưu tâm đó là, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra chỉ vài giờ sau sự cố giữa máy bay Trung Quốc và máy bay Mỹ trên vùng trời gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Do vậy, họ có cơ sở để phỏng đoán rằng ông Trump có thể đã nêu vấn đề này với ông Tập.

Cũng không phải vô tình khi ông Trump điện đàm và công nhận chính sách trên chỉ vài giờ trước khi tiến hành cuộc gặp thượng định với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Washington. Đầu tuần này, Trung Quốc đã cử lực lượng cảnh sát biển đến các vùng nước quanh quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản đang quản lý và gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông, sau khi Bộ trưởng Mỹ Mattis khẳng định các cam kết đồng minh Mỹ – Nhật áp dụng với cả quần đảo này.

Nhật Bản là một cựu thù lịch sử của Trung Quốc và một đối thủ chiến lược thời hiện đại. Bắc Kinh chắc chắn đang theo dõi sát cuộc gặp thượng định Mỹ – Nhật. Và thực lòng, Bắc Kinh vẫn chưa thể yên tâm, kể cả khi họ vừa dành thắng lợi. Yan Xuetong, Chủ nhiệm khoa quan hệ quốc tế của trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định: “Trung Quốc không thể hoàn toàn tin vào những gì ông ấy nói. Ngay cả người dân của ông ấy cũng không tin ông ấy”.

Hai bên đều không nói rõ là sẽ hợp tác với nhau như thế nào, và trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, người ta vẫn nghi ngại về các ý định của ông Trump trong nhiều vấn đề. Các chuyên gia nhận định một cuộc điện đàm không thể giải quyết mọi chuyện. Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia, cho biết: “Ông Trump không gắn bó với bất ký đường lối chính sách đặc biệt nào của Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác. Vì vậy sự ‘phối hợp với nhau’ cũng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào”.

Các nước trong khu vực cũng sẽ không dễ dàng coi việc ông Trump thừa nhận chính sách Một Trung Quốc là một dấu hiệu đảm bảo sự liên tục sau một loạt những điều không chắc chắn trong quá trình chuyển giao quyền lực của ông. Trong khi bất ổn vẫn tiềm tàng giữa hai nước, nhất là khi bao quanh ông Trump là những cố vấn có quan điểm diều hâu. Do vậy cuộc điện đàm trên sẽ chỉ làm giảm khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng bất ngờ giữa hai nước trong những ngày đầu nhậm chức của ông Trump mà thôi.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều lĩnh vực bất đồng giữa hai cường quốc Mỹ – Trung, như tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Triều Tiên, chưa được đề cập đến trong các tuyên bố công khai về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Bắc Kinh không thể dự đoán ông Trump sẽ làm gì tiếp theo trong các vấn đề thương mại và kinh tế, bởi Trump là người hay thay đổi và sẽ không bao giờ chịu chấp nhận rằng ông là kẻ yếu./.

Thảo Linh