Hơn mười năm trước, một nhà văn Châu âu lần đầu tiên đến Hà Nội đã hỏi tôi cái biển “Cấm đái bậy” là biển hiệu gì. Tôi không giấu được và đã dịch nội dung. Lúc đầu, ông cho là tôi hài hước nên đã đùa tôi. Nhưng khi biết tôi nói thật ông đã im lặng. 

Thông thường, người ta nghĩ đến các biển hiệu là nghĩ đến chức năng chỉ dẫn cho con người biết một địa điểm, một hướng đi, nhắc nhở hay cảnh báo về một điều nào đó. 

Nhưng ở Việt Nam, có những biển hiệu lại gián tiếp cho chúng ta biết một phần về văn hóa của con người đang sống ở nơi chốn đó. Biển hiệu “Cấm vượt đèn đỏ” nói gì? Biến hiệu “Không vứt rác ở đây” nói gì? Biển hiệu “Xin đừng dẫm lên cỏ” nói gì? Biển hiệu “Xin đừng ngắt hoa” nói gì?.... Và còn những biển hiệu khác hoặc là những dòng chữ do ai đó viết lên tường ở khu nhà riêng và ở những nơi công cộng nữa. Và thưa các bạn, những biển hiệu tôi nói ởtreen là những biển hiệu đang hiện diện trong đời sống chúng ta ở thế kỷ 21.

Tôi từng suy nghĩ, để vứt một cọng rác ở nơi công cộng, người ta chỉ mất “một giây”, nhưng để cúi xuống nhặt một cọng rác ở nơi công cộng, người ta phải mất “100 năm”. Con số 100 năm ở đây là một con số ước lệ để chỉ sự hình thành của một hành vi văn hóa. 

{keywords}
Ảnh minh hoạ: internet

Từ khi đổi mới đến nay, đất nước chúng ta đã có những bước phát triển mà ba mươi năm về trước chúng ta không hình dung được. Đặc biệt, những người sống ở các đô thị lớn đang sống trong nhiều điều kiện vật chất ngang bằng với nhiều nước tiên tiến trên thế giới như nhà ở, xe hơi, điện thoại, thời trang, thực phẩm, đồ uống....Thế nhưng, không ít những hành vi văn hóa ở các đô thị lại quá tương phản với cơ sở hạ tầng và điều kiện vật chất.

Trong hai mươi năm trở lại đây, tôi vẫn hàng ngày đi làm trên một tuyến đường và hầu như rất ít khi thay đổi lộ trình đó. Tôi có một nghiên cứu nhỏ bằng mắt (quan sát) về tuyến đường này trong hai mươi năm qua. Kết quả nghiên cứu bằng mắt của tôi như sau: đường xá, nhà cửa, phương tiện giao thông công cộng và cá nhân, các điểm dịch vụ... trên tuyến đường đó thay đổi ngày ngày và mỗi ngày càng hiện đại. Nhưng có một thứ hầu như tôi không thấy thay đổi được bao nhiêu. Đó là hành động vượt đèn đỏ của người đi đường. 

Lúc đầu, tôi nghĩ những người vượt đèn đỏ chỉ là mấy thanh niên nam nữ lêu lổng hay thiếu ý thức kỷ luật. Nhưng tôi đã sai. Thanh niên vượt đèn đỏ, người lớn tuổi cũng vượt đèn đỏ, người buôn bán vượt đèn đỏ, công chức, trí thức cũng vượt đèn đỏ. Cứ không có cảnh sát giao thông ở đó là họ tranh thủ vượt đèn đỏ. 

Lúc đầu tôi nghĩ họ chỉ vượt đèn đỏ vào đầu ngày và cuối ngày vì những việc gấp gáp nào đó như đến công sở đúng giờ, đưa con đi học đúng giờ...Nhưng tôi nhận ra họ vượt đèn đỏ buổi sáng, vượt đèn đỏ buổi trưa, vượt đèn đỏ buổi chiều, vượt đèn đỏ đêm khuya và vượt đèn đỏ lúc gần sáng. Trong lần đi công tác Singapore, một đêm đã khá khuya, tôi nhìn thấy một thanh niên người bản địa đứng chờ đèn đỏ ở một ngã tư đường. 

Trong khi đó, các ngả đường đều vắng người và xe. Nhưng người thanh niên đó vẫn bình thản đợi khi đèn xanh bật lên mới qua đường. Chúng ta chen nhau, vượt đèn đỏ để qua ngã ba, ngã tư. Về thời gian qua ngã ba, ngã tư thì những người Việt Nam vượt đèn đỏ nhanh hơn người thanh niên Singapore kia chừng hai, ba phút. Thế nhưng, họ đã xây dựng đất nước Singapore phát triển và văn minh hơn chúng ta cả một trăm năm. Máy bay có thể đưa con người trong vài tiếng từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh nhưng nó không thể đưa con người đi từ một hành động vô thức đến một hành động có ý thức được một xăng-ti-met nếu con người không có văn hóa.

Cách đây chừng dăm, bảy năm, một tờ báo đưa tin Hà Nội phải huy động hàng trăm cảnh sát để bảo vệ lễ hội hoa anh đào do sứ quán Nhật tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Tờ báo này có ý phê phán sao lại nhiều cảnh sát như thế. Tôi đã trả lời phỏng vấn báo chí và nói rằng : nếu con người vẫn thiếu văn hóa như trong lễ hội hoa anh đào thì có dùng đến 1000 cảnh sát vẫn không đủ để làm nên một trật tự của văn minh. 

Trong lễ hội hoa anh đào năm đó và một hai lễ hội những năm sau đó, người dân mà chủ yếu là thanh niên, sinh viên đã quần nát cả một cái cây đẹp như vậy và vặt cả hoa anh đào mang về. Luật pháp cho dù nghiêm minh đến đâu cũng chỉ nhằm răn đe, áp đặt và xử lý những hành vi phạm pháp. Còn văn hóa mới thực sự là nền tảng dẫn dắt hành vi của con người trong cuộc sống. Cho đến bây giờ, có không ít những người là sinh viên đại học, là người có bằng cấp...nhưng vẫn vượt đèn đỏ, hái hoa nơi công cộng, dẫm lên cỏ, vứt rác bừa bãi....cho dù họ vẫn nhìn thấy biển cấm. 

Có những người đã không lý giải được điều này. Nhưng khi chúng ta hiểu rằng: bằng cử nhân một ngoại ngữ, bằng kinh doanh khách sạn, bằng công nghệ tin học...chỉ là chứng chỉ về khả năng chuyên môn hóa một nghề nào đó chứ không phải là chứng chỉ về tâm hồn hay văn hóa trong con người họ thì chúng ta hiểu ngay được vấn đề. 

Trong một lần nói chuyện hướng nghiệp với sinh viên ở Hà Nội, một sinh viên hỏi tôi “Vì sao một học sinh học giỏi văn lại đối xử với bạn rất xấu?”. Một câu hỏi thực sự hay. Tôi trả lời bạn sinh viên đó là “Cách dạy văn hiện nay trong các nhà trường của chúng ta chỉ là đưa lại một số thông tin về nhà văn đó và tác phẩm đó chứ không phải dựa trên tác phẩm đó để truyền đạt cảm xúc, khám phá cái đẹp và lòng nhân ái. Cũng giống như chúng ta nạp thông tin vào một cái máy computer chứ không phải truyền cảm hứng cho cái máy ấy. Vì thế học sinh đạt điểm văn cao kia chỉ là người nhắc lại thông tin đã được nạp chứ không phải là sự rung cảm của tâm hồn. Và khi không có sự rung cảm của tâm hồn thì người ta sẽ dễ dàng làm những điều vô cảm.

Tôi có dịp đi nhiều nước trên thế giới trong suốt mấy chục năm qua, tôi thấy các nước cũng có rất nhiều các biển hiệu nhưng chưa thấy những biển hiệu như một số biển hiệu “lạ lùng” và “buồn” ở nước ta. 

Tại sao gần hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21 rồi mà chúng ta vẫn phải nhắc nhở ngày ngày những chuyện tưởng như nhắc mấy đứa trẻ vừa mới lớn vậy. 

{keywords}
Ảnh minh hoạ: Internet

Cũng vào khoảng bảy năm trước, người ta đã quyết định cho một tập đoàn tư nhân xây một khách sạn năm sao ở trong khuôn viên công viên Thống Nhất. Tại sao lại có thể như vậy? Đó chỉ là xuất phát từ lợi ích cá nhân. 

Tôi muốn đưa ra một ví dụ thật đơn giản nhưng thật bi hài. Đó là hầu hết trên ban công của mỗi ngôi nhà trong thành phố đều có những chậu cây. Chúng ta trồng những chậu cây trên ban công nhà mình để có màu xanh, để chống lại những cơn bão bụi, để chống lại cái nóng hầm hập của mùa hè và để ngắm nhìn nữa. 

Vào ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta ra tận ngoại thành hoặc bãi sông để lấy đất phù sa. Rồi chúng ta hì hục mồ hôi, mồ kê vác tải đất lên tận ban công tầng 2 tầng 3 và có khi tầng 5. Rồi chúng ta mua cây. Rồi chúng ta trồng. Sáng dậy chúng ta tưới cây dù có thể đến công sở chậm. Chẳng có gì quan trọng. Thiếu gì lý do với lãnh đạo về việc đi làm chậm của mình. Chiều về, chúng ta tưới cho cây trước rồi mới tắm cho mình. Đêm khuya đi ngủ, có người còn tưới cho cây một lần nữa. Khi xa nhà nhiều ngày trở về, nếu thấy cái cây vàng lá hay có vẻ thiếu nước, chúng ta xót xa, than thở và trách móc những người ở nhà không chăm sóc cái cây. 

Quả là chúng ta đối xử với những cái cây trên ban công nhà mình như chăm sóc một sinh linh. Sự thật đúng là thế. Nhưng có một sự thật khác nữa. Một sự thật nực cười và thật tồi tệ. Đó là trong khi chúng chăm sóc thái quá những cái cây trên ban công nhà mình thì chúng ta lại thi nhau tàn phá những cái cây khác. Chúng ta tàn phá những cái cây trên phố, quanh hồ nước, trong công viên, cạnh những khu di tích văn hoá hay lịch sử... cho đến phá cả những khu rừng nguyên sinh hàng ngàn hécta. 

Chúng ta đang sống một lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết. Chúng lầm tưởng những cái cây trên ban công, những sàn nhà sạch bóng, những bình nước dùng trong gia đình tinh khiết... sẽ cứu được chúng ta còn "thiên hạ" có làm sao cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cá nhân chúng ta. Lối sống này đã trở thành một căn bệnh trầm kha của chúng ta. Lối sống này đang lây truyền ra toàn xã hội. Lây truyền đến độ chúng ta hung hăng và trắng trợn nhổ tung gốc một cái cây đẹp như thế, lấp cả một hồ nước như thế, xoá một phần lớn công viên như thế... để xây những khu kinh doanh.

Cách đây không lâu, chúng ta đã phải dùng cả cơ quan chức năng để truy tìm một người đàn ông bước ra từ một chiếc xe hơi sang trọng và ngang nhiên tiểu tiện giữa thanh thiên bạch nhật trước một dòng người đi lại. Bởi thế nên ở giữa thủ đô ngàn năm văn vật mới xuất hiện biển hiệu “Cấm đái bậy”. 

Hơn mười năm trước, một nhà văn Châu âu lần đầu tiên đến Hà Nội đã hỏi tôi nội dung cái biển “Cấm đái bậy” là biển hiệu gì. Ông hỏi tôi có lẽ là do ông thấy cái biển hiệu đó để ở một nơi không hợp lý lắm. Tôi không thể giấu được và đã dịch nội dung cái biển đó. 

Lúc đầu, ông cho là tôi có tính hài hước nên đã đùa tôi. Nhưng khi biết tôi nói thật ông đã im lặng. Những ngày sau đó, ông nhìn thấy nhiều biển hiệu ở nhưng ông không yêu cầu tôi dịch cho ông nữa. Ông sợ ông gây khó cho tôi.

Nhiều năm trước, một phụ huynh viết thư cho tôi và đề nghị tôi có thể viết một cuốn cẩm nang nói về các loại cạm bẫy mà một đứa trẻ lớn lên bước vào đời có thể vướng phải. 

Phụ huynh đó yêu con, lo cho con mình nhưng đã không hiểu được một điều quan trọng là: nếu tôi viết một cuốn cẩm nang nói về 1000 cạm bẫy trong cuộc sống và đứa trẻ ấy học thuộc lòng nhưng khi đứa trẻ đó bước vào đời sẽ gặp cái cạm bẫy thứ 1001 và nó sẽ bị cái cạm bẫy thứ 1001 ấy nuốt chửng. Chỉ khi đứa trẻ đó có trong con người nó cái Đẹp và Chủ nghĩa nhân văn thì nó sẽ phân biệt được đâu là xấu, đâu là tốt. Khi đó, nó có thể đi qua vô vàn cạm bẫy trong cuộc đời nó. 

Và đối với xã hội cũng vậy, cho dù chúng ta đặt các biển cấm nơi mọi nơi, mọi chốn của thành phố chúng ta cũng không cản được những hành vi kém văn hóa của con người một khi trong lòng họ không có văn hóa hay không có ý thức sống.

Theo Nguyễn Quang Thiều/Thế giới Toàn cảnh, chuyên đề của Tạp chí Khoa học và Chiến lược