Ông Putin hiện vừa phải đương đầu với các thực tế phức tạp ở Trung Đông nói chung, vừa phải duy trì hình ảnh là kẻ mạnh trong cách ứng xử với Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách “đi đêm” với Iran, ông Putin nhanh chóng trở thành “cột thu lôi” đối với thế giới Sunni, không chỉ ở Trung Đông mà cả trong nước Nga, nơi đa số người Hồi giáo theo dòng Sunni.

Hất cẳng phương Tây

Mark Weber, Giám đốc Viện nghiên cứu Historical Review, nhận định liên kết của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Iran trong vấn đề Syria cho thấy một sự thay đổi lớn trong tương quan lực lượng tại Trung Đông, theo hướng phản ánh sự suy giảm “bền vững và mạnh mẽ” tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Theo chuyên giá Weber, “sự kết hợp giữa Nga, Iran và Syria, và giờ đây đã mở rộng thêm Thổ Nhĩ Kỳ, là một phần của một sự thay đổi thực sự lớn đang diễn ra và là một phần của một thảm họa lớn đối với Mỹ… đồng thời là tính toán sai lầm của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Syria”.

Trên thực tế, Mỹ đã bị giảm vai trò xuống còn như một người ngoài cuộc khi Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của họ trong NATO – gặp Iran và Nga tại Moscow nhằm vẽ lại bản đồ số phận Syria sau khi chiến thắng tại Aleppo và sau vụ ám sát Đại sứ Nga ở Ankara.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thừa nhận: “Chúng tôi không được mời”, nhưng Ngoại trưởng John Kerry khẳng định: “Bộ không coi đây là một sự mất mặt”.

{keywords}

Cuộc nội chiến Syria bùng phát do những căng thẳng giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ, dần dần trở thành cuộc chiến quốc tế hoá - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một tuyên bố chung sau cuộc gặp cho thấy rõ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin coi đối tác Nga – Iran – Thổ là một “bộ ba” trung gian quyền lực mới có thể thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết mục đích trước mắt của “Tuyên bố Moscow” là hoàn tất một thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại Syria, làm hơn 400.000 người thiệt mạng và hơn 10 triệu người phải sơ tán, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu, làm xáo trộn nhiều chính phủ của châu lục này.

Ông Shoigu khẳng định: “Mọi ý định trước đó của Mỹ và các đối tác nhằm nhất trí phối hợp hành động đều đã thất bại. Không ý tưởng nào thực sự có ảnh hưởng đến tình hình trên thực địa”.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Mỹ không hề giảm vai trò lãnh đạo hay tầm ảnh hưởng ở Trung Đông và vẫn cam kết mạnh tại đây”. Tuy nhiên, tình hình phức tạp tại Syria đang làm phức tạp thêm những nghi ngờ về các ý định của Mỹ.

Mỹ từng phản đối thành lập các vùng an toàn và vùng cấm bay, có thể dùng để vận chuyển quân trên mặt đất, nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump liên tục ủng hộ các vùng an toàn. Ông cũng cho rằng tiền để xây dựng cho các vùng an toàn này sẽ đến từ các nước vùng Vịnh.

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại NATO R. Nicholas Burns, ông Trump đang thêm vào sự mập mờ về việc ai là người có tiếng nói đại diện cho Mỹ tại Trung Đông: “Ông ấy đang làm mọi chuyện phức tạp thêm. Nước Mỹ đang nói hai giọng”. Mặt khác, cựu Đại sứ Burns cũng nhất trí rằng Mỹ đã mất quyền lực và ảnh hưởng tại Trung Đông, bằng chứng là sự vắng mặt của Mỹ trong cuộc gặp ba bên tại Moscow vừa qua.

Chuyên gia Weber cho rằng một giải pháp chính trị chỉ có thể được thực thi khi có sự hợp tác của chính phủ Syria, vì đây là tác nhân chính trị quan trọng nhất trong khu vực. Thực tế là Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang nắm quyền tại Syria bất chấp tuyên bố của Mỹ là “ông Assad phải ra đi”. Việc này phản ánh thay đổi đang diễn ra tại Trung Đông. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đảo ngược chính sách của mình liên quan đến Nga và trong một nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow, Ankara sẽ không tránh khỏi việc phải thay đổi chính sách đối với Syria.

Hãy để đó cho chúng tôi

Sau cuộc gặp với hai người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ba nước đã sẵn sàng giúp đạt một thỏa thuận giữa chính phủ Syria và phe đối lập.

Ông khẳng định Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng tầm ảnh hưởng của mình để thực thi việc sơ tán dân thường, đồng thời nhấn mạnh Nhóm hỗ trợ quốc tế cho Syria (ISSG – một nhóm gồm Nga, Mỹ và Saudi Arabia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này) đã không thể thực thi các quyết định của mình. Sau cuộc họp, ba nước trên đã thể hiện mình như những người tạo ra thảo thuận tại Syria, khẳng định rằng sự hợp tác giữa họ có thể mở đường cho một giải pháp tương lai tại Syria.

Sau khi các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad giành lại thành phố Aleppo, cuộc thảo luận Nga – Thổ về một thỏa thuận ngừng bắn có thể là một trạng thái bình thường mới ở Syria, trạng thái mà phương Tây trở thành một khán giả hơn là nhân vật chính.

Ngoại trưởng Lavrov từng tuyên bố rằng nói chuyện với Mỹ là “vô nghĩa”: các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ “hiệu quả hơn nhiều tháng thương lượng vô nghĩa với Mỹ”. Thỏa thuận giữa họ bao gồm kế hoạch rút lực lượng nổi dậy ra khỏi Aleppo, nhằm giảm đổ máu. Điều này khiến Moscow và Ankara đánh bóng vai trò nhân đạo của mình và tự gọi mình là người kiến tạo hòa bình thay vì người gây gổ chiến tranh.

Hợp tác ba bên hậu Assad

Việc Aleppo thất thủ sẽ là một điểm bước ngoặt không chỉ trong cuộc nội chiến tại Syria mà trong biên niên sử về toàn Trung Đông. Đây thực chất là một cuộc chiến giữa người Sunni và Shiite, và liên quan đến vai trò ngày càng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì vậy, trong khi việc đánh bại Aleppo được ca ngợi là chiến thắng của ông Assad, của người Shiite do Iran dẫn đầu và của Nga, đây lại được hiểu là thất bại đối với người Sunni và lãnh đạo trên thực tế nhưng không tuyên bố của phe này là Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc xung đột ở Trung Đông kiểu này sẽ không kết thúc bằng một thất bại quân sự. Ngược lại, chúng có xu hướng làm gia tăng nỗi xỉ nhục mà chúng gây ra và nỗi thống khổ không thể nói thành lời.

Gần như chắc chắn rằng chính phủ của ông Erdogan không có lợi gì để tiến hành vụ ám sát này. Nhưng có điều gì đó đang xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông, điều gì đó đang tạo ra bối cảnh cho sự nổi lên của chủ nghĩa Hồi giáo theo trào lưu chính thống tại Thổ, và chính “điều gì đó” này là động lực lớn để ông Erdogan muốn thay đổi nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ của Ataturk thành một nhà nước Hồi giáo kiểu khác, không giống kiểu cộng hòa Hồi giáo Iran, nhưng cũng không khác nhiều. Chắc chắn rồi, một điểm khác biệt lớn là Iran theo dòng Shiite còn ông Erdogan theo dòng Sunni.

Cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua tại Thổ đã thúc đẩy tiến trình này. Các sự kiện tại Iraq và Syria và cảm giác Iran đang chế ngự trong sự yếu đi của các nước Arab, đã thêm vào một loạt động lực cho chính sách đối ngoại Hồi giáo Sunni của ông Erdogan. Chính phủ Erdogan sẽ làm mọi cách để thỏa mãn ông Putin trong bối cảnh đặc biệt nguy hiểm này, nhưng họ sẽ không bao giờ rút quân khỏi Iraq hay Syria, bởi đó là một sự đảm bảo cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho các toan tính Hồi giáo Sunni, và nỗi sợ chủ nghĩa dân tộc người Kurd.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích khác nhau tại Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan là kẻ thù không đội trời chung của ông Assad, trong khi Nga là đồng minh của Tổng thống Syria. Erdogan có vấn đề lớn với khu người Kurd ở Syria, mà ông tin là được dùng làm căn cứ gây bất ổn tại biên giới Thổ. Ông Putin lại âm thầm ủng hộ người Kurd. Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ David Barchard nhận định không có giải pháp nào rõ ràng cho những khác biệt Nga – Thổ về Syria, trừ phi chia cắt đất nước này thành một “vùng của Nga” và một “vùng của Thổ”, như kiểu chia cắt Iran giữa Nga và Anh trước Chiến tranh thế giới I.

Ông Putin hiện vừa phải đương đầu với các thực tế phức tạp ở Trung Đông nói chung, vừa phải duy trì hình ảnh là kẻ mạnh trong cách ứng xử với Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách “đi đêm” với Iran, ông Putin nhanh chóng trở thành “cột thu lôi” đối với thế giới Sunni, không chỉ ở Trung Đông mà cả trong nước Nga, nơi đa số người Hồi giáo theo dòng Sunni. Ông sẽ có những bước đi nhằm tái khẳng định uy tín của nước Nga, nhưng là một người thực tế, ông cũng sẽ phải bắt đầu nghĩ về tình hình hậu Aleppo, có thể cả tình hình hậu Assad.

Và nếu một tiến trình đánh giá như vậy diễn ra, vai trò của Iran có thể đứng đầu lịch trình. Iran có thể được ông Putin sử dụng để đạt mục đích, và có thể đã đến lúc ông bắt đầu một sự thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành đối tác thời hậu Assad và đối tác cho một thỏa thuận lớn hơn ở Trung Đông, thỏa thuận sẽ loại trừ Iran và người Shiite.

Cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu.

Thảo Linh