Làm thế nào để không còn môn “thể thao chạy” đáng xấu hổ? Người viết bài không thể đưa ra giải pháp, khi mà căn bệnh thành tích của giáo dục “học để thi, học vì lợi ích người lớn” vẫn … vênh vang như hiện nay.

Xưa nay, học trò đi học được điểm 10 là nỗi mừng vui của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo. Nhưng giờ đây, trong cơn sóng của bệnh thành tích giáo dục, có không ít điểm 10 trở thành nỗi hoảng sợ, đến chóng mặt, trước hết là của các nhà giáo, như Phó Giáo sư Văn Như Cương- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, bày tỏ mới đây.

Từ bệnh thành tích... 

Mà hoảng sợ là phải, theo Phó Gs Văn Như Cương: Tôi hoảng vì quá nhiều hồ sơ được giải và điểm 10. Trong 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 06 của nhà trường, mùa tuyển sinh hai năm qua, có khoảng 1.000 hồ sơ được điểm 10 Toán, Văn từ lớp 01 đến lớp 05. Cứ 10 hồ sơ thì có 03 em được giải thưởng các loại (VietNamNet, ngày 26/5).

Trong khi trường chỉ tuyển sinh 600 em. Điều đáng nói, cũng theo Phó GS Văn Như Cương, Những năm trước học sinh đỗ qua kỳ thi tuyển sinh vào trường dù điểm học bạ cao, nhưng không quá nhiều điểm 10 hai môn suốt 05 năm như thế. Ngày xưa được 07 điểm môn Văn đã khó, hiếm hoi đặc biệt lắm cô giáo mới cho điểm 10. Môn Toán đạt điểm 09 cũng là mừng.

{keywords}
Phó Giáo sư Văn NHư Cương. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Vì sao vậy? Vì sao Phó GS Văn Như Cương không tin được dù đó là sự thật?

Trong giáo dục, có một khái niệm thuộc về nguyên lý- đó là giáo dục phải kiểm soát được quá trình giáo dục. Với khái niệm này, để bảo đảm chất lượng, ngành giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng phải bảo đảm 03 điều kiện căn cốt: 1) Chất lượng người thầy. 2) Chương trình, SGK có chất lượng, phù hợp cấp độ tuổi học. 3) Các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục- trong đó số học sinh/ lớp cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên thực tế, ngành giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học Hà Nội nói riêng có dám bảo đảm và… tự tin rằng mình kiểm soát được quá trình giáo dục?

Đó là một khi còn có hiện tượng học giả bằng thật ở các trường sư phạm. Một khi chương trình, SGK cũ đang phải được yêu cầu cải cách mới đáp ứng yêu cầu mục tiêu. Một khi không chỉ cơ sở vật chất, mà ngay số học sinh/ lớp, nhất là ở các trường nổi tiếng, có tên tuổi, thường vượt quá quy định- xấp xỉ 60 em (trong khi quy chuẩn là 45 em/ lớp)…v.v  và..v.v. Với học sinh tiểu học, sĩ số học sinh/ lớp rất quan trọng, vì nó đòi hỏi sự chăm sóc tận tình của giáo viên với mỗi em bé đang chập chững bước vào tuổi học làm người.

Đủ hiểu chất lượng giáo dục vẫn… thoát khỏi sự kiểm soát của giáo dục trong quá trình tổ chức hoạt động. Nhưng mặt khác, có một căn bệnh đã thành nan giải lâu nay, khiến giáo dục mất “thiêng” trong con mắt dư luận xã hội. Mà bản thân ngành giáo dục cũng chưa thể nào khống chế được. Đó là căn bệnh thành tích.

Có thể nói, căn bệnh thành tích đã chi phối và điều chỉnh cả chính lương tâm, trách nhiệm của không ít cơ sở giáo dục các địa phương, trường học, của chính ngành giáo dục. Căn bệnh đó lại “hợp duyên’ với tâm lý các bậc cha mẹ, tự lúc nào đã “hợp tác” một cách cố tình khi chính các ông bố bà mẹ cũng chuẩn bị, lo cho hồ sơ học tập, học bạ của con cái mình thật… đẹp, bằng điểm số.

Điểm số lại được quyết định bởi các giáo viên, những người cần cầm cân nảy mực lẽ ra phải công bằng, nhưng đang bị căn bệnh thành tích … chế ngự. Bằng tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp. Bằng những cái “danh hư” nhưng có sức mạnh thật để lên lương, lên chức trong màu cờ sắc áo…

Khi nước Việt bước vào kinh tế thị trường, trong xã hội cũng ồn ào, tranh cãi rất dữ khái niệm “thị trường giáo dục” có hay không, xung quanh chuyện dạy thêm học thêm, chuyện mua bằng bán cấp, trường tư trường công. Giờ khái niệm đó đã lắng xuống với thời gian, nhưng không thể phủ nhận một điều, các kiểu “chợ tạm” về giáo dục chưa bao giờ biến mất, mà nó ẩn hiện kiểu… âm dương, chỉ người mua và người bán biết với nhau.

Cũng không thể phủ nhận ngành giáo dục hết sức loay hoay chống đỡ và tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng, ngăn ngừa tiêu cực, đồng thời giảm tải cho học sinh tiểu học- lứa tuổi không chỉ cần học mà còn cần cả rèn luyện toàn diện sức khỏe thể chất và tâm hồn, nhân cách.

Chủ trương tuyển chọn học sinh vào cấp trung học cơ sở, thông qua xét hồ sơ, học bạ thay cho thi tuyển nằm trong tinh thần “giảm tải” thi cử đó của ngành.

Nhưng ngay lập tức, chủ trương này bị biến tướng một cách tinh khôn, thách thức lương tâm, nhân cách giáo viên- những người chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục- thật bỗng thành … ảo. Con số hơn 1000 hồ sơ điểm 10 về Toán, Văn từ lớp 01 đến lớp 05 mà Trường THPT Lương Thế Vinh nhận được liệu có phải mới là “phần nổi của tảng băng trôi” – một nguyên lý mà nhà văn Mỹ Hemingway nổi tiếng phát hiện và tổng kết- trong đời sống giáo dục hiện nay?
 
Từ bệnh thành tích đến thói gian dối, tiếc thay, chỉ cách nhau bằng một ngòi bút!
 
“Kiểu gì cũng chiều”!

Cái câu nói dân dã, mang chút bụi bụi của dân gian thời hiện đại, hóa ra phản chiếu rất sinh động và đáng buồn ở chính những hồ sơ xin tuyển chọn vào Trường THPT Lương Thế Vinh nổi tiếng. Đó là cứ 10 hồ sơ thì có 03 em được giải thưởng các loại, thi thể thao thể dục, thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng. Phó GS Văn Như Cương phải đặt câu hỏi: Không hiểu sao học sinh 02 năm qua lại được nhiều điểm tuyệt đối, nhiều giải thưởng ở các cuộc thi như vậy?

Điều này liệu có liên quan gì tới một chủ trương khác của nhà trường?

Đó là do có hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được 600, Trường THPT Lương Thế Vinh buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ? Vậy mà ngay lập tức, hai năm nay, cứ 10 hồ sơ dự tuyển, trong đó 03 trường hợp thí sinh đoạt các giải thưởng các loại.

{keywords}
Học sinh sau kỳ thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm 2014. Ảnh: Văn Chung/ VietNamNet

Rõ ràng, các bậc cha mẹ ngày nay ở đô thị khá có điều kiện nên đã quan tâm hơn tới chuyện học hành của con em. Nhưng quan tâm kiểu gì? Đây là một vấn đề rất đáng lưu í. Cũng VnExpress ngày 24/5, dưới đầu đề: Phụ huynh đua 'chạy' giải thưởng để con được vào trường top, bài báo viết:

Quá nửa học sinh trong lớp con tôi thuộc diện được cộng điểm. Có em đoạt giải thể thao, cháu thi liên môn, cháu có giải thi trên Internet... Nếu các cháu đoạt giải thực sự thì xứng đáng nhưng con tôi cho biết, có học sinh chẳng biết chơi cầu lông cũng được giải nhất môn này...". Một phụ huynh tên An (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ trong thư gửi tới VnExpress. 

Con trai của phụ huynh này, từ năm học lớp 08 đã "xúi bố tìm người quen mua giải cho con để được cộng thêm điểm khi thi vào lớp 10" bởi thấy bạn bè cũng làm như vậy. Qua tìm hiểu, được biết, để chạy mỗi giải này, phụ huynh phải mất 10-15 triệu đồng”.

Đó thực ra là kiểu quan tâm của … kim tiền.

Bằng đồng tiền của các ông bố bà mẹ, những đứa trẻ mới lớn, nhận thức còn non nớt và dại dột, có thể dễ dàng có một con đường ngắn đến cảnh cổng trường học mà cả gia đình họ trông đợi. Nhưng chắc chắn, con đường để con em họ trưởng thành nên người, có trí khôn và nhân cách sống, chắc chắn là con đường rất dài.

Bởi họ- vô tình đã bớt xén những đoạn liêm sỉ cần có ở một con người.

Làm thế nào để không còn những “chợ tạm giáo dục”, không còn môn “thể thao chạy” đáng xấu hổ kiểu đó? Người viết bài không thể đưa ra giải pháp, khi mà căn bệnh thành tích của giáo dục “học để thi, học vì lợi ích người lớn” vẫn … vênh vang như hiện nay.

Kỳ Duyên