“Bước đi khôn ngoan nhất để tạo ra đột phá cho ĐBSCL trước biến đổi khí hậu nên bắt đầu từ những ý tưởng trong Kế hoạch phát triển ĐBSCL năm 2013 mà Hà Lan giúp, đây cũng chính là kết luận của Thủ tướng tại hội thảo ở Cần Thơ mà ta gọi nó là “những giải pháp không hối tiếc” – TS Đặng Kim Sơn nhận định.

Thưa ông Đặng Kim Sơn, tại Cần Thơ vừa rồi, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta đã nhận diện đầy đủ các thách thức đang đeo bám vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Là người luôn theo sát nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong nhiều năm qua, theo ông, tới đây chúng ta nên có những bước đi như thế nào để giải cứu, để đưa ĐBSCL vượt qua các thách thức do biến đổi khí hậu?

Ông Đặng Kim Sơn: Lâu lắm rồi chúng ta mới có một cuộc thảo luận một cách nghiêm túc như cuộc họp tại Cần Thơ, tập trung đông đảo các tác nhân, cơ quan liên quan, các địa phương để cùng bàn về những cơ hội cũng như những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đương đầu trong thời gian tới, đồng thời cũng đề xuất những giải pháp khả thi. Tuy nhiên, cuộc họp này mới chỉ trao đổi thông tin và đề ra những ý tưởng chứ chưa phải là thống nhất về chiến lược hành động.

Thực trạng vùng ĐBSCL lâu nay chúng ta đều biết cả rồi, giải pháp của các Bộ ban ngành cho đến các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều, tuy nhiên tôi cho rằng bước đi khôn ngoan nhất hiện nay là nên bắt đầu từ chương trình phát triển ĐBSCL năm 2013 của Hà Lan giúp, và cũng chính là kết luận của Thủ tướng tại hội thảo ở Cần Thơ mà ta gọi nó là “những giải pháp không hối tiếc”.

Trong bối cảnh chúng ta phải đối phó với một tương lai bất định, có nhiều yếu tố mờ chưa biết được rõ nhưng những gì diễn ra ở ĐBSCL mà ta đã nhìn thấy thì đang gia tăng với tốc độ rất nhanh, qui mô và mức độ nguy hiểm lớn hơn so với ước đoán trước đây, chúng ta phải chọn những giải pháp ứng phó như thế nào, để mà sau này, dù là tình huống xấu nhất hay tốt nhất xảy ra, hay có xuất hiện thêm yếu tố mới, mất đi một số yếu tố hiện nay thì những giải pháp đưa ra cũng là tối ưu và không phải hối tiếc.

Chiều 26/9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát các khu vực bị ảnh hưởng và tác động bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Giải pháp “không hối tiếc” đó là những giải pháp đưa ra mà không dựa trên việc xây dựng các công trình đầu tư xây dựng cơ bản có qui mô lớn, có kết cấu cứng, đến mức làm thay đổi mạnh hiện trạng, cũng như làm biến động cảnh quan, biến động cân bằng tài nguyên môi trường, làm phức tạp thêm tình hình hoặc phát sinh những vấn đề mới, những tác động không lường trước được.

Thứ nữa, “giải pháp không hối tiếc” mang tính chất mở, nghĩa là sau này, khi cần thiết, tùy theo tình hình, có thể phát triển theo hướng này hay theo hướng kia mà không bị mâu thuẫn, không vướng vào “những sự đã rồi”, làm cho chúng ta mất khả năng điều chỉnh khi xuất hiện các diễn biến mới.

Thứ ba, “giải pháp không hối tiếc” là giải pháp huy động tối đa nguồn lực tổng hợp của tất cả các thành phần kinh tế, lấy chính từ nội lực và sức mạnh và lợi thế vùng ĐBSCL. Hạn chế cao nhất việc sử dụng sức mạnh đầu tư từ bên ngoài của nhà nước, từ viện trợ hoặc vốn vay để không phải chịu những gánh nợ lớn như nợ công và nợ quốc tế, hoặc đòi hỏi chi phí đầu tư quá tốn kém để duy trì và thay đổi.

ĐBSCL được nhận dạng là vùng sinh thái, vùng tiềm năng lớn nhưng hết sức nhạy cảm. Đây là vùng có nguồn nước từ hai chiều, nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong và nước biển do thủy triều. Nhưng mấy năm gần đây, ĐBSCL liên tục bị tổn thương nghiêm trọng do thiếu nước và phù sa?

Biến các tác động tương lai không thành nguy cơ mà thành lợi thế, nương theo qui luật tự nhiên. Giống như nguyên tắc trước đây là “sống chung với lũ” thì bây giờ mọi người nói là sống chung với nước ngập, nước biển dâng, khô hạn… Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Nguyễn Xuân Cường có nhấn mạnh rằng làm thế nào để coi những thách thức ấy trở thành cơ hội và thuận lợi. Ví dụ như ngập nước, ngập mặn là cơ hội để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, hạn hán cũng là cơ hội với những cây trồng vật nuôi cần điều kiện khô…

Bên cạnh đó, ta cũng cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp. Muốn thu hút doanh nghiệp vào đầu tư thì cần phải chỉ cho họ thấy lợi thế là gì, tạo ra cơ sở hạ tầng và chính sách thế nào để giúp những lợi thế đó thành cơ hội thực tế cho họ. Thêm nữa, ta cũng có thể huy động ngay bản thân người dân tạo sinh kế cho họ trong quá trình phát triển mới. Chẳng hạn như đánh bắt hải sản ở ngoài khơi trở nên khó khăn thì tập trung vào nuôi trồng thủy hải sản cả trên biển, ven bờ, trên bãi triều và trong bờ.

Đặc biệt, phát triển vững bền sản xuất nông nghiệp mở ra cơ hội rất tốt cho phát huy vai trò tự quản của cộng đồng cư dân nông thôn. Ví dụ,  muốn phát triển rừng phòng hộ ngập mặn thì có thể giao đất và rừng cho cộng đồng cư dân ven biển, tạo điều kiện cho họ được hưởng lợi từ việc săn bắt, nuôi trồng thủy hải sản gắn với tự nhiên, như vậy đối với họ tài nguyên thiên nhiên chung trở thành nguồn lợi cụ thể của địa phương, của gia đình, tạo nên động lực để họ chung sức bảo vệ môi trường, cho họ năng lực và quyền lực để tham gia quản lý tài nguyên.

Xét về dài hạn, mọi người nhắc nhau phải rất cẩn thận đối với những quyết định xây dựng những đại công trình mang tính chất “dời non lấp biển”. Xưa nay ta đã vấp phải nhiều thất bại kiểu này. Ví dụ việc xây dựng các trại bơm lớn ở ĐBSCL học theo các mô hình trạm bơm điện lớn ở miền Bắc, việc đóng các cửa cống để ngăn mặn đã gây ô nhiễm rất nghiêm trọng cho các vùng bị khóa kín, việc xây dựng đê bao ở thượng nguồn để ngăn lũ triệt để và làm lúa tăng vụ, rốt cục cản phù sa, cản việc đưa các giống thủy sản, gây ô nhiễm nặng nề… Những bài học này cần tránh trong tương lai.

Vì thế khi nghe ý kiến nói về các công trình lớn như ngăn lũ ở sông Cái Lớn, Cái Bé, xây dựng hệ thống cống suốt dọc các dòng chính của Sông Tiền, Sông Hậu, đào các hồ lớn lấy đất đắp nền xây dựng các đô thị, khu dân cư chính ở ĐBSCL,… tôi vẫn thấy phải nghiên cứu rất cẩn trọng và không rõ đấy có phải là những giải pháp “không hối tiếc” hay không?.

Ảnh: Trung Chính/TBKSTSG

Sau những thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc tại một hội nghị lớn như vậy, chốt lại, theo ông, tầm nhìn cả ngắn hạn và dài hạn cho việc phát triển ĐBSCL nên được xác định như thế nào cho mục tiêu kiến tạo?

Thứ nhất, vùng ĐBSCL là địa bàn sản xuất nông nghiệp vào loại tốt nhất trong nước và trên thế giới. Vì thế, tầm nhìn lâu dài là phải phát huy bằng được những lợi thế ấy. Hiện nay, ĐBSCL bị coi là vùng kinh tế yếu kém nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục và đóng góp rất ít cho ngân sách nhà nước. 13 tỉnh ở Châu thổ đóng góp có 4,5% ngân sách quốc gia và phải đợi Nhà nước phải bù cho chi phí hoạt động là tình trạng xấu hổ mà mô hình tăng trưởng kiểu cũ đẩy họ vào.

Thu nhập của mỗi gia đình ở vùng ĐBSCL thời gian vừa qua tăng trưởng rất chậm và nói chung có mức thu nhập rất thấp cả về kinh tế lẫn xã hội. Không ai có thể tưởng tượng được vùng ĐBSCL có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, có tỉ lệ thanh niên tự tử cao, có nạn bạo hành gia đình, có dòng chảy lao động ra ngoài vùng, có số phụ nữ kết hôn ở nước ngoài,… cao như thế.

Nói vậy để thấy mô hình phát triển kinh tế của nước ta lấy công nghiệp, lấy kinh tế đô thị làm đầu tàu kéo theo các ngành kinh tế khác thì hai vùng trọng điểm nông nghiệp có lợi thế nhất là Tây Nguyên và ĐBSCL muôn đời trở thành cái toa bị kéo cuối cùng. Nếu chúng ta nhìn lại, tổ chức ngược lại, theo định hướng đầu tư dựa trên lợi thế tự nhiên của Việt Nam là nông nghiệp thì đây sẽ là những vùng có khả năng phát triển vào loại nhất của cả nước mà nhiều quốc gia phải thèm muốn.

Ở Tây Nguyên, đã xuất hiện mô hình Lâm Đồng - Đà Lạt, khai thác lợi thế cảnh quan và tự nhiên theo hướng phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, đem lại tốc độ phát triển kinh tế mới cho địa phương và thu nhập rất cao cho cư dân nông thôn. Ở ĐBSCL đang bàn đến là chuyện thu hẹp lúa gạo chuyển sang các ngành có tiềm năng lớn như thủy sản hay trái cây nhưng ngay cả tiềm năng phát triển lúa gạo ở đây cũng còn rất lớn. Ở ĐBSCL có hàng ngàn hecta liên doanh với công ty nước ngoài sử dụng những giống lúa Japonica đạt hiệu quả tốt, chất lượng cao mà các nước Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều ưa chuộng.

Nói vậy để thấy việc đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu như cơ giới hóa, áp dụng qui trình canh tác thông minh từ giống mới đến sản xuất sạch, sử dụng phân thuốc thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước tưới, chế biến sâu nông sản và phụ phẩm, xây dựng thành thương hiệu đều là những việc có thể làm được để bán được giá lên gấp rưỡi, gấp đôi là hoàn toàn trong tầm tay. Từ đó, chúng ta có thể thu hẹp khối lượng xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn như bây giờ xuống còn khoảng 3-4 triệu tấn, giảm bớt sức ép lên môi trường, tiết kiệm nhiều tài nguyên nhưng vẫn thu được giá trị cao hơn.

Nói về thủy sản thì trong thời gian vừa qua, toàn bộ đầu tư thủy lợi là đầu tư cho lúa, hầu như chưa có hệ thống thủy lợi cho thủy sản. Hệ thống sản xuất rừng cũng mới lo rừng phòng hộ để bảo vệ môi trường chứ chưa gắn với sản xuất. Nếu kết hợp rừng với tôm để sản xuất tôm -rừng hữu cơ, hay thủy lợi kết hợp với lúa, tôm, cá để sản xuất thủy sản thâm canh thì năng suất hiệu quả của ngành thủy sản sẽ tăng lên gấp nhiều lần, tình trạng rủi ro dịch bệnh rút xuống rất thấp, rừng phát triển bảo vệ môi trường. Như thế thì ngân hàng hay tổ chức tài chính rất sẵn sàng đầu tư.

Nói về thủy sản, người nông dân hiện nay của chúng ta phải lang thang đánh bắt ngoài biển ngày càng xa, chịu bão gió, phiêu dạt sang các nước khác mắc những lỗi lầm đáng thương. Chúng ta cần tạo điều kiện cho họ  quay về chuyển sang nuôi trồng thủy sản, làm giàu trên vùng biển, trên mảnh đất của mình. Toàn bộ vùng biển ở Nam Bộ xung quanh ĐBSCL vô cùng màu mỡ, không có bão tố, không có động đất, sóng thần, rất nhiều thuận lợi để tổ chức nuôi trồng thủy sản trên biển. Tiềm năng ấy hiện còn để trống. Bên cạnh đó là tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên đất liền theo cả hai hướng: thâm canh, áp dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường sẽ rất phát triển trong điều kiện nước biển dâng hay biến đổi khí hậu.

Còn phải kể đến vùng “văn minh miệt vườn” ở giữa của đồng bằng. Sản phẩm về khía cạnh này có năng suất cao, giá trị gia tăng rất cao. Với khả năng trồng nhiều tầng, xen canh đa dạng, sản xuất quanh năm, kết hợp cả nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, hoạt động du lịch,… Chỉ tính riêng vùng “Miệt vườn” trù phú đã đủ sức nuôi nấng, tạo nên sự giàu có cho nông dân với mật độ dân số rất cao, sử dụng diện tích đất không lớn. Nếu kết hợp với công nghiệp chế biến và kinh tế phi nông nghiệp thì đây thực sự là khu vực kinh tế năng động nhất ở Châu thổ.

Tuy nhiên, tiềm năng dù to lớn đến đâu vẫn mãi chỉ là tiềm năng nếu không tháo gỡ được những nút thắt cơ bản để biến nó thành thực tế. Một trở ngại lớn nhất là hạn chế về hệ thống giao thông. ĐBSCL thiếu hẳn hệ thống đường cao tốc và đường sắt - vốn là mạch máu không thể thiếu được của một vùng kinh tế phát triển. Ngay cả đến giao thông thủy là thế mạnh của đồng bằng cũng chưa được đầu tư khai thác đúng mức, gần như toàn bộ nông sản hàng hóa muốn xuất khẩu đều phải chuyển qua thành phố Hồ Chí Minh mới đến được các cảng biển chính. Nội việc cải thiện hệ thống về giao thông đã cho phép giảm giá thành, tăng tốc độ, giảm được mất mát sau thu hoạch biết bao nhiêu.

Cơ hội thì lớn nhưng chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ khủng khiếp. ĐBSCL mới được dân tộc ta khai thác 300 năm nay, nhưng chưa bao giờ đứng trước nguy cơ hiển hiện về thay đổi diện mạo lãnh thổ đến như thế! Thật ra, đây không phải câu chuyện biến đổi khí hậu mà là việc sử dụng tài nguyên của chính con người. Lần đầu tiên tại hội nghị này, chúng ta nghe nói đến nguy cơ tan rã của Châu thổ, đến sự sụt lún nền Đồng bằng với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng, lần đầu tiên chúng ta nhận thấy một phần lớn đất mặt của đồng bằng có nguy cơ biến mất trong mấy chục năm tới ngay ở cuối thế kỷ này.

Trước nguy cơ địa hình lãnh thổ đất nước bị đe dọa một cách trực tiếp như vậy, chúng ta phải hành động để bảo vệ một cách kiên quyết. Nếu vấn đề là ở việc khai thác nước ngầm quá mức thì phải nghiêm ngặt quản lý tình trạng sử dụng và khai thác nước ngầm, phải tính đến giải pháp bổ sung lại nguồn nước ngầm một cách chủ động, phải xây dựng lại một hệ thống cảnh quan để tạo ra cơ chế bổ sung tái tạo nước ngầm một cách tự nhiên. Nếu nguyên nhân của vấn đề nằm ngoài biên giới nước ta, liên quan đến việc điều chuyển nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông thì chúng ta phải xây dựng một chiến lược ngoại giao hoàn chỉnh, phối hợp giữa nhà nước với nhân dân, giữa đánh đổi lợi ích kinh tế với đấu tranh chính trị để đấu tranh, đàm phán, trao đổi với các nước trên thượng nguồn.

Với những mục tiêu như ông vừa gợi ý thì cần phải có một lộ trình cụ thể ra sao?

Việc đầu tiên là của các nhà nghiên cứu. Phải nghiên cứu cẩn thận, tập trung vào những thách thức nổi bật, những vấn đề căn cơ nhất như vấn đề ngập mặn, vấn đề lún xuống của đồng bằng, vấn đề lấy nước ở thượng nguồn. Vấn đề không phải là nghiên cứu cái gì mà là tổ chức nghiên cứu như thế nào. Với cung cách nghiên cứu lỗi thời như hiện nay, đề tài được phân chia theo cấp hành chính (cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ quan…) do các Hội đồng phê duyệt rồi đút vào ngăn kéo thì sẽ nguy to.

Với tình trạng khẩn cấp hiện nay với những vấn đề mang tính sống còn của đất nước đang đặt ra chúng ta cần phải kiên quyết thay đổi cách làm trong nghiên cứu khoa học. Tốt nhất là chọn ra những vấn đề lớn, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu ở ĐBSCL, đặc biệt là phối hợp với các cơ quan nghiên cứu quốc tế có năng lực, lập ra các nhóm công tác phối hợp nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí có thể phối hợp với các cơ quan nghiên cứu của các nước trong vùng, các nước thượng nguồn, ven biển để làm rõ các vấn đề, rõ nguyên nhân, từ đó xây dựng nên giải pháp phù hợp cùng giải quyết vấn đề chung.

Thứ nữa, tại Hội nghị ở Cần Thơ, có nhiều ý kiến đề nghị và Thủ tướng đã kết luận là phải thành lập một tổ chức quản lí vùng, có thể tham khảo như kiểu cơ quan phát triển vùng ở Hà Lan. Một tổ chức như vậy sẽ cho phép huy động nội lực để tiến hành các hoạt động phát triển liên vùng. Các bộ ngành, các địa phương phải cử người vào, đại diện các tác nhân sản xuất kinh doanh chính phải cử người vào, đặc biệt là có các nhà khoa học có năng lực.

Dựa trên sự điều phối chung của tổ chức quản lý phát triển đồng bằng, cần hình thành sớm một trung tâm thông tin chung đặt ở Cần Thơ làm nhiệm vụ thông báo tình hình chung cho tất cả các địa phương và cả nước về tình hình diễn biến biến đổi khí hậu, thủy văn, và các vấn đề phát triển như xâm ngập mặn thế nào?, di cư ra làm sao?, giá cả nông sản thế nào?... để tất cả mọi người đang tham gia mọi hoạt đ6ọng phát triển vùng như hình thành vùng chuyên canh, xây dựng các chuỗi giá trị, đưa ra các quyết sách, quản lí quy hoạch chung,… biết đường mà phối hợp hành động.

Cuối cùng, dựa trên các kết quả nghiên cứu căn bản, trên giám sát thông tin, trên thống nhất ý trí và quan điểm, Nhà nước cần tiến hành xây dựng một Chương trình quy hoạch tổng thể về phát triển đồng bằng, hình thành chiến lược phát triển dài hạn có tính đến mọi tình hướng biến đổi khí hậu và phát triển. Nên tranh thủ kinh nghiệm quí báu của các chuyên gia quốc tế, nhất là Hà Lan trong hoạt động này.

Xin cám ơn ông Đặng Kim Sơn đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Thu Hà thực hiện

Giải bài toán khó cho Đồng bằng sông Cửu Long

Giải bài toán khó cho Đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch tích hợp phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long là căn cứ để điều phối và phân bổ nguồn lực cho phát triển.

Chính phủ quyết liệt giải cứu ĐBSCL

Chính phủ quyết liệt giải cứu ĐBSCL

“Chính phủ kiến tạo” sau gần hai năm vận hành đã đem lại rất nhiều chuyển biến mới. Việc Thủ tướng đích thân tham gia hội nghị “Diên Hồng” về phát triển ĐBSCL khiến nhiều người mong đợi những nỗ lực này sẽ sớm giải cứu vùng châu thổ này.

Kiến tạo và hành động cho tương lai Đồng bằng sông Cửu Long

Kiến tạo và hành động cho tương lai Đồng bằng sông Cửu Long

Do đặc thù nên việc đưa ra bất kỳ quy hoạch cho vùng ĐBSCL đều phải được đặt trong không gian phát triển tổng thể của lưu vực sông.

"Cứ quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm thì tiếp tục tan nát đồng bằng”

"Cứ quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm thì tiếp tục tan nát đồng bằng”

“Ở ĐBSCL phải thống nhất ở cấp lưu vực sông. Lấy nước và đất làm cơ sở, rồi từ đó xét các vấn đề hạ tầng kinh tế xã hội khác. Còn nếu cứ quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm thì tiếp tục tan nát đồng bằng".

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Các thách thức dự báo sẽ đến nhanh hơn đối với ĐBSCL. Chính phủ đã nhận rõ điều này và việc tìm giải pháp đã được thúc đẩy nhanh chưa từng có.