doan-nho
doan-nho

Có câu nói của một nhà văn thế giới khá nổi tiếng:
Mỗi con người dù bé nhỏ đến đâu, cũng đều mang một phần lịch sử.
Câu nói đó dường như rất linh nghiệm với nhạc sĩ Doãn Nho, một người lính- nhạc sĩ nổi tiếng của những ca khúc gắn với số phận lịch sử đất nước những năm tháng giông bão chiến tranh. Và làm nên tên tuổi chính ông.

inh năm 1933, quê ở làng Cót, xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Cầu Giấy- Hà Nội), định mệnh đưa Doãn Nho đến với âm nhạc rất sớm. Đó là năm mới lên 10, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa còn mải thả diều, đánh quay, ông đã được học violon- tiếp xúc với âm nhạc dân gian Bắc bộ, âm nhạc phương Tây.

Những nốt nhạc của cây đàn vĩ cầm thuở thiếu thời đã đưa tâm hồn Doãn Nho vào một thế giới của những giai điệu đông - tây, những nốt nhạc đầy xung động.

Nhưng những biến thiên, những thăng trầm ấm lạnh của thời cuộc cũng đã đưa Doãn Nho “vào đời” và binh nghiệp… âm nhạc rất sớm. Mới 12 tuổi, Doãn Nho tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc trong Mặt trân Việt Minh, tuyên truyền vận động trong thiếu nhi và phổ biến các bài hát cách mạng. 13 tuổi, Doãn Nho tham gia vào Đội tuyên truyền lưu động Bắc Giang rồi Đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên. 17 tuổi, trở thành một chàng lính trẻ của Trường Lục quân Việt Nam (khóa 06). Âm nhạc đã như một định mệnh, gắn với Doãn Nho hệt bóng với hình. Khi vào Trường lục quân, ông về Đội Văn công của trường, trở thành nhạc công đàn violon.

Cũng từ cái nôi âm nhạc đầu tiên này, những sáng tác đầu tay của Doãn Nho ra đời- Bà mẹ nuôi, Tiến lên theo gương La Văn Cầu... để rồi từ đó, âm nhạc vĩnh viễn “đóng dấu” vào chàng trai họ Doãn. Cho dù lúc về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (1954) với liên tục những sáng tác mang hơi thở của đời sống bộn bề gian khổ. Lúc “xuất ngoại” suốt 03 năm ở xứ người- theo đuổi nghiệp nghiên bút- có được điều kiện sống hiện đại hơn. Cuối cùng, tốt nghiệp Đại học Nhạc viện Kiev ngành sáng tác lý luận (1962-1964), và đạt học vị Tiến sĩ nghệ thuật học cũng tại ngôi trường này (1973-1980). Và lúc trở về nước, là đi ngay vào chiến trường Khu 04, Nam Lào, Quảng Trị đạn bom khói lửa.

Dường như ở cổng “vũ môn” nào, dù là trường học hay trường đời, dù là yên bình hay chiến tranh, dù là thơ mộng hay đầy khắc nghiệt, ông- cuối cùng, cũng vẫn vượt qua. Ở góc độ nào đó của số phận, đó vừa là bản lĩnh, nghị lực, vừa là có chút may mắn.

Có lẽ hiếm có người nhạc sĩ nào có một đời sống lẫn nghiệp âm nhạc sôi động và “3 trong 1” như ông. Vừa là đại tá quân đội, vừa sáng tác thanh nhạc, vừa sáng tác khí nhạc, đồng thời là một nhạc sĩ nghiên cứu- hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu vốn như chẳng dễ cùng hội cùng thuyền, vậy mà đều tồn tại trong ông, cho thấy một năng lực, một sở trường sáng tạo dồi dào. Có lẽ vì thế, gia tài âm nhạc của ông khá đồ sộ, phong phú các thể loại, nói như các nhà chuyên môn “định hình phong cách sáng tạo, và được công chúng rộng rãi biết đến.

Sự đa dạng và phong phú của các sáng tác không phải chỉ ở các đề tài, mà còn ở các thể loại sáng tác. Có thể thấy sự đa dạng và phong phú đó, trong “trích ngang lý lịch âm nhạc” của ông kèm theo là những thành công ông gặt hái: “Năm 1965, ca cảnh Lá đơn tình nguyện (kịch bản Kim Tiến, Quốc Bảo). Năm 1966 – Quả bom câm, Tây Nguyên mừng đón thơ Bác, Bài ca Kpakơlơn, Tây Nguyên chiến thắng. Năm 1971: Năm anh em trên một chiếc xe tăng (thơ Hữu Thỉnh). Năm 1972 – Người con gái sông La, Bài ca dân quân tự vệ Thủ đô (lời Xuân Thiêm, Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc năm 1972), Thần tốc, Mùa xuân (Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc năm 1985).

Không chỉ các ca khúc, ông còn viết nhạc cho kịch nói, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, thanh xướng kịch Trẩy hội đền Hùng (Giải Nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1995), một số tác phẩm khí nhạc, Giao hưởng số 01 Tháng Tám lịch sử (Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc năm 1985), Thơ giao hưởng số 02 Thánh Gióng (1984), Khúc tưởng niệm cho giọng soprano và dàn nhạc (Giải thưởng Bộ Văn hóa – Thông tin), Concertino cung la thứ cho violon và dàn nhạc. Rồi nhạc cho vở balê Một thời và mãi mãi. Ông còn viết nhạc cho kịch, kịch múa…Và cả những tiểu luận về âm nhạc….

Quả là một sức lao động say mê, bền bỉ, tận tụy và sáng tạo dồi dào, đáng nể.

Trong gia tài âm nhạc và nghiên cứu của ông, đỉnh cao của nó vẫn là những ca khúc “đi cùng năm tháng”, mà ngay người viết bài này cũng rất yêu thích: Tiến bước dưới quân kỳ, Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng… Cho dù, thị trường và thị hiếu âm nhạc của người Việt giờ đây đã đa dạng, phong phú, hiện đại hơn rất nhiều. Nhưng những ca khúc mang khí phách, hồn cốt một dân tộc, hay thấm đẫm tình yêu người, yêu đất nước đó đã làm nên tên tuổi một Doãn Nho rất riêng, không trộn lẫn, giữa một làng nhạc sĩ Việt già trẻ, nam nữ với đủ các dòng sáng tác mang phong cách rất khác nhau- cổ điển, đương đại…

Đấy chính là Doãn Nho.

Cũng hiếm có một nhạc sĩ nào mà đời sáng tác đã mang đến cho ông những kỷ niệm trân quý. Đó là cuộc gặp gỡ hiếm hoi, thú vị và xúc động giữa ông với nhân vật La Thị Tám- người con gái đếm bom ở Ngã ba Đồng Lộc, bên dòng sông La, làm nên sự mượt mà, sự nuột nà, làm nên sức sống và sự thi vị của ca khúc “Người con gái sông La” (thơ của Phương Thúy). Ca khúc một thời lay động tuổi trẻ dấn thân cho độc lập, tự do của đất nước.

Người con gái năm xưa tuổi mới 18 đôi mươi đầy sức sống: Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp lên cái chết dáng em hiên ngang. Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam...", lần đầu tiên nghe ca khúc hát về chính mình đã rơi nước mắt, nay đã là người phụ nữ từng trải ngoài 50. Cả tác giả lẫn nhân vật chính của ca khúc nói với nhau những gì, không ai biết. Khi nghe chính ông, tác giả ca khúc hát cho mình nghe về tuổi thanh xuân hồn nhiên và quả cảm đó, người đàn bà La Thị Tám nghĩ gì về quá khứ? Cũng không ai biết.

Chỉ biết, đất nước khổ đau và can trường này đã cho ông những cảm xúc sâu nặng và sáng tạo tràn đầy của một người nhạc sĩ- người lính. Đến lượt ông, ông đem đến cho đời những cung bậc của tâm hồn và ý thức sống trước vận mệnh đất nước, phải ra sao.

Và điều kỳ lạ nhất với Doãn Nho, ở tuổi 80 xưa nay hiếm, những ca khúc của ông vẫn trở thành cây cầu nối ông với ca sĩ thế hệ trẻ, một lần nữa mang đến cho ông niềm vui bất tận lẫn sự thành công ngoài mong đợi. Đó là ca khúc Chiếc khăn piêu của ông có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, đã được ca sĩ Tùng Dương bằng tài năng độc đáo, bằng cái chất “phiêu” rất riêng của mình, đã tái tạo, hóa thân, làm mới một Chiếc khăn piêu xưa cũ có thể hòa được nhịp sống đương đại hôm nay, được khán thỉnh giả vô cùng yêu thích, đón nhận.

Chiếc khăn piêu dưới giọng ca đặc biệt và đặc sắc của Tùng Dương đã giật giải Bài hát yêu thích, trở thành hiện tượng của năm 2012. Trước đó, Năm anh em trên một chiếc xe tăng của ông cũng đã từng làm nên “hiện tượng nhóm hát 1088”.

Người ca sĩ biết “phiêu” với ca khúc của người nhạc sĩ, tạo nên âm hưởng lạ lùng, đem đến cho khán thính giả sự cảm thụ âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn vô cùng thẩm mỹ.

Còn ông, người nhạc sĩ đã “phiêu” với hành trình gian khổ của một dân tộc, đem đến cho đời những ca khúc cộng hưởng đầy sức sống, và gặt hoa trái của mồ hôi lao động cùng tài năng.

Một sự “phiêu” đầy thăng trầm mà cuối cùng, vẫn ngọt lành hạnh phúc