Tôi may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Khi đó tôi là phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã. Có những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần.

LTS: Sau 39 năm ấp ủ, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà vănTrần Mai Hạnh đã tạo tiếng vang lớn, về cả giá trị văn học và lịch sử. Với khối tư liệu đồ sộ quý hiếm, cuốn sách trải ra trước mắt độc giả những thời khắc cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hoà một cách chi tiết, sống động.

Cuốn sách đã giành được “Giải thưởng Văn học năm 2014” của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, và mới đây, Phiên bản tiếng Anh của tác phẩm đã ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước. Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện với nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh xung quanh cuốn sách thú vị này.

Cơ duyên nào đã khiến ông viết được cuốn sách này?

Ông Trần Mai Hạnh: Có thể nói, cuốn sách này là một món quà mà số phận dành cho tôi, hoặc đã lựa chọn tôi mà tìm tới. Bắt đầu được thai nghén từ chính thời khắc lịch sử, chuân chuyên đúng 39 năm, cuốn sách mới được ra đời.

{keywords}
Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Khi đó tôi là phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX). Sau khi viết bài tường thuật điện về căn cứ Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đóng trên rừng Tây Ninh và Tổng xã VNTTX ở Hà Nội, tối 30-4-1975, trên chiếc com-măng-ca cắm cờ giải phóng tôi đi khắp Sài Gòn, say sưa ngắm nhìn “Hòn ngọc Viễn Đông” lộng lẫy trong đêm đầu tiên trở về trong lòng dân tộc.

Khi về tới trụ sở Việt tấn xã (hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) thì đêm đã khuya. Tôi ngủ thiếp đi. Khi choàng tỉnh, giây phút đầu tiên tôi choáng váng trước anh điện sáng trưng và không hiểu điều gì đã xảy ra. Thế rồi tôi định thần lại và chợt hiểu: Thống nhất rồi, bài tường thuật tôi viết cũng đã điện được về Tổng xã rồi.

Tôi bước ra sân, Dinh Độc Lập ngay trước mặt, cả bốn tầng lầu rực sáng ánh điện. Những quả pháo hiệu liên tục được bắn lên bầu trời như pháo hoa mừng chiến thắng khiến khung cảnh càng trở nên rực rỡ, lung linh.

Thành phố đã bước sang ngưỡng cửa ngày 1-5. Những sự kiện lịch sử trưa 30-4 vừa diễn ra tại Dinh Độc Lập phút chốc đã trở thành quá khứ, và sẽ ngày một lùi xa trong lớp bụi thời gian. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Tự dưng tôi bật ra ý tưởng phục dựng lại những giờ phút đó, phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) bằng những tài liệu nguyên bản tuyệt mật, những bức điện chỉ huy tác chiến, những bản văn tin cậy của chính phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ). Đó là căn nguyên khởi đầu của cuốn sách này.

Khi đó tôi còn trẻ, mới 32 tuổi và trong men say chiến thắng mới liều lĩnh quyết định một việc tày trời như vậy. Vì truy tìm tập hợp tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến những tháng ngày cuối cùng của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) rồi hóa thân phục dựng lại trung thực sự sụp đổ của cả một chế độ, cả một thể chế dường như là điều không tưởng.

Thực ra tôi đã đặt ra cho mình một con đường không biết bao giờ mới tới đích. Nhưng tôi rất thích câu nói của sếp tôi hồi đó, ông Đào Tùng, Tổng biên tập VNTTX: “Đời chỉ mở cửa cho thằng liều”. Chính ông Đào Tùng là người đầu tiên ủng hộ, khuyến khích tôi thực hiện cuốn sách này.

{keywords}
Ông Trần Mai Hạnh cùng đồng nghiệp trên đường vào Sài Gòn (thứ nhất từ bên phải). Ảnh do nhân vật cung cấp

Làm thế nào ông thu thập được một khối lượng tài liệu đồ sộ với nhiều tài liệu nguyên bản tuyệt mật quý giá đó?

Như đã nói, ngay từ những ngày đầu Sài Gòn giải phóng tôi đã lập tức bắt tay ngay vào việc truy tìm, tập hợp tài liệu, tư liệu. Tôi được cử đi trong đoàn công tác đặc biệt của VNTTX do đích thân Tổng biên tập Đào Tùng dẫn đầu.

Những ngày đầu tiên khi đất nước thống nhất, TBT Đào Tùng vừa là cố vấn cho Ban lãnh đạo TTXGP, đồng thời là Trợ lý cao cấp cho Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và trực tiếp chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn. Tôi may mắn được tháp tùng ông trong hàng loạt các cuộc hội họp tiếp xúc với đủ các ngành, giới, với Ủy ban Quân quản, với các cơ quan trong và ngoài quân đội.

Với Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định cấp cho tôi ngay trong ngày 1-5-1975 , với thẻ nhà báo là phóng viên của VNTTX, và đặc biệt với tờ báo Nhân Dân số ra ngày 2-5-1975 có đăng bài tường thuật “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” ghi rõ tên tôi là tác giả, tôi dễ dàng tiếp xúc, tạo được niềm tin với các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội trong việc tiếp cận, khai thác những tài liệu quý giá phục vụ việc xây dựng cuốn sách của mình

Và nhiều cơ duyên kỳ lạ khác, cứ như sự sắp xếp của cuộc sống, của số phận.

Vợ tôi là giáo viên dạy văn của một trường cấp 3 tại Hà Nội, trong lớp có một học sinh thông minh nhưng nghịch ngơm tới mức cá biệt. Bố cậu ta có lần phải đến nhà cô giao để trao đổi về chuyện học tập của con mình. Ông là một sỹ quan cao cấp trong quân đội, là người trực tiếp hỏi cung các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn bị ta bắt tại trận hoặc không di tản, sau giải phóng ra trình diện cách mạng và đi học tập tập trung trong các trại cải tạo. Ông cũng viết văn và có mấy đầu sách đã xuất bản.

Ông với tôi nhanh chóng gặp nhau và dự định cùng viết chung một tác phẩm, lấy tên là “Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ngày cuối chiến tranh”. Đang trong giai đoạn lên đề cương và tập hợp tư liệu thì một tai họa nghề nghiệp ập đến, tôi không may vướng vòng lao lý, mọi việc đành gác lại.

Rồi một ngày khi tôi trở về, ông đến gặp tôi. Tôi bất ngờ trước dáng vẻ gầy ốm tiều tuỵ của ông. Ông nói với tôi: “Tôi từng muốn cùng anh xây dựng chung một cuốn sách. Nhưng không may bệnh tôi quá hiểm nghèo, không còn sống được bao lâu nữa. Tôi xin tặng lại toàn bộ lời khai, những bản tường trình của tướng lĩnh quân đội Sài Gòn mà tôi có được. Tôi đã nghĩ rất nhiều. Tặng lại anh những tài liệu này thì nó có cơ hội đến được với bạn đọc và có ích cho mai sau!” Từ rất nhiều nguồn, nhiều cơ duyên và cơ hội tôi đã có được bộ hồ sơ tư liệu đồ sộ, quý giá đến thế!

Trong đó có bản tường trình dài cả trăm trang của Đại tá Phạm Bá Hoa, Tham mưu trưởng Tổng cục tiếp vận ghi lại diễn biến chi tiết những ngày cuối cùng ở Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Ở trong trại cải tạo, không một tài liệu nào trong tay, bằng trí nhớ đáng kinh ngạc, đại tá Phạm Bá Hoa đã ghi lại đầy đủ các số liệu và diễn biến các tình huống, sự việc tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn những ngày cuối cùng. Tường trình của đại tá Phạm Bá Hoa đã giúp tôi xây dựng thành công chương cuối cùng “Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân dội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa”.

Trước đó, năm 1981, khi gia đình tôi còn sống ở tập thể TTXVN. Một trận hoả hoạn kinh hoàng xảy ra do hàng xóm dùng xăng bất cẩn. Căn hộ cấp 4 của tôi cháy sạch. Tài liệu tôi thu thập được sau bao năm tháng bỗng ra tro. Tôi cay đắng, ứa nước mắt, và rồi lại cặm cụi thu thập lại tài liệu từ đầu!

{keywords}
Ông Trần Mai Hạnh đứng trước Dinh Độc lập sau sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Khi đặt bút viết cuốn sách, ông đặt mình ở vị trí nào: một nhà nghiên cứu, một nhà báo, một người quan sát, hay nhân chứng lịch sử?

Tôi chẳng xác định gì cả, chỉ đơn giản nghĩ mình là một phóng viên, mình may mắn được sống, được chứng kiến những sự kiện lịch sử, mình phải có trách nhiệm với lịch sử. Mình có cơ may và cơ duyên được tiếp xúc và sở hữu những tài liệu quý giá của lịch sử thì mình cần phải viết ra. Thế thôi!

Nhưng “Đời chỉ mở cửa cho thằng liều”. Vậy cánh cửa mở ra như thế nào khiến ông quyết định phục dựng lại lịch sử bằng chính tài liệu của “phía bên kia”, nhìn từ phía bên kia?

Nếu viết từ phía chúng ta, những người chiến thắng thì đã có rất nhiều người viết và đã có rất nhiều tài liệu văn bản đầy đủ, chính xác, rành mạch. Nhưng từ phía bên kia, cả một thể chế vừa sụp đổ. Những quyết sách nào, những bức điện nào, nhưng văn bản, những mệnh lệnh chỉ huy cuộc chiếnnào của phía bên kia.

Không tập hợp ngay thì tài liệu sẽ thất tán, đến lúc có muốn cũng không tập hợp được nữa. Tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, người thì chết trận, người bị bắt, người ra trình diện, người chạy ra nước ngoài... Nếu tôi phục dựng thành công những giờ phút sụp đổ cuối cùng của phía bên kia, bằng chính những tài liệu gốc, tuyệt mật của họ sẽ giúp người đọc  hình dung được trong khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh những người phía bên kia đã trải qua điều gì, suy nghĩ hành động như thế nào, tiến hành cuộc chiến thế nào để dẫn đến sụp đổ hoàn toàn.

Và điều quan trọng nhất làm nên giá trị cuốn sách, là từ góc độ đã chọn nhìn từ phía bên kia, giúp tôi có cơ hội và điều kiện để đi đến tận cùng sự thật. Sự thật là cốt lõi của lịch sử. Sự thật là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Chính sự thật sẽ làm nên tính khách quan, thuyết phục và tính nhân văn của tác phẩm...

Còn nữa

Hoàng Hường thực hiện