LTS: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương vừa từ trần ở tuổi 80. Ông được biết đến là người mà CIA không thể mua chuộc, với 6 lần cưa chân. Tuần Việt Nam trích đăng lại loạt bài viết về ông cách đây hơn 10 năm, như một nén nhang tưởng nhớ người anh hùng được nhiều người cảm phục...

Thời điểm tháng 2/1969, do tình hình khó khăn, khối giao liên giữa 2 cụm điệp báo A36 và H.63 nhập lại thành một. Câu chuyện này viết về một giao liên tình báo: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tá Nguyễn Văn Thương, người mà CIA đã không thể mua chuộc, chấp nhận để kẻ thù 6 lần cắt chân nhằm tìm kiếm những lời khai của ông về hệ thống giao liên bí mật của H.63, lẫn những bí mật của hệ thống giao liên Phòng tình báo Miền (J22), mà ông đang giữ.

Từng có nhiều cuốn sách viết về ông. Tác giả Mã Thiện Đồng đặt tựa cuốn sách mang tính hồi ký là "Người bị CIA cưa chân 6 lần", còn tác giả Trần Đồng Minh viết về ông với hình ảnh "Hoa Đước đỏ".

Người đàn ông mỗi lần xuất hiện luôn gắn liền với chiếc xe lăn, bộ quân phục trắng đeo quân hàm Thiếu tá, hai chân bị cắt cụt tận thân người. Ông được biết tới với cái tên đã nổi tiếng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương. Còn những đồng đội của ông, và cả những người thuộc thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, đều yêu quý gọi ông bằng cái tên rất gần gũi: Chú Hai Thương.

Cuộc gặp trong nước mắt

Tình báo viên Hai Thương, người khiến cả CIA lẫn Trung ương tình báo VNCH ngả mũ chào thua, sau 6 lần cắt tận gốc đôi chân ông nhằm tìm kiếm những lời khai của ông về hệ thống giao liên bí mật của H.63 Giữa năm 1969, tại trại giam tù binh Hố Nai. Bụi mù mịt. Những hàng rào dây kẽm gai chằng chịt. Phía ngoài là lố nhố bóng đàn bà, trẻ con. Phía trong là những thân hình tù binh bị đánh đập đến nát bét, giam cầm đến tàn tạ. Một cuộc thăm tù, ngăn cách bởi đám lính ôm súng mặt hằm hằm và hàng rào kẽm gai dày mấy lớp sắc nhọn.

 

{keywords}
Tình báo viên Hai Thương, người khiến cả CIA lẫn Trung ương tình báo VNCH ngả mũ chào thua, sau 6 lần cắt tận gốc đôi chân ông nhằm tìm kiếm những lời khai của ông về hệ thống giao liên bí mật của H.63


Một thân hình người lê lết bằng hai cánh tay gầy gộc lăn trên nền đất đầy sỏi. Hai chân bị cắt cụt ngủn, anh đang cố với những bước tay thật nhanh ra phía hàng rào kẽm gai. Đất cát nhem nhuốc cả gương mặt, cả thân hình người đang bò như lăn lông lốc. Một tù nhân khác thấy vậy, chạy ào ra, cõng anh lên vai, để anh có được tầm cao nhìn cho rõ.

Cánh tay vẫy cao với tiếng gào to khi thấy người phụ nữ nhỏ thó đang đứng ngoài hàng rào, còn đứa bé trai thì cố luồn qua hàng rào thép gai dày đặc, chui qua chân lính gác để vào sân tù. "Liêm ơi, ba nè con. Tư ơi, anh đây nè...", tiếng gọi của người cha, người chồng nghe đến xé lòng giữa âm thanh ồn ào thăm nuôi.

Thằng bé vừa chui lọt vào, bị ngay một thằng lính nắm lấy đầu, lôi xềnh xệch vứt ra ngoài hàng rào. Bàn tay người cha chỉ còn kịp giữ miếng phô mai đầu bò có in đều hàm răng trẻ con cắn nhẹ lưu dấu theo lời má nó, để chuyển cho ba.

Cả trại giam ngước nhìn. Người tù lành vội cõng người tù cụt chân quay lui. Nước mắt chảy ướt khuôn mặt nhem nhuốc của người tù tàn tật có cái hồ sơ ngắn ngủn vài dòng lý lịch mang tên Nguyễn Trường Hận. Hình ảnh người vợ ôm chặt đứa con nhỏ nhoi đứng giữa đám bụi mù bên ngoài hàng rào dây kẽm gai vẫn mãi mãi in hằn trong trí nhớ của ông.

Trước đó vài tháng, khi rời nhà, chồng Tư Em vẫn còn kịp cười rất tươi với vợ, rít vội điếu thuốc thơm trước khi nhanh chân chìm mình vào đêm. Mấy tháng sau gặp lại, người chồng mà cô rất mực kính phục, vốn cao 1,7m, đang lê lết trên sân trại tù.

38 năm sau, giữa ngày hè nóng nực ở TP.HCM tháng 4/2007, khi kể lại chuyện này, vị Thiếu tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương lại không cầm được nước mắt.

Thời điểm đó, ông đã khiến cả CIA lẫn Trung ương tình báo VNCH ngả mũ chào thua, sau 6 lần cắt tận gốc đôi chân ông, đóng hồ sơ với vài dòng ngắn ngủn: "Họ tên: Nguyễn Trường Hận. Cha: Nguyễn Văn Lửa. Mẹ: Lê Thị Đào. Nghề nghiệp: Thanh niên trốn lính. Hết".

Trận đánh không cân sức

…3h15’ chiều ngày 11/2/1969, một ngày không thể quên trong cuộc đời Hai Thương. Chàng thanh niên đang băng vội qua cánh đồng ấp 9 Bình Phước, chỉ cần vài bước nữa vượt qua sông Thị Tính là có thể an toàn về tới căn cứ. Địch bố ráp khám xét, anh lẫn vào dân đi ruộng, như thường ngày.

Chợt một chiếc cá rô (loại máy bay trực thăng nhỏ trinh sát) từ phía sau lưng bay vòng lên, tiếng một thằng chiêu hồi quát át tiếng cánh quạt: "Tư Hiếu, anh dừng lại". Đúng bí danh mình, Hai Thương chậm bước về hướng chiếc trực thăng đang sà xuống rất thấp để nhận mặt. Khoảnh khắc tính toán chỉ vẻn vẹn vài giây khi Thương nhận thấy thằng chiêu hồi có khuôn mặt quen quen.

Lập tức, khẩu K54 vốn đã được Hai Thương dũa thêm 1 rích tăng khả năng tác xạ vẩy luôn 2 phát, trong tầm bắn chỉ 15 thước, đang thả dây. Một phát vào thẳng tên chiêu hồi, phát thứ 2 vào tên Mỹ ngồi cạnh. Cả 2 đổ sập. Còn mấy phát đạn cuối cùng trong ổ, Thương ngắm luôn vào đường dây điện dẫn từ buồng máy ra đuôi, bóp cò liên hồi. Chiếc cá rô bay ngược lên, hướng về Lai Khê, khói bốc theo đuôi. Nhưng loạt đạn bắn trả từ phía địch cũng kịp ghim trúng bắp chân của Thương một phát.

Chỉ kịp ga rô cầm máu, Hai Thương chạy zích zắc theo chân ruộng. Theo quy ước, anh nhanh chóng giấu trọn tài liệu mang theo, cùng với chiếc ví có tiền và giấy tờ tuỳ thân, trước khi ẩn mình vào bờ đất làm công sự. Chỉ một phút sau, trực thăng bay hàng đàn đổ quân xuống cánh đồng ấp 9, quyết bắt bằng được kẻ vừa được nhận diện.

72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 sư 5 lính VNCH đổ quân lúc nhúc vây kín cánh đồng bọc vòng ngoài, thêm lính Mỹ vòng trong. Trong người Hai Thương chỉ còn 1 băng đạn đủ và 15 viên đạn rời, chỉ kịp nạp đầy băng đạn rồi nằm im... chờ đợi.

Từng bước thận trọng, lính Mỹ bò sát vào nơi Thương nấp. Mỗi phát là một tên lính Mỹ đổ sập, tổng cộng Thương có 21 viên đạn. Lính Mỹ kêu la ầm trời, xối đạn AR15 cày tung nơi Thương nấp, kéo xác nhau ra ngoài. 19 viên đạn là 19 lính Mỹ. Đến viên thứ 20, Thương nhớ lời anh em bộ đội sau chiến dịch Đồng Xoài kể: "bắn Mỹ chết thì không sao, rồi nó dồn vào bao ni-lông là xong. Nhưng bắn nó bị thương thì nó ớn lắm".

Viên thứ 20, Thương quyết định không bắn hạ ngay mà ngắm thẳng vào bụng tên lính to cao đang tới gần, bóp cò. Trúng đạn nhưng chỉ bị thương, tên lính Mỹ gào rú vang trời, khiến bước tiến của quân Mỹ chậm lại hẳn. Cả một toán lính vừa bắn yểm trợ, vừa thận trọng bò vào lôi tên bị thương ra.

Còn 1 viên cuối cùng, Thương tính dành cho mình. Tuy nhiên, sực nhớ trong quân đội có điều lệnh "không được quyền tự sát", Thương chờ tên lính cuối cùng vào sát mình. Viên cuối này dành cho nó, rồi nhận đủ cả băng đạn của nó vào mình, thì coi như cả hai cùng chết.

"Thằng Mỹ cao trung bình trên 1,75m. Nó là lính chuyên nghiệp, nên tay luôn để sẵn trên cò. Chỉ cần vừa tầm súng nó hướng vào mình, mình bắn nó, kiểu gì mình cũng dính đạn", Hai Thương kể lại.

Trong giây phút một mất một còn đó, Hai Thương vẫn bình tĩnh chờ. Còn 4 thước, tên lính tiếp theo tiến vào. Chưa đủ tầm. Chờ 3 thước, rồi thêm 2 bước nữa, Thương lách qua bên, nhắm thẳng tên Mỹ vẩy viên đạn cuối cùng. Loạt đạn từ khẩu AR15 bay vòng lên quá đầu Thương, do khoảng cách rất gần. Cái bóng khềnh khàng đổ sập, khẩu AR15 văng ra ngay gần mép công sự một sải tay. Nhân lúc Mỹ kéo xác ra, Thương với tay giật được.

Không có kinh nghiệm về súng Mỹ, chỉ sau 2 lần siết cò, cả băng đạn còn đầy trong khẩu súng vừa cướp được đã bay trọn. Thương nhìn đồng hồ, đã là 6 giờ kém 5. Hết đạn, Thương tháo rời khẩu K54, vứt mỗi nơi một bộ phận, rồi nằm chờ đợi những viên đạn thù hận. Một mình, suốt 170 phút, anh chống cự cả tiểu đoàn địch chỉ với 21 viên đạn, bắn rơi 1 máy bay, 21 tên địch chết và bị thương, nghĩa là vượt tiêu chuẩn "dũng sỹ diệt Mỹ" 7 lần.

"Tôi nhớ buổi chiều đó hoàng hôn đẹp lắm. Bóng chiều xuống đỏ rực cánh đồng ấp 9 Bình Phước. Tháng 2 ngày mùa, đất mới cày, còn thơm ngai ngái...", Hai Thương hồi tưởng những giây phút cuối cùng trong trận chiến.

Vài phút yên ắng, tưởng Mỹ rút quân đúng giờ, Hai Thương nhô lên thì thấy địch lúi húi đeo mặt nạ. Sau đó, anh ngất đi vì bị đánh thuốc mê. Văng vẳng bên tai, anh còn nghe tiếng súng AK của du kích địa phương gần đó bắn chia lửa với mình.

Mãi về sau, lúc trở về đoàn tụ trong đoàn quân chiến thắng, Hai Thương mới biết: 2 bản tài liệu ngày đó anh bảo vệ chính là tài liệu của 2 người anh hùng tình báo Việt Nam: Ba Quốc (Thiếu tướng Đặng Trần Đức) và Hai Trung (Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn).

Bản danh sách 36 điệp viên

Năm 1968, Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân giáng cho địch đòn đau, khiến Mỹ xuống thang chiến tranh, Tổng thống Mỹ Giôn –xơn phải tuyên bố không tiếp tục ứng cử.

Sài Gòn rúng động sau cú tấn công bất ngờ, khiến sau Mậu Thân, Mỹ - VNCH tăng cường kiểm soát nội đô và ngoại vi Sài Gòn, bắt bớ nhằm tìm diệt các lực lượng du kích nằm sát thành đô lẫn các lưới điệp báo của Hà Nội đang giăng đường dây chằng chịt từ Sài Gòn ra tới vùng chiến khu.

Thời điểm tháng 2/1969, do tình hình khó khăn, khối giao liên giữa 2 cụm điệp báo A36 và H.63 nhập lại thành một. Hai Thương vốn là giao liên đường ngắn của A36, do ông Ba Hội chỉ huy, đang được rút về cứ, chuẩn bị ra Bắc học.

Nguyễn Văn Thương vốn là cán bộ giao thông đường ngắn, phụ trách các hộp thư và giao thông đi ngã đường 13, có một đầu mối trong ấp chiến lược xã Mỹ Phước (Nam thị trấn Bến Cát). Trong một thời gian dài, Hai Thương đã lội khắp khu vực tuyến trung gian này từ Suối Sâu (Trảng Bàng) đến Phú Hoà Đông, Bình Mỹ (Củ Chi), các xã Nam Bến Cát, dọc Quốc lộ 13... dọc ngang nhận tài liệu từ nội đô mang ra hộp thư vùng ven đem về căn cứ. 

Thậm chí, cuối năm 1968, khi trên đường liên lạc về đến Thanh An, gặp địch bố ráp ven đường, Hai Thương dùng AK tuỳ thân bắn rơi luôn trực thăng Mỹ.

Sự dũng cảm trong chiến đấu và am hiểu địa bàn của một cán bộ giao thông tình báo lâu năm khiến Hai Thương là người được chọn trong chuyến liên lạc đặc biệt quan trọng tháng 2/1969 đó. Ngày 9/2, khi Hai Thương vừa đặt chân về đến Phòng, chuẩn bị chờ xe ra miền Bắc học thì nhận được điện báo từ xa "Tình hình rất khó khăn. Đề nghị các anh cử đồng chí Thương xuống giúp chúng tôi thêm một chuyến công tác nữa".

Mặc dù có quyền từ chối, nhưng trách nhiệm của một người lính đã khiến Hai Thương tự nguyện "xin phép các anh cho tôi xuống làm thêm một hai chuyến công tác nữa. Bàn giao xong tôi lên liền”.

3 giờ sáng ngày 10/2/69, Hai Thương xuống tới điểm giao nhận tài liệu từ hộp thư. Mãi về sau, khi trở về cùng đoàn Chiến thắng từ ngục tù Phú Quốc, nơi ngày nay đang được xem là thiên đường du lịch, ông mới biết hai bản tài liệu ngày đó ông giữ đều là của những điệp viên siêu hạng trong ngành: Bản danh sách 36 điệp viên được CIA và Phủ đặc uỷ Trung ương tình báo VNCH cài cắm ở miền Bắc do điệp viên có bí số 3.Q và bản tài liệu Đông Dương hoá chiến tranh của điệp viên 2T.

“Nếu một trong hai tài liệu này bị lọt vào tay địch thì điệp viên sẽ bị bắt hết”, đó là nhận định của những người chỉ huy ngày đón Hai Thương trở về.

Phần quà cho kẻ phản bội

... Khi Hai Thương tỉnh lại, người Mỹ không bỏ qua một giây phút quý báu nào, tổ chức khai thác ngay "con cá vàng" vừa bắt được. Tên phiên dịch đứng cạnh cùng một thằng Mỹ hỏi: “Mày tên gì?”. Chỉ duy nhất một câu hỏi như vậy lặp đi lặp lại khoảng 15 phút đồng hồ: “tao hỏi: mày tên gì?”. Thấy Thương gan lỳ không khai, sẵn cái dùi bằng sắt đặt dưới đất, tên Mỹ lấy ghì luôn vào vết thương ngay dưới bắp chân Thương. Máu ở chỗ vết thương cứ chảy ra thành dòng.

 

{keywords}
Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương trong một lần ra thăm Hà Nội sau hoà bình


Khi đã sắp xếp xong xuôi trí nhớ, Thương trả lời: “Nguyễn Trường Hân”. Tên lính chửi: “Tao hỏi có vậy sao mày không nói, đợi bị đòn mới khai?”, Thương vặc lại: “Ông đánh tôi thế, sao tôi nói được”. “Cha mẹ là gì?”. Lúc đó thì Thương khai tuốt luốt: “Mẹ là Lê Thị Đào, cha là Nguyễn Văn Lửa (đó là tên một cơ sở đã mất - NV)”. Tên hỏi cung ghi lại rất nhanh, rồi hỏi tiếp “Mày làm gì?”, Thương thật thà: “Tôi trốn lính”.

Thời đó, ở miền Nam Việt Nam, ai cũng biết những thanh niên phá phách ghê gớm kiểu này. Họ là những người trốn lính, không đi quốc gia, cũng không đi Việt cộng, họ được gọi là “thanh niên bù chao”. Sau vài phút cân nhắc, anh quyết định nhận mình là “thanh niên bù chao”, bởi đó là vỏ bọc an toàn nhất với một “gã thanh niên phá phách, dám cầm súng bắn cả trực thăng và lính Mỹ”.

Song lính Mỹ vẫn chưa hết nghi ngờ: “Mày đi đâu đây?”, Thương ngoan ngoãn: “Tui qua sông, phục kích ấp chiến lược để vô lấy gạo”. Tên lính chửi Thương "đồ hàm hồ", rồi kêu trực thăng xuống đưa Thương về căn cứ Lai Khê trong đêm.

Khi trở về Lai Khê, điều nguy hiểm đã tới, Hai Thương bị nhận mặt bởi một kẻ phản bội: Chiến cá.

Vốn hồi trẻ, Thương với Chiến cũng là bạn thân, cùng đi bộ đội, biết nhau từ hồi trên “R”. Sau này Đồng Khởi rồi thì Chiến chuyển công tác khác, Thương qua công an võ trang, tiếp đó chuyển qua ngành tình báo.

Chiến dù không biết Thương làm gì cụ thể, nhưng cũng đủ hiểu mang máng là Thương qua một ngành đặc biệt nào đó. Khi xe Jeep chạy đến chuyển Thương từ máy bay lên xe thì Chiến khai luôn tên họ thật của tù binh vừa bị bắt: “Nguyễn Văn Thương, thanh niên trung úy, vụ trưởng vụ tình báo, kiêm bí thư chi bộ. Sau Mậu Thân này tôi nghe nói được đề đạt cụm phó”.

Khi nghe Thương khai tên là "Nguyễn Trường Hân, thanh niên trốn lính", Chiến cá cười cười nhìn Thương: “Mày nói dối. Tao với mày còn lạ gì nhau mà mày dám khai láo”. Vội vàng tiến lại, Chiến cá móc bao thuốc thơm mời Thương “hút đi”. Giận dữ, Thương nhổ nước bọt vào mặt Chiến cá “đồ phản bội”. Rất nhẫn nại, Chiến lấy khăn lau nước bọt dính trên mặt rồi rút điếu thuốc khác: “Hút đi anh Hai. Hút cho tỉnh táo rồi mình nói chuyện”.

Khi đó đang đứng ngoài sân bay Lai Khê, gió lộng quá nên Chiến cắm điếu thuốc vào môi Hai Thương bật đến 2-3 lần lửa nhưng không cháy, mặt cúi sát Thương. Bên cạnh, một lính Mỹ da đen cao tới hơn 8 thước, tay chống gậy làm điểm tựa đứng nhìn màn diễn của Chiến. Thương hất nhẹ tay vào chiếc gậy, tên lính bất ngờ chúi luôn đầu xuống đất, còn cái gậy đã nằm gọn trong tay Thương. Không mất một giây sau, cả chiếc gậy bay ngược lên bộ mặt của thằng Chiến cá. Cú đánh căm thù đối với kẻ phản bội hất văng Chiến ra xa, mặt nhuốm đầy máu, gẫy luôn 2 cái răng cửa, bể sống mũi.

Giận điên người, Chiến cá quay lại trả thù. Ngay lập tức, nhóm lính rằn ri nhào vào thân hình tù binh bị thương đang nằm dưới đất đánh không thương tiếc. Thương vừa lăn vừa tránh, bò được khoảng 15 thước thì có trung tá Mỹ phóng xe xuống: “Tôi ra lệnh cho các ông không được đánh tù binh”. Chiến cá ngoan cố cãi: “Tôi nhịn nó, mời nó hút thuốc, dụ chuyện của nó thế mà nó đánh tôi”. Viên trung tá Mỹ thản nhiên: “Mày là thằng phản bội. Nó bắn mày cũng được, chứ huống hồ là đánh”.

Đối mặt với phi đội gái Phượng Hoàng

“Chơi đẹp” với kẻ chiêu hồi Chiến “cá” xong, viên trung tá Mỹ liền cử hai nữ y tá đỡ Hai Thương lên rồi đưa anh sang chiếc xe Jeep, băng bó vết thương, tiêm cho mũi thuốc cầm máu, giảm đau. Sau đó, Thương được chở ra trung tâm y tế kiểm tra lại.

Phi đội gái Phượng Hoàng đưa ra đủ thứ "đòn" tâm lý chiến, cũng đều nhận từ Hai Thương câu trả trả lời "không biết, không nghe và không thấy”! Rất "thân tình", viên trung tá ghé tai Thương: “Vết thương của ông hơi sâu, khoảng 15 ngày là đi lại được, không sao đâu. Nhân tiện đây tôi báo cho ông tin vui: có phái đoàn ca sỹ ở Sài Gòn về đây ca hát, phục vụ anh em binh sỹ Mỹ. Tôi sẽ mời mấy cô về đây hát cho ông nghe”.

Không đợi Thương kịp phản ứng, viên trung tá nhấc điện thoại lên. Chỉ ít phút sau, hàng loạt cô gái trẻ xuất hiện. Chưa bao giờ trong đời người lính kham khổ của anh lại được nhìn thấy những cô gái đẹp có giọng hát mê hồn như vậy.

"Ngày đó, mấy bài ca đó được nghe hoài à. Nào là bài “Đám cưới nhà binh”, rồi “Em ơi, chiều nay cắm trại rồi”, nhưng có một bài chú cũng thích. Đó là bài “Ngày về”. Phải nói con bé đó ca rất hay, và cái miệng nó duyên lắm, trên bảng tên của nó là Kim Dung", Hai Thương cười nhớ lại buổi nghe nhạc bất đắc dĩ khi vết thương chưa kịp cầm máu ngay tại sân bay Lai Khê.

 

{keywords}
Hai Thương (ngồi xe lăn) một lần trở về thăm chiến trường xưa - Ảnh do AHLLVT Nguyễn Văn Thương cung cấp


Chưa xong buổi diễn, Thương nhăn nhó: “Thôi, các cô đừng hát nữa. Nghe các cô hát, vết thương của tôi lại đau”. Lời “gã tù binh phá phách” mà có sức nặng ngang lời... chỉ huy.

Ngay lập tức, một nữ tâm lý chiến (người Việt) cầm theo tập album lớn với nội dung cảnh Hà Nội, rừng Cúc Phương... sà vào, ngồi kế bên lật từng tấm ảnh tỉ tê tâm sự: “Anh coi nè. Anh biết cái này không?”. Với phản xạ đặc biệt của chiến sĩ tình báo đầy kinh nghiệm, câu trả lời của Thương luôn là: “Tôi không biết”. Thương thừa hiểu, việc tỉ tê xem ảnh chỉ nhằm mục đích điều tra xem Thương có tập kết ở Bắc hay không. Cứ thế, mỗi tấm ảnh được lật đi rất chậm, còn người hỏi thì chăm chú nhìn vào từng phản ứng trên mặt Hai Thương. Nhưng câu trả lời dài nhất của anh khi có người đẹp ngồi bên vẫn chỉ là: “Tôi nông dân, không biết mấy chỗ đó”.

Những ngày làm giao thông viên cho A36, Hai Thương được Cụm trưởng Ba Hội dạy kinh nghiệm: thực hiện chính sách 3 không “không biết, không nghe và không thấy”. Nhưng như chính Hai Thương gật gù cười rõ tươi vào những ngày tháng 4/2007 tại TP.HCM: "Đó chỉ là mặt lý luận. Chứ ở đó mà mình không có ý chí, không có lòng quyết tâm thì mình sẽ thua nó là cái chắc".

Sau khi lật hết quyển album mà vẫn chỉ nghe câu trả lời “tôi là nông dân”, cô gái trẻ cười cười rồi cầm bàn tay của Thương lên tấm tắc: “Đây không phải là bàn tay nông dân. Còn nếu nói anh không có học, em càng không tin, ít ra cũng phải biết A, B, C chứ?”. Thương vẫn lỳ đòn: “Tôi không biết, nông dân mù chữ mà”.

Cô nàng cười tiếp “anh đừng giấu em nữa”, rồi cầm lên một tạp chí lớn của Sài Gòn có ảnh Trần Lệ Xuân rất đẹp chụp bên cạnh một cô gái nông thôn đứng ôm bó lúa lúc mặt trời lên. Giơ bức ảnh được đặt tên "Bình minh đang lên", cô gái nhìn Thương rồi hỏi tiếp “anh biết bức ảnh này không?”. “Ô lạ gì”, Thương reo lên. Chưa kịp ngạc nhiên, cô gái đã nhăn mặt khi nghe tiếp “tôi ở nông thôn, sáng nào mấy cô không cắt lúa thì cũng ôm lúa, đập lúa. Tôi chẳng lạ gì mấy cảnh đấy”.

Hết nhẫn nại, cô gái giật tờ tạp chí xuống, dừng phắt lời ngọt ngào “anh em”, sẵng giọng “tôi tặng cho anh đó” rồi quay lưng đi thẳng. Bước ra ngoài, cô tâm lý chiến còn quay sang viên trung tá Mỹ lắc đầu: “Thằng Việt cộng này ngu lắm” Khi nghe phiên dịch nói lại: “nó nói anh ngu lắm”, Thương thừa nhận ngay: “Thì tôi là nông dân mà”.

Sáng sớm hôm sau, Nguyễn Trường Hân được bốc lên máy bay, chở thẳng về Sài Gòn.

Hà Trường - Thế Vinh - Việt Hà 

(còn nữa)