Với bố mẹ Việt ngày nay, dường như năm học là hạnh phúc, còn con mà nghỉ hè thì chỉ có… điên cái đầu.  

Tại sao trẻ em loay hoay khi đến hè?

Ông bạn vong niên gọi điện gấp gáp, vời sang bàn ngay một chuyện: làm thế nào để trông thằng cháu ngoại sắp “rơi vào đầu ông bà.” Số là con gái bác ấy định cư ở châu Âu, và hai đứa con chuẩn bị nghỉ hè, mà chỉ có thể trông được một, còn đứa kia phải “tống” về cho ông bà. Thế là ông ngoại chú bé lên mạng tìm hết khóa trại hè này đến khóa trại hè khác để “nhốt cháu”.

Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện “vấn nạn nghỉ hè” mà hầu như gia đình nào cũng gặp phải, nhất là ở thành phố. Để giải quyết, các gia đình tìm đủ giải pháp và có cầu ắt có cung, mấy năm nay các trung tâm, công ty… hỗ trợ đào tạo kỹ năng sống, tổ chức hoạt động hè, trại hè, học kỳ quân đội… nở rộ như nấm sau mưa.

Không thiếu các gia đình có điều kiện thì “tống” hẳn con đi nước ngoài. Trường hợp như ông bạn vong niên tôi kể trên đây cũng là ngoại lệ, “tống” từ nước ngoài về Việt Nam. Dù ở trường hợp nào, tất cả đều cùng một nhu cầu là “quản” con trong những ngày hè. Với bố mẹ Việt ngày nay, dường như năm học là hạnh phúc, còn con mà nghỉ hè thì chỉ có… điên cái đầu.

Tự dưng chúng ta lại thấy nhớ thương cái thời khi mà mùa hè được nghỉ hẳn 3 tháng, chơi nhong nhong khắp chốn, da dẻ đen cháy và tóc thì sang màu đỏ.

{keywords}
Một hoạt động sinh hoạt hè ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Trọng Nghĩa/ Cungthieunhi.org.vn

Hồi đó sáng sớm, chúng ta dậy tới một điểm tập trung nào đó để “Hoạt động hè” – lớn thì làm anh chị phụ trách, còn bé thì đã được các anh chị lớn hướng dẫn. Ngay cuối năm học, đã có người của các Nhà văn hóa từ phường, quận đến thành phố, mà cả người của các Thư viện đến tận trường, khuyến khích các học sinh đăng ký các lớp sinh hoạt hè (hầu như không mất tiền học) và làm thẻ thư viện đọc sách miễn phí. Tất cả chúng ta đều tự đi và tự về, chẳng có ai đưa đón.

Bây giờ thì sao? Chẳng ai dám để con đi một mình, và các nơi nói trên vẫn tiếp tục tổ chức sinh hoạt hè bình thường, chi phí khá rẻ, nhưng hình như không nhiều người quan tâm. Bố mẹ thời nay coi “đắt xắt ra miếng” và “của rẻ là của ôi”.

Nhu cầu bù đắp những thiếu hụt trong trường học thôi thúc cha mẹ ngày nay không tiếc công tìm cho con các lớp học về kỹ năng sống, đặc biệt những thứ mà chính họ cũng chưa từng được dạy ở trường: kỹ năng sinh tồn.

Có nhiều ông bố bà mẹ rất tiến bộ: đi học cùng con. Tôi quen một nhà văn – võ sư Karate, anh ấy khuyến khích bố mẹ học võ cùng con, không chỉ giúp việc tập võ dễ dàng hơn nhiều mà còn giúp cha mẹ gần gũi con cái hơn.

Nhưng còn những kỹ năng xã hội thì sao? Những kỹ năng xã hội, giao tiếp, cũng như thái độ với cuộc sống, phi cha mẹ, chẳng ai hướng dẫn con tốt hơn được cả.

Tại sao có những việc rất bình thường của những đứa trẻ bình thường nhất đều phải làm và phải làm tốt được, thì bây giờ trẻ em Việt Nam lại phải đi học và bố mẹ phải trả tiền cho những việc đó? Chẳng hạn, việc cho con đi học “Học kỳ trong quân đội” mà vào đó, các hướng dẫn viên phải dạy lại bọn trẻ từ gấp quần áo đến tự phục vụ bản thân?

Đối với gia đình tôi, những việc đó là không cần thiết vì các cháu phải tự làm. Không chỉ vậy, những nhiệm vụ như quét phòng, dọn dẹp, lau sàn, rửa bát… trên cơ sở phân công cho cả gia đình, bố mẹ, các con đều phải tham gia cùng nhau.

Chính vì vậy mà gia đình tôi không có người giúp việc, và cũng không có gia sư. Kỳ nghỉ hè, các cháu cũng không đi học thêm, mà chỉ tập trung rèn nếp sống tự giác, tự tôn trọng công việc của mình. Định mức mỗi ngày học bao nhiêu bài, đúng giờ đó phải ngồi vào bàn và tối thì báo cáo kết quả công việc đã thực hiện cho cha mẹ. Đây cũng là cơ hội để cha mẹ ôn lại kiến thức cũ cùng với con.

Tôi rất tâm đắc với một bài báo, trong đó giáo sư Văn Như Cương đã nói “Oshin và gia sư làm hỏng con cái của chúng ta.” Có rất nhiều điều mà nhẽ ra có thể làm được, thì chúng ta lại đi thuê người khác làm hộ, như việc dạy một số kỹ năng sống cho con, hoặc cùng con học một số môn! Phải nói thật là ai cũng bận, nhưng đã là việc cần thì ai cũng có thể thu xếp được thời gian.

Ngoài ra, có lẽ chúng ta cũng cần xem lại cái tâm lý cho rằng “Bụt chùa nhà không thiêng,” muốn nghỉ hè con phải được học cái nọ, cái kia… thật oách. Tuổi thơ chúng ta từng bao kỷ niệm, niềm vui với những mùa hè sinh hoạt ở tổ dân phố, phường… Với trẻ con, đôi khi quá cầu kỳ, câu nệ cũng đâu tốt. Mấy năm nay, tôi nhận thấy con mình đang đánh mất một thứ rất quý, là quan hệ với bạn hàng xóm, chỉ biết bạn học cùng lớp và họ hàng.

Cuối cùng, là tâm lý tranh thủ nghỉ hè, “nhồi” cho con tiếp tục học, vì bố mẹ muốn con mình giỏi hơn chúng bạn, nên muốn con học (và kể cả được trải nghiệm) thật nhiều với quan niệm “không bổ ngang thì bổ dọc.” Học thật nhiều, sao không đề nghị ngành giáo dục cắt luôn nghỉ hè đi cho rồi… Còn trải nghiệm thật nhiều thì tốt, nhưng cũng nên chú ý, trải nghiệm theo kiểu bố mẹ khác, trải nghiệm theo kiểu của con khác, và bản thân nhu cầu của các con cũng khác…

Phúc Lai