Nhà tôi cũng thường mua thực phẩm ở hệ thống cửa hàng gần đây mở ra khắp nơi. Người nhà nói rau đắt hơn thịt nhiều. 

Một bữa ăn rau sống cho bốn người gồm hai cây xà lách Đà Lạt, hai mớ mùi, ba bốn lạng cà chua làm nước sốt tính ra hết hơn 70 ngàn. Đắt hơn nửa cân thịt lợn nạc xay sẵn dù thịt lợn ở đây bán giá rất cao, khoảng 120 nghìn một cân,  ngay cả khi thịt lợn hơi thời "giải cứu" mỗi cân lợn hơi bán ra chỉ chưa đến 30 nghìn.

{keywords}

Tuy được nghe nói rằng, chuyện rau đắt hơn thịt ở các nước khác là bình thường nhưng tôi vẫn chưa thực sự hiểu một cách rõ ràng là trên thị trường nước ta vì sao rau đắt hơn thịt nhiều thế. Ảnh minh họa: thoibaonganhang.

Tuy được nghe nói rằng, chuyện rau đắt hơn thịt ở các nước khác là bình thường nhưng tôi vẫn chưa thực sự hiểu một cách rõ ràng là trên thị trường nước ta vì sao rau đắt hơn thịt nhiều thế. Cho đến, cuối tuần rồi, chúng tôi đến một trang trại nhỏ 5ha trồng sau sạch theo lối truyền thống nằm bên cạnh con sông Cà Lồ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sau khi tham quan khoảng ba giờ, bữa trưa do những người nông dân làm cho chủ trang trại nấu được dọn ra. Ngoài thịt gà rang còn lại toàn rau: mướp xào lòng gà, rau muống, rau đay luộc...

Ruồi nhiều, nói thật là vừa ăn vừa đuổi không kịp nhưng bỏ qua sự ghê ghê vì ruồi, chúng tôi ăn hết sạch mâm cơm. Anh bạn đi cùng, sau khi ăn hai bát rưỡi cơm nói rau ngon, bình thường mỗi bữa anh chỉ ăn một bát, hôm nay thấy hứng ăn là bởi quá lâu rồi anh mới tìm thấy cái ngon của rau mà tuổi thơ ở quê anh vẫn được ăn.

Thấy rau ngon, chúng tôi mua thêm một chút mang về, khi tính tiền thấy tính bình quân 60 nghìn đồng một cân, tính chung cho bầu, mướp, rau ngót, xà lách.

Hỏi những người làm trang trại, sao giá rau đắt thế, họ nói bán như vậy và mặc dù không mất công vận chuyển vì người ta đến tận bờ luống để mua nhưng suốt ba năm qua, kể từ khi đi vào sản xuất thì đến nay, trang trại mới tiến đến gần điểm hoà vốn. Bởi lẽ, cách trồng rau truyền thống, lại không dùng phân bón hoá học, đòi hỏi chi phí lớn và thời gian thu hoạch dài, chi cho nhân công cũng cao. Trang trại chỉ 5ha này, tiền lương trả cho 10 người nông dân, làm việc một ngày 8 tiếng đã mất 50 triệu một tháng. Bên cạnh đó, bình quân mỗi ngày cũng chỉ thu hoạch được chưa đến một tạ rau. "Chúng tôi có trên 100 khách là các gia đình đặt mua thường xuyên, và sản lượng chưa tăng được. Nếu có tăng thì chắc sẽ khó bán hơn vì thời gian qua do việc tuyên truyền cũng tốt nên các hộ nông dân họ cũng để ý hơn đến yếu tố sạch trong sản phẩm, do đó người tiêu dùng mua rau ở các chợ cũng tăng lên, sự cạnh tranh gay gắt hơn, nhưng tôi nghĩ tương lai của việc làm các sản phẩm sạch, chất lượng là sáng sủa"- bà chủ trang trại, người bỏ nhiều thời gian, tìm hiểu kỹ về thị trường nông sản nói.

Gần như lần giải cứu dưa hấu nào, khi gặp chỗ bán, tôi thường đưa tiền cho con xuống mua, phần ủng hộ, phần chia sẻ khó khăn cho bà con, phần giáo dục các cháu về sự thương thân, tương ái. Lần gần đây nhất, cháu bé mua quả dưa 7kg, giá 7 nghìn một kg. Khi về bổ ra thì lòng dưa không đỏ, ăn nhạt và lặc lè cả tuần nhà tôi ăn không hết. Cũng chính thời điểm đó, ở các siêu thị, dưa hấu bán với giá từ 18 đến 35 nghìn đồng một kg. Nhưng rõ ràng chất lượng dưa bán trong siêu thị cao hơn hẳn. Dưa này, cũng do bà con nông dân nước ta trồng ra, hiện tại chưa có tập đoàn hay doanh nghiệp lớn nào trồng dưa hấu cả. Bỏ qua sự tính toán chi li là lợi nhuận phần lớn thuộc về nhà phân phối thì cứ tạm tính những hộ trồng dưa chất lượng cao bán cho phân phối giá 10 nghìn một kg để siêu thị bán 30 nghìn thì họ chưa chắc cần đến giải cứu...

Cũng cần nói thêm về đợt giải cứu thịt lợn vừa qua, trong khi cả xã hội kêu gọi, có những người mua khi về chế biến, khi ăn thấy lợn có mùi hôi. Họ vừa mất tiền, vừa mất công, vừa bực bội vì không thể ăn được.

Ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, khi tiếp xúc cử tri, đã nói đại ý, quả thật hiện tượng trồng luống rau sạch để nhà ăn, rau không sạch đem bán là không hề ít. Đây là câu chuyện không mới lâu nay nhưng thực sự là cái gốc. Nghĩ đi, nghĩ lại thấy cách tư duy của một bộ phận người nông dân khi nuôi trồng như vậy là tội ác. Cái mình không dám ăn mà lại muốn mang bán, thu lợi nhuận.

Nhớ lại chuyện cách đây gần 20 năm, khi còn là Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu một ý được báo chí ca ngợi nhiều là "muốn hội nhập thành công, phải kéo được thị trường thế giới về bờ ruộng, chuồng nuôi của bà con" khi Quốc hội thảo luận về việc nước ta gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đến nay, mới thấy chúng ta chưa làm được điều gì đáng kể trong việc hệ trọng này. Và khi tranh cãi vẫn là các việc cung vượt cầu, chất lượng thấp hoặc chưa an toàn...cùng đó là tần xuất các đợt giải cứu càng thêm nhiều.

Muốn gì thì cũng không thể không thay đổi từ cái gốc: sản xuất hàng hoá đảm bảo vệ sinh và chất lượng trước khi nghĩ đến những việc khác. Và trước tiên, chỉ cần kéo thị trường trong nước lại gần chuồng nuôi, bờ ruộng của bà con thì tình hình chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Xét cho cùng, miếng ăn cho an toàn là cái người dân lo ngại đầu tiên trước khi họ nghĩ đến các nhu cầu thiết yếu khác.

Khôi Nguyên