Phải chăng Văn Như Cương là Nguyễn Công Trứ của Trường đại học sư phạm Hà Nội hay rộng hơn là của ngành giáo dục Việt Nam.

Theo ngôn ngữ toán học, thầy Văn Như Cương đã có mặt trên con tầu “ánh xạ”[1] cho cuộc ngoạn du tới một không gian mới, khác hẳn không gian này. Thầy sẽ đi từ “không gian nguồn” nơi có “Lợn nuôi ông Văn Như Cương”, có “Thầy giáo lấy giáo án dán áo” và các dự án kiểu “Ba mươi tư ngàn tỷ” để rồi tới “không gian đích” có “cấu trúc” hoàn toàn khác được goi là miền cực lạc. Với chuyến đi xa này, thầy không thể đi bộ, tàu hỏa, tàu bay hay thậm chí tàu “đồng cấu”[2]. Với tàu “ánh xạ”, chỉ cần ấn nút “tác động”, thầy đã có thể thanh thản ra đi dẫu còn dan díu chút tình yêu, bài ca sư phạm thôi đành bỏ, sự nghiệp trồng người để cháu con[3].

Chịu ảnh hưởng nhận thức bởi Poincare, Heisenberg, Godel,… những người đưa tiễn thầy sẽ tin rằng mặc dù tàu “ánh xạ” là sản phẩm của không gian này nhưng nó có thể đưa thầy Văn Như Cương tới được miền cực lạc, một không gian hoàn toàn khác, có nghĩa là con tàu đi từ xác định tới bất định. Là một người làm toán, từng làm việc với những độ đo khác nhau, không như Lý Quang Diệu[4], có lẽ thầy Văn Như Cương sẽ ung dung tin rằng, dù có biết bao chuyến tàu “ánh xạ” đã rời bến trong hàng triệu năm qua, nhưng không gian cực lạc vẫn còn chỗ rộng lớn đón thầy.

{keywords}
Hình ảnh PGS Văn Như Cương tại bàn tròn giáo dục với VietNamNet tháng 6/2011. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi được học với PGS Văn Như Cương qua sách thầy viết nhiều năm trước khi được học trực tiếp ở giảng đường đại học và sau này là đồng nghiệp với thầy trong Bộ môn Hình học tại Khoa Toán, Trường đại học sư phạm Hà Nội. Nhớ lại, vào hè năm học lớp 6, chuẩn bị vào lớp 7, chúng tôi học theo một cuốn sách tham khảo với rất nhiều bài toán hay. Tôi không còn nhớ bìa sách ghi như thế nào, nhưng chúng tôi gọi đó là cuốn Hình học Văn Như Cương (có lẽ cho tới lúc đó, tôi chưa từng gọi Hình học Euclid, và càng chưa biết gì về các cụm từ “Hình học Lobachevsky”, “Hình học Riemann”,…). Phải chăng trên bìa cuốn sách, khác với thông thường, tên tác giả đã được ghi ngay sau tên sách?

Nhân nhắc lại chuyện này, tôi chợt nghĩ, thầy Văn Như Cương (từ cái tên) và xã hội Việt nam ta, trong sâu thẳm, rất hợp với những huyền thoại. Là một người ít nhiều được tiếp xúc với thầy, lại gần gũi về chuyên môn và nghề nghiệp, tiễn thầy trong chuyến vượt không gian này, tôi xin góp thêm vài nét phác họa về thầy, không phải để góp phần tạo nên huyền thoại mà là ghi lại những hiểu biết và suy nghĩ chân thực của mình.

Tất cả các yếu tố thuộc về thầy hòa quyện với nhau, và thúc đẩy qua lại, tuy vậy, ở đây tôi chỉ xin đề cập tới hai hoạt động của thầy mà tôi có những hiểu biết nhất định. Các đóng góp khác của thầy như với tư cách người tiên phong mở trường dân lập, thành công của Trường Lương Thế Vinh, hay thầy với tư cách người phản biện các chính sách giáo dục, con người của công chúng,… đã được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi xin không nêu lại ở đây.

Trước hết xin nói về PGS Văn Như Cương với tư cách người thầy trực tiếp đứng trên bục giảng. Thời đại học, tôi được học với thầy các môn Đại số tuyến tính và Hình học giải tích, Hình học affine và Hình học Euclid, chuyên đề Hình học xạ ảnh. Các môn này trải dài từ năm thứ nhất tới năm thứ tư. Thầy có phong thái rất thanh tao, cử chỉ ấn tượng, từ cái đưa tay, cách vuốt râu, cách ngồi, cách đi lại trên bục giảng đến ánh mắt, nụ cười. Ai đã từng gặp chắc đều để lại ấn tượng đẹp.

Thế hệ ngày nay có thể cảm nhận được phần nào qua các video về thầy trên mạng internet. Bài giảng của thầy sinh động, dí dỏm, dễ hiểu, văn phong diễn đạt trong sáng, ngắn ngọn, lời nói nhẹ nhàng, ấm cúng của người xứ Nghệ. Xử trí trên bục giảng của thầy rất nhanh nhẹn, tự nhiên và nhẹ nhàng.

Tôi cũng rất ấn tượng với thầy khi chỉ bằng vài nét phấn trên mặt bàn, thầy đã phác họa nên một gương mặt Văn Như Cương. Dạy Hình học nếu biết vẽ thì thật là thú vị, tôi còn nhớ khi mở bài cho môn Hình học xạ ảnh, để giải thích ý tưởng từ hội họa, chỉ bằng nét phấn, thầy đã tạo ra một bức tranh với đường chân trời tạo cho người nhìn cảm giác rộng lớn về không gian nơi đó. Rõ ràng thầy Văn Như Cương đã để lại hình ảnh rất đẹp về người thầy trong lòng học trò.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi muốn nhắc tới đóng góp rất lớn thứ hai của thầy với vai trò tác giả, đồng tác giả của nhiều bộ sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học. Trong hơn ba mươi năm qua, các thế hệ học sinh Việt Nam (đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, miền Trung) và sinh viên sư phạm Toán đã học sách của thầy Văn Như Cương (cùng các tác giả khác) trải dài từ THPT (thậm chí như tôi, từ THCS) tới đại học. Mặc dù thầy về hưu đã hơn chục năm, giáo trình Hình học xạ ảnh thầy viết vẫn được đồng nghiệp và sinh viên sử dụng. Đặc biệt, thầy là chủ biên phần Hình học của bộ sách giáo khoa hiện hành.

Thông qua ngòi bút của mình, rõ ràng thầy có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Ngày nay, thế hệ đi sau đang chuẩn bị chương trình và sách giáo khoa mới với mong muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, nhưng tôi tin rằng phần lớn chương trình và sách giáo khoa Hình học mà thầy Văn Như Cương đã góp phần kiến tạo sẽ tiếp tục được kế thừa.

Khi nhắc tới thầy Văn Như Cương, cũng giống như GS Trần Văn Nhung, tôi có liên tưởng tới Nguyễn Công Trứ. Phải chăng Văn Như Cương là Nguyễn Công Trứ của Trường đại học sư phạm Hà Nội hay rộng hơn là của ngành giáo dục Việt Nam. Xét trên phương diện đóng góp với đời và cái chất “ngất ngưởng” thì sự liên tưởng trên là khá rõ, nhưng vì khoảng cách tuổi tác, tôi không đủ gần gũi để viết về sự tương ứng giữa Nguyễn Công Trứ và Văn Như Cương về những “gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”.

Sinh thời Nguyễn Du đã từng trăn trở “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Không chỉ thiên tài Nguyễn Du mới mong hậu thế thấu hiểu, đồng cảm, nhớ tới mình, người bình dị cũng mong được như vậy đối với người thân (có câu hát Karaoke “Nếu mai anh chết, em có buồn không”). Thầy Văn Như Cương đã ra đi và được nhiều người trên khắp mọi miền của tổ quốc thương nhớ. Chỉ với phấn trắng và bảng đen, giấy và bút, thầy đã phác họa chân dung đẹp đẽ của mình trong tâm khảm nhiều thế hệ đi sau cũng như trong sự nghiệp giáo dục nước nhà. Bản gốc thầy vẽ là chân thực, sống động, thú vị và đẹp đẽ, nhưng cùng với thời gian và với tập quán dân tộc, rồi đây nó sẽ từng bước trở thành câu chuyện đáng nhớ.

Trần Văn Tấn

PGS. TSKH. Trưởng Bộ môn Hình học, Khoa Toán, ĐHSPHN

-------

[1,2] Ánh xạ là con tàu có thể đi từ không gian này sang bất kỳ không gian khác, đồng cấu chỉ cho phép đi giữa các không gian có cấu trúc như nhau.

-[3] Tôi đọc được ở đâu đó nói rằng, Lý Quang Diệu không tin vào có một thể giới mới sau khi chết, bởi ông cho rằng nếu có như vậy thì dân số cứ tăng mãi lấy chỗ nào mà sinh sống.

-[4] Khi chia tay Khoa Toán, ĐHSPHN để nghỉ hưu, thầy Văn Như Cương có chia sẻ một bài thơ, trong đó có các câu: Dẫu còn dan díu chút tình yêu/ Bài ca sư phạm thôi đành bỏ/ Sự nghiệp trồng người cứ phải đeo.