Mới đây trong một buổi hội thảo nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã nhắc lại câu nói của Bác: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Nhân đây ông đề nghị: "Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh”.

Về chức năng, nhiệm vụ, Viện Đạo đức học sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực về để giảng dạy. Ý kiến này của PGS Nguyễn Trọng Phúc lập tức được dư luận hết sức quan tâm và có nhiều ý kiến trao đi đổi lại.

Nhiều người cho rằng ý kiến của PGS Nguyễn Trọng Phúc thể hiện sự lo lắng, sự “sốt ruột” chính đáng về tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay. Một bộ phận không nhỏ cán bộ không chỉ kém về đạo đức công vụ mà ngay tư cách đạo đức của một công dân, một người bình thường cũng không có. Đáng tiếc trong đó có những cả những cán cấp cao. Việc Đảng ta vừa nghiêm khắc xử lý nhiều trường hợp cán bộ tham nhũng, quan liêu, mệnh lệnh, xa dân trong thời gian quan đã nói lên điều đó.

{keywords}
Hội nghị Trung ương 6 khóa 12

Những dấu hiệu thể hiện sự băng hoại về đạo đức ngày ngày xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người dân không khỏi lo ngại, thậm chí choáng váng. Tham ô, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng; những biệt phủ của quan chức cấp tỉnh rộng hàng chục héc ta nghênh ngàn trên những miền quê nghèo…Ấy vậy mà trong số hơn một triệu cán bộ phải kê khai tài sản cá nhân mới phát hiện... ba người kê khai không trung thực (!)....

Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng lười học, dùng bằng cấp giả để chạy chức quyền. Trong muôn sự lười học ấy thì có cả những người không chịu học... đạo đức. Mặc dù họ có đủ các loại bằng cấp, nào đại học, trên đại học, cao cấp lý luận nhưng lại chưa hiểu bao nhiêu về đạo đức con người, đạo đức cách mạng. Mặc dù có người nói trơn tru về các quan điểm đạo đức học của Mác, Lê-nin, Khổng Tử, Mạnh Tử...nhưng liên hệ với thực tiễn thì trở nên lúng túng, sa vào ngụy biện.

Nói như thế để thấy rằng, việc một giảng viên  cả đời gắn bó với một Học viện chính trị lớn của đất nước bày tỏ việc cần thiết phải tăng cường giảng dạy môn đạo đức cho cán bộ là rất cần thiết. Bởi trong cuộc sống đầy biến động hôm nay, khi mà thật-giả, trắng-đen, phải-trái không phải lúc nào cũng dễ nhận biết thì không có khái niệm đạo đức chung chung. Yêu cầu về tư cách đạo đức của người cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý có nhiều điểm khác so người cán bộ bình thường. Tuy nhiên, đạo đức của một công dân đều đòi hỏi bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Vì lẽ đó, đạo đức công vụ không bao giờ tách rời đạo đức công dân.

Sự cần thiết phải học đạo đức thì ai cũng rõ, nhất là đề ra yêu cầu bắt buộc về học đạo đức cho cán bộ - những “đầy tớ của dân” trong thời kỳ mới. Bà con miền núi Tây Nguyên bảo cán bộ rằng: “Ngày xưa cán bộ cà răng căng tai, lên với dân đi bằng chân, nay đi bằng bánh ô tô mà cả năm không thấy mặt. Nhưng dân không trách. Chỉ mong cán bộ đừng quên đồng bào”. Khi xã hội phát triển, quan niệm về đạo đức của cán bộ thời nay không còn bó hẹp trong sự dè xẻn, thắt lưng buộc bụng, “ăn cơm cáy ngáy o o”. Có điều người cán bộ phải luôn là bạn của dân, biết điều, mà dân ta gọi nôm na rằng: một người hẳn hoi, tử tế.

Người viết bài này nhớ tới ý kiến của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến: “Hẳn hoi không phải là một tiêu chuẩn quá cao. Không phải người thật giỏi mới hẳn hoi, không phải thật đàng hoàng, thật dũng cảm, thật “đạo cao đức trọng” mới hẳn hoi. Hẳn hoi là một phẩm chất có thể đặt ra trong mọi lĩnh vực, ở mọi bình diện: ăn mặc hẳn hoi, nhà cửa hẳn hoi, lời lẽ hẳn hoi, một người thầy hẳn hoi, một người cha hẳn hoi, một người lãnh đạo hẳn hoi, học vấn hẳn hoi, làm ăn hẳn hoi…”.

Một người hẳn hoi, tử tế thì xem ra họ phải tự học là chính. Sinh thời Bác Hồ căn dặn: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Nhiều năm qua trong công tác cán bộ chúng ta đã coi trọng, đã chú ý khuyến khích cán bộ “mài ngọc, luyện vàng”. Quy hoạch cán bộ, đưa cán bộ đi học các lớp dự nguồn, luân chuyển cán bộ, đến khi đưa cơ cấu đảng viên tham gia cấp ủy luôn luôn là một quá trình liên tiếp để đào tạo, thử thách, sàng lọc. Tham gia vào guồng máy ấy là cơ hội tốt nhất để người cán bộ tự học - ở đây đáng chú ý là tự nâng mình lên về tư cách đạo đức, về lối làm việc, ứng xử với đồng cấp, đồng nghiệp, cấp dưới, với quần chúng nhân dân.

Cách đây hơn 20 năm tôi từng quen một vài đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng. Các đồng chí ấy học vấn không cao, chủ yếu ở bậc học phổ thông, lại trưởng thành từ thợ cày, chủ nhiệm hợp tác xã. Nhưng tiếp xúc với họ thì thấy toát lên một phong cách đàng hoàng, tin cậy. Từ cử chỉ đến lời nói đều thể hiện sự chân thành, cầu thị, khó mà thấy điều gì là “diễn” là “tỏ vẻ” như ở một số “quan chức” hiện nay. Đạo đức công vụ, nói gọn lại là ở chỗ làm cho hết trách nhiệm và gương mẫu về mọi mặt. Bản thân anh làm gương, vợ con, gia đình anh làm gương. Một việc làm hay làm tốt có giá trị hơn cả một bồ lí luận.

Trong những năm qua công tác đào tạo cán bộ được đặc biệt quan tâm. Các lớp học cáo cấp lí luận tập trung và tại chức thu hút một số lượng lớn cán bộ theo học. Ở nhiều cơ quan lãnh đạo đã rất khó xử khi phải họp bàn nhiều lần cân nhắc cho ai đi học trước, ai đi học sau. Phải nói là cán bộ ta chăm học. Và riêng việc học đạo đức thì tại Khoa Triết học Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Viện Triết  Học viện Khoa học xã hội và một số cơ sở khác đều đã thực hiện  nhiệm vụ này rồi. Cho nên việc đề xuất lập Viện đạo đức học để tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ vào thời điểm này là không cần thiết.

Lại nữa, Nghị quyết Trung ương lần thứ Sáu mới đây về tinh gọn, nâng cao hiệu quả bộ máy đã xác định tập trung thu gọn bộ máy đến mức tối đa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.  Lập ra bất cứ một tổ chức nào đều phải tính đến hiệu quả, nhằm tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực, tránh phô trương, chồng chéo.

Có người đặt vấn đề nếu thành lập viện Đạo đức học vậy có nên thành lập thêm một số viện khác để tăng cường giáo dục về pháp luật, về Điều lệ Đảng, về văn hóa trong Đảng, v.v..? Câu trả lời chắc chắn là không.

Trở lại với ý kiến của PGS Nguyễn Trọng Phúc, chúng tôi nghĩ, cần chia sẻ với ông về sự lo lắng cho tình trạng nhiều cán bộ hư hỏng hiện nay. Và biết đâu qua đề xuất này, tuy chưa hợp lý, nhưng chẳng gợi lên nhiều  điều bổ ích về việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay.

Hải Đường