Biết đâu, khởi nghiệp sáng tạo của vị GS này ở Việt Nam lại có thành quả- bắt đầu từ chiếc quần … sooc?

Sau những ngày dư luận xã hội bỗng nhiên được “chùng” xuống trước cách giải quyết tình huống khôn ngoan và khéo léo của chính quyền tại vụ việc Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội), thì mới đây thôi, dư luận xã hội lại dậy sóng khá xôm tụ xung quanh chiếc quần… sooc của một vị giáo sư (GS).

Đó là việc trên báo chí, các trang mạng xã hội truyền đi hình ảnh ông Trương Nguyện Thành- GS của Đại học Utah (Mỹ), cũng là người vừa nhận chức Phó Hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen lúc thì mặc quần sooc, áo phông, lúc mặc quần sooc áo vets giảng bài cho sinh viên về khởi nghiệp sáng tạo.

Khỏi phải nói, chiếc quần sooc đã làm “nghiêng ngả” cư dân mạng ra sao.

Bởi lẽ, xã hội Việt Nam tuy đã và đang trên hành trình hội nhập hiện đại, nhưng vẫn là một xã hội phương Đông với những tập quán, quan niệm, thậm chí là định kiến văn hóa ăn mặc khá cụ thể. Y phục xứng kỳ đức là tổng kết của dân gian- sâu sắc và tinh tế. Người làm sao, quần áo hao hao làm vậy.

Ngay lập tức các phản hồi trên báo chí, trên các trang mạng xã hội như chia hai ngả rõ rệt. Ngả phản đối, ngả tán thành. Người tám lạng kẻ nửa cân, bất phân thắng bại.

{keywords}

Giáo sư Trương Nguyện Thành trong buổi giảng về "Lộ trình sáng tạo" ngày 22 và 23/4.

Những người ủng hộ, như một bạn đọc của VietNamNet, ngày 23/4 cho rằng "Tôi thấy bên Úc và Mỹ các thầy lên lớp vẫn mặc quần sooc bình thường, cười đùa tán với học sinh rất thoải mái nhưng học hành, tranh luận, chấm điểm và đánh giá học sinh rất nghiêm túc. Chất lượng đào tạo của họ thì khỏi phải nói. Vì vậy cũng không nên câu nệ quần áo làm gì, trừ các trường hợp lễ lạt hoặc kỷ niệm gì đó".

Nhưng ngay lập tức, có không ít bạn đọc phản đối. Người ta cho rằng, ăn mặc như thế là không tôn trọng những người có mặt. Nhất là cùng ngồi với GS Trương Nguyện Thành hôm đó, còn có hai khách mời khác ăn mặc lịch sự.

Thậm chí có ý kiến phân tích: "Không phải lối sống Mỹ. Ở các trường ĐH danh tiếng, không một GS hay giảng viên nào mặc quần sooc để giảng bài. Lối sống Mỹ thoải mái trong cách ăn mặc, trong quan hệ tình dục nhưng là ở môi trường khác chứ không phải trong các cơ sở giáo dục. Lên truyền hình nói chuyện về thể thao thì được!"

Rõ ràng, cho dù hiện đại, bạn đọc công tâm phân biệt rất rạch ròi, cụ thể, nơi nào… có thể và không thể.

Nhưng đây mới là điều bất ngờ nhất. Cũng theo VietNamNet, ngày 23/4, trước sự dậy sóng của dư luận, GS Trương Nguyện Thành cho biết, đây là hình ảnh xuất hiện trong buổi học ông dạy sinh viên về khả năng sáng tạo. Theo ông, muốn phát huy khả năng sáng tạo, phải đánh vào điểm nhấn là gỡ bỏ hết định kiến, và giới hạn tư tưởng mà trước đó mọi người nghĩ phải đi một con đường nào đó. Do vậy, trong buổi học ông đã sử dụng trang phục này.

Và ông cũng bày tỏ, nếu chỉ nhìn vào bức hình sẽ không hiểu được câu chuyện sau lưng như thế nào. Bình thường ông ăn mặc, làm việc nghiêm chỉnh và không làm hay nói đều gì gây sốc. Việc ông mặc như vậy chỉ mục đích minh chứng một vấn đề cho sinh viên hiểu, không ngờ mọi chuyện lại có hiệu ứng như vậy.

Nghĩa là bản thân Gs Trương Nguyện Thành cũng quan niệm về ăn mặc đúng nơi đúng chỗ như số đông. Vậy cơn cớ dậy sóng dư luận là ở đâu?

Đó là tính tương tác và… hai mặt của thế giới phẳng.

Ai cũng biết, trong thời của IT, chỉ một cú nhấp chuột, một sự kiện xảy ra bên Tây bán cầu, ngay lập tức bên Đông bán cầu cũng đã biết. Nữa là chiếc quần sooc lạ mắt giữa giảng đường, giữa những sinh viên đang háo hức về con đường khởi nghiệp, trong tay sẵn chiếc điện thoại di động với chức năng chụp ảnh, quay video, với tâm lý bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng có thể ngay lập tức đưa lên FB, và chuyện càng lạ, càng hot, càng có cớ câu view, câu like.

Và thế là chỉ có chiếc quần sooc của một ông GS Việt kiều ở Mỹ đã làm nóng cộng đồng mạng, nóng các trang báo truyền thông trong nước vốn còn nóng … câu view hơn cả các facebooker. Mặc dù chủ nhân đầu tiên của những hình ảnh đó có thể cũng không ngờ tới hiệu ứng khi hồn nhiên (hoặc chủ ý) lăng xê chiếc quần sooc giữa một đám quần dài.

Có điều, sự tương tác, sự cảm nhận của bạn đọc thời thế giới phẳng rất hai mặt và khác biệt. Có người đọc kỹ, ngược lại có người chỉ cần nhìn hình ảnh không thuận mắt đã “chém gió phần phật”, chẳng cần biết bản chất của hình ảnh đó phản chiếu điều gì.

Cũng rất ngẫu nhiên, tương tự như chuyện của GS Trương Nguyện Thành, mấy ngày qua các trang mạng XH cũng nóng rực những cảm xúc lẫn lời bình trái ngược của bạn đọc về hình ảnh một người lính- sĩ quan cảnh sát cơ động chào tạm biệt bà con nông dân Đồng Tâm trước khi chia tay. Những lời bình đó nó tùy thuộc vào nhận thức, phông văn hóa mỗi người. Có những người nhân danh nhà văn hẳn hoi, có tác phẩm được chú ý mà có những lời bình vô văn hóa kỳ lạ. Và ngược lại, có biết bao lời bình trân trọng một hành vi văn hóa của người lính- sĩ quan này.

Thế giới ảo, nhưng phông văn hóa người phản chiếu rất thật.

Cho dù rất sượng và khập khiễng về sự so sánh tư duy sáng tạo, và phải chấp nhận những lời bình, dù xuôi hay ngược, thì việc tự lấy mình làm … giáo cụ trực quan, lăng xê một cách có chủ ý của vị GS về chiếc quần sooc dị biệt giữa hàng trăm chiếc quần dài phổ biến, đã thành công. Như ông nói, muốn phát huy khả năng sáng tạo, thì phải đánh vào điểm nhấn là gỡ bỏ hết định kiến, và giới hạn tư tưởng mà trước đó mọi người nghĩ phải đi một con đường nào đó.

Chẳng biết, con đường gỡ bỏ định kiến và giới hạn tư tưởng của ông sẽ ra sao, nhưng một nhà báo trẻ đã viết: Ông Trương Nguyện Thành, từ nay có từ khóa “GS mặc quần sooc”, nghĩa là  giờ ông về Việt Nam mà kiếm tiền quảng bá hình ảnh- một phát lên ngay à!

Nghĩa là chưa thành công đã… thành nhân.

Nhưng biết đâu, khởi nghiệp sáng tạo của vị GS này ở Việt Nam lại có thành quả- bắt đầu từ chiếc quần … sooc?

Kỳ Duyên