Nhiều người Việt bày tỏ sự khâm phục trước hình ảnh ông giám đốc người Nhật cúi mình trong mưa hàng giờ để cám ơn khách hàng. Nhưng ai sẽ làm như ông ấy? 

Chiều 10/10, ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8, doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam, có mặt tại trạm xăng dầu Thăng Long mới khai trương, đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng.

Hình ảnh đặc trưng của văn hoá bán hàng Nhật Bản đó lan toả mạnh mẽ trên báo chí, và mạng xã hội mấy ngày qua như một biểu tượng mẫu mực của sự văn minh. Đối với những người tiêu dùng vốn đã quen với “bún mắng, cháo chửi”, quen với những hình ảnh cửa quyền của nhiều người cung cấp dịch vụ, hình ảnh đó vừa lạ, vừa đẹp, vừa là niềm mong mỏi. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi người đàn ông có thái độ khiêm nhường ấy được tán dương, ca tụng. Nhưng sau những lời tán dương ấy sẽ là gì?

Việc tán dương một cách ồn ào những hình ảnh, hành vi cư xử đẹp như câu chuyện tại cây xăng chiều 10/10 thực ra không hiếm. Những “cơn lên đồng” vui vẻ đó từng xuất hiện khi một người phụ nữ lên mạng xin lỗi vì đã vô tình lái xe tạt nước vào người bộ hành, khi một đứa trẻ để lại lời xin lỗi và xin được đền bù do vô tình làm vỡ gương một chiếc xe ô tô, khi một nữ chiến sĩ công an vén cảnh phục cho một cháu bé bị bỏ rơi bú qua cơn khát sữa…

{keywords}
Hình ảnh cúi chào khách hàng của vị giám đốc người Nhật. Ảnh: Infonet

Tán dương một việc làm tốt, ngợi ca một hình ảnh đẹp, tung hô một câu chuyện nhân văn… đều là việc nên làm, để lan toả những điều tốt lành, để góp phần hướng thiện. Tôi luôn tin vào ý nghĩa của những lời ngợi ca đúng chỗ, đúng lúc.

Song, khi chứng kiến những lời ngợi ca ồn ào đó bùng lên, rồi nhanh chóng bị lãng quên giữa muôn ngàn sự kiện tăm tối, tàn nhẫn khác, tôi lại tự hỏi: Có bao nhiêu người đang hết lời ngợi ca những hình ảnh tốt đẹp ấy sẽ lựa chọn thực hiện như thế, để tự mình có thể ngợi ca mình?

Rất nhiều người Việt đã bày tỏ sự khâm phục trước hình ảnh ông giám đốc người Nhật cúi mình trong mưa hàng giờ để cám ơn khách hàng. Nhưng ngày mai, ngày kia, ngày tiếp sau…, ai trong số đó thực hiện hành vi mà mình đang ca ngợi?

Nếu những việc chúng ta mong muốn người khác làm mà bản thân không thể vì nó quá khó, quá nguy hiểm như cứu khốn, phò nguy, giữa đường bắt cướp, lao vào đám cháy, dìu xe đỉnh đèo… thì đi một nhẽ. Việc một người đàn ông cúi đầu trong cơn mưa có quá phi thường không? Chắc là không! Vậy sao chúng ta thấy nó tốt, nó đẹp, nó đáng để ngợi ca mà không thể tự mình thực hiện?

Chúng ta luôn thế, mong muốn mọi người cư xử với nhau một cách nhân văn, tử tế, dù không sẵn sàng yêu cầu điều đó ở chính mình. Đó là cơ chế loại trừ bản thân, một cơ chế kỳ lạ khiến chúng ta luôn đặt mình ra bên ngoài.

Tôi có người bạn hết lời ca ngợi người Lào lái xe văn minh, luôn nhường nhịn, không bao giờ bấm còi trong phố. Ca ngợi chán, anh quay sang ca thán “văn hoá lái xe của người Việt mình tệ nhất thế giới”, rồi giận dữ bấm còi thật to như để xua đi nỗi nhục về văn hoá lái xe của người Việt!

Cơ chế loại trừ giúp những người như anh bạn tôi cảm thấy mình văn minh, cao cả hơn so với cái cộng đồng mà chính mình góp phần tạo nên. Và anh ấy hài lòng với bản thân.

Cũng cái cơ chế loại trừ ấy khiến người ta có thể hết lời ngợi ca một người bán hàng cúi đầu hàng giờ trong mưa để tri ân khách hàng, dù đó là việc mà sau khi ngợi ca sẽ chẳng ai muốn tự mình thực hiện.

Thế thôi, việc nếu tốt thì chỉ cần ngợi ca là đủ, mình đã góp sức để lan toả những hành động tốt đẹp rồi, nếu thế giới không vì thế mà tốt đẹp hơn thì đó là lỗi của thế giới, mình đã ngợi ca điều tốt tức là mình đã tốt.

Với những việc xấu xa, cũng chỉ cần lên án là đủ, mình đã chỉ ra cho thế giới biết để nhục về sự xấu xa ấy rồi. Nếu những điều xấu xa ấy vẫn tồn tại thì thế giới này tiếp tục nhục thôi, mình đã lên án cái xấu tức là mình không xấu.

Phạm Trung Tuyến