- 5-7 năm nay, việc bổ nhiệm người nhà đã quá phổ biến quá rồi. Sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, thử tìm xem có bao nhiêu ông đã bổ nhiệm con cái? Để lỗ ngàn tỷ mà chỉ rút kinh nghiệm thì người ta cần gì tìm người tài, GS Nguyễn Minh Thuyết tâm tư với Góc nhìn thẳng.

Xem thêm chuyên mục GÓC NHÌN THẲNG

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thêm một lần nhấn mạnh việc phải tìm người tài, chứ không phải tìm người nhà trong công tác cán bộ. Thông điệp này đã nói lên đúng ý nguyện của nhân dân sau những vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội trong công tác cán bộ thời gian qua.

Làm thế nào để thông điệp đổi mới công tác cán bộ thực sự trở thành hiện thực trong toàn hệ thống chính trị hiện nay?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, việc tìm người tài, không tìm người nhà trong công tác cán bộ không chỉ được người xưa nhấn mạnh mà nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng hết sức coi trọng. Tuy nhiên, dường như công tác này vẫn đang có vấn đề và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng đã phải lên tiếng. Ông nhìn nhận ra sao về hiện trạng này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra, từ xưa đến nay, việc chọn người tài để làm việc nước đã là một nguyên tắc mà các thể chế lành mạnh đều theo. Ở Việt Nam, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng và Nhà nước đã mời được rất nhiều nhân sĩ, trí thức, người lao động có tài để đảm nhiệm các công việc của đất nước. Tất cả những người thời kỳ đó được mời tham gia chính quyền sau này đều trở thành rường cột quốc gia.

Tuy nhiên, những năm sau này, mỗi lúc chúng ta đi xa dần với những nguyên lý đó. Hiện tượng bổ nhiệm người nhà diễn ra quá phổ biến, bất chấp có tài hay không có tài, thích hợp hay không thích hợp với vị trí đó.

Một vài vụ bổ nhiệm con cái làm ở những chức vụ tầm cấp vụ mới rộ lên thôi nhưng thực ra điểm lại 5-7 năm nay, những chuyện ấy đã phổ biến rồi. Thử tìm xem, trong các vị trí từ cao nhất trở xuống, có bao nhiêu ông đã bổ nhiệm con cái vào?

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân là Nhà nước cầu hiền để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Liên quan đến việc bổ nhiệm người nhà trong công tác cán bộ, có trách nhiệm của nhiều cá nhân và cơ quan liên quan. Vậy ông nghĩ ra sao về trách nhiệm của các cơ quan bổ nhiệm, của người được coi là dựa thế để bổ nhiệm người nhà cũng như của bản thân chính người được bổ nhiệm như vậy?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy rằng, hiện nay, sau khi dư luận đưa ra vụ việc này, vụ việc khác, chúng ta thấy các cơ quan đều giải trình là đúng quy trình cả. Thế thì, quy trình thì chắc không ai dám làm sai nhưng vấn đề ở đây, bản chất sự việc là như thế nào? Quy trình đó nhiều khi chỉ là hình thức để bảo vệ cho cách làm sai của một số cơ quan, cá nhân.

Tôi nghĩ, khi không dùng được người tài thì người cầm quyền là có lỗi, cơ quan là có lỗi.

Theo quy định của Nhà nước, các cơ quan khi tuyển người, bao giờ cũng đăng công khai ở trên các mạng điện tử, báo chí. Nhưng chúng ta thử xem, những tiêu chuẩn ấy có thực sự để tìm người tài không? Hay là nó ứng vào với người nhà đang ém sẵn, chờ sẵn? Tôi thấy rất nhiều cơ quan đăng thông tin tuyển người và hình như, tiêu chuẩn ấy rất là khách quan nhưng chính là nhằm vào một số người đang ém sẵn.

Thậm chí, gọi là đúng quy trình thế thôi nhưng là bổ nhiệm trái ngành, trái nghề, trái tiêu chuẩn.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết đang trao đổi với chuyên mục Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet)

Tôi cũng phải nói thế này, nghĩa mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về "người nhà" ấy, phải thấy rằng ở xã hội mình, có nhiều quan hệ lắt léo khác nữa, người nhà ở đây nhiều khi là đệ tử, con cái của đệ tử. Người nhà ở đây thậm chí còn là những người gọi "ông" kim tiền bằng cụ, chứ không phải là người nhà đơn thuần.

Nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn thế thôi để tiến cử mà tiến cử sai thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm rất lớn. Ngày xưa, ở chế độ phong kiến, một ai đó mà tiến cử người sai, làm hỏng việc thì người làm hỏng việc đó bị tội đã đành mà người tiến cử cũng bị tội tương đương. Bây giờ, hầu như chúng ta không bao giờ truy cứu trách nhiệm người tiến cử.

Thứ nữa, người được bổ nhiệm, dựa vào thế của cha ông, dựa vào các loại quan hệ vẫn dám"dũng cảm" nhận những công việc vượt ngoài tầm khả năng của mình thì cũng phải chịu trách nhiệm rất lớn.

Mình dùng người sai là làm hỏng việc chung, làm chậm bước phát triển của đất nước, đó là vấn đề lớn nhất. Việc chỉ dùng người nhà mà không dùng người tài còn làm giảm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, không động viên được lớp trẻ học tập, rèn luyện phấn đấu để thực sự trở thành người có tài năng, cống hiến cho đất nước trong tương lai.

Tôi cho là cái hại của việc chỉ dùng người nhà mà không dùng người tài là vô cùng lớn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thủ tướng có đưa ra yêu cầu đổi mới công tác cán bộ, thi tuyển chọn người tài chứ không phải người nhà. Đây cũng là câu chuyện không mới nhưng để người tài có thể được tuyển dụng cũng như cơ quan tổ chức cần nhần lực có thể tuyển được người thực tài thì theo ông, việc phải làm cần thiết nhất hiện nay là gì?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho là việc đầu tiên, phải giao trách nhiệm rõ ràng và xử lý trách nhiệm rõ ràng đối với những người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Vì sao bây giờ, người đứng đầu các cơ quan đơn vị vẫn sẵn sàng dùng người nhà chứ không người tài? Là bởi vì, nếu người đó có làm hỏng việc thì họ vẫn vô tư, không bị sao cả.

Lỗ 3.000-4.000 tỷ hay thậm chí 100.000 tỷ thì cùng lắm chịu một án phạt thôi. Lỗ vài ba ngàn tỷ vẫn có thể được thăng chức. Rồi nếu làm hỏng việc lớn hơn thì chỉ rút kinh nghiệm hoặc rút kinh nghiệm sâu sắc thôi. Thế thì, không việc gì người ta phải đi tìm người tài!

Điểm thứ hai, đó là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra thôi, không có cách gì được cả. Và đã kiểm tra ra thì phải xử lý đến nơi đến chốn, chứ nếu chỉ rút kinh nghiệm thôi thì câu chuyện này sẽ không giải quyết được.

Thứ ba là, phải có những cuộc tuyển chọn thật sự đối với các chức vụ, công việc và khi đã giao việc, không có câu nệ, người ấy là ai, xuất thân thế nào, miễn là người ấy có tâm với công việc, với tổ quốc, miễn là người ấy là có tài thì mình dùng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Những vụ bổ nhiệm cán bộ gây bức xúc dư luận gần đây:

Ông Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966):

2009: Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN

2011-2013: PVC thua lỗ 3.300 tỷ đồng

2013: Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, Vụ trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp

2015: Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang

Tháng 6/2016: trúng cử Đại biểu Quốc hội

Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển về giữ các chức vị chủ chốt trong chính quyền địa phương.

Ông Vũ Quang Hải (sinh năm 1986)

2007: Chuyên viên Ban Đầu tư, Tổng công ty Tài chính dầu khí

2011: Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI)

2011-2012: PVFI lỗ 200 tỷ đồng

2013: Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Năm 2015: Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trong khi đó, ông Vũ Quang Hải là con trai ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, được điều động về Sabeco theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương khi ông Hoàng đương chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: đổi mới công tác cán bộ, chấn chỉnh công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, “tổ chức các cuộc thi tuyển là để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà” (tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2016)

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Clip: Đức Yên, Bạt Tuấn

Các tin khác:


Xem thêm chuyên mục GÓC NHÌN THẲNG
Xem thêm chuyên mục GÓC NHÌN THẲNG
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2016, 
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2016,