- Là khách mời của chuyên mục Hotface, giảng viên Phan Hồ Điệp - mẹ của Đỗ Nhật Nam đã có những chia sẻ về sự cám dỗ của đồng tiền, những câu chuyện liên quan đến giáo dục và ngày 20/11.

Giảng viên Hồ Điệp chia sẻ về nghề giáo.
Giảng viên Hồ Điệp nói về sự cám dỗ của đồng tiền.
Xem toàn bộ phần 1 trò chuyện với chị Phan Hồ Điệp.

Nhà báo Hà Sơn: Thưa chị Phan Hồ Điệp, nghề giáo từ xưa vẫn được gọi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nhưng hiện nay nhiều thầy cô thấy nó là nghề khá bạc bẽo. Chị có chia sẻ gì về câu chuyện này?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Trong câu hỏi của bạn có hai vấn đề. Theo tôi, nghề cao quý là nhận định của xã hội dành cho nghề giáo bởi những đặc trưng riêng của nghề và bởi quan niệm từ xưa đến nay trong tiềm thức người dân Á Đông rất trọng chữ nghĩa và trọng nghề làm thầy.

Còn nhận định vế còn lại trong câu hỏi của bạn, một bộ phận giáo viên nghĩ đây là nghề bạc bẽo, để dẫn đến nhận định đáng buồn này do nhiều yếu tố khác nhau.

Với cương vị một người trong nghề, tôi nghĩ dần dần cũng có sự thay đổi về cách nhìn của xã hội với nghề giáo, không quá tách biệt hoặc đặt cho những mỹ từ, danh xưng nào đó. Sự trân trọng với nghề giáo đến một cách thật lòng để bất kỳ ai khi làm giáo viên đều được đồng cảm và chia sẻ từ mọi người.

Nhà báo Hà Sơn: Không thể phủ nhận, mỗi người chúng ta khó có thể nên người nếu thiếu vắng sự dạy dỗ, trong đó có sự dạy dỗ của thầy cô trong nhà trường. Tuy nhiên tôi cứ băn khoăn khi trên khắp các mặt báo có rất nhiều những thông tin như thầy tát trò, thày chửi thầy? Là một người trong nghề, chị suy nghĩ gì về điều này?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Tôi thấy trong dòng chảy của xã hội ngoài những câu chuyện vui cũng có những câu chuyện buồn. Nghề giáo không tránh khỏi dòng chảy đó.

Bên cạnh những câu chuyện ấm áp về tình thầy trò, đâu đó vẫn bắt gặp những câu chuyện chưa vui về nghề giáo. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn truyền thông khi nói về những vấn đề liên quan đến giáo dục nên nhìn đa chiều chứ không chỉ đưa những tin tức, hình ảnh, làm xã hội có những hiểu biết không đúng đắn về tình nghĩa thầy trò.

{keywords}
Chị Hồ Điệp.

Bản thân tôi khi tiếp xúc với các đồng nghiệp trong trường hoặc thầy cô giáo khác thấy ở họ tình yêu với nghề và sự trân trọng học sinh. Vì vậy, với những người thầm lặng như thế, truyền thông nên nhắc để mọi người thấy xung quanh chúng ta còn nhiều điều đẹp đẽ.

Tất nhiên, với trường hợp bạn nói, tôi nghĩ cũng nên xem là một cảnh báo.

Chúng ta quá coi trọng việc giáo dục chữ nghĩa mà việc giáo dục về đạo đức, nhân cách, văn hóa đang bị xem nhẹ. Tôi rất muốn những vấn đề này được đưa sâu vào trong nhà trường đến từng học sinh, để các em hiểu căn cốt một con người chính là từ đạo đức chứ chưa phải từ kiến thức.

Nhà báo Hà Sơn: Chị là một người làm lĩnh vực giáo dục nên tôi nghĩ rằng những câu chuyện về giáo dục hẳn chị quan tâm. Tôi vẫn nhớ câu chuyện gần đây một học trò đốt trường vì lời thách đố hay những câu chuyện đánh lộn lẫn nhau... Khi bình luận về những câu chuyện này, nhiều người nói đó là sự thất bại của giáo dục, còn cá nhân chị nghĩ thế nào?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Tôi cũng xem những sự vụ đó nhưng không dám xem đến lần thứ hai vì nó gợi cảm giác buồn và ám ảnh.

Tôi nghĩ, nếu đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục, cho nhà trường cũng chưa hoàn toàn khách quan. Để xảy ra những tình trạng trên tôi thấy có nhiều yếu tố, cả giáo dục ở nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc xây dựng cốt lõi đạo đức và nhân cách cho học sinh thông qua những buổi học trên lớp rất cần thiết.

Một con người muốn thành công, trưởng thành, trước hết phải được rèn giũa về mặt đạo đức và nhân cách. Thực ra để những điều đó xảy ra, cũng do chính sự tác động của công nghệ theo hướng tiêu cực dẫn đến những hành vi như vậy.

Ví dụ, sự chi phối quá lớn của mạng xã hội khiến lớp trẻ muốn làm điều gì đó khiến mọi người chú ý hoặc thản nhiên quay lại cảnh các bạn đánh nhau… Vậy ai là người giúp các em hiểu ra điều đó?

Trước hết, tôi nghĩ sự tích lũy kiến thức từ chính bản thân các em thông qua việc đọc sách, học hỏi… nhưng một điều quan trọng, đó là các thầy cô giáo, bố mẹ phải sát cánh bên cạnh.

Nếu đứa trẻ lớn lên trong sự chơi vơi, không có định hướng về mặt tình cảm của gia đình, nhà trường có thể sẽ dẫn đến hành động tiêu cực. Vì vậy, tôi mong làm thế nào để giáo dục thực sự chạm đến trái tim mỗi học sinh, để các em hiểu giới hạn trong văn hóa của mỗi người, khi hành xử như thế nào.

{keywords}
Chị Phan Hồ Điệp.

Nhà báo Hà Sơn: Chị có suy nghĩ gì, khi số đông cho rằng, chính áp lực của việc học hành khiến cho con trẻ rất sợ việc học, sợ cả thầy cô lẫn nhà trường?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Tôi nghĩ rằng nhận định ấy là đúng. Chính áp lực học hành đã khiến các học trò cảm thấy học là một nỗi sợ, ám ảnh.

Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rõ rằng, áp lực đó có thể không đến chỉ từ phía nhà trường, phía giáo viên mà đôi khi áp lực đến từ cả phía phụ huynh. Phụ huynh do mong muốn và kỳ vọng con em mình, sẽ đạt được dấu mốc trong học hành nên dồn áp lực lên vai các em.

Tôi vẫn thường nói, phụ huynh đừng biến mơ ước của mình thành gành nặng lên vai con trẻ. Nếu áp lực đó được giảm nhẹ để học hành thực sự là một niềm vui sẽ khiến các em phấn khích khi đến trường.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn giáo dục cần thay đổi để có phương pháp tiệm cận đến từng học sinh khiến các em thấy được phát triển theo đúng lộ trình riêng của mình, chứ không quá nặng nề, căng thẳng.

Bởi mỗi học sinh, với khí chất, đặc điểm trí thông minh, sự cố gắng khác nhau sẽ cần những phương pháp khác nhau để đạt được những thành tựu riêng của mình. Làm sao cho việc học, không phải chỉ để ghi dấu ấn trong kiến thức mà đơn giản là sự tiến bộ, cố gắng hơn chính bản thân mình ngày hôm qua.

Nhà báo Hà Sơn: Với guồng quay của cuộc sống thị trường hối hả như hiện nay, rất nhiều nghề đã bị ngã lòng trước cám dỗ của đồng tiền, nghề giáo cũng không nằm ngoài câu chuyện này. Chị có sợ những cám dỗ?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Nghề giáo là nghề có diện tiếp xúc rộng với học sinh, phụ huynh, vì vậy đâu đó trên truyền thông chúng ta nghe thấy nhiều.

Bên cạnh đó, đặc trưng của nghề giáo rất cần giữ hình ảnh của người thầy bởi họ là tấm gương gần gũi giúp học sinh hoàn thiện nhân cách đạo đức của mình.

Tôi không biết giáo viên nơi khác thế nào nhưng chúng tôi ngày 20/11 thay vì chờ những món quà từ học sinh, chúng tôi cho các em tiền liên hoan. Thậm chí các thầy cô còn góp tiền để tặng quà cho học sinh nào đó có hoàn cảnh khó khăn.

Do đặc thù của riêng khoa tôi giảng dạy có nhiều sinh viên khuyết tật hoàn cảnh khó khăn nên các giảng viên thường làm ngược lại là tặng quà cho các em. Tôi tin rằng, không chỉ chúng tôi mà còn rất nhiều thầy cô giáo khác, vẫn rất thầm lặng làm những công việc của họ với tình yêu thương.

Bản thân tôi cũng tiếp xúc nhiều với các giáo viên khác và thấy họ vẫn lấp lánh vẻ đẹp cần kiệm, chăm chút cho học sinh mà không đòi hỏi bất điều gì từ học sinh.

Chúng ta vẫn thấy, xã hội nói nhiều đến điều này bởi không phải tất cả mọi thứ đều tròn trịa, đẹp, không phải tất cả mọi người đều như chúng ta mong muốn. Nếu hỏi tôi có sợ cám dỗ hay không, tôi thường nói đùa rằng mình không có cơ hội để làm điều đó. Tôi luôn luôn tin yêu với nghề của mình.

Nhà báo Hà Sơn: Theo chị làm thế nào để mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, thầy giáo và học sinh cũng như giữa thầy giáo và phụ huynh không bị giằng xé trước ma lực của đồng tiền?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Nghề nào cũng có đặc trưng riêng, nghề giáo điều quan trọng nhất là sự trân trọng của phụ huynh dành cho giáo viên. Tất nhiên, đổi lại điều đó giáo viên cũng phải có sự yêu thương thật lòng với các em.

Giáo dục muốn thành công hoặc muốn thu phục được nhân tâm theo tôi cần đạt được ba yếu tố: Thứ nhất tạo cho phụ huynh sự an tâm. Thứ hai giá cả, học phí hợp lý, làm thế nào những người dân nghèo cũng được hưởng một nền giáo dục tốt. Thứ ba không có áp lực quá căng thẳng, việc học nhẹ nhàng. Có những yếu tố đó thì phụ huynh khi đưa con em đến lớp sẽ thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Nhà báo Hà Sơn: Chị làm giáo viên, chắc ngày 20/11 đều được đón nhận tình cảm từ học trò của mình. Chị có thể chia sẻ những câu chuyện liên quan đến Ngày nhà giáo Việt Nam nhận được từ học trò?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Trước đây tôi làm giáo viên tiểu học, 20/11 nhận hạnh phúc từ sự hồn nhiên của con trẻ. Hôm đó, các em thường tặng tôi những sản phẩm tự làm. Tôi luôn luôn nói: Các con ạ, bố mẹ các em cũng là những người thầy, người cô, gần gũi và đáng yêu nên ngày này ngoài những món quà tặng cô, thầy giáo của mình các con có thể vẽ một bức tranh hay món quà tặng bố mẹ.

Vì vậy, ngày 20/11, các em thường đến và khoe những điều bí mật dành tặng bố mẹ. Có những em bố mẹ làm công nhân, khi nhận món quà vô cùng bất ngờ, hạnh phúc bởi trong tâm thức họ không nghĩ sẽ nhận được quà vào ngày này.

Tôi rất vui vì niềm vui của phụ huynh và niềm vui của học trò. Những ngày đó, tôi còn nhớ phải huy động hết tất cả xô chậu trong nhà để cắm hoa. Khi còn trẻ, ngồi giữa rừng hoa tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vì nghĩ rằng mình lưạ chọn nghề mà có ngày cả xã hội nghĩ đến. 

Còn bây giờ, khi đã làm giảng viên đại học niềm vui đến với tôi ngày 20/11 đằm thắm hơn vì các em sinh viên có cách thể hiện khác. Vì các em là sinh viên của trường Sư phạm nên tôi vẫn nói rằng, các em tận hưởng niềm vui mới chớm khi chuẩn bị bước vào nghề và đón nhận nó.

Trong những ngày này, khoa tôi thường tổ chức buổi mít tinh, trong buổi đó có rất nhiều lời tri ân của các em học sinh gửi đến thầy cô, nhưng tôi thích nhất màn các giảng viên biểu diễn một tiết mục văn nghệ gửi tặng các em. Khoa tôi thường chọn những bài hát nói về nghề làm thầy, bản thân tôi khi hát những bài hát đó mặc dù cười rất tươi với sinh viên nhưng luôn muốn rơi nước mắt vì cảm động và yêu quý những đồng nghiệp của mình, cùng những em sinh viên.

Nhiều khi mọi người cứ nghĩ 20/11 giáo viên luôn luôn được nhận quà, nhưng tôi nghĩ rằng chính việc tập trung quá nhiều đến những món quà vật chất làm cho đâu đó những người giáo viên cảm giác bị tổn thương.

Khi ấy, ngày 20/11 không còn là ngày dành trọn cho sự tri ân trong nỗi biết ơn trong ý nghĩa cao đẹp nữa mà là thông lệ hình thức làm cho tất cả các mối quan hệ bị biến tướng đi. Tôi nghĩ tất cả giáo viên đều mong muốn suy nghĩ mang chiều hướng tích cực như vậy.

Nhà báo Hà Sơn: Nếu như rơi vào tình huống một học trò mang tiền đến nhà tặng, chị sẽ ứng xử như thế nào?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Nếu học trò mang phong bì đến tặng với sự biết ơn vì vụng về không biết mua một món quà gì khác, nghĩ rằng cô giáo có thể dùng món tiền này mua thứ mình thích kèm theo những lời chúc, nụ cười, khuôn mặt vui tươi tôi nghĩ một người giáo viên trong tình huống đó nhận cũng không có vấn đề gì.

Thường người ta nói như vậy là đã vật chất hóa nhưng nếu vật chất ấy đi kèm món quà tinh thần của chủ nhân cũng dễ thông cảm. Nó chỉ trở thành vấn đề khi đơn thuần chỉ là ý nghĩa vật chất. Tức là em học trò đó, phụ huynh đó nghĩ rằng với món quà có thể đánh đổi nhiều thứ, nếu vậy tôi cũng như những giáo viên khác chắc chắn sẽ từ chối.

Mời quí vị đón đọc phần 2: Mẹ Đỗ Nhật Nam một ngày nhận hơn 400 tin nhắn

Sơn Hà - Thu Hà - Xuân Quý - Xuân Phúc - Đức Yên
Ảnh: Hòa Nguyễn