- "Tôi vẫn nhớ khi mình đăng những chia sẻ về việc làm cách nào để kiềm chế cơn nóng giận của con, một ngày tôi nhận hơn 400 tin nhắn từ mọi người hỏi cách nào giúp đỡ - mẹ Đỗ Nhật Nam nói.

Phần 1: Mẹ Đỗ Nhật Nam nói về sự cám dỗ của đồng tiền

Clip 1: Mẹ Đỗ Nhật Nam với bí quyết dạy con tuyệt vời. Clip 2: Mẹ Đỗ Nhật Nam và những ân hận trong cách hành xử với con. Xem toàn bộ phần 2 trò chuyện với mẹ Đỗ Nhật Nam

Nhà báo Hà Sơn: Sự thành công của bé Nhật Nam và cách chị dạy con đang được nhiều cha mẹ quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều gia đình phàn nàn rằng họ thực sự lúng túng, chưa tìm được cách để có được tiếng nói chung với con cái. Từ câu chuyện trong gia đình mình, chị có thể chia sẻ bí quyết?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Hiểu được con trước hết mình phải làm bạn được với con. Không cần đợi khi con lớn mà ngay từ khi con còn nhỏ nhất, hãy cố gắng hiểu giai đoạn phát triển của con cũng như cách nào để kích thích sự phát triển của con một cách tốt nhất, đồng thời các bậc cha mẹ cố gắng dành thời gian cho con. Có nhiều bậc cha mẹ nói bận rộn không có thời gian cho con nhưng tôi luôn nói hãy để thời gian bên con trở thành thời gian chất lượng hơn số lượng.

Với Nam từ khi còn nhỏ tôi đã cố gắng tìm hiểu nhiều phương pháp khác nhau để giúp Nam phát triển một cách tốt nhất. Bên cạnh đó tôi dành thời gian làm bạn và hiểu tâm tính của con. Tôi nghĩ giáo dục tuyệt vời nhất dù trong gia đình hay nhà trường đó là biến điểm yếu của đứa trẻ trở thành điểm mạnh.

Nhà báo Hà Sơn: Nhiều người nghĩ cách giáo dục của mẹ Tây và mẹ Ta, còn cách dạy con của chị?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Từ khi có bầu Nam tôi đọc rất nhiều sách tham khảo nuôi dạy con. Nếu hỏi theo phương pháp dạy hay cuốn sách cụ thể nào thì câu trả lời chính xác nhất là học theo trái tim. Tôi theo sự chỉ dẫn của trái tim bằng việc quan sát tỉ mỉ hằng ngày sự lớn lên, sự phát triển của con. Bạn mong muốn con mình trở thành đứa trẻ tự lập nhưng luôn lo sợ con làm cái này nguy hiểm, chưa đủ khả năng phải có bố mẹ làm thay. Nếu bạn lo sợ điều đấy, những lúc như thế cần sự phối hợp giữa tình cảm, lý trí, các kiến thức về sách vở để có những hành động đúng đắn theo mục tiêu đặt ra.

Nhà báo Hà Sơn: Chị là bà mẹ điển hình của nhiều bà mẹ vì có con nổi tiếng, học giỏi và thông minh. Facebook của chị có nhiều người theo dõi chắc hẳn nhiều bà mẹ muốn học hỏi kinh nghiệm...

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Tôi cũng chỉ là bà mẹ bình thường như bất kỳ bà mẹ nào khác. Nếu nói về sự thông minh, giỏi giang, Nam cũng không phải là bạn xuất sắc nhất, Nam bình thường như bao bạn khác nhưng có lẽ Nam cần cù, có khả năng tự học và yêu thích việc đọc sách. Tuy nhiên có những lúc tôi xấu xí lại không kể ra. Tôi kể những cái tạm coi là thành công trong lĩnh vực giáo dục vì thế các bà mẹ khác coi là người bạn để tâm tình và chia sẻ.

Tôi vẫn nhớ khi mình đăng những chia sẻ về việc làm cách nào để kiềm chế cơn nóng giận của con trong một ngày tôi nhận được hơn 400 tin nhắn từ mọi người hỏi cách nào giúp đỡ. Tôi rất cố gắng để có thể trả lời các tin nhắn nhưng không đủ sức để làm. Và có rất nhiều trường hợp, tôi khá bối rối trước những tình huống mà chính mình cũng chưa từng gặp phải.

Trong những tình huống, hành vi không điển hình mình thường đóng vai trò người an ủi, động viên cho các bà mẹ vì khi đặt câu hỏi tâm trạng họ thường bối rối và khó nghĩ. Chúng ta nói đến áp lực với con trẻ nhưng thường quên vế chính người làm cha, làm mẹ đang chịu áp lực. Tôi muốn là người bạn để phần nào chia sẻ những áp lực về con trẻ với những bà mẹ khác.

Nhà báo Hà Sơn: Có nhiều người cho rằng những kiến thức mình học được đôi khi không còn có tác dụng, phù hợp. Và họ sử dụng những phương pháp thuê gia sư để dạy con. Quan điểm của chị ra sao?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Tôi nghĩ rằng có những ông bố, bà mẹ có sự phối hợp rất tốt. Nhưng có nhiều bố mẹ phối hợp khá lúng túng nên người ta phải tìm cách khác nhau để con mình tốt lên. Việc thuê gia sư cũng là một trong những mong muốn của bố mẹ mong ngoài thời gian học trên lớp con sẽ tiến bộ mà bố mẹ không thể làm được.

Nếu cần gia sư để lắng nghe, tâm sự, chia sẻ, trò chuyện khi con tuổi teen và gia sư giống như cây cầu cho bố mẹ giao tiếp với con hoặc gia sư kích thích đứa trẻ ham học hơn cũng tốt.

Tuy nhiên, khi gia sư làm thay, làm hộ đứa trẻ thì sẽ gần như triệt tiêu mất khả năng tự học, làm nguy hại đến con đường học vấn lâu dài. Bởi học không phải chỉ để hoàn thành bài tập trên lớp mà học còn là quá trình lâu dài, theo trẻ đi rất xa, vì vậy khả năng tự học là yếu tố hết sức quan trọng.

Với Nam trong suốt quá trình đi học không phải do tôi là giáo viên giải các bài tập cho con mà muốn con có khả năng tự học. Vì vậy Nam không học thêm ở bất cứ đâu, môn tiếng anh Nam cũng không học thêm bởi tôi muốn khơi gợi khả năng tự học của con. Đã có lúc Nam nói rằng nếu em có gia sư sẽ học được kiến thức đúng bằng thầy cô gia sư đó nhưng nếu tự học sẽ học những kiến thức bên ngoài nhiều hơn và tôi rất thích câu nói ấy và khuyến khích con học không chỉ ở vùng an toàn là các kiến thức sách vở, nhà trường mà tìm hiểu nhiều kiến thức khác.

Nhà báo Hà Sơn: Chồng chị làm giáo viên, chị cũng làm giáo viên, nhưng trong cách dạy con liệu có những mâu thuẫn? Thường chị phải nhường anh hay anh nhường chị?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Mâu thuẫn bố mẹ dạy con gia đình nào cũng gặp. Có một cam kết giữa 2 vợ chồng hình thành khi tôi có bầu Nam đó là khi trái quan điểm dạy con, một trong hai người sẽ im lặng. Vì vậy khi có mâu thuẫn thường bố Nam nhường tôi. Nhà tôi thường hay nói đùa vợ chồng ra công viên để cãi nhau, tức là rất tránh trường hợp tranh luận, cãi nhau trước mặt con vì không muốn Nam ấn tượng không tốt về quan hệ của bố mẹ.

Tôi mong muốn mang đến cho Nam không khí tràn ngập yêu thương và dần dần một trong hai người cũng điều chỉnh, bởi sự mâu thuẫn xuất phát từ việc cả 2 người đều mong muốn giáo dục con tốt lên. Khi nhìn thấy sự biến chuyển tích cực của những đứa con, một trong 2 người sẽ tự điều chỉnh và thống nhất trong quan điểm giáo dục được tốt hơn.

Nhà báo Hà Sơn: Mọi người thường nói: Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", chị đã bao giờ dùng roi vọt với con trai?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Tôi có chia sẻ trên facebook từ khi Nam còn nhỏ đến giờ có 2 lần đánh đòn con. Và sau này mỗi lần nhớ lại khi Nam đã đi học xa thấy vô cùng ân hận. Tôi không bao giờ ủng hộ cách nuôi dạy trẻ bằng đòn roi bởi một đứa trẻ được giáo dục bằng đòn roi, bằng những cái thuộc về vũ lực sau này sẽ ảnh hưởng không tốt về những suy nghĩ như cách hành xử với người xung quanh và cuộc đời. Vì thế tôi hạn chế tối đa việc sử dụng đòn roi đối với Nam.

Nhà báo Hà Sơn: Có khi nào chị xui con giảm bớt chuyện học và dành nhiều thời gian vui chơi?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Có chứ, rất nhiều lần như thế. Nam là cậu bé ham học. Khi Nam ngồi vào học thường say mê, nếu không nhắc nhở rất thích thức khuya để học bài, đọc sách. Tuy nhiên ở trường Nam, tất cả những hoạt động thể thao, vui chơi đều có khung giờ cố định như sau khi đi học đều phải tham gia tập thể dục, chơi thể thao và quãng thời gian này chừng 3 tiếng.

Tất cả học sinh đều phải tham gia những hoạt động chung như vậy nên khi con trở về nhà, bao giờ cũng có tinh thần phấn chấn và cơ thể mệt mỏi vì vận động thể chất nhiều nên tôi không thúc con việc tập tành mà nhắc con đi ngủ đúng giờ. Nam rất thích thức khuya để học bài và nhiều hôm có những vấn đề thầy giáo đưa ra con đam mê, thích thậm chí thức đến sáng để học. Khi Nam còn ở VN, việc đi tập thể dục không thể thiếu trong thời gian biểu. Tôi muốn bất cứ bé nào lớn lên có sự cân bằng giữa sự phát triển về tri thức và thể chất.

Nhà báo Hà Sơn: Khi Nam đi học ở Mỹ chị và con vẫn liên lạc hàng ngày nhưng có khi nào trong hành xử hay nguyện vọng của con bất đồng và chị bất lực trước con trai?

Giảng viên Phan Hồ Điệp: Tôi chưa gặp phải tình huống như thế vì Nam tự lập trong việc đưa ra quyết định của mình. Nam thường thông báo với mẹ khi công việc hoàn thành, vì thế tôi ít có sự can thiệp quyết định của con. Nam là cậu bé tình cảm, rất sợ mẹ buồn vì biết mẹ hay khóc. Khi Nam học lớp 8 tự đăng ký vào các trường nội trú, bố mẹ không hiểu trường nội trú như thế nào lo lắng, lúc đó Nam gửi nhiều thông tin về để bố mẹ tham khảo và nói bố mẹ cứ tin tưởng vào sự quyết định và lựa chọn của con. Nếu trong trường hợp con làm điều này không tốt còn nhiều cơ hội làm lại.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà - Thu Hà - Xuân Quý - Xuân Phúc - Đức Yên
Ảnh: Hòa Nguyễn