“Chìa khóa thứ hai, như tôi đã đề cập là sự tự tin và bản lĩnh dám thử nghiệm. Chúng ta cần thoát khỏi tư tưởng sợ thất bại. Đó hẳn là một vấn đề ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước nhỏ khác”- GS John Quelch, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Kinh doanh Harvard, thành viên sáng lập Diễn đoàn Toàn cầu Boston.

Trong nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 đã nhấn mạnh, Việt Nam cần phát huy “sức mạnh mềm”, tạo nên “thương hiệu” cho quốc gia, có sức thu hút nhân loại, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới. Tuần Việt Nam trò chuyện với nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard – GS John Quelch với chủ đề “định vị thương hiệu quốc gia thông qua doanh nghiệp, tập đoàn”.

Không chỉ dừng ở thương hiệu quốc gia

Sự hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng đòi hỏi mỗi quốc gia cần có những tập đoàn kinh tế mạnh. Vậy vai trò của các tập đoàn góp phần vào việc xây dựng thương hiệu, định vị quốc gia như thế nào, thưa ông?

GS John Quelch: Trước hết, việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu hiện nay là cơ hội cho tất cả các quốc gia muốn xuất khẩu những mặt hàng là thế mạnh của quốc gia mình đồng thời nhập những loại hàng hóa, dịch vụ từ những nơi khác.

Mỗi quốc gia có chiến lược phát triển riêng, Việt Nam muốn sản xuất hàng hóa để xuất khẩu rõ ràng cần phải tạo ra những thứ mà người khác muốn mua, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chất lượng, được thế giới chấp nhận.

Chẳng hạn như tôi được biết, Tập đoàn Hoa Sen đã sản xuất những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, và họ có khả năng đưa được sản phẩm ra toàn cầu từ đó thế giới sẽ biết đến Việt Nam hơn.

Vì vậy, theo tôi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế đối với bản thân mỗi doanh nghiệp, tập đoàn mà còn giúp nâng cao thương hiệu quốc gia.

{keywords}

"Cái VIệt Nam thiếu là sự tự tin". Ảnh: Lê Hiếu/Infonet.

Có những quốc gia nhỏ với những tập đoàn không quá lớn nhưng tạo ra thương hiệu uy tín như Thụy Sĩ có thương hiệu đồng hồ Pantex Philip, Rolex…để khi nhắc đến Thụy Sĩ người ta nghĩ ngay đến đất nước với các thương hiệu đồng hồ. Estonia cũng là một đất nước nhỏ nhưng đã sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, có sản phẩm như skype được thế giới sử dụng nhiều...

GS John Quelch: Nếu để ý sẽ thấy với các thương hiệu mà bạn đưa ra thì không có hãng nào đề tên quốc gia trên thương hiệu của mình. Họ không đặt Rolex Thụy Sĩ mà chỉ là Rolex, không phải là Estonia Skype mà chỉ đơn giản là Skype.

Để có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế, hãy quên đi việc sử dụng tên quốc gia vào thương hiệu của mình, bởi vì muốn trở thành thương hiệu toàn cầu thì không chỉ dừng lại ở thương hiệu quốc gia. Tôi cũng xin nói thêm, China Mobile là hãng di động lớn trên thế giới nhưng tôi nhấn mạnh đó không phải là thương hiệu toàn cầu. Một trong những lí do mà thương hiệu đó phát triển vì thị trường trong nước của họ đã quá lớn đến mức mà China Mobile chỉ cần tập trung phát triển thị trường trong nước thay vì vươn ra nước ngoài, nội điều đó đã đủ mang lại hiệu quả kinh doanh cho họ.

Ở Việt Nam cũng có Viettel, công ty với khoảng 10 chi nhánh hoạt động ở 10 quốc gia đang phát triển. Ở trong nước, Viettel cũng đã tập trung đầu tư mạnh mẽ lĩnh vực viễn thông. Nhưng họ cũng không dùng tên Viettel khi đầu tư ra thị trường quốc tế. Họ lập một thương hiệu mới khác nhau ở mỗi nước mình mở chi nhánh, phù hợp với văn hóa nước sở tại. Điều đó cũng đúng đắn thôi nhưng khó có thể nói Viettel là một thương hiệu toàn cầu.

Vậy theo ông, Việt Nam có thể định vị thương hiệu quốc gia như thế nào? Việt Nam có thể xây dựng những tập đoàn tuy không lớn nhưng có thể cung cấp được dịch vụ, sản phẩm ra toàn cầu như skype của Estonia hay không bởi rõ ràng, Việt Nam cũng đã có bài học thành công nhanh như Nguyễn Hà Đông với game online Flappy Bird, những sản phầm thành công ở Sillicon Valley bán cho Google . Đó phải chăng là những tiềm năng để Việt Nam vượt lên trong việc xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nội dung số, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, thưa ông?

GS John Quelch: Tôi nhận thấy trong lĩnh vực nội dung số, Việt Nam phát triển tương đối cao nếu so với mức GDP bình quân đầu người. Đương nhiên, xét về mức độ phát triển của ngành viễn thông, Hàn Quốc có lẽ vẫn đứng hàng thứ nhất. Chắc chắn sẽ rất khó để Việt Nam có thể bắt kịp bởi vì thu nhập bình quân đầu người quyết định mức thu nhập tuyệt đối mà người tiêu dùng có khả năng và sẵn sàng chi tiêu vào các dịch vụ viễn thông mỗi tháng.

Theo như tôi nhìn nhận, trong lĩnh vực an ninh mạng hay trí tuệ nhân tạo, có thể Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển và khẳng định chỗ đứng của mình bởi vì hiện tại vẫn chưa có quốc gia nào thực sự thắng thế trong những lĩnh vực này.

Nhưng để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng được các trường đại học mạnh, các chuyên ngành mạnh hơn tại các trường đại học để từ đó có những đóng góp nghiên cứu quan trọng. Dựa trên cơ sở nghiên cứu tốt mới có thể phát triển được những công ty mới, doanh nghiệp mới. Và đặc biệt, phải tạo sự khác biệt thì mỗi công ty mới thực sự thành công.

Cần chú ý, để có sự khác biệt trong lĩnh vực an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi sự đầu tư rất lớn.

{keywords}

GS. John A. Quelch tặng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cuốn sách mới nhất của mình về phát triển thương hiệu quốc gia. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Khác biệt trong ý tưởng và độc đáo trong sáng tạo

Ông có chia sẻ gì khi một trong những ngành mang lại tiềm năng kinh tế lớn cho Việt Nam là nông nghiệp và đặc biệt là du lịch. Nhưng dường như hai ngành này vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu ra thế giới?

GS John Quelch: Tôi cho rằng vẫn còn sớm và còn nhiều thời gian, cần khoảng 15 năm để các sản phẩm của Việt Nam trở thành thương hiệu có tiềm năng phát triển trên toàn cầu.

Yếu tố chính là tinh thần doanh nghiệp và cần những người tài để lãnh đạo, phát triển tầm nhìn cho công ty. Ngay như tôi thấy, Tập đoàn Hoa Sen có tiềm năng tham gia thị trường toàn cầu, nhưng để trở thành thương hiệu được thế giới biết đến, điều này vẫn còn khó bởi vì họ vẫn chủ yếu theo hình thức tiếp thị giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trên thị trường các sản phẩm công nghiệp.

Từ những nghiên cứu thực tiễn, ông cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu những gì trong giai đoạn hiện nay để tạo dựng thương hiệu có uy tín?

GS John Quelch: Cái thứ nhất mà tôi nghĩ Việt Nam còn thiếu là ý tưởng. Những ý tưởng chỉ thực sự khác biệt dựa trên hiểu biết về người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có khát vọng bước ra sân chơi toàn cầu thì cần đặt câu hỏi liệu rằng thị trường quốc tế có cần mình hay không? Tại sao thị trường thế giới lại cần mình?

Nếu không có cơ sở để tạo nên sự khác biệt, độc đáo sáng tạo thì khó lòng đem đến điều gì vượt trội và có ý nghĩa với người tiêu dùng trên toàn cầu. Lúc đó, việc tham gia thị trường thế giới gần như vô nghĩa vì sẽ tiêu tốn rất nhiều vốn để định vị một sản phẩm mà không có điểm gì độc đáo để thế giới nhận diện.

Vì thế mà Việt Nam cần có ý tưởng thật sự độc đáo, bền vững và khác biệt.

Một vấn đề nữa mà Việt Nam đang thiếu, theo tôi là sự tự tin. Người Việt Nam rất hiếu khách, lịch thiệp nhưng đôi khi vẫn còn e dè, thiếu tự tin và sự quyết liệt. Chẳng hạn các bạn thấy ứng viên Tổng thống Donald Trump, xét về phương diện nào đó ông ấy không có gì lôi cuốn nhưng trên thực tế, Việt Nam cần có những doanh nhân với tham vọng táo bạo và phong cách cạnh tranh mãnh liệt như vậy để đưa doanh nghiệp đột phá phát triển.

Có nhận định Việt Nam là quốc gia của sự bỏ lỡ cơ hội trong khi thách thức ngày càng nhiều nhưng như ông biết đấy, cơ hội luôn luôn có?

GS John Quelch: Trước hết, chúng ta cần lạc quan về tương lai. Thành tựu kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua cũng là tương đối tốt dù vẫn còn có những vấn đề tồn tại chưa được tháo gỡ như mức nợ tăng cao…

Nhưng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn tương đối khỏe mạnh và đa dạng. Đó là nền tảng để chúng ta có thể lạc quan.

Chìa khóa thứ hai, như tôi đã đề cập, cũng liên quan đến vấn đề lạc quan là sự tự tin và bản lĩnh dám thử nghiệm. Chúng ta cần thoát khỏi tư tưởng sợ thất bại. Đó hẳn là một vấn đề ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước nhỏ khác.

Người ta cứ nghĩ thất bại thì sẽ khó tìm được cơ hội thứ hai. Mỹ là một đất nước rộng lớn, người ở Boston không biết người ở Houston đang làm gì. Ở Texas, có khi người ta còn đang làm điều gì đó khác hoàn toàn.

Điều kiện khởi nghiệp

Để khắc phục được những khiếm khuyết ấy, theo ông kinh tế Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực như thế nào để đáp ứng được việc hội nhập sâu rộng, từ đó định vị được thương hiệu quốc gia?

GS John Quelch: Như tôi được biết chính phủ Việt Nam đang có chủ trương khuyến khích khởi nghiệp. Tôi có một số chia sẻ với các bạn khởi nghiệp.

Khởi nghiệp cũng cần có tầm nhìn và ý tưởng. Ý tưởng đó phải đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng mà sản phẩm hiện tại trên thị trường chưa đạt yêu cầu. Đó cũng là lí do để doanh nghiệp tồn tại.

Các bạn trẻ cũng cần có sự tự tin như tôi đã đề cập ở trên. Ngoài ra, để duy trì hoạt động, các bạn cũng cần có những đối tác tốt vì khi mới thành lập, chúng ta không thể tự mình làm hết mọi việc được.

Ở nước Mỹ có một số lợi thế nhất định cho các bạn trẻ khởi nghiệp như việc hỗ trợ tinh thần doanh nghiệp, rồi có rất nhiều doanh nhân thành đạt sẵn sàng đưa ra hướng dẫn lời khuyên cho các bạn khởi nghiệp, tinh thần hỗ trợ trong kinh doanh cao. Tuy nhiên, tôi thấy điều này vẫn còn thiếu ở Việt Nam.

Về phía chính phủ có thể ban hành các quy định nhằm thuận lợi hóa các thủ tục cho doanh nghiệp khởi khiệp. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải tốn quá nhiều thời gian và công sức để làm cả thủ tục hành chính.

Một rào cản nữa mà Việt Nam cần cải thiện đó là sự thiếu hụt tài năng, cần thêm những người có kinh nghiệm kinh doanh, bản lĩnh để đẩy mạnh sự phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Lan Anh