“Thủ tướng Phúc đã giải quyết nhanh một số vấn đề thực tiễn và cố gắng lay chuyển bộ máy của mình. Ông bắt đầu “ra tay” bằng việc thúc đẩy xử lý câu chuyện của quán Xin chào. Ứng xử đó được xem như người đứng đầu Chính phủ biết coi trọng số phận của từng người dân, từng DN bé nhỏ. Đồng thời đó cũng là lời cảnh báo đối với cung cách lộng quyền”, bà Phạm Chi Lan nói.

Kỳ 2: Bà Phạm Chi Lan: "Thủ tướng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có"

Kỳ 3: Bà Phạm Chi Lan: "Quyền lực là đích ngắm quan trọng nhất của bọn tham nhũng"

LTS:  Ông Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức Thủ tướng được chưa đầy 6 tháng với một số việc được cả báo chí chính thống và mạng xã hội quan tâm. Để đánh giá về những việc đó và những thách thức đặt ra cho ông và chính phủ trong nhiệm kỳ này, Tuần Việt Nam đã có cuộc giao lưu với bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế độc lập. Bà Lan cũng là người  từng góp bàn về công việc của Thủ tướng tiền nhiệm.

Việc Thủ tướng Phúc chọn đối thoại về những vấn đề của doanh nghiệp (DN) như một trong những việc làm đầu tiên trên cương vị mới của mình, cho thấy ông hiểu nền kinh tế đang bị nghẽn mạch tăng trưởng, hiểu vai trò của DN, và mong muốn chính phủ mình khơi thông được chỗ nghẽn đó bằng cách khơi dòng cho DN phát triển” – bà Phạm Chi Lan mở đầu cuộc trò chuyện.

 

{keywords}
Bà Phạm Chi Lan

Vì sao Thủ tướng chọn DN là đối tượng đầu tiên gặp mặt?

Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình bằng phong cách hiên ngang, đĩnh đạc khi dự Hội nghị ASEM6 ở Helsinki tháng 9/2006, và tiếp xúc với các nguyên thủ nước ngoài. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng sự kiên nhẫn lắng nghe các doanh nhân trong Hội nghị “Thủ tướng và doanh nhân”, được tổ chức ngày 29/4/2016.

Theo bà, những băn khoăn, bức xúc nào của doanh nhân là nổi bật nhất?Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy của ông phải tiếp tục khắc phục như thế nào?

Cuộc hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh được sự hưởng ứng của rất đông đảo DN là vì sao?

Vì thời điểm này thực sự các DN có biết bao nhiêu điều bức xúc, họ nêu lên từ nhiều năm trước đấy, nhất là vài năm gần đây, nhưng ngay cả 2 Nghị quyết 19 (2014 và 2015) của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vẫn được tiếng là một Thủ tướng rất quyết liệt, cũng gần như chưa đi vào được cuộc sống, chưa lay nổi cả bộ máy của Chính phủ, của chính quyền các cấp. Do đó, không những khó khăn cho DN chưa được tháo gỡ bao nhiêu mà còn có những mặt tăng lên. Và khi kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 19 cũng thấy rất rõ nhiều địa phương, bộ ngành thậm chí phớt lờ lệnh của Thủ tướng, kể cả việc đơn giản như báo cáo.

Khi VCCI được giao cùng Văn phòng Chính phủ chuẩn bị, họ tập hợp chỉ trong vòng mấy ngày các khuyến nghị của DN thuộc đủ thành phần và qui mô kinh tế thành một báo cáo 230 trang giấy, trước khi họp được gửi đến VPCP để trình Thủ tướng xem trước. Không khí Hội nghị rất sôi động với sự có mặt của khoảng 500 DN, và được nối mạng cho lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp 63 tỉnh thành cùng nghe và cùng trao đổi.

Đấy có phải là điểm mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thưa bà?

Đúng vậy. Quyết định của Thủ tướng gặp DN chỉ 3 tuần sau khi nhậm chức làm tôi ấn tượng ngay từ đầu, cùng với cái cách của ông ấy làm là cách mở, sẵn sàng lắng nghe và sẵn sàng để hành động.

Ngoài bộ phận của VP Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đi cùng với ông vào trong Nam, các lãnh đạo địa phương cũng được kết nối với hội nghị qua kênh trực tuyến, để sau đó không ai có thể vin cớ là không được nghe, không biết và tiếp tục làm theo cách cũ.

Rồi ngay buổi chiều hôm đó, Thủ tướng Phúc triệu tập luôn các bộ trưởng tham gia cuộc họp, bàn tiếp luôn các biện pháp để tháo gỡ khó khăn. Sau đó, ông giao cho VPCP, Bộ KH-ĐT và VCCI cùng nhau tổng kết những vấn đề DN nêu, những kết luận của Thủ tướng cũng như các bộ, ngành, và xây dựng nên Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành ngày 16/5 có nhiều điểm rất mới so với Nghị quyết 19 của 3 năm 2014-15-16. NQ 35 có tầm nhìn dài hạn hơn, và đưa ra những cam kết khá căn cơ của Chính phủ về 10 nguyên tắc chính nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong 5 năm tới.

Ví dụ nguyên tắc số 1 là Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật, hay các nguyên tắc như Nhà nước coi DN là đối tượng phục vụ; bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực, hay nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự…. Các giải pháp cũng được đưa ra khá cụ thể và rõ ràng những địa chỉ chịu trách nhiệm thực hiện. Tôi cảm nhận đó là một nghị quyết “tái cơ cấu” quan hệ giữa Nhà nước với DN.

Còn những vấn đề cụ thể nêu ra ở hội nghị đó, tôi nghĩ phần lớn là những vấn đề “truyền thống”, chẳng hạn như thủ tục hành chính và các quy định gây khó cho DN nhiều vô cùng.

Thông điệp quan trọng nhất của DN được bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc của Vinamilk nói ra đã được tất cả các DN vỗ tay hưởng ứng, và sau này báo chí cũng nhắc đến nhiều nhất, là Nhà nước phải coi DN là đối tượng phục vụ, chứ không phải là đối tượng quản lý.

Việc Thủ tướng Phúc chọn đối thoại về những vấn đề của DN như một trong những việc làm đầu tiên trên cương vị mới của mình, cho thấy rằng ông hiểu nền kinh tế đang bị nghẽn mạch tăng trưởng, hiểu vai trò của DN, và mong muốn chính phủ mình khơi thông được chỗ nghẽn đó bằng cách tiếp tục khơi dòng cho DN phát triển.

Những phát biểu của ông tại hội nghị và tại nhiều cuộc họp của chính phủ sau đó cũng như Nghị quyết 35 thể hiện cam kết của ông xây dựng chính phủ phục vụ. Thật ra tinh thần chính phủ phục vụ cũng đã được cựu Thủ tướng Dũng nêu trong Thông điệp đầu năm 2014, nhưng những hành động cụ thể trong hai năm còn lại của Chính phủ trước chưa thể hiện được tinh thần đó, bởi vì nhiều cung cách cũ vẫn còn, thậm chí có mặt còn tệ hơn, như hiện tượng tìm cách tróc thu của DN, hay một số quan chức tranh thủ tận dụng quyền và vơ vét lợi lộc trước khi “hạ cánh”.

Thủ tướng Phúc đã thể hiện sự quan tâm tiếp tục giải quyết nhanh một số vấn đề thực tiễn và cố gắng lay chuyển bộ máy của mình. Ông bắt đầu “ra tay” bằng việc thúc đẩy xử lý một vụ bị coi là rất nhỏ, câu chuyện của ông chủ quán Xin chào. Ứng xử của Thủ tướng đối với vụ đó gây được tiếng vang tốt, được xem như người đứng đầu Chính phủ biết coi trọng số phận của từng người dân, từng DN bé nhỏ. Đồng thời đó cũng là lời cảnh báo của Thủ tướng đối với cung cách lộng quyền của một số cơ quan công quyền khi hơi một tý đã quy chụp, hình sự hóa hoạt động của DN và người dân.

Một trong những bức xúc rất lớn của DN về chi phí kinh doanh tăng quá cao cũng đã được đưa vào Nghị quyết 35 để cắt giảm cho DN. Điều này cho thấy Thủ tướng nắm được yêu cầu của DN và cố gắng giải quyết những việc trong tầm tay của Chính phủ.

Việc tổ chức thi hành Luật DN và Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua từ năm 2014 và có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay cũng được các DN đề cập nhiều tại hội nghị, nhất là việc ban hành các nghị định để thực hiện 2 luật đó. Đặc biệt các DN rất quan tâm đến việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn hiệu lực theo các quy định cũ, ngoài hơn 260 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Nhưng gần đến thời hạn thi hành Luật rồi mà các ngành vẫn chưa chịu sửa hàng nghìn quy định trong hơn 50 nghị định và các thông tư liên quan do các bộ, ngành hoặc địa phương ban hành từ trước.

Ngay sau hội nghị đó, Thủ tướng đã yêu cầu VPCP và các bộ Tư pháp, KH-ĐT cùng VCCI tập trung ráo riết rà soát các điều kiện kinh doanh, các văn bản pháp quy liên quan và sửa một loạt các nghị định, phần lớn vừa kịp trước ngày 1/7.

Tức là DN đang hài lòng với những cố gắng của Chính phủ mới?

Chưa phải tất cả đã làm cho DN hài lòng được, bởi vì tuy Thủ tướng đốc thúc rất nhiều, nhưng bộ máy của Chính phủ chuyển động còn chậm lắm.

Có thể thấy từ sau hội nghị đó đến giờ Thủ tướng đã liên tục nhắc nhở các bộ, các ngành, trong các cuộc họp giao ban thường kỳ, cũng như khi về các địa phương đều nhắc nhở, đốc thúc họ thực hiện. Chính Thủ tướng cũng đã nói thẳng luôn điều mà đã có những người nói đến tai Thủ tướng, rằng người ta cảm nhận được là Thủ tướng quyết tâm, nhưng bộ máy của Thủ tướng chưa chuyển động được đâu.

Tận thu ngân sách không mâu thuẫn với tạo điều kiện cho DN phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố là phải tạo điều kiện cho DN phát triển, nhưng mặt khác Chính phủ của ông lại chú trọng vào việc tận thu ngân sách. Điều đó có mâu thuẫn không, thưa bà?

Tôi nghĩ hai cái đó không hoàn toàn mâu thuẫn nhau, miễn là hiểu tận thu như thế nào cho đúng.

Hiểu đúng thì tận thu là thu cho hết những nguồn còn bỏ sót, nhất là từ những DN cố tình tránh né trách nhiệm của mình, không nộp thuế, không đóng bảo hiểm xã hội…, kể cả những DN khai gian để  được miễn thuế, hoàn thuế. Mà những gian lận đó thì không phải là ít, và hầu hết những trường hợp gian lận đều được tiếp tay bởi chính người trong các cơ quan nhà nước liên quan.

Tôi cho rằng tận thu để buộc bất cứ ai có nghĩa vụ nộp thuế thì phải nộp cho đủ, giám sát cẩn thận, là điều rất cần. Một ví dụ rất cụ thể là vừa qua Kiểm toán Nhà nước kiểm toán xong thì thấy một loạt DNNN có vi phạm các quy định về tài chính và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Đấy là một bộ phận có nguồn thu rất lớn, chứ không phải cứ nói gian lận là chỉ nghĩ đến DN tư nhân.

Ngoài ra trong khu vực DN FDI tình trạng chuyển giá để né thuế cũng còn rất phổ biến ở Việt Nam.

Một cú trốn thuế của một “ông lớn” gây thất thoát thậm chí nhiều hơn tổng số thuế của hàng nghìn DN nhỏ nộp cho nhà nước, nên đừng để tâm lý sợ đụng chạm tới DNNN và FDI và những cái ô của họ cản trở ngành thuế làm việc này.

Tận thu như trên là cần thiết, và khi nói tận thu thì đừng hiểu theo kiểu tróc thu, hoặc như cái cách của một số bộ ngành, địa phương hiện nay, là nghĩ mọi cách tăng thu, bầy đặt thêm nhiều khoản thu từ DN và người dân, hay lạm dụng để thu quá xá, như thu phí BOT chẳng hạn.

Những kiểu tận thu này chỉ mang lại lợi ích cho một số đơn vị hay DN nào đó, chứ có được bao nhiêu cho ngân sách, trong khi lại đánh đổi bằng sự kiệt sức của người dân và đa số DN khi phải chịu gánh nặng thuế, phí quá cao, để rồi mỗi năm hàng vạn người nộp thuế phải rời khỏi thị trường.

Thủ tướng chỉ đạo phải tạo điều kiện cho DN phát triển là hoàn toàn đúng. Chính trên tinh thần đó, Thủ tướng  đã chấp nhận  yêu cầu của DN và chỉ thị cho các cơ quan liên quan phải rà soát để giảm chi phí, cái nào thu không đúng thì phải bãi bỏ, cái nào thu quá cao thì phải hạ thấp xuống, những phí trùng lặp thì phải sắp xếp lại. Đặc biệt theo dự thảo Luật DN Nhỏ và Vừa (DNNVV), Chính phủ đã sẵn sàng giảm thuế xuống mức 17% cho loại hình DN này.

“Con đẻ, con riêng và con lai”

Cách đây hơn 10 năm, khi còn là Chủ tịch Quảng Nam, ông Phúc đã có mối quan hệ rất tốt với DN và thành công trong việc thu hút đầu tư vào Quảng Nam, khi đó còn rất thiếu vắng đầu tư. Đặc biệt là các DN tư nhân, ví dụ như là Gạch Đồng Tâm, Ô tô Trường Hải…

Ngày nay trên cương vị Thủ tướng, theo bà, ông Phúc có coi DN tư nhân trong nước là động lực phát triển không, và Chính phủ của ông nên làm sao để cho khu vực này thoát khỏi tình trạng kém phát triển hiện nay so với DN nhà nước và DN FDI?

Tôi nghĩ nhiệm vụ của Thủ tướng khác rất nhiều so với Chủ tịch, hoặc Bí thư của một tỉnh. Những việc ông làm được trước đây ở Quảng Nam như anh vừa kể là rất tốt, là kinh nghiệm rất quý, nhưng quy mô của cả một đất nước khác hẳn quy mô của một tỉnh, bối cảnh hiện nay cũng có rất nhiều cái mới.

Qua Nghị quyết 35, tôi tin Thủ tướng hiểu vai trò của khu vực tư nhân trong nước, cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những DN tư nhân lớn có thể làm đầu đàn, dẫn dắt một số ngành phát triển. Chắc ông cũng thấy khu vực tư nhân trong nước hiện nay khác nhiều so với 10 năm trước về cấu trúc, và hoạt động của họ tuy có mặt thuận lợi hơn, nhưng cũng thách thức phức tạp hơn trước.

Nhiều nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho thấy rất rõ ở nước ta vẫn chưa có một nền tảng cạnh tranh bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước, chưa đảm bảo quyền tài sản và quyền tiếp cận các nguồn lực cơ bản cho họ. Để DN tư nhân trong nước thực sự là động lực phát triển, thì điều quan trọng nhất là Chính phủ cần tập trung giải quyết ba nút thắt này.

Cho đến nay ở nước ta DN nhà nước và FDI vẫn được hưởng nhiều ưu đãi, bảo hộ, kỳ vọng, đến mức đã có những nhóm thân hữu, lấn át những DN tư nhân không có quan hệ thân hữu, chèn ép DN nhỏ và vừa và nông dân trong các hoạt động kinh tế của họ, đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn lực do nhà nước sở hữu hoặc phân bổ. Điều này xuất phát từ việc quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo, lạc quan quá với tốc độ tăng trưởng và mô hình tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên và lao động giá rẻ, để rồi ra sức chiều chuộng DN nhà nước và lôi kéo FDI bằng mọi giá.

Có quá nhiều minh chứng cho thấy DN nhà nước, mặc dù được gắn vai trò chủ đạo, nhưng chưa làm tốt vai trò đó; mặc dù nhận được rất nhiều ưu đãi, nhưng sử dụng rất kém hiệu quả các nguồn lực của đất nước, và thay vì làm ra lợi nhuận, có những DN nhà nước đang tạo nên những gánh nợ “đóng góp” vào nợ công, nợ xấu của hệ thống ngân hàng, là vấn nạn lớn cho nền kinh tế hiện nay.

Khu vực FDI cũng nhận được nhiều ưu đãi so với DN tư nhân. Vì vậy, với năng lực và thị trường vốn có, họ có thể có những đóng góp khá lớn về tăng trưởng công nghiệp, tăng GDP, và nhất là về xuất khẩu, tạo cho Việt Nam cái danh là nhà xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao về nhiều mặt hàng.

Nhưng trên thực tế FDI chưa đóng góp bao nhiêu vào việc xây dựng nền tảng cho kinh tế Việt Nam phát triển, ít kết nối nên chưa có tác động lan tỏa giúp tạo khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh về công nghệ, kỹ năng quản trị và khả năng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu cho các khu vực kinh tế, các ngành cũng như các DN trong nước. FDI đang chiếm tới hơn 50% giá trị gia tăng của công nghiệp, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Giả sử như một ngày nào đó, khi các nơi khác có điều kiện tốt hơn hoặc do thay đổi công nghệ và biến động thị trường mà một số FDI chuyển đi, thì Việt Nam sẽ còn lại những gì?

Đó là chưa kể trong không ít trường hợp các cơ quan nhà nước ta đã châm chước cho FDI nhiều điều vô lý, ví dụ như cho họ hưởng ưu đãi trước mà không hề giám sát, đòi hỏi họ thực hiện các cam kết về nội địa hóa, về chuyển giao công nghệ, về điều kiện lao động hay bảo vệ môi trường.

Vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung ít nhiều đã cảnh tỉnh lãnh đạo các cấp ở nước ta về cách nhìn đối với môi trường. Tôi rất mừng về thông điệp gần đây của Thủ tướng là dứt khoát không chấp nhận những dự án đầu tư mà gây tác hại đến môi trường.

Còn đối với khu vực tư nhân trong nước thì sao? Từ 3-4 năm nay, trước khi ông Phúc lên làm Thủ tướng, chúng ta đã rất lo lắng khi thấy quy mô bình quân của khu vực tư nhân trong nước nhìn chung, nhất là DN nhỏ và vừa, đang bị nhỏ đi, và mỗi năm hàng 5-7 vạn DN ngừng hoạt động. Rất cần phải giải quyết 3 nút thắt chung cho khu vực tư nhân như đã nêu trên, cùng một hệ thống chính sách hỗ trợ hiệu quả đối với DN nhỏ và vừa để chặn lại và đảo chiều xu hướng đó. Luật DN nhỏ và vừa hy vọng sẽ làm được phần nào việc này.

Mặt khác, những chính sách khuyến khích các DN khởi nghiệp đi vào công nghệ, vào những mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới, những mảng thị trường mới, cũng hy vọng sẽ tạo nên bức tranh sáng hơn cho DN tư nhân Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta có một lực lượng DN tư nhân trong nước đang nổi lên thành những DN lớn, tuy số lượng chưa đông song có khả năng làm tốt trong nhiều lĩnh vực. Đã đến lúc phải dứt khoát bác bỏ lập luận thường nói rằng giao cho DN nhà nước hay mời FDI làm dự án nọ kia là bởi vì DN tư nhân chưa đủ sức, chưa sẵn sàng làm. Kiểu biện bạch đó không còn chỗ đứng nữa rồi, khi hầu như không có cái gì mà khu vực tư nhân trong nước không thể làm được, thậm chí làm tốt hơn các khu vực doanh nghiệp khác.

Tiêu chí để đánh giá tốt nhất là hãy để thị trường đánh giá. Thực tế, trên thị trường nước ta cũng như trong một số lĩnh vực xuất khẩu, nhiều DN tư nhân trong nước đã thực sự trưởng thành và có vai trò đáng nể. Từ lứa DN tư nhân tương đối lớn đầu tiên trong những năm cuối thập niên 1990, đầu 2000 vất vả khởi nghiệp trong các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, các DN tư nhân đã đi vào các ngành công nghiệp quy mô lớn hơn và một loạt các DN lớn nhỏ trong ngành công nghệ thông tin mới mẻ.

Cổ phần hóa cũng đã tạo nên những DN đầu đàn trên các lĩnh vực khác nhau như Vinamilk, Cơ điện lạnh REE, FPT, Giấy Sài gòn, Dược Hậu Giang, Vàng PNJ… Rồi mấy năm gần đây, thị trường đất đai và tín dụng mở rộng, nhu cầu tiêu thụ đa dạng lên đã tạo nên những DN tư nhân lớn trong các ngành bất động sản, ngân hàng và một số ngành công-nông nghiệp và dịch vụ khác, mà điển hình là những tên tuổi lẫy lừng như Vingroup, TH True Milk…

Tinh thần kinh doanh, tư duy chiến lược, bộ máy quản trị, khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn lực-trước hết là nguồn lực con người, và sự quan tâm đến người tiêu dùng là những điểm chung nhất tạo nên thành công của hầu hết các DN tư nhân.

Đó là những động lực hay nhân tố lành mạnh, phù hợp với quy luật phát triển chung của các DN trên thế giới, với lợi ích chung của nền kinh tế và đông đảo người dân mà các DN cần thúc đẩy và nhà nước cần khuyến khích. Cũng có những nghi ngờ về một số DN tư nhân thân hữu, tiếp cận được những nguồn lực lớn và khó là nhờ “ô dù” hoặc “đi đêm”. Nhưng muốn chặn điều này thì phải chặn từ nhà nước, bởi việc phân bổ các nguồn lực này đều nằm trong tay nhà nước và theo cơ chế xin-cho hoặc xin-chia, chứ đâu phải do cơ chế thị trường định đoạt!

Một diễn biến tốt trong DN tư nhân gần đây là đã xuất hiện những mô hình DN tham gia vào sản xuất nông nghiệp, đưa công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp và chủ động xây dựng liên kết với các DN nhỏ và vừa và nông dân. Những gì Vingroup, Vinamilk, TH True Milk, FPT… và nhiều DN lớn nhỏ khác đang làm hết sức đáng hoan nghênh và khuyến khích, vì đó là con đường tốt nhất để tái cơ cấu nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm sạch hơn cho thị trường.

Tái cơ cấu nông nghiệp là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng nếu chỉ dựa vào 9 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, thì sẽ không thể thành công được. Tái cơ cấu nông nghiệp bắt buộc phải dựa vào sự tham gia của các DN, nhất là những DN lớn mang tính chất đầu đàn để tạo nên cách làm nông nghiệp mới, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và đưa công nghệ tiên tiến cùng cách tổ chức, quản trị phù hợp vào.

Tương tự như vậy là sự liên kết giữa các DN tư nhân lớn với DN nhỏ và vừa trong các ngành sản xuất, dịch vụ khác nhau để tạo nên những chuỗi cung ứng mới, củng cố và giữ vững chỗ đứng trên thị trường trong nước trước sức ép hội nhập, mở cửa và cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài.

Hình như các DN tư nhân lớn của Việt Nam chỉ hoạt động trong vực bất động sản hay ngân hàng, chứ không phải trong lĩnh vực sản xuất?

Đúng. Bối cảnh phát triển ngày nay đã khác nhiều so với thời kỳ đầu của các nước công nghiệp hóa trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng nước ta cũng không thể công nghiệp hóa được nếu không có những DNTN mạnh trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ hiện đại, có năng suất và sức cạnh tranh cao, hay tham gia các lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển như vũ bão trên thế giới.

Mong Thủ tướng quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phát triển các DNTN lớn ở Việt Nam đi vào công nghiệp và dịch vụ hiện đại, cũng như một số lĩnh vực công nghệ cao.

Còn nữa

Huỳnh Phan - nhóm PV