Ngày nay, cuộc sống no đủ hơn nhưng kỳ lạ thay người ta dường như sợ hãi khi nghĩ về Tết. Tại sao thế?

Nếu lần lại tuổi thơ, tôi tin ai cũng có những hồi ức đẹp về ngày Tết. Sự thiếu thốn vật chất ngày ấy không hề làm mất đi sự ấm cúng, tình người, tình cộng đồng. Từ già đến trẻ, ai cũng háo hức ngóng đợi Tết về. Ngày nay, cuộc sống no đủ hơn nhưng kỳ lạ thay người ta dường như sợ hãi khi nghĩ về Tết. Tại sao thế?

Tôi từng nghe không ít bạn hữu vò đầu, bứt tai về chuyện quà Tết cho sếp, cho đối tác, cho hai bên nội ngoại. Làm sao để vừa sang, vừa giá trị vừa không “tổn thương” hay vượt quá khả năng tài chính của bản thân? Làm sao để quà cho sếp này tương xứng với sếp kia? Chọn thời điểm nào để tránh đụng đồng nghiệp nhất khi thăm nhà sếp? Bài học phải rút ra từ quà biếu năm trước là gì? Liệu “sếp bà” có ưng ý không…?

Chuyện biếu quà còn phổ biến giữa cơ quan này với cơ quan nọ, giữa địa phương với Trung ương. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết chính phủ. Nào chỉ tiền bạc, còn phải thời gian họp để bàn mua gì, mua ở đâu, ai đi mua, kinh phí hợp lý thế nào, tổ chức về Hà Nội ra sao, chừng ấy câu hỏi có khi phải mất cả tháng trời để chuẩn bị.

Thở phào với “sứ mệnh” công sở, người ta lại đau đầu nghĩ việc quà biếu người thân khi về quê. Mang danh người thành phố, quà xuê xoa quá khó coi, bên nội nặng mà bên ngoại nhẹ thì mếch lòng vợ. Tròm trèm có chút tiền ăn tết, cả rừng chi tiêu, hỏi sao không vò đầu bứt tai đến bạc cả đầu?

{keywords}
Ngoài những nỗi căng thẳng về quà cáp lễ nghĩa, tắc đường là một vấn đề thường xuyên của Tết

Trong số ít người ngóng Tết, có lẽ là chủ các quán nhậu. Người Việt thật lạ, cuối năm bộn bề bao chuyện công tư nhưng việc uống thì tuyệt nhiên không thể vắng: uống tất niên, uống tổng kết, uống mừng năm mới, uống cảm ơn, uống chào nhau về quê, uống hẹn cho mùa uống mới… Không ít vị cả tuần không ngồi ăn với vợ con được bữa cơm, lấy quán là nhà, rượu bia là nước. Không ít vị tiếng trước truyền nước hay túi đầy thuốc bác sỹ kê mà vẫn nghiến răng nâng ly.

Ngày hai bữa rượu thì có dạ dày bằng kim cương cũng nát. Khổ nỗi phòng ban cùng cơ quan, đối tác, bạn bè mời lại không đi, lại không mời lại họ. Cốc bia đẩy đi thì chén rượu phải mời lại. Người ta có thể nghèo, có thể ốm, có thể thất hứa với vợ, lương tâm mắc nợ với con nhưng tuyệt nhiên không thể hèn trong cuộc nhậu. Cốc nâng rồi cũng sẽ vơi nhưng ưu tư mẹ mong, vợ đợi, con chờ khiến cho bữa nhậu nhiều lúc cứ tẻ nhạt dù đủ sặc sụa mùi cồn.

Đi nhậu, mời nhậu chẳng biết từ bao giờ đã trở thành một thứ quan hệ “có đi, có lại”, buộc người ta vào thứ thỏa định vô hình nhưng hết sức bền chặt ấy. Đa phần đều oải, đa phần đều than mà tin nhắn, điện thoại vẫn phải lên đường.

Hiếm có quốc gia nào mà tỷ lệ tai nạn giao thông tăng đột biến trong những ngày Tết như ở ta. Nguyên nhân chính của thực trạng này là việc lạm dụng bia rượu. Không ít người uống từ nhà ra ngõ, từ sáng đến tối, từ nội đến ngoại, từ bằng hữu đến đồng nghiệp. Lượng bia rượu tiêu thụ tăng đột biến khắp cả nước. Ở TP Hồ Chí Minh, dự báo lượng bia tiêu thụ trong dịp tết sẽ khoảng 40 triệu lít, trong khi ở Hà Nội, chỉ tính riêng rượu, những cuộc vui xuân có thể ngốn chừng 4 triệu.

Với các đấng mày râu, có lẽ chẳng còn mấy người “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”. Ừ thì có thể dăm ba phút đảo chơi làm phép, dúi tay mừng tuổi mấy tờ bạc cho xong chức phận. Rồi thì rượu, rồi thì bài bạc thâu đêm. Thời gian trôi ngoài cửa hay trong nhà cũng kệ.

Khi cánh mày râu say sưa nhậu, vợ và con họ cứ phải kiên nhẫn chờ đợi, phục vụ. Nấu thêm bát canh, xào thêm đĩa mồi, thêm chút rau sống, hâm lại vài món cho nóng. Có khi cả ngày tết, người vợ chẳng đi được đâu, chỉ chầu chực bên mâm rượu Thạch Sanh của chồng.

Nếu cứ Tết cứ phả là đi biếu quà, cứ phải tiệc tùng liên miên thì có lẽ ở nhiều quốc gia phát triển như Mỹ….không hề có Tết. Bởi nơi đó, người ta dành thời gian nghỉ ngơi cho gia đình và chỉ giữa các thành viên trong gia đình. Thay vì ngập trong tiệc tùng, người ta cùng nhau đi du lịch, cùng ăn những bữa ăn đầm ấm, cùng xem những bộ phim hay, cùng nghe những bản nhạc yêu thích…

Người Việt đang cần không khí Tết vui vẻ, chia sẻ, rộn rã tiếng cười.

Nguyễn Công Thảo