Nếu nói trên đời này cái gì có nhiều nghĩa nhất, đụng chạm nhất và cũng rắc rối nhất, ắt hẳn đó phải là tiền.

Cái gì cũng quy được thành tiền: từ tiền giấy, vàng bạc, tranh quý, thậm chí có người còn ví tiền như là tiên là Phật. Đó là nói theo dân gian chứ còn về phương diện chuẩn mực để một xã hội có thể vận hành trơn tru thì tiền được hiểu như thế nào, quản lý ra sao đều có phép tắc riêng. Nhưng thực tế là đâu phải ai cũng thích rõ ràng như vậy, sẽ luôn có người bất chấp luật pháp và đạo lý để làm cho tiền luôn mờ mờ ảo ảo. 

Chẳng hạn trong một gia đình người cha cho con mượn 100 triệu đồng, người con đem cho mẹ vay, rồi người mẹ sau đó cho ông chồng vay lại số tiền này. 

Nếu gia đình này đem khoe hàng xóm là tổng tài sản (tiền) của “tập đoàn” gia đình mình lên đến 300 triệu đồng thì liệu có gì không rõ ràng hay sai trái? Nhiều khi số tiền 100 triệu đồng ban đầu mà người cha có được cũng là do đi mượn của ông hàng xóm. Giả dụ người cha tuyên bố phá sản không trả được nợ thì có khi 100 triệu đồng tài sản ban đầu đó đã bị phù phép trước đó để trở thành tài sản của người con, còn ông hàng xóm mất trắng. Ai tin thì cứ mà giao dịch mua bán hay vay mượn với họ.

Thời nay đâu nhất thiết phải là vua như ngày xưa mới có quyền năng để chơi các “Trò chơi vương quyền” (như tên của một bộ phim), tập đoàn gia đình nọ không hẳn là vua nhưng có khi còn hơn thế vì họ đang chơi trò chơi tạo tiền mà ít ai quan tâm kiểm soát, cứ không khác gì trò chơi vương tiền thời nay. Mọi thứ sẽ trở thành chuyện tày đình khi vai diễn là các ông vua con cát cứ hay giới quyền quý có tầm ảnh hưởng chứ không phải người dân bình thường.

Bây giờ thử phát triển câu chuyện gia đình ở trên thành câu chuyện lớn của xã hội ngày nay, chẳng hạn có ai đó lập ra công ty mẹ, con, cháu chắt lên đến hàng chục, hàng trăm công ty họ hàng thì tổng tài sản của cả nhóm này lên đến con số khủng khiếp đến cỡ nào. 

Họ cứ thế đem tài sản này tự giao dịch lẫn nhau và với người khác, rồi tiền cứ thế đẻ ra tiền. Số tài sản này cứ lớn dần, lớn dần đến mức họ cũng không thật sự nhận biết mình đang mắc nợ chính mình, mắc nợ người khác và con số thật sự là bao nhiêu. Nhưng có một điều chắc chắn, là nếu khi mọi việc đổ vỡ thì phần lớn tài sản của người dân hoặc của nhà nước sẽ trôi sông trôi biển hoặc bị biến thành tài sản đắp chiếu, để rồi bằng cách này cách khác chảy vào túi chỉ của một vài nhóm người nào đó.

So với các âm mưu lừa đảo lấy tiền của người sau trả cho người trước chuyên lừa gạt những người cả tin và hám lợi theo mô hình “Ponzi Scheme” mà người bình thường ai cũng có thể làm được, thì trò chơi vương tiền ở mức độ tinh vi hơn nhiều và phải có sự chống lưng của giới thế lực trong xã hội. 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 diễn ra na ná theo cách này với tổng khoản vay mượn ảo lẫn nhau chỉ tính riêng năm ngân hàng lớn nhất của Mỹ là 247.000 tỉ đô la Mỹ, còn ở quy mô toàn cầu thì lên đến gần 553.000 tỉ đô la Mỹ. Khi các đại gia tài chính ngân hàng và các tập đoàn lâm vào cảnh phá sản sau đó thì chính phủ chìa tay ra cứu trợ họ ngay lập tức mà không màng gì đến số phận của hàng chục triệu thường dân bị tịch biên nhà cửa chỉ vì đến hạn không có tiền trả nợ ngân hàng. Trò chơi vương tiền như vậy nói thẳng ra là một hệ thống gian lận vĩ đại nhất mà lịch sử từng chứng kiến. 

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua có kết quả bất ngờ ngoài dự đoán cũng phản ảnh phần nào thái độ của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội trước các bất công như thế. Khi các kiểu gian lận này trở nên quá phổ biến trong xã hội ngày nay, sẽ không ngạc nhiên khi thấy bỗng nhiên từ đâu như dưới đất mọc lên các đại gia triệu phú, tỉ phú đô la ngày càng nhiều nhưng theo chiều GDP bình quân đầu người ngày càng suy giảm.

Một xã hội như vậy thì sẽ không lấy gì làm khó hiểu khi các đại gia vụt đến nhưng cũng vụt đi nhanh chóng. Họ đến rồi đi, đôi khi không phải từ quy luật cạnh tranh thương trường mà do số phận trò chơi vương tiền ấn định đến lúc vai diễn nào đó phải lui vào hậu trường nhường sân cho một vai diễn mới, thế cuộc cứ thế mà xoay dần hết lượt này đến lượt khác tham gia dự phần. Nhưng tất cả đều có mẫu số chung giống nhau, bằng cách này hay cách khác liền được giải cứu sau đó, có nơi tuy bị phạt nhưng... cho tồn tại. Giới quyền quý nhiều khi còn xem đó là môn thể thao, ai mệt quá thì ra sân để người khác vào.

Một trong những phương thuốc đơn giản và hiệu nghiệm nhất ngăn không cho các trò chơi vương tiền đến mức gần như trở thành trò chơi thể thao phổ biến, nhất là của giới quyền chức, là các trò chơi phải diễn ra dưới ánh sáng, tức phải công khai, phải minh bạch. 

Nhưng như thế nào là công khai, minh bạch tưởng dễ hóa ra vô cùng khó. Cái khó không phải đến từ những quy chuẩn thế nào là công khai, là minh bạch mà đến từ những điều khác thuộc về yếu tố con người. Chẳng hạn biết giải thích thế nào đây khi so về mức độ thì tiền phạt do lỗi không công bố thông tin hay công bố thông tin giống như giỡn chơi của các tập đoàn đình đám thời nay thậm chí còn ít hơn cả lỗi của công dân vi phạm luật giao thông. 

Cái kiểu được phép công bố thông tin như đùa càng tạo thêm động lực cho các ông vua thời nay tiến hành các chiêu trò tạo tiền mà bình thường chỉ là độc quyền của ngân hàng trung ương, đó là tạo tiền từ cái hư vô (creating money out of thin air). 

Các ngân hàng trung ương có quyền năng chỉ cần hứa hẹn cho ai đó vay tiền hay hỗ trợ một ngân hàng yếu kém nào đó thì tự nhiên tiền sẽ được tạo ra mà có khi không cần phải in hay bơm thêm đồng tiền vật chất nào. Nó giống hệt với cái ví dụ câu chuyện gia đình dẫn ra ở trên: 300 triệu đồng “tiền” được tạo ra chỉ bằng lời hứa. Điều mà chỉ tưởng là đặc quyền duy nhất của ngân hàng trung ương thì ở thời đại bây giờ một nhóm người nào đó có thể hô biến dễ dàng. Ai có được lời hứa hay dựa hơi ngầm một chức sắc nào đó xem như mặc nhiên được ban cho chức năng có quyền tạo ra một khối tiền khổng lồ không khác gì một ngân hàng.

Sự giàu có của các cá nhân và của xã hội nhìn vào danh sách các triệu phú, tỉ phú đô la gia tăng nhanh chóng theo cách thức như thế hóa ra chỉ là ảo ảnh. Trước sau gì mà chẳng có một mắt xích trong hệ thống đổ vỡ vì nó trái với quy luật tự nhiên một cách lạ thường. Nó rồi sẽ mất đi cũng giống như cách được tạo ra từ hư vô ngay lúc mới bắt đầu. Có điều, đó chỉ là ảo ảnh, là mây khói đối với thứ dân hay ẩn dưới thành tích GDP ảo, chứ còn mọi thứ đã được phù phép để trở thành tài sản thật, tiền thật của một nhóm tinh hoa sau hàng loạt các phù phép từ mưu đồ tạo tiền trước đó. 

Khi tiền và của cải được tạo ra từ ảo ảnh như vậy mà không bị giám sát và ngăn chặn thích đáng, đến một lúc nào đó sẽ tạo ra cái gọi là quá quan trọng hay quá lớn để không thể cho nó phá sản được. Một ông doanh nghiệp nào đó chưa thể gọi là khổng lồ mà chỉ cần đánh động bán một lô đất cho nước ngoài để trả nợ hay ngân hàng cho vay có quá nhiều nợ xấu không thu hồi được là đã thấy nhốn nháo đòi phải bơm tiền cứu trợ ngay lập tức. 

Ngày nay cái trò chơi giống như môn thể thao tiền tệ này có thể diễn ra ở bất kỳ sân chơi nào trên trái đất này bởi vì quá dễ để chơi và cũng bởi vì con người vốn luôn có sẵn lòng tham, chỉ cần có thêm các ngài X, Y để dựa hơi là trò chơi cứ thế bắt đầu thật không gì đơn giản hơn nữa.

Xã hội nào cũng vậy, ở mức độ nhiều ít khác nhau, luôn có những vấn đề như thế. Điều không thể chấp nhận là nó không được điều chỉnh thích đáng, thậm chí còn bị ngó lơ. 

Tại sao người ta ít dám đặt ra những luật lệ ngặt nghèo để kiểm soát hiệu quả các trò chơi vương tiền đến vậy. Phải chăng ở các xã hội như thế, con người chính là thánh thần biến thành người tử tế nên họ cứ tự xử với nhau là mọi việc ổn thỏa mà không cần sự xuất hiện của chính quyền; hoặc các thánh thần giờ đã hóa thân làm nhà truyền giáo khích lệ con người học tập các điều tốt đủ để không còn ai có ý nghĩ mưu cầu lợi ích cá nhân bất chấp cái giá phải trả của đồng loại. 

Thế giới thực ngoài kia đang thay đổi quá nhanh, chừng nào ta mới tỉnh ngộ ra đây?

Theo Trần Ngọc Thơ/Thời báo Kinh tế Sài Gòn