Có một điều nói ra rất khó nghe, nhưng nó là sự thật: cả giáo viên và phụ huynh cũng đều là những người tiếp thu và trưởng thành từ nền giáo dục có quá nhiều vấn đề như hiện tại. 

LTS: Lý giải hiện tượng chính sách cải cách giáo dục (CCGD) tương tự những chính sách vẫn đang được thực hiện ở nhiều nước, nhưng khi thực thi tại Việt Nam lại vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ, ở Phần 1, tác giả chỉ ra nguyên nhân từ phía Bộ GD&ĐT. Phần 2 sẽ nhìn nhận vai trò của giáo viên và phụ huynh.

Xem lại Phần 1: Học tập các nước văn minh, sao vẫn bị phản đối ầm ĩ?

Sự thật khó nghe 

Cho dẫu phía đề ra chính sách CCGD mắc sai lầm như đã đề cập, điều đó không có nghĩa là phía giáo viên và phụ huynh học sinh khi phản đối chủ trương - chính sách giáo dục “có vẻ phù hợp với trào lưu thế giới” hoàn toàn đúng.  

Một trong các lý do của sự phản đối có thể xuất phát từ tâm lý ngại thay đổi và lý do nghi ngờ tính hiệu quả, đúng đắn của cải cách, mà nguồn gốc sâu xa nằm ở sự tự ý thức của giáo viên về sứ mệnh nghề nghiệp. Giáo viên ở Việt Nam phần đông vốn quen quan niệm mình là người thừa hành và chờ đợi “mệnh lệnh” chỉ đạo từ cấp trên. Hệ thống hành chính giáo dục nặng tính trung ương tập quyền tạo ra bầu không khí trường học không khuyến khích sự sáng tạo.  

Thêm nữa, cơ chế “SGK quốc định” (cơ chế một chương trình - một SGK) tồn tại quá lâu đã triệt tiêu mầm mống sáng tạo của giáo viên. Bài giảng của giáo viên phổ thông bị đưa vào “khuôn khổ” một cách cứng nhắc, từ nội dung tới phương pháp tổ chức cho học sinh học tập. Những phần giáo viên có thể sáng tạo chỉ đơn giản là một vài biện pháp kĩ thuật dạy học hoặc thay đổi tài liệu minh họa bài giảng… 

Nhiều giáo viên được đánh giá là “giáo viên dạy giỏi” trên thực tế cũng chỉ là người tóm tắt và diễn giải, minh họa một cách dễ hiểu nội dung của… SGK. Rất ít người có sáng tạo trong việc tự chủ cơ cấu nên nội dung giáo dục phù hợp với trường, địa phương mình và đối tượng học sinh mình dạy, từ đó sử dụng “giáo tài” thích hợp để chuyển hóa các nội dung thông qua các hoạt động học tập tự chủ của học sinh.  

Chính vì vậy, khi thực hiện các chủ trương - chính sách CCGD nó và gặp khó khăn, họ đã phản đối mạnh mẽ. Điều này không có gì sai. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu như các giáo viên vừa biết đưa ra yêu cầu để cơ quan có trách nhiệm cải thiện môi trường làm việc, vừa biết “tự kỉ ám thị” về mục tiêu sâu xa mà những điểm hợp lý trong các chính sách trên hướng tới, như giáo dục nên những con người có tinh thần tự do, tâm hồn phong phú. Từ sự “tự kỉ ám thị” đó, họ sẽ tự mình khai phá nên những “thực tiễn giáo dục” giàu tính sáng tạo và hiệu quả.  

{keywords}
Ảnh minh họa

Ở phía phụ huynh cũng vậy. Trong số các phụ huynh phản đối cải cách sẽ có cả những phụ huynh nhìn ra những bất cập của cải cách và cả những phụ huynh phản ứng do nhận thức cũ, tâm lý cũ. Có một điều nói ra rất khó nghe, nhưng nó là sự thật: cả giáo viên và phụ huynh cũng đều là những người tiếp thu và trưởng thành từ nền giáo dục có quá nhiều vấn đề như hiện tại.  

Đặc điểm ấy vừa giúp họ cảm nhận được những bất ổn của nền giáo dục, vừa làm cho nhiều người trong số họ không nhìn ra xa hơn những thành tích thể hiện bằng các con số. Phụ huynh khi giữ nguyên “quan điểm giáo dục” như cũ sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn khi sự tiến bộ, giỏi giang của con không được thể hiện bằng các con số, danh hiệu và thứ bậc.  

Vì thế, để có thể tiến hành CCGD “từ dưới lên” tạo ra áp lực thúc đẩy CCGD “từ trên xuống”, bản thân các phụ huynh và giáo viên cũng phải nỗ lực tự học, tự giác ngộ. Giáo dục gia đình có thể hỗ trợ tốt cho giáo dục nhà trường và bù đắp những phần còn thiếu hụt.  

Hai câu chuyện từ Nhật Bản 

Để kết thúc bài viết này, xin được dẫn ra hai câu chuyện có thật trong lịch sử giáo dục Nhật Bản.  

Câu chuyện thứ nhất. Sau khi chính phủ Minh Trị ban hành “Học chế” thiết lập hệ thống giáo dục cận đại buộc học sinh trong độ tuổi đi học phải đến trường, dân chúng ở nhiều nơi đã tức giận phản đối. Họ không muốn cho con đến trường, vì sẽ mất đi một nhân lực lao động và phải chi thêm khoản tiền học không hề nhỏ.  

Tỉ lệ trẻ em bỏ học ở đầu thời Minh Trị khá cao. Tuy nhiên sau đó khi chính phủ vừa tăng cường sức ép buộc trẻ đến trường, vừa có chính sách trợ giúp về kinh tế, tỉ lệ trẻ em vào học tiểu học ngày một cao và ổn định. Việc học dần trở thành việc quan trọng nhất của trẻ em Nhật Bản.

Câu chuyện thứ hai diễn ra vào thời gian sau 1945 khi Nhật Bản tiến hành cải cách dân chủ hóa xã hội và CCGD. Để xây dựng nền giáo dục mới, Nhật Bản đã loại bỏ khỏi ngành giáo dục những người trước kia đã cộng tác tích cực với chính sách chiến tranh và quân phiệt của Thiên hoàng. Họ tiến hành khảo sát lại nhận thức của các giáo viên về các giá trị phổ quát của nhân loại như dân chủ, hòa bình, tôn trọng con người. Kết quả đa phần giáo viên… trượt.  

Công cuộc tái đào tạo giáo viên bắt đầu. Nhiều cuốn sách có tính chất khai sáng toàn dân như “Trò chuyện về Tân hiến pháp”, “Dân chủ là gì”, “Cải cách đất nông nghiệp” được xuất bản và cấp phát miễn phí cho dân chúng. Kết quả là chỉ hơn 10 năm sau, nền kinh tế Nhật Bản khôi phục đáng kinh ngạc và Nhật Bản dần trở lại vũ đài quốc tế đầy ấn tượng.

Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm các bài cùng loạt:

"Cuộc đời này đâu chỉ có mỗi bài thi"

Trong thế giới rộng lớn được kết nối đan xen hiện nay, người thành công không phải là người thuộc lòng nhiều công thức nhất, mà luôn là người nhanh nhạy linh hoạt học hỏi cái mới nhanh nhất.

Trường như phù thủy, thầy cô như zombie?

Hãy đặt địa vị mình vào một học sinh đã từng đọc và xem phim Harry Potter, có lẽ chúng ta cũng sẽ phải thốt lên – trường mình còn lạc hậu hơn trường phù thủy Hogwarts đến mấy trăm năm, và nhiều thầy cô cứ như thể… zombie!!!

Bộ đang tham gia 'Trò chơi sinh tử'?

Mọi con đường đều dẫn đến Roma”, mục tiêu không đổi, còn phương pháp thì tùy biến cho phù hợp. Áp đặt chỉ một phương pháp, thì khi xảy ra “sự tráo trở của phương pháp”, bị lên án là hoàn toàn đúng.