Một xã hội văn minh tử tế, một chính thể khoa học trong sạch, sẽ hạn chế tối đa được căn bệnh xu nịnh, ngăn chặn những kẻ cơ hội.

Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, theo truyền thống phương Đông, văn có nghĩa là vẻ đẹp, là có giá trị, văn hóa có nghĩa là trở thành đẹp, thành có giá trị. Văn hóa chỉ chứa những cái đẹp, chứa những cái có giá trị, nó là thước đo mức độ nhân bản của xã hội và con người. Vậy mà trong thế gian này, ngoài những khái niệm văn hóa nhân bản nuôi dưỡng tâm hồn con người, nay lại sản sinh ra những khái niệm rất “phản văn hóa”: “Văn hóa” phong bì, “văn hóa” chạy chức chạy quyền, “văn hóa” chửi đổng, “văn hóa” làm nhục, “văn hóa” nịnh bợ…

{keywords}

Trong các loại “văn hóa” không đẹp, đáng sợ nhất vẫn là “văn hóa” nịnh bợ. Ảnh minh hoạ.

Trong các loại “văn hóa” không đẹp kia, đáng sợ nhất vẫn là “văn hóa” nịnh bợ, vì nịnh không mất tiền mua, không bị đóng thuế, không bị khép tội hình sự… nên có một số người thay nhau nịnh vô tội vạ. Nịnh để đạt được những mưu cầu, mưu lợi cho riêng bản thân mình, bất chấp tất cả đạo lý, nguyên tắc.

Nịnh có phần nào đồng nghĩa với lời nói dối, nói những lời không thật. Nó rất đáng yêu cho những mục đích trong sáng như thằng con nịnh mẹ để có tiền mua sách, chồng nịnh vợ để có được bữa cơm ngon, chàng sinh viên nịnh bạn gái để đổi lấy một nụ hôn ngọt ngào… Nhưng biến thể tiêu cực của “văn hóa” nịnh thì hậu quả là vô lường, là suy thoái đạo đức, là hại người, là qua mặt người được nịnh để trục lợi, để mưu cầu danh vị, để vinh thân phì gia… Nhắc đến Hòa Thân, một nịnh thần điển hình trong lịch sử Trung Hoa, hẳn những bạn đọc có lương tri đều phát khiếp khi nghĩ đến miệng lưỡi, âm mưu và thủ đoạn của “vị quan” khét tiếng này trong bộ phim nổi tiếng “Tể tướng Lưu gù”.

Một xã hội văn minh tử tế, một chính thể khoa học trong sạch, sẽ hạn chế tối đa được căn bệnh xu nịnh, ngăn chặn những kẻ cơ hội. Nhưng ngược lại, quan hư với đầu óc háo danh sẽ luôn có “nịnh thần” ở xung quanh.

Nói về nịnh, cũng nhiều cách, cũng lắm chiêu trò, như nịnh khéo, nịnh phô, nịnh trực tiếp, nịnh gián tiếp, nịnh vật chất, nịnh tinh thần .v.v… Ngày nay với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ số, với sự tương tác nhanh nhạy kịp thời của mạng xã hội, người ta cũng có thể dùng facebook để mà “nịnh” cũng được.

Bất cứ một lĩnh vực chuyên môn nào, cũng đòi hỏi người quản lý phải công tâm, bởi bất cứ một chính kiến thiên lệch nào cũng ảnh hưởng đến năng suất làm việc của cấp dưới. Một đơn vị công tác nào mà tồn tại những nhân sự giỏi “đội trên đạp dưới” thì coi như đơn vị đó làm ăn kém hiệu quả, mãi không tiến lên được.

Trong năm 2016 vừa qua, truyền thông nói nhiều đến “văn hóa làm nhục”, thậm chí có những hội thảo nhằm mục đích giã từ “văn hóa làm nhục”, điều này hoàn toàn đúng, nó cho thấy khát khao của một xã hội tử tế văn minh. Người viết chỉ muốn bàn thêm một ý là để giã từ được “văn hóa làm nhục” ngoài tinh thần hòa giải, vị tha thì việc cần làm là xóa bỏ cho được cái “văn hóa nịnh bợ”.

Xã hội càng nhiều người xu nịnh thì lương tri dư luận càng bức xúc, vì nịnh không có những điều khoản pháp lý nào khống chế được nên sự bức xúc càng gia tăng, nó dần dần định hình lên “văn hóa chửi đổng”, “văn hóa làm nhục”… như một phương thức lấy cái xấu này đối phó với cái xấu khác vậy.

Đầu năm, Tết đến người ta thường chúc nhau. Cháu chắt chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, con cái chúc ba mẹ sức khỏe, làm ăn tấn tài, bạn hàng giao thương chúc nhau mua may bán đắt hàng, đồng nghiệp chúc nhau công thành danh toại.... Sau những lời chúc đó là phong bì lì xì, là chén rượu xuân nồng ấm, là những nụ cười đoàn viên sảng khoái. Vui chứ, đó là những lời nói nịnh dễ thương, trong sáng, đúng thời điểm và rất nhân văn- nịnh như thế mới là nịnh!

Minh Phước