- Luân chuyển cán bộ kiểu “tráng men”, “thần tốc” thì liệu có lợi cho công tác cán bộ, cho cái chung không?

Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng vừa qua của Ban Tổ chức Trung ương, nhiều vấn đề trong công tác tổ chức và cán bộ những năm tới đã được chỉ ra hết sức cặn kẽ, mổ xẻ, phân tích thực tiễn đến từng chi tiết và đề ra những quyết sách để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện, hành vi tiêu cực.

Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng đặt trong bối cảnh năm 2019 tới đây là năm bản lề của Đại hội Đảng khoá 13 nhìn ở góc độ công tác quy hoạch nhân sự... Song điều này cũng không hề đơn giản nếu chúng ta quan sát thực tiễn lâu nay trong công tác cán bộ, chẳng hạn một số sai lầm xảy ra trong việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ từ trung ương xuống cơ sở.

Đó là hiện tượng đưa những cán bộ bị vi phạm kỷ luật từ cơ sở điều động về trung ương (và ngược lại), hoặc từ địa phương này sang địa phương khác... Trong quá trình công tác trước đó, họ từng bộc lộ năng lực hạn chế, uy tín đã giảm sút, thậm chí từng gây mất đoàn kết nội bộ ở đơn vị cũ, không còn triển vọng phát triển tiếp. Vậy thì việc điều động này, với cái chung, liệu có lợi hay không? 

{keywords}
Sai phạm trong công tác cán bộ gây hậu quả rất lớn. Ảnh minh họa

Chủ trương luân chuyển của Đảng là qua cách làm này sẽ có điều kiện thử thách người cán bộ được xem là đối tượng quy hoạch cho tương lai. Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết. Song, liệu có nên luân chuyển những trường hợp mới có hai, ba năm ở một vị trí mà đã vội cho quay về để ngồi ở vị trí cao hơn trước?

Thời gian quá ngắn như vậy sẽ chỉ như “tráng men” chiếc ghế ngồi ở cơ sở, e là sẽ chưa kịp làm quen công việc, chưa kịp nắm bắt để nghĩ ra những gì cần làm cho tốt hơn. Hơn nữa, do quan niệm thời gian rất ngắn nên họ dễ nảy sinh tư tưởng nhấp nhổm chuyện đi - ở mà không làm một cách quyết liệt, táo bạo để tránh mắc sai sót, tránh bị mất lòng, chỉ muốn “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”.

Đó là tôi chưa muốn nhắc đến một loại cán bộ được nâng đỡ thần tốc kiểu các “quý tử” như ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai nguyên Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam Lê Phước Thanh; ông Huỳnh Thanh Phong, con trai nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc… Họ đều có một mẫu số chung: sau 4 năm công tác mà cùng lên đến 4 chức (từ phó phòng mà lên đến giám đốc sở), thì thử hỏi cách luân chuyển như vậy ai được lợi?

Những ví dụ tương tự chắc không hiếm. Có những trường hợp do bị “chín ép” đến nay đã phải rời khỏi chính trường, để lại những dư âm không tốt trong đời sống chính trị, gây mất niềm tin nghiêm trọng trong cán bộ, đảng viên.

Việc “nhắm” nhân sự luân chuyển phải công tâm và vì sự nghiệp phát triển đất nước. Bài học xương máu của việc “luân chuyển cán bộ theo đường tiểu ngạch” kiểu như Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia quả là đau xót, xấu hổ.

Trịnh Xuân Thanh với nhiều "thành tích bất hảo" mà chỉ trong hơn 2 năm được "nhẩy" qua đến 4 chức dưới thời ông Vũ Huy Hoàng đang giữ cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng Bộ Công Thương.

Người dân đang kỳ vọng lãnh đạo Đảng khoá 12 này sẽ có cơ chế giám sát công tác cán bộ sao cho thực sự khoa học, cầu thị, dân chủ và không hình thức... Thực tế chứng minh công tác cán bộ mà bị hổng thì hệ quả không chỉ có nạn tham nhũng, tha hoá, tiêu cực trong bộ máy chính trị mà ngay cả đến sự nghiệp phát triển đất nước cũng sẽ bị kéo lùi.

Những sai phạm của hàng loạt cán bộ trong thời gian vừa qua cho thấy rõ, không còn cách nào khác là phải xử lý thật nghiêm khắc những sai lầm khuyết điểm không chỉ của đối tượng được luân chuyển, đào tạo, đề bạt mà cả những người làm công tác tham mưu về cán bộ cho Đảng cũng phải chịu trách nhiệm.

Tôi rất tán đồng quan điểm mới đây của Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính rằng cần phải kiểm soát quyền lực thật tốt nhưng vẫn cứ phân cấp quản lý cơ sở gắn với trách nhiệm rõ ràng. Bởi một điều đơn giản, Trung ương thì không thể bao sân như trước khi mà Vụ cơ sở Đảng (thuộc Ban Tổ chức TƯ) chỉ có 7-8 cán bộ thì làm sao mà bao quát được cả chục ngàn tổ chức cơ sở các cấp? Lỗ hổng quản lý, bổ nhiệm cán bộ nhiều khi cũng từ khâu này để rồi khi quy trách nhiệm cũng sẽ vô cùng khó.

Hội nghị Trung ương 6 khoá 12 về công tác cán bộ và tinh giản tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị năm 2017 đã mang lại hy vọng lớn. Nay, hội nghị tổng kết lần này của Ban tổ chức TƯ tiếp tục cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, đưa công tác cán bộ vào trọng tâm cấp bách để phát triển đất nước trên nền móng một hệ thống chính trị lành mạnh. Chúng ta cùng hy vọng chờ xem dù biết là rất khó khăn!

Quốc Phong

Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ để tránh "ngồi nhầm ghế"

Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ để tránh "ngồi nhầm ghế"

Chủ nhiệm UB Tư pháp vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước để trả lời dư luận, cử tri.

Cán bộ cấp phường và quyền lực bé mọn

Cán bộ cấp phường và quyền lực bé mọn

Bạn có nghĩ mình sẽ là một cán bộ phường không? Nếu hỏi thí sinh thi tốt nghiệp phổ thông, việc trở thành cán bộ phường sẽ là lựa chọn cuối cùng.

Nâng đỡ siêu tốc, nâng đỡ không trong sáng: Ai được, ai mất?

Nâng đỡ siêu tốc, nâng đỡ không trong sáng: Ai được, ai mất?

Cán bộ yếu kém tất yếu đất nước cũng khó phát triển theo quy luật tích cực vốn có, con thuyền đất nước dễ tròng trành trước bão táp.

Quan chức, đại gia xa hoa ‘dính phốt’ và lời nhắc 'mùa tiệc tùng'

Quan chức, đại gia xa hoa ‘dính phốt’ và lời nhắc 'mùa tiệc tùng'

Chắc sẽ không thừa khi năm mới nói chuyện "đổi mới" và bàn về lối sống tiết kiệm, đặc biệt trong điều kiện ngân sách quốc gia còn eo hẹp.

Từ biệt phủ, tài sản khủng của quan chức bàn về kiểm soát thu nhập

Từ biệt phủ, tài sản khủng của quan chức bàn về kiểm soát thu nhập

Số liệu chính thức của cơ quan nhà nước về tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng là quá thấp do có nguyên nhân từ sự yếu kém của công tác kiểm soát thu nhập.