Năm 2008, thứ hạng Việt Nam trên bản đồ tiêu thụ bia châu Á xếp thứ 8. Vậy mà, năm 2016, Việt Nam đã leo lên xếp thứ 3 rất ngoạn mục, chỉ sau Nhật Bản siêu giàu và Trung Quốc siêu dân số.

Vậy là dịp tết Đinh Dậu, hơn 90 triệu người Việt uống hơn 320 triệu lít bia. Con số này nhiều hay ít? Chỉ biết, với chừng đó bia, tết này người Việt uống nhiều hơn tết năm ngoái 9%.

Tết là dịp bia rượu được tiêu thụ nhiều nhất. Tháng giêng – tháng ăn chơi –rượu bia sẽ được tiếp tục uống, cứ để vào môi sẽ trôi vào bụng theo các lễ hội và dịp tân niên. Một nền kinh tế bia, bất chấp sự khó khăn kinh tế, từ vĩ mô đến vi mô, đang phát triển, và phát triển mạnh mẽ.

Thống kê cho thấy cả năm 2016, người Việt uống hết 3,8 tỉ lít. Tính trung bình, mỗi người Việt uống hết 42 lít bia, tăng 4 lít so với năm trước đó. Năm 2017, dự báo mức sản xuất bia trong nước gần 4 tỉ lít, cộng thêm bia nhập ngoại, người Việt sẽ uống nhiều hơn nữa.

Nền kinh tế bia đang chứng kiến cảnh các nhà máy bia tràn ngập khắp cả nước. Nhưng bia – rượu không thể tự mình phát triển mà kéo theo các nhà hàng, cùng với mồi nhậu, đủ thứ thượng vàng hạ cám. Đáng nói hơn, hệ quả của bia – rượu cũng đã kích thích các ngành khác, từ y tế đến chăm sóc sức khoẻ, và dĩ nhiên, nhiều sự bi thảm khác không muốn nhắc tới…

{keywords}{keywords}
Ảnh minh họa

Ngành bia đang phát triển, và phát triển rất mạnh. Năm 2008, thứ hạng Việt Nam trên bản đồ tiêu thụ bia châu Á xếp thứ 8. Vậy mà, năm 2016, Việt Nam đã leo lên xếp thứ 3 rất ngoạn mục, chỉ sau Nhật Bản siêu giàu và Trung Quốc siêu dân số. Ở Đông Nam Á, Việt Nam đã là số một từ năm trước đó. Ở cấp độ thế giới, Việt Nam lọt vào tốp 25 quốc gia uống rượu bia giỏi nhất.

Nhắc tới bia và thứ hạng để nói tới nhiều chuyện. Đầu tiên là đo mức độ giàu nghèo. Ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, quỹ đầu tư thành lập từ năm 1994 tại Việt Nam, đi xuyên qua các cơn sóng kinh tế buồn vui, ví von sự phát triển của xã hội qua bốn thức uống: đầu tiên là rượu đế, tức khi dân còn nghèo, sau đó là bia khi có chút tiền đủng đỉnh, sang hơn nữa thì xài whisky – rượu tây và giới có tiền thì uống vang – dĩ nhiên là vang ngoại nhập, chứ không phải Đà Lạt.

Vậy là, sự phát triển của kinh tế đi theo chiều bia rượu như vậy. Có thể nhìn thấy gì? Ở thị trường nông thôn, năm 2015, theo các nhà nghiên cứu thị trường, dân ở khu vực này, uống khoảng 2 tỉ lít bia trong tổng số 3,5 tỉ lít. Điều đó có nghĩa là một người dân nông thôn đã uống bia xấp xỉ dân thành thị, vì xét theo cơ cấu dân số, khoảng 68% người Việt vẫn sống ở nông thôn, 32% là ở thành thị. Điều đáng nói là, trong khi thị dân như ở Sài Gòn bước ra ngõ hẻm là gặp quán nhậu, thì người nông thôn lại mua về uống. Dân quê ùn ùn mua từng thùng, và thay vì nhấm nháp ly đế, họ chuyển qua uống bia, như một cách nâng cấp đời…

Năm 2016 con số đang tăng, và năm nay cũng vậy. Vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng uống, và bằng cách ấy, ngành bia cứ phát triển. Có một thời, lãi suất ngân hàng được khuyến mãi thêm bằng bia, nghĩa là người có tiền đem tiền đến ngân hàng gửi, ngoài việc nhận lãi suất, khi đó cao, vì lạm phát cao, còn được rinh thêm mấy thùng bia về nhà uống nữa.

Cuộc cạnh tranh trong nền kinh tế bia đang chứng kiến sự lớn mạnh của Sabeco, bất chấp những lùm xùm về nhân sự hay quản trị. Kết thúc năm 2016, Sabeco có doanh thu 30.642 tỉ đồng, lãi sau thuế 4.655 tỉ, vô địch từ trước đến nay… Cổ phiếu Sabeco trong đợt lên sàn mới đây được chào bán 110.000 đồng. Các nhà đầu tư tranh mua, và rồi trên thị trường, thị giá được đẩy lên gấp đôi, hơn gấp đôi, vì tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Vậy mà, trước đó hai năm, ngân hàng BIDV chào bán nửa triệu cổ phiếu hãng bia này với giá 70.000 đồng, bằng giá lên sàn đầu tiên vào năm 2008, vậy mà để mấy tháng không ai đoái hoài tới. Thế là đành ôm, và hoá ra BIDV lại vớ bẫm.

Sau mức độ giàu nghèo, nền kinh tế bia đang làm rạng danh vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới về mức độ tiêu thụ. Thử đặt trong kinh tế bia trong bức tranh công nghệ sẽ thấy một sự tương phản: Bia đang lao như tên bắn về phía trước, trong khi trình độ công nghệ đang bị lôi tụt lại phía sau.

Nếu nhìn cuộc cách mạng công nghiệp đang bước vào giai đoạn 4, thì nền kinh tế Việt Nam, khổ thay, lại đang ở giai đoạn 2 – vừa là bia trong nền kinh tế bia, vừa là giai đoạn điện khí hoá trong cuộc cách mạng công nghiệp. Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, chương trình Fulbright, Việt Nam cũng chỉ mới giai đoạn 2. Nhắc lại để thấy, cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là máy hơi nước thay thế sức người, cuộc cách mạng giai đoạn hai là điện khí hoá. Giai đoạn ba, vốn xảy ra từ rất lâu, là kỹ thuật số, với sự vào cuộc của máy tính, và giai đoạn 4 đang xảy ra là trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, kỹ thuật số… Để chứng minh, ông Tự Anh dẫn số liệu nghiên cứu của Fulbright mười năm với hãng Intel, rằng trong giá trị hàng tỉ USD xuất khẩu của hãng này, phía Việt Nam chỉ đóng góp một phần rất ít. Phần ít ỏi đó, theo ông Tự Anh, là phần mà Intel không thể nhập khẩu được như cắt tỉa hoa lá cành, túi đựng quà… “Nếu nhập khẩu được, hẳn họ cũng làm luôn”…

Trần Phi Tuấn/ theo TGTT

*Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt