Giá như mỗi trường ở đồng bằng, thành thị khi tổ chức họp mặt, lễ kỷ niệm, đón nhận tiền ủng hộ từ các thế hệ học trò chủ động sử dụng tiền ấy ủng hộ ngôi trường vùng cao còn thiếu thốn nào đó thì ý nghĩa biết bao.

Cuộc đua “hội trường”?

Có dịp về quê, ông bạn học cùng lớp ngày xưa trong lúc trà dư tửu hậu có kể cho tôi về việc trường này, trường nọ mới tổ chức 50 năm ngày thành lập thật hoành tráng. Nhiều quan chức về dự, xe biển xanh không thiếu, tiền ủng hộ của học sinh các khóa có khi đến tiền tỷ. Trường mời cả ca sỹ nổi tiếng về hát, tiệc mặn linh đình…

Tôi cảm nhận được sự ngưỡng mộ trong cách kể chuyện của bạn, thầm hiểu rằng bạn ước lễ kỷ niệm tới đây của trường mình chí ít cũng phải được như thế.

Trong một vài năm trở lại đây, xu thế tổ chức lễ kỷ niệm thành lập trường, họp lớp... nở rộ, ngày càng phát triển, có quy mô lớn hơn. Năm lẻ cũng tổ chức, năm chẵn thì làm to hơn.

Quy mô và tính “chuyên nghiệp” không ngừng được “nâng tầm”. Thông báo trên truyền thông, thư mời đích danh (những người thành đạt), thư mời chung, điện thoại, tin nhắn, thôi thì đủ cả.

Có những lễ kỷ niệm được tổ chức gồm cả trình diễn thời trang, ca nhạc, yến tiệc linh đình. Và để làm điều đó, chiến lược marketing được xây dựng bài bản như bất kỳ một doanh nghiệp sắp tung sản phẩm mới ra thị trường. Hồ sơ học sinh các khóa được lục lại. Các nhân vật thành đạt, các lớp trưởng được mời về, cùng trường bàn bạc việc tổ chức sao cho không kém cạnh trường bạn.

{keywords}

Ảnh minh họa

Dường như họ tin rằng việc tổ chức lễ kỷ niệm càng “hoành tráng” thì “đẳng cấp” của trường càng được nâng lên, từ đó mà sinh ra những phô trương không cần thiết. Người ta tin rằng đóng góp vật chất cho trường là cách duy nhất để bày tỏ tâm thế “uống nước nhớ nguồn” và là điều mà mọi thế hệ học sinh nên làm. Người ta đua nhau tặng phong bì, rồi ghế, rồi bàn… vật gì cũng được, miễn là có tên mình trên đó, càng to hơn người khác càng tốt.

Giá trị tinh thần đôi khi bị biến thành một cuộc đua… Không mấy người trong số họ tự hỏi số tiền ủng hộ ấy sẽ được sử dụng như thế nào? Có nhất thiết phải phong bì như thế không? Nhiều nơi, trường lớp đã kiên cố, khang trang, đã đạt “chuẩn quốc gia” từ lâu thì việc xây dựng trường là không cần thiết.

Giá như...

Phú quý thường sinh lễ nghĩa. Kinh tế phát triển, chúng ta có quyền nghĩ nhiều hơn về lễ, hội. Tuy nhiên, việc tổ chức các ngày lễ đó nếu chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải, mang tính chất “ôn cố, tri tân” thì hẳn sẽ mang ý nghĩa và để lại dư âm hơn rất nhiều. Ôn cố để chúng ta nhớ lại một thời đi học trong trẻo, nhiệt huyết để nhắc nhở mình sống tốt hơn trong thời hiện tại. 

Trong những cuộc gặp ấy, thay vì những chúc tụng ồn ào, thay vì chỉ tập trung ghi tên tuổi những cựu học sinh, sinh viên thành đạt, phải chăng sẽ là ấm áp, thiết thực hơn nếu trường, lớp cùng xem những người bạn nào cuộc sống còn khó khăn, chật vật để cùng chung tay giúp đỡ.

Và không chỉ vậy...

Nghề nghiệp giúp tôi có cơ hội đi nhiều nơi, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu vùng xa nơi nhiều tộc người thiểu số sinh sống. Không ít nơi trường vẫn chưa ra trường, lớp chưa gọi được là lớp. Nhiều học sinh vẫn bầm môi vì lạnh, đu dây đến trường, ngồi nghe giảng bài với bụng lép kẹp, bữa ăn chỉ lưng cơm trắng trộn muối với bát canh rau rừng…

Ở nơi ấy, lễ kỷ niệm thành lập trường là khái niệm xa xỉ.

Giá như mỗi trường ở đồng bằng, thành thị khi tổ chức họp mặt, lễ kỷ niệm, đón nhận tiền ủng hộ từ các thế hệ học trò chủ động sử dụng tiền ấy ủng hộ ngôi trường vùng cao còn thiếu thốn nào đó thì ý nghĩa biết bao.

Khi đó, không cần cờ hoa, biển hiệu, không cần “truyền thống”, thành tích hay bằng khen, tự thân những nghĩa cử ấy sẽ là những bài giảng mới mà các thầy cô truyền tiếp cho hết thảy các thế hệ học trò…

Nguyễn Công Thảo