Với chuyện tắc đường rất cần một cái nhìn tổng thể, nhìn rộng xa hơn những việc lâu nay vẫn làm, kể cả các sáng kiến đoạt giải làm nức nở mọi người...

Người nhà quê, ở nhà đất bao nhiêu năm, làm sao có đủ kinh nghiệm khi về phố, khi mua nhà cao tầng. Ông bạn về hưu cạnh nhà tôi, “lượn” phố cả tháng, mỗi ngày mua một số báo về nhà đất lang thang khắp ngõ này ngách nọ để “tầm” một suất đất làm nhà.

Ưng ý vì ai cũng nói nơi này cao ráo, mưa to chắc chắn không bị ngập lội bì bõm, nhưng khi đến ở mới ngã ngửa ra, nhà mình ngập trước tiên vì khu bên cạnh vừa đổ đất làm tổ hợp gì gì đó, cả chục dãy cao tầng, thi công ầm ĩ suốt đêm.

Tôi theo bạn theo bè, vay mượn hết lượt người thân cố mua bằng được mấy chục mét chung cư cho hai đứa con đang học đại học ở phố. May có người quen của bạn bè làm nghề bất động sản, nói với nhau vài câu là “quyết”, chả biết hình thù đông tây nam bắc ra làm sao. Lại bắt đầu thời kỳ “bong bóng vỡ”, vợ con có lúc nói mát “Coi chừng bố mình mua được… nhà giấy!”.

Mỗi lần ra phố công tác lại gọi ông “bất động sản” kia cho đi xem nhà. Khi thì đường vành đai chưa xong, dừng ở đây ngắm anh nhé. Đã lên được chục tầng kia kìa. Khi thì vừa cất nóc, dáng dấp gớm! Lại bữa đang quét sơn, đang lắp cửa. Và mừng như bắt được vàng là hôm có giấy nhận nhà. Đến nơi cầm hồ sơ ký vẫn run tay. Mở khóa vào căn phòng nồng nặc vôi vữa mà cứ như vào… thiên đường có thật cả đời dành dụm mới có được.

Hóa ra không phải nhà cho con mà cho cả bố mẹ, cuộc “dời đô” có lẽ hơi muộn của một kẻ bám quê ngót ba chục năm như tôi. Cũng đâu chỉ mình tôi mà còn nhiều, nhiều người khác nữa, với vô vàn nguyên cớ tốt đẹp ngày này qua ngày khác ùn ùn về phố sinh sống, làm việc và có lúc… thở dài!

Là bởi, giờ đây mỗi sáng bước ra khỏi thang máy, lên xe đi làm là đụng ngay cảnh tắc đường. Xe máy leo lên vỉa hè, hở chỗ ngay lập tức có xe vào chèn vào. Ô tô hàng năm, hàng sáu dàn hàng ngang, hàng dọc kìm nhau.

Ngày nào, người ta coi thủ phạm chính là xe máy thì bây giờ ô tô mới đích thị là “anh” chiếm đường nhiều nhất. Ngày nào giờ cao điểm – tắc, ngày mưa – tắc, dịp tết – tắc cả tháng. Giờ buổi trưa - tắc, thấp điểm cũng tắc. Trục chính tắc quen rồi giờ ngõ ngách cũng tắc nốt. Đến nỗi có lần lên taxi, tôi bảo chú lái “đi đường nào cũng được, miễn là cho bác về nhà…”

Bực nhất là chuyện hàng ngày đi taxi, có thẻ hãng nhưng lắm hôm trời mưa tổng đài để chế độ tò tý te! Chú lái xe quen bảo tôi “Cả cháu cũng không liên lạc được về cơ quan, bác nà”. Chú này cũng cười hềnh hệch mà rằng “trời mưa hay khi tắc đường, nói thật với bác, chúng cháu tấp xe vào một nơi nào đó, tá lả, hút thuốc vặt hay nằm ngủ. Đi sao được lúc đó. Càng đi càng tốn xăng, giảm lãi, mỏi cẳng đạp côn, bác nà”.

{keywords}

Cảnh đường xá tắc nghẹt cuối năm ở Hà Nội. Ảnh: Thái Thị Hậu

Hãi giờ cao điểm, hãi cảnh ùn tắc và không hiểu sao nhiều người hãi… chung cư cao tầng! Một khu dăm bảy tòa cao tầng là có số dân bằng cả mấy huyện ở quê. Buổi sáng chờ thang máy, chờ lấy được xe, chờ vượt qua được “nút cổ chai” trước cổng cứ gọi là mất toi cả tiếng đồng hồ, chưa kể qua bùng binh nọ, cầu qua kênh kia, đèn đỏ thứ nhất, thứ n… Cuối chiều ùn ùn về, ghé chợ rau cá, đón con…thì cái sự tắc buổi sáng chỉ là chuyện nhỏ trong sự vội vàng, mướt mồ hôi trán của chị em.

Vì thế nhìn con đường thông thoáng kia ai cũng mừng, cũng thở phào khoan khoái cho xe mát máy tí chút. Nhưng chao ôi, còn mấy cái tòa sừng sững kia kìa, nay mai lại kéo về số dân bằng mấy huyện, mấy tỉnh nhỏ nữa, thì lại tắc cứng như nêm cho mà coi. Mà đường đi lối lại xung quanh vẫn thế, có tôn cao, mở rộng chút nào đâu. Không tắc mới là chuyện lạ, ngay cả chú lái xe taxi cũng khẳng định chắc nịch với tôi như thế.

Bình thường nhiều người đã nêu sáng kiến này nọ, giờ lại cấp bách hơn bằng việc tổ chức thi thố. Sáng kiến hay mà tiền ít là một chuyện. Sáng kiến giỏi mà không sao tổ chức thực hiện được lại là chuyện khác.

Không hiểu sao mình cứ liên tưởng chuyện tắc đường, ngột ngạt ở phố có họ gần, họ xa với… quê? Ông bạn về hưu nhà bên tâm sự. Này nhé, ở quê thiếu việc làm, thu nhập thấp nên bà con ùn ùn cả làng kéo nhau ra phố. Chuyện cha con nhà ông là một ví dụ. Chắc chắn không ai muốn đi xa tàu xe khổ sở chen chúc đi về và bao nhiêu chuyện nhiêu khê khác.

Chuyện “con đường đắt nhất hành tinh” giá như được tính toán bằng các công trình kinh tế - xã hội thiết thực, thu hút ngàn vạn việc làm và thu nhập ở vùng nào đó, biết đâu sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho những nơi đô hội? Ai cũng biết hễ cứ mở một con đường nào thật to rộng, tốn kém thì chỉ ít lâu sau con đường đó đồng nghĩa với việc ùn tắc như cơm bữa đấy thôi. Nghĩa là rất cần một cái nhìn tổng thể, nhìn rộng xa hơn những việc lâu nay vẫn làm, kể cả các sáng kiến đoạt giải làm nức nở mọi người...

Châu Phú