Syria nằm giáp ranh 3 châu lục châu Âu, châu Á, châu Phi, vị trí địa-chính trị đặc biệt quan trọng. Vị trí nóng bỏng này là nơi Nga không thể bỏ, vì nếu buông tay sẽ là thảm họa, chính quyền Assad sụp đổ cũng là thảm họa, người Nga sẽ trắng tay.

Kỳ 1: Ai phải chịu trách nhiệm về khủng bố?

Mời đọc giả theo dõi tiếp kỳ 2 tọa đàm: Nhìn lại thế giới năm 2015 của Tuần Việt Nam với ông Lê Văn Cương, nguyên Viện Trưởng Viện chiến lược Bộ Công an và ông Vũ Đoàn Kết, giảng viên Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao.

Có hay không người chống lưng IS?

Nhà báo Thu Hà: Thưa các vị, có hay không những hành động quân sự bí mật và công khai của một số quốc gia đầu sỏ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, vùng Sừng Châu Phi và Trung Á? Mục tiêu của họ là gì?

Ông Lê Văn Cương: IS hoạt động với tư cách một tổ chức độc lập và có hai điểm khác biệt Al-Qeada. Thứ nhất là tính tàn bạo. Thứ hai là ý đồ thành lập một siêu nhà nước bao trùm toàn bộ Bắc Phi, Trung Đông. Chuyện này đẻ ra vấn đề liên quan tới câu hỏi của chị, liệu có ai chống lưng cho IS không?

Chống lưng về quân sự thì đến giờ phút này tôi chưa tiếp cận được thông tin nhưng chống lưng về tài chính thì có. Một số không ít các nhà tài phiệt, các tập đoàn kinh tế lớn của người Sunny ở vùng Trung Đông, Bắc Phi đã tuồn kinh phí cho IS.

Trong số 800 triệu người Hồi giáo dòng Sunni không phải ai cũng ủng hộ IS, nhưng cũng có hàng trăm nghìn người có cảm tình. Trong số hàng trăm nghìn người đấy, có hàng chục người rất giàu, sẵn sàng chi tiền và sẵn sang tham gia với IS.

Ông Vũ Đoàn Kết: Nếu đã là bí mật thì rất khó để có thể nhận biết. Tôi không khẳng định được những câu chuyện bí mật là có hay không. Và, bí mật thì thường là nguồn cơn của rất nhiều đồn đoán theo kiểu thuyết âm mưu. Tất cả những câu chuyện vẫn dừng lại ở chỗ: “người ta cho rằng…” hay “có thông tin rằng…”. Nói như thế không phải để phủ nhận rằng trong sự nổi lên của nhà nước Hồi giáo, trong cuộc xung đột ở Syria là có các bàn tay của các bên.

Điểm thứ nhất, như giáo sư Cương đã phân tích, mặc dù chính quyền Ả-rập Xê-út tham gia vào liên minh cùng Mỹ và phương tây chống IS nhưng vẫn có một số thế lực tài phiệt của nước này tài trợ cho IS. Ở Jordan, ở Qatar, ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy.

Và không phải tự nhiên mà dầu lửa đi từ Iraq, đi từ Syria lại qua Thổ Nhĩ Kì một cách dễ dàng như vậy. Dầu lửa không phải là con kiến để có thể chui qua được biên giới. Nó là đoàn xe 500 chiếc, 300 chiếc thậm chí hơn nữa. Với một đường biên giới như hiện nay không thể nào nói là chúng tôi không biết, không thể nào nói là chúng tôi không hỗ trợ.

Có hay không người chống lưng cho IS? Rõ ràng là có và chắc chắn là có!

{keywords}
Ông Lê Văn Cương (bìa phải) và ông Vũ Đoàn Kết tại tọa đàm.

Câu chuyện tại Syria hiện nay không chỉ là xung đột về sắc tộc tôn giáo; không chỉ là xung đột giữa một bên là chính quyền của ông Assad và một bên là lực lượng chống đối. Nếu nhìn ở góc độ khu vực chúng ta thấy đây là một cuộc chiến mang tính chất địa chính trị khu vực có sự can dự của Iran, của A rập xê út của Thổ Nhĩ Kì là 3 cường quốc khu vực đang nhòm ngó vào đây. Ngoài ra còn có Qatar, Jordani…

Ở Syria chúng ta đang nhận diện đây là một cuộc chiến ủy nhiệm- đặc trưng của chiến tranh lạnh. Việc Nga đứng đằng sau chính quyền Tổng thống Assad còn Mỹ và phương Tây đứng đằng sau các lực lượng chống lại chính quyền của ông Assad là minh chứng cho điều này. Các lực lượng này đối đầu, kình địch với nhau nhưng không trực tiếp mà thông qua một bên thứ ba. Đây chính là cái làm cho cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới nói chung và ở Syria trở nên rất khó khăn.

Ông Lê Văn Cương: Cuộc chiến chống IS, cuộc khủng hoảng ở Syria… thực chất là cuộc chiến giành lợi ích địa chiến lược, địa chính trị.

Syria nằm ở phía Đông Địa Trung Hải giáp ranh 3 châu lục Âu - Á - Phi, vị trí địa-chính trị đặc biệt quan trọng. Nếu như chuyện xảy ra ở Nam Phi, hay vùng sừng Châu phi thì người Nga chắc sẽ không dính vào và cũng không sôi sung sục thế này. Vị trí nóng bỏng này là nơi Nga không thể bỏ được, vì nếu buông tay sẽ là thảm họa, chính quyền Assad sụp đổ cũng là thảm họa, người Nga sẽ trắng tay.

Có 3 cường quốc khu vực ở đây là Ả rập xê út- trung tâm của dòng Hồi giáo Sunni, Iran- trung tâm của dòng Hồi giáo Shia và Thổ Nhĩ Kì. Cả ba cường quốc này cùng tranh giành vai trò chi phối khu vực này, sau lưng họ là Hoa Kỳ, là Nga.

Chính mâu thuẫn giữa các cường quốc lồng ghép, cộng hưởng với các mâu thuẫn của các nước lớn tại khu vực đã kích hoạt mâu thuẫn tôn giáo và tạo ra điểm nóng Syria như hiện nay.

Nhà báo Thu Hà: Ai đang cầm trịch ván cờ giữa các nước lớn tại đây?

Ông Lê Văn Cương: Hiện nay không có ai cầm trịch. Lực lượng chủ yếu vẫn là liên minh của Hoa Kỳ. Sự tham chiến của Nga là một đòn bổ sung nhằm thúc đẩy cuộc xung đột này tiến nhanh hơn thông qua một giải pháp chính trị.

{keywords}
Ồng Lê Văn Cương

Ông Vũ Đoàn Kết: Nhiều người nói việc tham gia của Nga sẽ là con bài quyết định làm thay đổi chiến trường. Nhưng theo tôi, hành động của Nga không thì không đủ. Liên minh chống khủng bố thực chất đã được Mỹ thành lập và dẫn dắt. Nga chỉ vừa mới tham gia vào từ tháng 9 năm nay.

Và phải xét bối cảnh Nga tham chiến tại đây, mục tiêu Nga tham gia là gì trước khi nói đến câu chuyện Nga có ý định lãnh đạo hay không và có thể lãnh đạo được hay không. Tôi thì nghi ngờ điều này lắm, tiềm lực của Nga có cho phép không? Chính bản thân người Nga đang đặt câu hỏi là liệu chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria còn kéo dài được bao lâu? Hơn nữa có những ai sẵn sàng xếp hàng đi sau nước Nga không hay chỉ có Iran, chính phủ Damascus. Ngay cả Trung Quốc cũng giữ một khoảng cách nhất định với câu chuyện này. Do vậy, người đang nắm được liên minh rộng rãi nhất, đồng thuận nhất chính là Mỹ.

Nhà báo Thu Hà: Các vị bình luận thế nào về việc Mỹ và liên quân với tiềm lực quân sự mạnh như vậy mà mãi vẫn chưa thành công trên mặt trận chống khủng bố tại Trung Đông?

Ông Lê Văn Cương: Chỉ không kích thì không giải quyết được IS vì họ sống xen kẽ với dân thường, gắn chặt với dân thường, nằm trong dân thường.

Ngoài ra, nguồn kinh phí tài chính cho IS rất lớn, nguồn từ việc bán dầu. IS chiếm được nhiều khu vực dầu mỏ ở Iraq và Syria. Họ bán lậu, giá dầu mỏ ngoài là 40-50 USD, nhưng họ bán chỉ với giá 20 USD thôi. Có nguồn tin một số nước châu Âu cũng mua dầu lậu của IS đấy. Ông Putin không đùa đâu. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ có đầy đủ ảnh vệ tinh, rõ ràng lắm. Và hồi tháng 5 vừa rồi, lượng đặc nhiệm của phía liên quân cũng lấy được một tập tài liệu trong đó là những hợp đồng IS bán dầu cho Thổ Nhĩ Kì.

Đang có những tài phiệt trong hàng trăm, hàng ngàn người nhà tài phiệt Hồi giáo dòng Sunny đang ủng hộ IS. Ngoài ra IS còn kiếm tiền từ việc bắt cóc tống tiền. Thông tin bắt cóc được đưa lên truyền thông chỉ chiếm 1%, 99% vụ còn lại không đưa lên vì các nước chủ động chi tiền chuộc người, họ không muốn công khai vì sợ mất uy tín quốc gia, sợ bị phê phán tiếp tay cho IS.

Ngay bản thân những lực lượng chống IS cũng có mưu đồ lợi ích cá nhân. Liên minh của Hoa Kỳ cũng vậy. Không phải 60 nước tham chiến đều nhất mực như nhau. Mỗi nước đều có toan tính, mục đích, động cơ khác nhau. Họ đều có kẻ thù chung, có kẻ thù riêng….

Tất cả những điều này làm cho Mỹ và liên quân chưa giải quyết được vấn đề IS.

{keywords}
Các vị khách mời tại tọa đàm: Nhìn lại thế giới năm 2015

Ông Vũ Đoàn Kết: Không ai phủ nhận liên quân là những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, nhưng tiềm lực quân sự đấy được thiết kế để nhằm vào ai? Để nhằm vào đối thủ là các nhà nước vốn có một tổ chức bộ máy rất cụ thể, vốn có một nền kinh tế cụ thể, một lãnh thổ cụ thể, ví dụ Lybia của Gaddafi hay Iraq dưới thời Sadam Husein… Tức là một nhà nước cụ thể mà các cường quốc này có thể xâm nhập, tiêu diệt hay bóp nghẹt về kinh tế.

Nhưng IS và Al Qeada không phải là một đối thủ như vậy. Và hơn nữa trong cuộc chiến này các cường quốc cũng không chọn được ai là kẻ thù, khi nào sẽ tấn công và ở đâu. Quyền lựa chọn này, rất tiếc, lại rơi vào tay lực lượng khủng bố, chúng tự cho mình chọn đâu là mục tiêu tấn công, thời điểm nào và ở đâu. Và chúng thường chọn những mục tiêu có ý nghĩa, gây ra được sự sợ hãi. Ví dụ như Al Qeada tấn công vào tòa tháp đôi ở Mỹ, tấn công vào Lầu Năm Góc, biểu tượng của sức mạnh Mỹ. IS tấn công vào sân vận động quốc gia Pháp lúc đang diễn ra trận giao hữu giữa đội tuyển Pháp và Đức và cũng là nơi Tổng thống Pháp có mặt.

Thù Mỹ nhưng ai cũng muốn gắn chặt với Mỹ

Nhà báo Thu Hà: Gần 30 năm qua Mỹ hoàn toàn thống soái nền chính trị giữa các cường quốc. Nhưng chúng ta đang sống trong một môi trường đầy rẫy sự cạnh tranh mà cạnh tranh rất là lớn. Trong bối cảnh đó, quý vị mô tả như thế nào về bàn cờ giữa các cường quốc hiện nay?

Ông Vũ Đoàn Kết: Mỹ vẫn là siêu cường số 1 với mọi tiềm lực về kinh tế, quân sự.

Về kinh tế, WTO giờ dường như không còn thu hút được sự quan tâm của Mỹ, họ đã chọn một sân chơi khác mà ở đó không có Nga và cũng chẳng có Trung Quốc, đó là TPP và TTIP (Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương). Nhìn vào viễn cảnh này, nước Mỹ như một con đại bàng với hai cánh, một cánh là TPP, một cánh là TTIP. Ở giữa, trong năm qua, Mỹ đã bình thường hoá quan hệ với Cuba và trong chừng mực nào đó đã ổn định được châu Mỹ khi mà từ Venezuela đến Argentina hay Brazil, vị thế của Mỹ đang dần được củng cố.

Về địa chính trị, trong hai năm qua chúng ta thấy rất rõ sự cạnh tranh giữa một bên là Mỹ và một bên là Nga xung quanh câu chuyện ở Ukraine, ở Syria, còn với Trung Quốc là chuyện ở Biển Đông. Tôi nhấn mạnh rằng, thời điểm này không có bàn cờ tay ba Mỹ-Nga-Trung, đúng hơn phải nói là bàn cờ Mỹ-Nga, có thể có bóng dáng của Trung Quốc ở đâu đó, có thể có bóng dáng của châu Âu ở đâu đó. Và một bàn cờ khác diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, đâu đó cũng có bóng dáng người Nga, có bóng dáng người Nhật và có thể có cả bóng dáng của khối ASEAN trong đó.

Ngoài ra Mỹ còn có NATO, có các đồng mình ngoài NATO. Hiện chưa một cường quốc nào có được ưu thế này như Mỹ.

{keywords}
Ông Vũ Đoàn Kết.

Ông Lê Văn Cương: Lúc này, và vài thập niên nữa Mỹ vẫn là trụ cột của nền kinh tế thế giới.

Riêng chuyện nhận thức về nước Mỹ và thời cuộc tôi cho rằng trong thế kỷ XX không ai vượt được ông Đặng Tiểu Bình. Trong chuyến sang Washington năm 1979 ông ta mang theo Phó chủ tịch thứ nhất Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc. Trên chặng bay 17 tiếng đồng hồ từ Bắc Kinh sang Washington vị này cứ hỏi đi hỏi lại Đặng là sao đồng chí cứ nhắc đi nhắc lại một nguyên tắc là quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ là quan trọng nhất.

Đặng trả lời đại ý: Tôi không được học hành, không được nhiều chữ như các anh, tôi thấy người ta hay thì tôi theo… Tất cả những quốc gia hợp tác với Mỹ đều thịnh vượng. Mức độ thịnh vượng, tốc độ thịnh vượng, quy mô thịnh vượng thế nào còn tùy thuộc cái tài của người lãnh đạo, tuy nhiên tôi chưa thấy quốc gia nào hợp tác với Mỹ mà thất bại cả. 

Kể lại chuyện này để thấy, từ 40 năm trước Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vai trò của Mỹ đối với phát triển đất nước và ông ta quyết gắn chặt với Mỹ từ đó.

Cho đến giờ phút này G7 vẫn là trung tâm, là dòng chủ lưu của văn minh thế giới với Mỹ là đỉnh chóp. Cả thế giới này không mấy ai vừa lòng với Mỹ, thậm chí nhiều nước còn thù ghét vì Mỹ hay áp đặt chủ nghĩa này nọ, đánh giá tôn giáo này nọ…. nhưng quốc gia nào cũng cần Mỹ. Đây là nghịch lý của thời đại.

Nhà báo Thu Hà: Gần đây chúng ta đã chứng kiến sự xích lại khá nồng hậu giữa Nga và Trung Quốc. Các vị có bình luận gì về mối quan hệ giữa hai nước lớn này?

Ông Vũ Đoàn Kết: Từ khi câu chuyện ở Ukrane diễn ra và Nga lâm vào tình thế bị Mỹ và Phương Tây bao vây cấm vận rất nhiều người đã nói Nga sẽ chuyển hướng sang phía Đông và triển khai những hợp đồng rất lớn với Trung Quốc. Nhưng thực tế, giữa người Nga và người Trung Quốc có rất nhiều khác biệt. Trong một tình thế, một hoàn cảnh cụ thể nào đó, họ có thể xích lại gần nhau nhưng trong nhiều hoàn cảnh khác họ không thể nào ngồi với nhau được chưa nói giữa họ vốn đã tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Xưa cũng vậy và nay cũng thế. Điều này thể hiện rõ nhất qua câu chuyện Ukraine.

Tôi không thấy ở đâu, thấy có lần nào người Trung Quốc lên tiếng ủng hộ hành động của Nga ở Ukraine cả. Vì sao? Vì nếu ủng hộ như thế thì ở Trung Quốc cũng có thể xảy ra câu chuyện tương tự. Hay chuyện Nga tham chiến ở Syria cũng vậy, Trung Quốc không hề đứng đằng sau cũng không thể nào ủng hộ Nga. Do vậy, Liên minh Nga - Trung trong thế trận đối đầu với Mỹ và phương Tây là hoàn toàn không diễn ra. Và như Giáo sư Cương đã nói, cũng như hầu hết các nước khác, Trung Quốc và cả Nga đều rất cần Mỹ và phương Tây.

Còn tiếp kỳ 3: Không còn vũ khí dầu lửa, khó khăn trăm bề buộc lòng nước Nga, giới tinh hoa Nga và cả ông Putin phải thức tỉnh, phải quyết liệt hơn trong yêu cầu cải cách. Cái khó buộc người Nga phải nhìn ra những khuyết tật cố hữu của nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng trầm trọng sau chiến tranh lạnh.

Tuần Việt Nam