- Chuyến IL-76 của Bộ các tình trạng khẩn cấp chuyên chở hàng cứu trợ của Chính phủ và nhân dân Cộng hòa Liên bang Nga cho đồng bào vùng mưa bão Miền Trung vừa đáp xuống sân bay Cam Ranh. Những mối quan hệ bền chặt, dựa trên tình hữu nghị trong sáng luôn là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta trên bước đường gập ghềnh đến tương lai thịnh vượng.

Lướt trên các trang báo điện tử tiếng Nga trong các ngày diễn ra mưa bão ở miền Trung vừa qua, tôi thấy nhiều tin chi tiết về diễn biến và những thiệt hại do mưa bão gây ra. Chứng tỏ công chúng và truyền thông Nga rất quan tâm tới những gì đang diễn ra ở đất nước bạn bè truyền thống Việt Nam, cũng có thể là do hàng vạn du khách Nga đang có kỳ nghỉ tại các thành phố di sản miền Trung, các bãi biển, vịnh được vinh danh đẹp nhất thế giới như bãi biển Non Nước, Mũi Né, vịnh Nha Trang,…

Chẳng vậy mà mấy hôm nay mọi người lại chộn rộn khi có tin Chính phủ và nhân dân Cộng hòa liên bang Nga hỗ trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng thiên tai miền Trung do cơn bão số 12 gây ra. Vào lúc 1h36’ sáng ngày 8 tháng 11, Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đã đưa tin đích thân Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo Chính phủ Nga dành 5 triệu đô-la Mỹ hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai và dẫn thông báo của Bộ tình trạng khẩn cấp của Nga về việc Bộ đã gửi 40 tấn hàng hóa bao gồm các lều bạt và thực phẩm cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng thiên tai. RIA Novosti cũng cho biết là trong số 10-12 ngàn khách du lịch Nga ở Việt Nam vào thời điểm bão lụt, không có bất kỳ sự phàn nàn, kêu ca, hủy tour, hủy chuyến, khách sạn, hay thiệt hại gì theo đường giây nóng gửi về Cơ quan Du lịch Liên bang hay Trung tâm tình trạng khẩn cấp của Bộ Ngoại giao Nga.

Chiếc IL-76 cất cánh từ sân bay Ramenskoye (ngoại ô thủ đô Matxcơva) đáp xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa, Việt Nam) lúc 00h15 ngày 9-11, mang theo 40 tấn hàng hóa cứu trợ người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão Damrey.

Là một quốc gia với trên ba ngàn ki-lô-mét bờ biển, nhìn thẳng ra Biển Đông bao la, hàng năm nước ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão hình thành từ ngoài khơi Thái Bình Dương. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó, phòng chống thiên tai, tuy nhiên, sức tàn phá của thiên nhiên là vô cùng ác liệt. Năm nào hầu như cũng có tổn thất nặng nề về nhân mạng và tài sản. Chúng ta cũng có hệ thống dự trữ quốc gia với hệ thống kho tàng dự trữ quốc gia với nhiều mặt hàng chiến lược để luôn sẵn sàng ứng phó khi xảy ra thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, từ lều bạt, phao, thuyền cứu sinh đến thuốc sát trùng nước, thuốc phòng chống dịch bệnh, lương thực và cả hạt giống để phục hồi sản xuất sau thiên tai...

Người Nga hay dùng câu ngạn ngữ “trong hoạn nạn mới biết rõ người bạn chân chính” cũng giống như ta thường nói “lúc khó khăn mới biết ai là bạn, lúc hoạn nạn mới hiểu bạn là ai” vậy. Âu rằng, sự giúp đỡ của Nga với đồng bào miền Trung trong thiên tai vừa qua cũng là lẽ thường tình của những người bạn chung thủy qua năm tháng, nhất là khi người đứng đầu Nhà nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin sắp tới làm khách của nước chủ nhà, ngay đúng vùng tâm bão vừa qua, để dự diễn đa phương lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, APEC.

Đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa đã có mặt tại sân bay khi máy bay chở hàng viện trợ đáp xuống.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, tôi vừa có bài viết về tập thể nhỏ bé của các lưu học sinh Việt Nam ở Khoa dự bị đại học, Trường Tổng hợp Tashkent, Cộng hòa Uzbekistan, Liên Xô, khóa 1975-1976. Nhiều bạn học cùng khóa đã gửi tin nhắn, nhận xét tích cực về bài viết, khơi dậy những kỷ niệm về một thời mà Liên bang Xô-viết đã từng có những giúp đỡ hết sức chí tình, to lớn cho Việt Nam. Tôi chưa có dịp trở lại trường nhưng nhiều anh, chị đã làm được việc đó. Các anh, chị đã tìm đến được các thầy cô giáo cũ của mình để tri ân những nghĩa tình, kiến thức mà các thầy cô Xô-viết đã đem lại cho mình. Thầy trò gặp nhau không cuộc nào là không có cái ôm hôn thắm thiết và những giọt nước mắt tuôn trào vì mừng rỡ.

Trong những năm tháng chiến tranh hay bị cấm vận kinh tế vào những năm 80 của thế kỷ trước, Liên Xô luôn là chỗ dựa vững chắc cho Việt Nam. Hàng chục ngàn lưu học sinh đại học và thực tập sinh, nghiên cứu sinh sau đại học, hàng chục ngàn lao động đã từng sống và làm việc tại tất cả các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết. Tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ tương đối phổ biến lúc bấy giờ. Các cửa hàng sách ngoại văn tràn ngập sách văn học, khoa học và kỹ thuật của Nga. Chẳng cần phải là người học hay nghiên cứu về nước Nga nhưng người Việt Nam nào cũng nhớ tới tên của đại văn hào Lev Tolstoy, Dostoyevskii, Aitmatov, Paustovskii hay các đại thi sỹ Pushkin, Lermontov… mà tác phẩm của họ từng là những cuốn sách gối đầu giường của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Khi mới tốt nghiệp kỹ sư tại Matxcơva về nước, tôi đã được tham gia xây dựng Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, công trình do Liên Xô giúp xây dựng và khánh thành vào năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, đến nay vẫn phát huy hiệu quả tích cực cùng với Thủy điện sông Đà, Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Diezel Sông Công, Cầu Thăng Long, Bảo tàng Hồ Chí Minh… Hết thẩy là những công trình công nghiệp nặng, cơ khí, chế tạo động cơ, năng lượng và cả văn hóa hết sức quan trọng, không thể thiếu được đối với Việt Nam lúc đó.

Chuyến IL-76 của Bộ các tình trạng khẩn cấp chuyên chở hàng cứu trợ của Chính phủ và nhân dân Cộng hòa Liên bang Nga cho đồng bào vùng mưa bão Miền Trung hôm nay cũng là để tiếp nối những những tình cảm anh em nồng thắm và sự giúp đỡ hào hiệp đó.

Trần Văn, ĐBQH khóa XII, XIII, cựu sinh viên học ở Nga 1975-1981.

Đôi bàn tay sau bão

Ngay sát ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á –Thái Bình Dương (APEC), bão Damrey càn quét một dải miền Trung nước ta. Dù tầm quan trọng của APEC khiến sự kiện này chiếm lĩnh hết mọi không gian trên báo chí trong nước và quốc tế, hậu quả để lại của Damrey vẫn rất khủng khiếp: ít nhất đã có 69 người chết, 30 người mất tích, hàng trăm nghìn người dân khốn đốn vì hư hỏng nhà cửa, tài sản bị mất trắng. Hiện tại, nhiều nơi ở Huế, Quảng Nam, và cả Đà Nẵng, nhiều người vẫn không thể trở về nhà vì ngập nước.

Thế giới biết đến Đà Nẵng và APEC là nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, nhưng ít ai để ý nhiều đến sự hoang tàn của miền Trung và cả Tây Nguyên sau bão. Nhưng những người bạn thì không quên vết thương của nhau. Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước khi đến Việt Nam dự APEC, đã chỉ thị hỗ trợ nước ta 5 triệu đô la khắc phục hậu quả thiên tai. Một máy bay IL-76 chở hàng viện trợ nhân đạo đã chuẩn bị sẵn sàng, và có lẽ sẽ tới trong thời gian nước ta đang bận rộn với APEC.

Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đã viện trợ người dân hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam 105 thiết bị lọc nước sạch để sử dụng sau lũ. Chuyến hàng từ Nhật Bản đã đến Đà Nẵng ngay hôm 7/11.

Liên bang Nga và Nhật Bản không chỉ là hai đối tác, mà còn là những người bạn đã trải qua qua nhiều thăng trầm với Việt Nam. Liên Xô, tiền thân của nước Nga hiện nay, là đồng minh số một của Việt Nam trong cuộc chiến thống nhất đất nước và trong quãng thời gian dài bị cấm vận sau đó. Nhật Bản là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973. Quốc gia này luôn nằm trong danh sách những nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam.

APEC được tổ chức ở nước ta lần thứ hai đánh dấu một bước tiến rất lớn trong hoạt động đối ngoại. Từ việc bị cô lập, “muốn làm bạn bè với các nước”, hiện tại chúng ta đã “sẵn sàng làm bạn và đối tác” với tất cả các nước. Vị thế của Việt Nam đã khác xưa, với việc chúng ta là thành viên tích cực của nhiều tổ chức toàn cầu, cũng như thiết lập các mối quan hệ chiến lược với nhiều cường quốc.

Hai mươi năm qua, những người bạn cũng có nhiều thay đổi. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga không còn giữ được vị thế của một siêu cường về mặt kinh tế cũng như sức ảnh hưởng chính trị, chỉ còn giữ vai trò hạn chế hơn trong một thế giới đa cực do Mỹ cầm cờ lệnh. Với nước ta, quan hệ kinh tế với nước Nga không còn giữ vị trí số một nữa, được thay thế bởi hàng loạt các cường quốc kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới.

Sức ảnh hưởng của nước Nhật ở Việt Nam, dù vẫn rất lớn, nhưng dường như đang bị lấn át phần nào bởi làn sóng đầu tư mạnh mẽ đến từ Hàn Quốc, dẫn đầu bởi tập đoàn Samsung.  Người ta đang nói nhiều hơn đến làn sóng “Hàn hoá”, “Trung hoá”, thay vì “Nhật hoá”.

Điểm giống nhau của cả nước Nga và Nhật, đó là dù có những biến cố về mặt kinh tế, hay những thay chuyển khôn lường của tình hình thế giới, thì tình cảm gần gũi với Việt Nam vẫn luôn được gìn giữ. Như bài viết của Tổng thống Putin gửi nhân dân Việt Nam cách đây 4 năm, nhân dịp chuyến thăm Việt Nam, có đoạn viết rằng “…Có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi, đó là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, là truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Là biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác không khi nào phản bội.”

Hẳn ai trong chúng ta cũng nghe tới câu chuyện ngụ ngôn Aesop nổi tiếng hai người bạn đi vào rừng bắt gặp con gấu. Một người sợ hãi trèo vội lên cây, người kia buộc phải giả chết. Khi con gấu bỏ đi, người bạn kia mới chạy xuống hỏi đùa rằng con gấu nói gì với anh. Người này mới đáp lại, “gấu khuyên rằng đừng bao giờ đồng hành cùng một người bỏ rơi anh trong lúc hoạn nạn”.

Dù đa phương hoá là xu thế tất yếu, tôi vẫn tin những mối quan hệ bền chặt, dựa trên tình hữu nghị trong sáng như với nước Nga và Nhật Bản sẽ là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta trên bước đường gập ghềnh đến tương lai thịnh vượng. Những đôi bàn tay vươn ra sau cơn bão Damrey là một ví dụ mới nhất cho điều đó.

Khắc Giang