Tôi nghĩ có thể do thói quen, do tính ỷ lại hoặc đơn giản là sự thiếu tôn trọng chính bản thân mình đã ngấm vào máu thịt. Cũng có thể do những nguyên nhân gì khác nữa thì lại phải tùy từng hoàn cảnh mới có thể biết được.

Nói thật là tôi ít khi thấy người Việt mình đúng giờ ở các cuộc hẹn, các cuộc họp và ở tất cả những chỗ nào thuộc về tập thể.

Có lần chúng tôi hẹn nhau đi chơi theo một chương trình du lịch hè của công ty. Hẹn 8 giờ có mặt, nhưng đúng vào giờ hẹn, cái giờ mà tất cả mọi người đều thống nhất định ra ấy, tôi chỉ thấy vẻn vẹn có 8 người trên tổng số gần 3 chục người lẽ ra đã phải ở đấy.

Lần khác, chúng tôi dự một cuộc hội thảo ngành. Giấy mời ghi 14 giờ, vậy mà khi chúng tôi đến mới chỉ thấy lác đác vài người. Tôi còn nhớ buổi hội thảo hôm đó chính thức khai mạc vào tầm 15 giờ có lẻ. Và lạ thay là chẳng thấy chủ tọa nói một lời nào về hơn 1 giờ đồng hồ bị muộn kia. Ai cũng điềm nhiên cho rằng hiển nhiên nó phải như vậy.

{keywords}
Ảnh minh họa

Gần đây nhất và buồn cười nhất là tôi được mời dự một đám cưới ở Sài Gòn. Giấy mời ghi 17 giờ. Một người bạn tôi nói nếu anh không muốn phải chờ đợi thì chừng 18 giờ 30 hoặc 18 giờ 45 hãy đến. Đến sớm quá chẳng có ai đâu, ngay cả cô dâu chú rể cũng chưa đến luôn. Tôi hỏi đến sớm quá là mấy giờ thì người bạn thản nhiên nói rằng đến đúng giờ là đến sớm quá đấy!

Nhưng điển hình nhất là đi làm muộn. Tôi đã từng làm việc với vài bạn rất là lạ. Có bạn đi làm muộn kinh niên. Nghĩa là hầu như không hôm nào đi đúng giờ cả. Công ty trợ giúp bằng cách lùi giờ làm việc xuống, bạn ấy vẫn đi muộn. Có người nói vui, giá mà giờ làm việc bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng thì bạn ấy vẫn đi muộn thôi.

Nhưng đấy là chỉ ở những đơn vị Việt Nam, công ty Việt Nam thôi. Những nơi ấy chỉ có người Việt với người Việt thôi. Chứ ở đơn vị nào, công ty nào có bóng dáng mấy ông Tây là tình hình khác hẳn.

Một bạn ở chỗ tôi chúa trùm đi muộn, thậm chí còn nghỉ thẳng vài ngày. Vậy mà sau khi chuyển tới một văn phòng đại diện, cô ấy khác hẳn. Như thể một người vừa được lột xác. Đi làm rất đúng giờ, rất nghiêm túc. Quay về công ty cũ làm nốt thủ tục cũng ba chân bốn cẳng, mắt trước mắt sau về cho kịp giờ, chẳng bù cho ngày trước, chỉ cần có lý do là đi thẳng.

Hồi còn làm ở một toà soạn báo, chúng tôi luôn luôn được chứng kiến một nghịch cảnh. Tờ tiếng Việt chỉ người Việt với nhau thì giờ giấc rất buồn cười, ông đến sớm, ông đến muộn, thậm chí cả ngày không đến cũng chẳng sao. Trong khi tờ tiếng Anh, vì có mấy bác chuyên gia nước ngoài làm việc, các bạn Việt Nam nhà mình rất là quy củ. Đi làm chuẩn. Ra về chuẩn. Trong giờ đi đâu, làm gì cũng rất chuẩn.

Vì sao lại như vậy?

Thật khó trả lời một cách chính xác là vì sao? Tôi nghĩ có thể do thói quen, do tính ỷ lại hoặc đơn giản là sự thiếu tôn trọng chính bản thân mình đã ngấm vào máu thịt. Cũng có thể do những nguyên nhân gì khác nữa thì lại phải tuỳ từng hoàn cảnh mới có thể biết được.

Và tôi luôn trăn trở về điều này. Bởi vì luôn luôn tôi muốn giờ giấc phải được tuân thủ một cách quy lát. Chúng ta thường nghe nói giờ giấc không quan trọng, cái chính là hiệu quả công việc. Ý muốn nói cần gì phải đi làm đúng giờ, miễn là hiệu quả công việc tốt là được.

Cá nhân tôi, tôi không nghĩ thế. Bởi vì sau nhiều năm quản lý và quan sát, tôi đúc kết được rằng những người nghiêm túc về giờ giấc, nghiêm túc về kỷ luật lao động luôn luôn là những người đạt hiệu quả làm việc cao nhất, bền bỉ và "dai phông" nhất. Còn những ai làm việc kiểu amateur thì kết quả đạt được, nếu có, cũng chỉ là nhất thời trong một giai đoạn nào đó mà thôi.

Chuyến công tác gần đây, tôi được cơ quan bố trí ở một khách sạn khá sang trọng. Sáng đi làm việc, gần trưa quay về, thấy có một hội thảo về nguồn nhân lực. Ghé vào nghe “chùa” ít phút. Thật thấm thía khi đọc một câu ghi chú to tướng trên tập tài liệu của ai đó.

Nếu ở công ty bạn có những người thường xuyên đi muộn về sớm, thường xuyên tận dụng thời gian để làm việc riêng thì chỉ có thể có 2 lý do. Thứ nhất là những người này không có việc làm, họ đang rất rảnh rỗi. Nếu có thì lỗi này thuộc về người quản lý. Thứ hai là trong nhóm ấy đã có ai đó lười và không chịu làm việc. Lỗi này thuộc về bản thân người lao động”.

Đọc xong, ngẫm nghĩ và thấy rằng xác đáng nhất thì phải khẳng định cả hai nguyên nhân trên, nếu có, đều thuộc về lỗi của người quản lý mới đúng!

Đàm Minh Thụy