Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ III cho Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

{keywords}
Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Hôm 6/12, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những nội dung chính trong Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Vừa qua, Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ III cho Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Trước đó mấy hôm, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với sự tham dự của đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân dân của Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Tại đây, các chuyên gia đến từ Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã trình bày về các nội dung chính của Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/10/2018 và nộp lên Hội đồng Nhân quyền ngày 22/10/2018, cũng như sự chuẩn bị của Việt Nam cho Phiên trình bày và đối thoại về Báo cáo nêu trên tại Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào đầu năm tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hoàng Giang, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao cho biết, Báo cáo UPR chu kỳ III đã được xây dựng một cách công phu, với sự tham gia rất tích cực của 18 bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về tiến trình UPR.

Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III đề cập một cách tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam kể từ lần rà soát trước, cập nhật luật pháp và chính sách liên quan đến quyền con người, thông tin về những kết quả bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực và rà soát việc thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận ở chu kỳ II. Báo cáo cũng xác định những ưu tiên cam kết của Việt Nam trong thời gian tới.

Sự chủ động và nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người là không thể phủ nhận. Tính đến tháng 10/2018, Việt Nam đã thực hiện được 175/182 khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận ở chu kỳ II (chiếm 96,2%). Còn lại 7 khuyến nghị đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Báo cáo quốc gia cũng đề cập đến một số thành tựu nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có việc thông qua Hiến pháp 2013 và sửa đổi ban hành mới trên 90 văn bản luật có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng 15% - 20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. Có 38% người dân tộc thiểu số dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%). 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Về bình đẳng giới, tỷ lệ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh trên 27,8%, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt 26,71%.

Bên cạnh đó là việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cũng đạt nhiều thành tựu, trong đó có bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do Internet… Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo”.

Đại diện cho phía Liên hợp quốc, Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam, chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III, đồng thời khẳng định UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai những khuyến nghị này, qua đó góp phần bảo đảm và thúc đẩy ngày các tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam.

Dự kiến ngày 22/1/2019 Việt Nam sẽ tham gia đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR tại Hội đồng Nhân quyền. Cơ chế UPR là cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền có nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, được tiến hành định kỳ 4 - 5 năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng. Việt Nam ủng hộ cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền và luôn nghiêm túc trong xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như trong triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp nhận ở chu kỳ I (2009) và chu kỳ II (2014).

Trước đó, Ngày 8/5/2009, Việt Nam cũng đã trình bày và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ (UPR) về việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền.

Báo cáo của Việt Nam khi đó được các nước đánh giá cao, đặc biệt về sự chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, cách đề cập và trình bày mang tính xây dựng, thuyết phục, qua đó cho thấy vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, và sự thừa nhận của các nước đối với thực tế bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người ở nước ta. Việt Nam đã đón các báo cáo viên đặc biệt về giam giữ độc đoán và về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (năm 1998) và đang làm thủ tục mời ba báo cáo viên đặc biệt về quyền giáo dục, về quyền được chăm sóc sức khỏe và về đói nghèo cùng cực vào thăm Việt Nam.

Box: Cơ chế UPR là cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền có nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, được tiến hành định kỳ từ 4 đến 5 năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng. Việt Nam ủng hộ cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.

Thu Thủy