Thực hành quyền tự do biểu đạt không chỉ là trao cho công dân phương tiện để bộc lộ ý kiến, mà còn là thực hành phản ứng của chính quyền trước những thông tin, ý tưởng mang tính nhạy cảm từ phía công dân.

Sau những ầm ĩ xung quanh chuyện bác sĩ bị phạt vì phát ngôn “nghịch nhĩ” trên mạng xã hội, thật vui khi hôm 22/10 đọc được trên báo chí thông tin: Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn  đã nhấn mạnh, những gì BS Hoàng Công Truyện nói chưa đủ căn cứ quy kết xúc phạm nhân phẩm, danh dự. Vì vậy, theo Bộ trưởng, nếu không có thêm bằng chứng gì thì rút quyết định xử phạt và xin lỗi ngay BS Truyện.

Câu chuyện thời sự nóng hổi này nhắc chúng ta những vấn đề về quyền tự do biểu đạt. 

Từ cách giải thích của Tòa án Châu Âu…

Năm 2014, tại Anh có một cuốn sách dành cho thiếu niên được tái bản sau 45 năm, hoặc cũng có thể gọi là xuất bản, bởi đây là lần đầu tiên nó được xuất hiện một cách trọn vẹn và không cần kiểm duyệt. Tiêu đề The Little Red Schoolbook, nhại lại Mao’s Little Red Book (Mao ngữ lục/Hồng Bảo Thư), nhại lại cả những giáo điều trong trường học lúc bấy giờ, được xem là sách hướng dẫn học sinh về ý tưởng thách thức quyền lực của nhà trường.

Nội dung tiến bộ và gây tranh cãi của nó sẽ được bàn ở một dịp khác, nhưng với 20 trang về sex, 30 trang về ma túy, rượu, thuốc lá, nó ngay lập tức bị thu hồi. Richard Handyside, chủ nhà xuất bản, người mua bản quyền xuất bản ở Anh bị truy tố và phạt tiền vì tàng trữ cuốn sách.

Năm 1976, Handyside kiện chính phủ Anh ra Tòa án Nhân quyền châu Âu, bởi cho rằng việc truy tố ông đã vi phạm quyền tự do biểu đạt, một quyền con người cơ bản đã được Liên minh quy định. Handyside đã thua trong vụ kiện với Chính phủ Anh, nhưng phán quyết của Tòa án Châu Âu trong vụ kiện này đã thay đổi nhận thức của nước Anh và cả Châu Âu về quyền tự do biểu đạt.

{keywords}

Ảnh chụp từ Facebook của bác sĩ Hoàng Công Truyện. Nguồn: Người Lao động

 

Công ước Bảo Vệ Quyền Con Người và những Quyền Tự Do Cơ Bản của Châu Âu quy định như sau: 

Điều 10.

1.Tất cả mọi người đều có quyền tự do biểu đạt. Quyền này phải bao gồm quyền được có ý kiến riêng, được nhận và truyền bá thông tin, ý kiến mà không bị bất kỳ cản trở nào từ chính quyền và không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia.

2. Việc thực hiện những quyền tự do trên, bởi đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ, phải tuân thủ các thủ tục, điều kiện, hạn chế hoặc hình phạt được quy định trong pháp luật và được xem là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự công cộng, nhằm ngăn chặn rối loạn hay tội phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe và đạo đức, bảo vệ danh dự và quyền lợi của cá nhân, ngăn chặn tiết lộ thông tin mật, hoặc để duy trì quyền lực và sự công bằng của hệ thống tư pháp”.

Và Toà án Nhân quyền Châu Âu đã đưa ra một phán quyết mà những khẳng định của nó ở Đoạn thứ 49, giải thích Điều 10(2) đã trích ở trên trở thành một tuyên ngôn về về quyền biểu đạt. Tạm dịch như sau:

“Chức năng giám sát (của Toà án Nhân quyền Châu Âu) buộc Tòa phải vô cùng chú ý đến những nguyên tắc mô tả cái gọi là “Xã hội dân chủ”. Quyền tự do biểu đạt là nền tảng cơ bản của một xã hội như thế, nó cũng là điều kiện tiên quyết cho tiến bộ xã hội và sự phát triển của Con Người. Căn cứ Điều 10(2), quyền tự do biểu đạt hoàn toàn không giới hạn chỉ áp dụng cho những “thông tin” hay “ý kiến” được nhiều người ủng hộ, được xem là không gây hại hoặc ít được quan tâm; tự do biểu đạt cũng phải được áp dụng cho cả những ý kiến thách thức, gây shock hoặc nổi loạn đối với Nhà nước hoặc bất kỳ bộ phận nào của dân cư. Đó là đòi hỏi của một xã hội đa dạng, khoan dung và cởi mở mà không có nó thì không thể có cái gọi là “xã hội dân chủ”. Có nghĩa là, tất cả những “thủ tục”, “điều kiện”, “hạn chế” hoặc “hình phạt” được đặt ra đối với quyền tự do biểu đạt là phải phù hợp với những mục tiêu đã được pháp luật quy định”

Phán quyết này một lần nữa đề cao vai trò của quyền tự do biểu đạt trong một xã hội dân chủ. Quan trọng hơn là đặt các Nhà nước Châu Âu dưới một áp lực phải xem xét cặn kẽ, thấu đáo, và có đầy đủ bằng chứng đối với “thủ tục”, “điều kiện”, “hạn chế” và “hình phạt” mà họ áp đặt lên một “thông tin” hay “ý kiến”.

Theo đó, nhà nước phải trả lời được câu hỏi liệu rằng những áp đặt có thật sự là để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ pháp luật và trật tự xã hội hay không? Nói cách khác, những “thông tin” và “ý kiến” đó có thực sự gây ra một mối nguy hại nào hay không? Hay chỉ bởi những “thông tin” và “ý kiến” đó khác biệt, gây shock, đang công khai phản đối một thế lực xã hội nào đó mà bị buộc phải hạn chế. Nếu không làm được điều này, thì chính họ, những Nhà nước Châu Âu đang nhân danh những lời hoa mỹ là bảo vệ xã hội để triệt tiêu đi những nền tảng của cái gọi là xã hội dân chủ.

…đến quyền biểu đạt trong kỷ nguyên MXH

Quyền tự do biểu đạt, thứ có vẻ được Tòa án Châu Âu giải thích rất cao xa như đã nói ở đoạn trên, thực ra là một quyền quen thuộc đối với chúng ta từ rất sớm. Từ Điều 10, Hiến pháp 1946 đến Điều 25, Hiến pháp 2013, bất kỳ trong thời điểm nào, hiến pháp Việt Nam cũng đều có quy định về quyền tự do biểu đạt.

Hay rõ ràng hơn trong lịch sử, được khẳng định trong chính những nguyên tắc lập quốc cơ bản, rằng mọi người, mọi dân tộc đều có quyền tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc để khai sinh ra nước Việt Nam. Những nguyên tắc không thể chối cãi về quyền con người, quyền của một dân tộc đó đã thôi thúc khát vọng tự do, độc lập, để những thế hệ đi trước không tiếc máu xương giành lấy.

Phải công nhận rằng, lịch sử nhiều biến động đã không cho phép chúng ta thực hành một cách rộng rãi quyền tự do biểu đạt một cách toàn diện. Và đến thời điểm hiện tại, ngoài Hiến pháp cũng chưa có quy định nào cụ thể hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, với nền tảng lập quốc là một quốc gia tự do, dân chủ; rõ ràng, trước sức mạnh của internet và kỷ nguyên của MXH ngày nay, chúng ta đang được trao cơ hội to lớn để thực hành quyền tự do biểu đạt, để cùng nhau từng bước tạo nên một xã hội dân chủ toàn diện.

Thực hành quyền tự do biểu đạt không chỉ là trao cho công dân phương tiện để bộc lộ ý kiến mà còn là thực hành phản ứng của chính quyền trước những thông tin, ý tưởng mang tính nhạy cảm từ phía công dân. Như cách giải thích đã trở nên phổ quát của Tòa án Châu Âu mà chúng ta nên tham khảo, rằng, Nhà nước trước hết phải xem xét cặn kẽ, thấu đáo và có đầy đủ bằng chứng trước khi áp đặt bất kỳ “thủ tục”, “điều kiện”, “hạn chế” và “hình phạt” lên “thông tin” hay “ý kiến” của một công dân.

{keywords}
Ảnh minh họa: Tuổi trẻ

Và câu chuyện thời sự “nóng hổi”

Quay trở lại vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Truyện - vụ việc có lẽ tiêu biểu nhất về quyền biểu đạt trên MXH trong thời gian vừa qua, khi nội dung một cá nhân đưa ra gây khó chịu với một vài cơ quan nhà nước có liên quan.

Vượt lên tất cả, cách xử lý của Bộ TT&TT trong trường hợp này thật sự đã thể hiện rõ tinh thần văn minh và thượng tôn pháp luật của chính quyền. Dù cho khó chịu đến đâu với nội dung status của bác sĩ Truyện, cơ quan chủ quản ở địa phương cũng không có quyền áp đặt hình phạt chỉ dựa trên suy diễn câu chữ mà không có bất kỳ chứng cứ gì.

Hơn nữa, đối với danh dự và nhân phẩm của cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu cảm thấy bị xúc phạm, Bộ trưởng sẽ là người phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình chứ không phải bất kỳ một cơ quan nào khác. Và người viết bài này tin rằng, Bộ trưởng sẽ cảm ơn status đã cho bà biết những nỗi niềm, bức xúc của bác sỹ từ tận cơ sở, nhiều hơn tất cả những báo cáo hoa mỹ mà bà phải đọc hằng ngày.

Xa hơn, rõ ràng một chính quyền mạnh thì không bao giờ sợ lời chỉ trích của nhân dân và luôn cần những lời chỉ trích để trở nên vững mạnh.

Ngày hôm nay chúng ta không hiếm gặp những chuyện tương tự, như: phụ huynh bày tỏ ý kiến phản đối chính sách của nhà trường, cư dân phản đối chính sách của chủ đầu tư trên Facebook, lái xe biểu đạt thái phản đối bằng tiền lẻ… và ngay lập tức bị mời lên cơ quan điều tra làm việc. Trước nỗ lực của cả hệ thống để xây dựng một xã hội dân chủ và thượng tôn phát luật như đã nói ở trên, những hành động như thế có lẽ phải được xem xét lại.

Cuối cùng, MXH mở ra cho người dân chúng ta một môi trường sôi động và đa dạng hơn để thực hành quyền biểu đạt, và cũng vì thế, đòi hỏi những cách hành xử cởi mở và tôn trọng pháp luật hơn từ phía chính quyền.

Bùi Phú Châu