Quản lý xã hội nào cũng thế, mục tiêu phải làm cho xã hội phát triển, Bộ máy là phục vụ dân chứ không phải để “hành dân”. Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân thì không thể tồn tại như Bác Hồ đã nói rất rõ trong “Đường cách mệnh”.

Sự phát triển của một đất nước phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ chọn việc họp hay là sự lắng nghe ý kiến cuả các DN làm sự khởi đầu là bước đi hợp lý. Đồng thời ông cũng quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, không tham nhũng.

Xây dựng Chính phủ kiến tạo

Ở XH ta hiện nay, đôi chỗ vẫn còn có chuyện các bộ làm cả nhiệm vụ quản lý DN. Một bộ có rất nhiều công ty, các tổng công ty…Quản lý nhà nước kiêm luôn quản lý kinh tế mà nhiều chuyên gia ví von “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Theo kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong năm 2012 có 24,7% cán bộ, công chức được hỏi, thừa nhận có hiện tượng quan chức nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền, quà; 20,3% thừa nhận có chuyện DN mời các quan chức đi du lịch, vui chơi, ăn uống để vụ lợi. 50% DN được hỏi nói rằng nhóm các DN có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ hơn trong hoạch định chính sách; 40% DN thừa nhận họ có sử dụng quan hệ với quan chức để vụ lợi (Tạp chí Cộng sản 23/9/2013)

Trong khi đó, DNNN được ưu tiên, ưu đãi rất lớn. Trong các kỳ họp QH, nhiều đại biểu đã công khai đòi hỏi sự bình đẳng cho các DN tư nhân. Trong khi được ưu đãi lớn, được tạo điều kiện cả về vốn, công nghệ thì DNNN chỉ đóng góp khoảng 40% GDP.

{keywords}

Chính sự bất cập này mà Bộ KH-ĐT đề xuất Chính phủ 02 mô hình quản lý DNNN. Một là, thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN thuộc Chính phủ. Hai là, bộ quản lý ngành thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và ở các DNNN công ích hoặc nhỏ hơn do UBND cấp tỉnh, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu. Trong 02 phương án, Bộ KH-ĐT nghiêng về phương án 01. Đề xuất này nhận được sự quan tâm của đông đảo giới, ngành vì chủ trương xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN đã được đề ra từ 20 năm nay nhưng đến nay vẫn còn... bàn thảo.

Về cơ bản, nhiệm vụ của Chính phủ là chỉ đạo bảo đảm một môi trường cạnh tranh tự do lành mạnh, ngăn ngừa những tác động tiêu cực của thị trường đến xã hội. Chính phủ quản lý xã hội bằng những chính sách kịp thời và đúng đắn. Rõ ràng Chính phủ là người phục vụ dân, phục vụ các DN, không có chuyện “hành” DN như trong cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các DN đã phát biểu. Ông yêu cầu xây dựng một CP kiến tạo cũng vì lẽ đó.

Hiểu quy luật để phát triển doanh nghiệp

Chúng ta biết rằng ở những quốc gia phát triển, nhất là phương Tây luật pháp của họ rất nghiêm. Chuyện lót tay, nâng giá, thông thầu cũng có nhưng đó là trường hợp cá biệt, và nếu bị phát giác sẽ bị xử lý rất nghiêm.

Ở ta, thời gian qua đây đó có những dự án không hiệu quả. Có thể kể ra,  Dự án nhà máy 8.104 tỉ đồng đang phơi mưa nắng của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Rồi nhà máy xơ sợi 7.000 tỉ đồng ở Hải Phòng “đắp chiếu”. Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất phân bón SA công suất 100.000 tấn/năm tại Đình Vũ (Hải Phòng), dự án cải tạo sông của Hà Nội…Và nhiều những dự án đề ra mà khi nghe đến cứ như chuyện “tiếu lâm” thời hiện đại.

Rồi cả những dự án mà làm cũng được không làm cũng chưa chết ai cũng được những cái đầu “phòng lạnh” nghĩ ra để hòng tiêu tiền của nhà nước của nhân dân. Bởi vì có dự án là có “hoa hồng” có dự án là có “lại quả”. Chính cái tư duy này đã để lại hậu quả là các dự án “đáp chiếu”. Và chuyện tham nhũng mãi vẫn không thể có hồi kết.

Những người ký kết dự án có biết điều đó không? Có lẽ nào họ biết nhưng vì lợi ích nhóm, vì lợi ích cá nhân nên họ làm ngơ? Có lẽ nào lợi thì họ nhận còn hậu quả đẩy sang nhân dân chịu? Làn sóng ồ ạt đầu tư công nghệ lạc hậu của Trung Quốc vừa qua là những minh chứng điển hình. Chuyện mua những con tàu quá đát, những ụ nổi không thể sử dụng, cũng là những ví dụ về cung cách làm ăn của những người cầm đồng tiền của dân nhưng chưa nghĩ đến dân.

Không thể có chuyện hoạt động kinh tế lại đi ngược với các qui luật kinh tế. Chúng ta yêu cầu xây dựng DN lớn mạnh thì phải có chính sách phù hợp, nghĩa là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để DN cạnh tranh lành mạnh chứ không phải bằng những đặc ân riêng biệt.

Chỉ có DN mới biết hiệu quả của dự án mình đầu tư, là mô hôi nước mắt của họ đẻ ra. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là các Bộ ngành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rà soát lại nghị định, chính sách đã lạc hậu không tạo điều kiện cho DN, nhất là DN tư nhân phát triển. Những chủ trương đó đang làm cản trở sự phát triển.

Nhà nước hay nói rộng ra là một xã hội, nguồn sống chủ yếu là bằng thuế, là sự đóng góp to lớn của DN, của người dân. Không tạo điều kiện để DN phát triển thì DN không có tiền để đóng thuế.

Quản lý xã hội nào cũng thế, mục tiêu phải làm cho xã hội phát triển, Bộ máy là phục vụ dân chứ không phải để “hành dân”. Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân thì không thể tồn tại như Bác Hồ đã nói rất rõ trong “Đường cách mệnh”.

Nguyễn Đăng Tấn

* Bí thư cũng phải lặn lội chạy ăn từng bữa
* Hy sinh môi trường cho tăng trưởng là lựa chọn quá đau đớn
* Doanh nhân lọt hồ sơ Panama không đồng nghĩa là xấu xa
* Siêu dự án dọc sông Hồng, đừng bắt dân gánh rủi ro