Đầu tư công gây ra tình trạng lãng phí càng ngày càng đáng báo động. Nợ vay thường được đầu tư dàn trải cho nhiều ngành, nhiều địa phương và không được triển khai hiệu quả. Các dự án đầu tư công thường bị dở dang, kéo dài, dự án chậm đưa vào hoạt động.

Ngày 28-3-2016 các báo đưa tin chính phủ Thái Lan vừa từ chối vay vốn của Trung Quốc làm đường sắt, và quyết định tự đầu tư. Lý do được đưa ra là Thái Lan không muốn chia sẻ quyền lợi với Trung Quốc, trong đó có quyền khai thác các khu vực xung quanh đường tàu. Mặt khác, yếu tố chi phí cũng là một vấn đề.

Chi phí phát triển giai đoạn đầu của dự án do Thái Lan tính toán chỉ có 4,82 tỉ USD trong khi chi phí do Trung Quốc tính lên đến 5,38 tỉ USD (đắt hơn 500 triệu USD – tương đương 11 ngàn tỉ đồng Việt Nam), đồng thời phía Trung Quốc đòi hỏi một mức lãi suất cho vay rất cao, vượt mức 2% mà Thái Lan kỳ vọng.

Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha phát biểu trên tờ The Nation: “Trong quá khứ Thái Lan đã bị một số bài học đau đớn liên quan đến các dự án chánh phủ. Vì vậy, chúng ta phải tránh những sai lầm đã phạm, tập trung chủ yếu vào lợi ích quốc gia. Và chúng tôi không chỉ nói, mà thực sự hành động”.

Kinh nghiệm này của Thái Lan chỉ là một trong vô số trường hợp minh chứng rằng việc chính phủ đi vay nợ (nợ công) không phải là phương sách tốt nhất để phát triển và không phải lúc nào cũng phù hợp với quyền lợi kinh tế quốc gia. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đã khuyên chính phủ các nước đang phát triển cần thận trọng, cảnh giác và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng dân tộc của mình khi quyết định việc vay vốn ODA, các khoản vay luôn đi kèm với những đòi hỏi nhượng bộ vừa kinh tế vừa chính trị.

Lãi suất vay vốn ODA nhìn có vẻ thấp, nhưng thực tế không thấp vì các điều kiện giải ngân vốn vay làm phát sinh các chi phí phụ không nhỏ. Do vậy, nếu sử dụng vốn vay không hiệu quả không những không giúp ích gì cho phát triển kinh tế xã hội mà còn tạo ra nạn tham nhũng, lợi ích nhóm và để lại một gánh nợ nặng nề cho thế hệ mai sau.

{keywords}

Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông

Bài học đó nước nào cũng biết, nhưng tránh được không dễ. Trong một thập niên qua, nợ công của Việt Nam không ngừng tăng lên và nay đang ở ngưỡng đáng báo động. Báo cáo của chính phủ ngày 21-3-2016 tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII cho thấy nợ công (bao gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước, nợ của chính quyền địa phương) đã chiếm 65% GDP, riêng nợ nước ngoài của chính phủ đã vượt ngưỡng 50% cho phép, chiếm 50,3% GDP. Nợ công đang vượt mức 90 tỉ USD, bình quân nợ công đầu người là trên 980 USD, tăng hơn 10% so với năm 2014.

Trình bày về lý do tăng nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định từ năm 2010, nợ công tăng nhanh từ 51,7% GDP lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015, đồng thời nhìn nhận rằng một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng…

So với các nước trong khu vực, tỷ lệ nợ công vay từ nước ngoài trên GDP của Việt Nam ở mức 50,3% GDP, cao hơn Thái Lan (48%), Philippines (50%), Indonesia (24%), Trung Quốc (22%), chỉ thấp hơn Malaysia (55%) và Singapore (106%). Tuy nhiên, áp lực trả nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam rất lớn do trong nhiều năm nước ta liên tục khiếm hụt cán cân thương mại khiến dự trữ ngoại tệ của nước ta rất ít ỏi (39,6 tỉ USD), bằng 22% của Thái Lan (172,8 tỉ USD), 37% của Indonesia (104,5 tỉ USD), 16% của Singapore (244 tỉ USD) và chỉ bằng 1,2% so với Trung Quốc (3.200 tỉ USD).

Tình trạng gia tăng nợ công của Việt Nam, bao gồm cả nợ vay nước ngoài lẫn nợ vay trong nước, có quan hệ mật thiết với tình trạng khiếm hụt ngân sách kéo dài từ năm này sang năm khác. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phân tích rằng khiếm hụt ngân sách kéo dài trong thời gian từ 2003-2015 là do chi thường xuyên tăng quá nhanh, khiến cho thu ngân sách mặc dù tăng mỗi năm đến 16%, gần gấp đôi mức tăng CPI bình quân mỗi năm (8,8%) nhưng vẫn không cân bằng được chi thường xuyên và trả nợ, nên “hệ quả tất yếu là… Chính phủ cứ đầu tư thêm đồng nào… nợ công sẽ tăng thêm đồng ấy”.

Như vậy, nguyên nhân cơ bản và trực tiếp dẫn đến gia tăng nợ công chính là sự gia tăng mạnh mẽ và không hiệu quả của đầu tư công. Số liệu do Bộ Tài chính công bố cho thấy trên 70% nguồn vốn ODA được sử dụng cho đầu tư công và cung ứng vốn thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Điều đáng tiếc là khu vực kinh tế nhà nước thường làm ăn thua lỗ.

Trên thực tế, các kết quả thống kê và đánh giá phân tích đều cho thấy rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế nhà nước phần lớn không hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân ghi nhận trong khu vực kinh tế nhà nước trong thời gian 10 năm trở lại đây là 8 (năm 2009 là 13), có nghĩa là khu vực kinh tế quốc doanh phải đầu tư 8 đồng (cũng có nghĩa là vay nợ 8 đồng) mới tạo được 1 đồng sản phẩm.

Đầu tư công còn gây ra tình trạng lãng phí càng ngày càng đáng báo động. Nợ vay thường được đầu tư dàn trải cho nhiều ngành, nhiều địa phương và không được triển khai hiệu quả. Các dự án đầu tư công thường bị dở dang, kéo dài, dự án chậm đưa vào hoạt động.

Trong khi việc sử dụng nợ công không hiệu quả, dự báo nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60%, áp lực trả nợ công trên ngân sách ngày càng đè nặng. Dự kiến trong năm 2015, chính phủ Việt Nam sẽ phải dành đến 282.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ công và lãi, tương đương 31% thu ngân sách. Thu ngân sách của Việt Nam lại không thể tăng nhanh do việc loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Mặt khác việc giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng sẽ có tác động tiêu cực đến nguồn thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ năm 2016 được dự kiến sẽ tăng 20%. Chi tiêu thường xuyên được dự kiến tăng 10%, trong khi chi tiêu cho y tế và giáo dục tăng tương ứng 11% và 5%. Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro mới về nợ công khi thâm hụt ngân sách tăng vọt.

Một số nhà phân tích cho rằng có thể Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA và phải chuyển sang sử dụng nguồn vốn vay theo điều kiện thị trường từ tháng 7-2017. Việt Nam có thể phải thực hiện điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc phải chấp nhận trả lãi suất cao hơn, từ 2 – 3,5%. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà Việt Nam đã vay có thể được yêu cầu rút thời hạn trả nợ từ 35-40 năm xuống còn 15-20 năm.

Mặc dù Ngân hàng Thế giới đã có cam kết hỗ trợ tài chính cho chính phủ Việt Nam nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ công, nhưng những nỗ lực cắt giảm nợ công từ chúng ta vẫn là quyết định, thể hiện lòng tự trọng dân tộc và một ý chí tự cường. Và hành động khởi đầu phải bắt nguồn từ sự xây dựng một chính sách tài khóa nghiêm ngặt và một ý thức kỷ luật tự giác chấp hành chính sách tài khóa đó. Chúng ta phải đặt mục tiêu cân đối ngân sách trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hôm nay và phải kiên trì thực hiện mục tiêu này bằng hành động cắt giảm quyết liệt các khoản chi ngân sách.

Cắt giảm đầu tư công là một bước tiến quyết định hướng đến mục tiêu giảm bội chi ngân sách và giảm thuế suất. Cần thay thế đầu tư công bằng việc khuyến khích những phương thức khác hiệu quả hơn như phương thức đầu tư BOT, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, bao gồm cả giáo dục, y tế. Đẩy mạnh thực hiện chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ làm giảm các khoản cấp vốn và chi bù lỗ từ ngân sách. Cải cách hành chính mạnh mẽ tại trung ương và địa phương sẽ làm giảm được một lượng lớn nhân sự trong bộ máy hành chính, không những làm giảm chi thường xuyên mà còn làm cho thủ tục hành chính bớt phiền hà, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư doanh.

Huỳnh Bửu Sơn (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)