“Người Trung Quốc quyến rũ anh khi họ muốn, bóp nghẹt anh khi họ cần, và họ làm vậy một cách có hệ thống.”

LTS: Đã có nhiều phân tích, lý giải về một nước Trung Hoa rộng lớn nhưng không ngừng âm mưu lấn chiếm chủ quyền của các nước lân cận. Tuần Việt Nam xin lược trích bài viết công phu của Robert D. Kaplan trên Foreign Affairs để độc giả tham khảo.

Năm 1904, nhà địa lý người Anh, Sir Halford Mackinder đã kết thúc bài viết nổi tiếng “The Geographical Pivot of History” [“Trục địa lý của lịch sử”] của mình bằng một liên hệ đáng ngại về trường hợp Trung Quốc. Sau khi giải thích tại sao lục địa Á-Âu chính là trục địa chiến lược của quyền lực thế giới, ông đã cho rằng Trung Quốc, một khi mở rộng sức mạnh của mình vượt ra ngoài biên giới, “có thể tạo thành mối hiểm họa da vàng cho tự do của thế giới, đơn giản vì Trung Quốc sẽ có thêm một vùng đại dương bổ sung cho nguồn tài nguyên của lục địa rộng lớn, một lợi thế mà nước Nga không may mắn có được trong khu vực trụ cột này.”

Tạm gác lại giọng điệu phân biệt chủng tộc, vốn khá phổ biến trong thời kỳ đó, và cũng chưa xét đến sự hoảng loạn thường thấy mỗi khi đụng chạm đến sự trỗi dậy của một cường quốc ngoài phương Tây, Mackinder đã nêu ra một lập luận hợp lý: Trong khi nước Nga, một người khổng lồ khác trên lục địa Á-Âu, xét về cơ bản đã, và vẫn đang, là một cường quốc trên đất liền với một mặt giáp đại dương bị băng đá Bắc Cực rào chặn, thì Trung Quốc với đường bờ biển ôn đới 9,000 dặm, nhiều cảng biển tự nhiên thuận lợi, lại là một cường quốc lục địa lẫn hải dương. (Thực ra, trong tác phẩm của mình, Mackinder đã lo ngại Trung Quốc một ngày nào đó sẽ thôn tính cả nước Nga).

Tầm với của Trung Quốc trải dài từ vùng Trung Á giàu khoáng sản và khí đốt đến những tuyến đường hàng hải trên Thái Bình Dương.

Vị trí đắc địa của Trung Quốc là một lợi thế rõ ràng và hiển nhiên đến nỗi nó thường bị bỏ qua trong những thảo luận về sự bùng nổ kinh tế hay cách hành xử quyết liệt của quốc gia này. Nhưng yếu tố này thực sự rất quan trọng: nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ luôn án ngữ ở vị trí trục trung tâm địa chính trị ngay cả khi con đường tiến lên vị thế cường quốc toàn cầu của nước này không hoàn toàn suôn sẻ. (Chỉ số tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn đều đặn ở mức hơn 10% mỗi năm trong suốt hơn 30 năm qua, nhưng mức tăng này chắc chắn khó có thể duy trì thêm trong 30 năm nữa.)

{keywords}

Động lực trong nước của Trung Quốc làm nảy sinh những tham vọng với thế giới bên ngoài.

Trung Quốc là sự pha trộn giữa tính hiện đại hết mực mang phong cách phương Tây với một “nền văn minh thủy lợi” (“hydraulic civilization” – một thuật ngữ do nhà sử học Karl Wittogel đề ra, dùng để mô tả những xã hội thực hiện việc quản lý tập trung nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp)[1], gợi cho ta nhớ đến phương Đông cổ xưa, thời chế độ cai trị nhờ có trong tay quyền lực tập trung có thể tuyển mộ hàng vạn dân phu xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Chính điều này đã tạo cho Trung Quốc khả năng tăng trưởng không ngừng nghỉ mà tất cả các nền dân chủ, với bản tính hay trì hoãn trong các quyết định, đều không thể làm được. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người kế tục di sản của 25 vương triều trong 4.000 năm lịch sử, tiếp thu công nghệ và thực tiễn phương Tây, họ đã đưa chúng vào một hệ thống văn hóa tinh vi và quy củ, vốn từng có nhiều kinh nghiệm độc đáo khác nhau, trong đó có việc thiết lập các mối quan hệ mẫu quốc-chư hầu với các quốc gia khác. Như lời của một quan chức Singapore từng nói với tôi hồi đầu năm: “Người Trung Quốc quyến rũ anh khi họ muốn, bóp nghẹt anh khi họ cần, và họ làm vậy một cách có hệ thống.”

Động lực trong nước của Trung Quốc làm nảy sinh những tham vọng với thế giới bên ngoài. Các đế quốc hiếm khi xuất hiện theo dự tính chủ quan mà thường từng bước phát triển một cách tự nhiên. Khi một quốc gia lớn mạnh, họ sẽ nảy sinh những nhu cầu và, nghe có vẻ phi lý, là cả những nỗi sợ hãi mới, những thứ sẽ khiến họ buộc phải bành trướng dưới nhiều hình thức.

Trung Quốc ngày nay cũng đang củng cố các đường biên giới trên đất liền và bắt đầu chuyển hướng ra bên ngoài. Những tham vọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc quyết liệt không kém của Mỹ hơn một thế kỷ trước, nhưng lại có mục tiêu hoàn toàn khác. Trung Quốc không mang trên vai sứ mệnh truyền bá giá trị nào khi đến với thế giới, không tìm cách phổ cập bất kỳ hệ tư tưởng hay chế độ chính quyền nào. Thúc đẩy giá trị đạo đức trong các vấn đề quốc tế là mục tiêu của người Mỹ, không phải của Trung Quốc. Bánh lái cho những hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài chính là nhu cầu quốc gia về năng lượng, quặng kim loại, và những khoảng sản chiến lược giúp đảm bảo mức sống đang ngày một cao của một số dân khổng lồ, chiếm khoảng một phần năm tổng dân số toàn cầu của nước này.

Để hoàn thành trọng trách này, Trung Quốc đã thiết lập các mối quan hệ có lợi với các láng giềng xung quanh cũng như những vùng đất xa xôi, giàu tài nguyên cần thiết để tiếp năng lượng cho sức phát triển trong nước.

Do luôn đặt lợi ích quốc gia cốt lõi – ở đây là sự tồn tại của nền kinh tế – làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động ở nước ngoài, Trung Quốc có thể được coi là một cường quốc thực dụng cực đoan. Người Trung Quốc tìm mọi cách tăng cường hiện diện trên khắp các khu vực tại Châu Phi – những nơi được thiên nhiên ban tặng nguồn dầu mỏ và khoáng sản trù phú; luôn muốn đảm bảo quyền tiếp cận các bến cảng trên khắp Ấn Độ Dương và Biển Đông – những vùng biển kết nối thế giới Ả rập giàu khí đốt với bờ biển Trung Quốc.

Không quá kén chọn, Bắc Kinh cũng chẳng quan tâm đến chế độ mình đang tham gia hợp tác thuộc loại nào. Điều nước này cần là tính ổn định, không phải đạo đức như tiêu chuẩn của phương Tây. Và trong các chế độ đó, có một số nước – như Iran, Myanmar và Sudan – đang bị cô lập và cai trị bởi chế độ chuyên chế. Điều này đã khiến Trung Quốc, trong cuộc săn lùng tài nguyên trên toàn thế giới, vấp phải xung đột với nước Mỹ vốn có xu hướng truyền bá giá trị, cũng như với những quốc gia có vùng ảnh hưởng bị Trung Quốc vô tình đụng chạm như Ấn Độ và Nga.

Tất nhiên, Trung Quốc không phải là mối nguy hiểm cho sự sống còn của các quốc gia này. Khả năng bùng nổ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn xa vời, và Trung Quốc chưa thể là mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Mỹ. Không kể đến những vấn đề như nợ, thương mại hay khí hậu ấm lên toàn cầu…, thách thức Trung Quốc đặt ra đối với Mỹ chủ yếu là về mặt địa lý.

Vùng ảnh hưởng của Trung Quốc đang dần mở rộng ở lục địa Á – Âu và Châu Phi, dù không mang tính chất đế quốc thời thế kỷ XIX nhưng lại theo cách tinh vi hơn, phù hợp hơn với thời đại toàn cầu hóa. Đơn giản chỉ bằng cách bảo đảm nhu cầu kinh tế trong nước, Trung Quốc đang dần xoay chuyển cân bằng quyền lực trên Đông bán cầu, và điều này hẳn phải khiến Mỹ hết sức quan ngại. Sẵn có vị trí thuận lợi, Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng cả trên đất liền và trên biển, từ vùng Trung Á đến Biển Đông, từ vùng Viễn đông Nga xuống Ấn Độ Dương.

Trung Quốc là một cường quốc lục địa đang vươn dậy, và, như câu nói nổi tiếng của Napoleon, các chính sách của các quốc gia như vậy bắt nguồn từ chính những đặc điểm địa lý của chúng.

Còn tiếp...

Robert D. Kaplan, Foreign Affairs

Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org)

Tuần Việt Nam lược trích, chia kỳ và đặt lại tiêu đề.

-----------

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

* Những cuộc viếng thăm cảnh báo điềm dữ ở Biển Đông
* Bắc Kinh táo tợn tính lập eo biển mới ở Biển Đông
* Sunnylands và thế trận cờ vây của Trung Quốc ở Biển Đông
* Trung Quốc táo tợn cài mạng phòng không đa tầng ở Biển Đông
* Trung Quốc một thế kỷ ô nhục và vinh quang từ quá khứ