Đâu rồi “sự bồng bột” cần thiết của chính những người Việt trẻ để chủ động làm ra những “giọt nước vàng” không phải từ trên trời cao họa hoằn ban xuống?

Thời sự “nóng” nông nghiệp - nông thôn ở ta gần đây chắc chắn là chuyện hạn -mặn trăm năm có một ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn nặng ở miền Trung-Tây Nguyên.

Đáng chú ý là, sau vô số tin tức từ ruộng vườn, làng mạc khô khát, cứ vài ba hôm truyền thông lại có những dòng tin giống nhau như sinh đôi, sinh ba, sinh bốn... chỉ khác ngày tháng, địa điểm: “Mưa vàng giải nhiệt ở Miền Tây” (9/4), “Mưa vàng giải nhiệt ở Bình Phước” (18/4), “Mưa vàng giải nhiệt ở Tây Nguyên” (19/4); xa hơn về năm trước “Mưa vàng ở Ninh Thuận” (16/6/2015)…

Quả vậy, những giọt mưa hiếm hoi được ví như vàng đã “giải nhiệt” cho con người, cỏ cây và những dòng tin kia cũng ngay lập tức “giải nhiệt” cho dư luận hầm hập suốt mùa hạn hán.

Còn nhớ, cũng năm 2015, vùng đất gió lào Nghệ An suốt mùa hè nắng nóng như nung bất ngờ được đón trận “mưa vàng” vào ngày 16/6. Nhưng chỉ 4 ngày sau, tức ngày 20/6 toàn tỉnh công bố hạn hán lần đầu tiên.

Rồi lại đúng một ngày sau, tức 21/6, cơn áp thấp nhiệt đới ngoài Biển Đông mạnh lên thành bão số 1 có tên quốc tế là KUJIRA. Ai cũng biết áp thấp hay bão đều sẽ gây mưa, thậm chí mưa to đến rất to ở nhiều vùng.

Lần đó, giếng đồi nhà ngoại tôi ở Nghi Lộc khoan sâu thêm 4m nữa vẫn chưa thấy mạch nước. Rồi nghe tin tỉnh nhà công bố hạn hán mà ruột gan cồn cào. Bất ngờ mẹ tôi gọi điện hồ hởi “Mưa rồi con ạ, trưa ni mưa một trận to to là…”

Thời tiết-khí hậu ở ta là thế, mưa nắng, gió bão thất thường, thiếu nước và thừa nước, hạn hán và ngập úng có khi chỉ cách nhau vài tiếng, nửa ngày.

{keywords}

Những cánh đồng cháy khô vì xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Hường

***

Quê tôi và nhiều nơi khác từng có việc chủ động né tránh thiên nhiên để sản xuất vụ hè thu, làm 3 vụ lúa, rồi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… Nhưng rồi tiền công to hơn tiền thóc, người lao động bỏ ruộng, bỏ quê đi làm ăn xa không còn là chuyện hiếm. Hơn nữa, việc quá phụ thuộc vào thời tiết, có làm mà không có ăn, đâu đó “loạn lạc nhác hơn siêng”, lắm khi còn có tâm lý bị động, ngửa mặt đợi… mưa vàng là chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Quê tôi có câu nói vui, càng ngẫm càng thấy thấm “ở rú đun củi tre, vùng chè uống nước lã”(*)

Cứ nhìn 2 làng là thấy rõ. Làng ở ngoài vùng đồng bằng, xa rừng núi, hễ nông nhàn thì người dân nhà nào cũng sớm hôm cơm đùm cơm vắt đi hàng chục cây số vào sâu trong rừng kiếm củi đun nấu, cỏ cho trâu bò cày; giếng làng thường cạn vào mùa hè nên nhà nào cũng có chum nước, bể nước dự trữ hàng mấy khối, đủ dung tùng tiệm cho nhu cầu tối thiểu hàng ngày.

Không phải đất chè nhưng cả làng nghiện chè xanh, từng nhà mua chè mới, nấu nước luân phiên trưa tối “gọi nhau râm ran chè xanh” cùng chuyện trạng, việc làng, việc nước, việc gì cũng thể như việc xóm ta, làng choa vậy…

Trong khi làng đồi củi cỏ chè sẵn ngoài hiên nhà, nước giếng gàu mo ngọt lịm hè vẫn có vài ba nhà chểnh mảng không giữ được cái nếp sum vầy, đầm ấm và vô cùng chủ động, vượt lên ấy của người dân vùng nghèo.

Nhưng rồi mùa hè đến, nắng từ sáng đến khi mặt trời xuống núi, quạt mo phành phạch vẫn cứ phải khăn ướt vắt vai lau lia lịa. Vét vục cạn nước không đủ cấy, mà cấy xuống rồi lúa cũng cháy khô. Đồng quê chỉ mỗi cây vừng sống được giữa những trận gió lào thông thốc bụi. Lắm lúc, không đủ nước sinh hoạt cho người, nói gì trâu bò chó mèo…

Năm này qua năm khác, hè này đến hè kia, mùa nắng nóng dường như đến sớm hơn mà đi cũng muộn hơn. Đáng nói là mưa bão cũng thất thường và đến/đi khác lạ hơn. Quê tôi bão thường vào từ bão số 7, số 8 trở đi, điển hình như năm 1989 “dính” hẳn 3 cơn bão lớn trong có 10 ngày, cứ gọi là tan tành xác ruộng, xác vườn, nhà cửa, cột điện, cột ăn-ten truyền hình bẻ cong số 8 giữa thành Vinh…

Và có phải vì những “cơn mưa vàng giải nhiệt” hay áp thấp rồi bão về sớm như vừa nói ở trên, nên việc lo xa, nghĩ gần của cả làng, cả xã, cả huyện cứ chùng chình tuần tự như tiến, đến đâu hay đó, lo thì thừa mà không lo lại thiếu?

Thậm chí đến cả vùng đất vốn mưa thuận gió hòa như vùng đồng bằng sông Cửu Long, nay biến đổi khí hậu, nay người ta vì lợi ích cục bộ ngăn đập làm thủy điện, bơm nước dùng riêng… khiến cho trăm năm mới có một lần hạn mặn bất ngờ rồi trở tay không kịp?

Thế nên không thể cứ còn mơ hồ về tác hại nhỡn tiền của biến đổi khí hậu, của đời sống dân sinh và sản xuất nơi cuối dòng sông lớn liên quốc gia, không chỉ ngồi đợi mùa hạn trôi mau hay nằm mơ đón đợi… mưa vàng! Bởi ngay sau mưa hiếm hoi, bất chợt ấy, đâu lại hoàn đấy về nguyên trạng, khô rang và khát cháy tứ bề.

***

Không hiểu sao tôi cứ ngẫm nghĩ và hy vọng về cách làm của nhóm SángTạo Trẻ (Bến Tre) với công trình “Mô hình lọc nước bằng màng sinh học” khai thác vật liệu trên chính quê dừa. Xơ từ thân cây dừa được sử dụng lọc các tạp chất kim loại nặng trong nước. Phần nước đã trong được bơm sang bể lọc qua các lớp: cát, than hoạt tính, xơ dừa và dưới cùng là đá sỏi trước khi nước được tập kết về bể chứa, sẵn sàng sử dụng. 

Biết bao con người có trí tuệ, giàu tâm huyết đã và đang tìm cách để chủ động từng bước, tiến tới “giải cứu”, “giải nhiệt” cho vùng hạn măn. Những đề án hàng ngàn tỷ, những nhà sáng chế miệt vườn, những nhóm nghiên cứu nhỏ trong sinh viên hay ở cấp học phổ thông… đã được truyền thông nói tới với sự trân trọng, chờ đợi.

Lại thấy cái lo, cách làm của người dân nhiều vùng quê về củi-cỏ-chè, về cái chum, cái bể trữ nước ngọt, cái bể lọc nước lợ… tự lo, tự liệu trong dân, thật quý giá và thậm chí còn quý hơn cả những… trận mưa vàng!.

Đọc bản tin “cơn mưa vàng giải nhiệt”, tự dưng lại nhớ tới câu chuyện những thanh niên Israel năm 1959 “bồng bột” mang theo bánh mì và nước quyết định định cư tại thung lũng Arava – miền đất hoang mạc mà khoa học từng khẳng định nơi đó con người không thể sống được. Họ cũng tìm cách để lấy nước và đặc biệt là khai thác, dự trữ nước dưới một hệ thống bể ngầm hàng trăm triệu mét khối, mở đầu cho sự thần kỳ mang tên Israel trong quá trình chế ngự thiên nhiên.

Đâu rồi “sự bồng bột” cần thiết của chính những người Việt trẻ để chủ động làm ra những “giọt nước vàng” không phải từ trên trời cao họa hoằn ban xuống ?

Bao nhiêu việc khó, đận khó chúng ta từng qua. Nhưng có lẽ việc này đang là việc khó nhất, đận khó nhất trong chuỗi “trăm năm có một” đáng nhớ này?

Châu Phú

>> XEM THÊM

Từ kỳ tích Ixrael nghĩ về vùng ‘10 ngày 3 cơn bão’

Bội thu thủ khoa, học sinh giỏi, quê hương vẫn nghèo

Hạn mặn ĐBSCL: chúng ta 'đánh mắt' sang Trung Quốc nhiều quá!

Thêm giải pháp nước giải cứu vùng hạn mặn

Chuyện ở nơi chỉ trẻ em mới được.... tắm

-----

(*) Kinh nghiệm dân gian: củi tre đun lửa không đượm, cơm canh không thơm ngon, nước chè xanh thường mất mùi vị. Câu này có ý chê bai ai đó xoàng, lười, qua chuyện.