Khi quân đội Trung Quốc (PLA) thực hiện sự kiểm sóat quân sự đối với các thực thể chủ chốt, họ sẽ khai thác tối đa lợi thế của các vị trí đó để hỗ trợ cho các yêu sách lãnh thổ rộng lớn hơn.

Kỳ 1: Dùng "quái vật" khủng Trung Quốc đe lớn, nạt nhỏ

Biển Đông đã trở thành điểm nóng tại khu vực Châu Á –TBD. Khu vực này trong tương lai sẽ có 3 xu hướng lớn diễn ra như sau:

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hành động gây căng thẳng ở Biển Đông và các khu vực biển khác. Hành động đặt tên lửa trên các đảo tranh chấp được hiểu như biểu thị thái độ cứng rắn của Bắc Kinh đối với những nơi mà Trung Quốc kiểm soát thực tế đối với các thực thể tranh chấp ở khu vực.

Thực tế cho thấy, với các hành động của Trung Quốc trong suốt thời gian vừa qua, Trung Quốc đã cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ thấy rằng điều quan trọng trong tranh chấp lãnh thổ trên biển là sự “chiếm hữu” thực tế các thực thể, và khi PLA thực hiện sự kiểm sóat quân sự đối với các thực thể chủ chốt, họ sẽ khai thác tối đa lợi thế của các vị trí đó để hỗ trợ cho các yêu sách lãnh thổ rộng lớn hơn. Và, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các khu vực biển này chủ yếu thông qua các phương tiện gián tiếp.

Hậu quả ngay lập tức của việc lắp đặt radar mới ở Trường Sa và triển khai các tên lửa trên đảo Phú Lâm là Bắc Kinh có khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, qua đó đảm bảo sự thống trị biển và không phận xung quanh. Vì vậy, khả năng Trung Quốc gây hấn bên ngoài khu vực tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á có thể xảy ra trong tương lai. Khu vực biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương sẽ là những địa bàn mà Trung Quốc tiếp tục bành trướng ảnh hưởng.

Thứ hai, căng thẳng về quân sự và chạy đua vũ trang ngày càng gay gắt. Đây là một trong những lý do khiến tình hình Biển Đông ngày càng nóng. Để đáp lại các hành động “hung hăng” của Trung Quốc, trong chiến lược “Xoay trục châu Á”, hải quân Mỹ đã tăng cường bố trí quân sự, hoạt động quân sự tại Biển Đông và khu vực xung quanh.


{keywords}

Đầu năm 2016, Mỹ bất ngờ tăng cường bố trí biên đội mẫu hạm tại khu vực Châu Á-TBD, tăng cường lực lượng giám sát trên không tại đảo Guam, tăng cường bố trí tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến trên biển, đồng thời Mỹ còn trực tiếp cử tàu chiến hoạt động tuần tra tại Biển Đông. Mỹ cũng đang tập hợp lực lượng gồm Nhật, Australia tổ chức tuần tra chung trên Biển Đông để gây áp lực cho Trung Quốc.

Ngoài ra, xây dựng quân sự và cạnh tranh vũ khí giữa các nước ngày càng gay gắt. Để chống lại đe dọa từ Trung Quốc, lực lượng hải quân, không quân của Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia trong vài năm qua có bước phát triển mạnh mẽ.

Khu vực Biển Đông đã trở thành khu vực lực lượng hải quân, không quân trên biển phát triển nhanh nhất, tập trung nhiều nhất và cạnh tranh ngày càng gay gắt nhất trên thế giới. Trong bối cảnh không có sự tin cậy về chiến lược và các cơ chế kiểm soát khủng hoảng, mối đe dọa xảy ra khủng hoảng tại Biển Đông sẽ ngày càng tăng.

Thứ ba, biện pháp đấu tranh về pháp lý và dư luận mà các nước có yêu sách áp dụng sẽ ngày càng tăng. Philippines đưa vụ kiện lên Tòa trọng tài quốc tế, tuyên bố “khiến Trung Quốc rút khỏi Biển Đông”, điều này phần nào khiến các nước liên quan cảm thấy đây là một hướng đi tốt, có những kết quả nhất định. Chính vì vậy, hiện nay dư luận tại Việt Nam và Nhật Bản cũng đã có nhiều ý kiến yêu cầu sử dụng biện pháp tài phán này.

Việt Nam cần làm gì trong thế trận hiện nay?

Cho đến nay, Việt Nam luôn khẳng định việc theo đuổi biện pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam cũng tuyên bố chính sách “ba không” bao gồm: Không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào; Không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết với một nước để chống lại nước thứ ba.

Chính sách “ba không” này, trong đó cốt lõi là không liên minh. Có lẽ, bên cạnh “lời nguyền địa lý” khi luôn phải chung sống với một cường quốc láng giềng như Trung Quốc. Việt nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong lịch sử khi trở thành nước nhỏ tham gia vào “ván bài của các cường quốc”.

Do đó, không liên minh được hiểu thực chất chính là không liên minh với các cường quốc khác để chống Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng khẳng định là sẽ làm tất cả để bảo vệ trước bất cứ sự xâm phạm nào tới lãnh thổ quốc gia (bao gồm cả vùng đất, vùng biển và vùng trời) cũng như các lợi ích quốc gia. Chính vì vậy, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động căng thẳng trên biển Đông, điều đó sẽ khiến Việt Nam buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về chính sách “ba không” của mình trước một Trung Quốc hung hăng và đầy tham vọng.

Thứ hai, Việt Nam cũng như Philippines, Hoa Kỳ… đang trông chờ một phán quyết thích đáng đối với “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý đặt ra trên Biển Đông. Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, tức là cũng có lợi cho Việt nam và nhiều quốc gia khác. Khi đó, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn, thì Việt Nam cần đặt ra phương án “tiếp bước” Philippines, đưa Trung Quốc ra công luận thế giới trước một phiên Tòa quốc tế.

Thứ ba, sáng kiến gần đây của Philippines thuê máy bay của Nhật tuần tra trên biển Đông là một sáng kiến thông minh. Việt Nam và các quốc gia ASEAN có thể nhân rộng mô hình này. Việc tiếp tục có các chuyến tuần tra trên biển và trên bầu trời biển Đông theo quy định của luật quốc tế là hết sức cần thiết. Điều này nhằm bác bỏ các “yêu sách phi lý” của Trung Quốc trên biển Đông, duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không theo quy định của luật quốc tế.

Tuy nhiên, với tiềm lực có hạn về các phương tiện và kỹ thuật hàng hải, hàng không của mình, Việt Nam và các quốc gia ASEAN trực tiếp tham gia tranh chấp khó có thể thực hiện những chuyến tuần tra như vậy.

Mặt khác, mặc dù rất muốn thực hiện hoạt động tuần tra tại khu vực này, nhưng một số cường quốc sẽ gặp trở ngại khi phải thuyết minh về chi phí cho những chuyến tuần tra như vậy trước công luận của quốc gia đó. Chính vì vậy, việc các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, thuê các máy bay và tàu chiến của các cường quốc biển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… thực hiện các chuyến tuần tra trên biển Đông theo sự cho phép của luật quốc tế là một biện pháp cần thiết trong lúc này.

Hoàng Việt

-----------

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

* Lấn Biển Đông, Trung Quốc dùng kế độc chiếm quyền kiểm soát
* Trung Quốc lộ bài quân sự mưu chiếm Biển Đông
* Không có "gậy thần", nhuưng Việt Nam có Cam Ranh
* Tỉnh táo với toan tính mới của Trung Quốc ở Biển Đông
* Khi nước lớn cạnh tranh quyền lực ở Biển Đông