Mục tiêu hiện tại của TQ là khôi phục vinh quang từ quá khứ, thủ tiêu các “thế lực bên ngoài” can thiệp vào khu vực và gây áp lực buộc các nước nhỏ chấp nhận vai trò dẫn dắt của họ.

Từ Biển Đông cho tới Hoa Đông, từ việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) đến kế hoạch Một vành đai – Một con đường (OBOR), sự trỗi dậy mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị và quân sự của TQ gây ra nhiều tranh luận về ý định của nước này.  

Để hiểu được TQ, cần phải hiểu rõ cách thức TQ tự định nghĩa bản thân trong hệ thống quốc tế, hay nói cách khác là hiểu rõ thế giới quan của họ.  

Một thế kỷ ô nhục 

Có bốn yếu tố về mặt nhận thức có tác động mạnh mẽ tới thế giới quan của TQ. Yếu tố nổi bật nhất, theo học giả Merriden Varral, chính là ý thức của người TQ nói chung về “Thế kỷ ô nhục” (a century of humiliation). 

“Thế kỷ ô nhục” (百年国耻) là một thuật ngữ bắt nguồn từ chính người TQ, nhằm miêu tả thời kì TQ bị xâu xé dưới sự thống trị của các nước đế quốc. Thế kỷ ô nhục kéo dài khoảng 100 năm, bắt đầu từ sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh Nha phiến lần đầu tiên vào năm 1839 đến khi nước CHND Trung Hoa thành lập năm 1949. Tuy nhiên cũng có những nguồn tư liệu khác nói rằng “thế kỷ ô nhục” chấm dứt ngay khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. 

Tài liệu của GS William Callahan, Trung tâm nghiên cứu TQ đương đại, cho rằng khái niệm “Thế kỷ ô nhục” hay “国耻” có thể được đề cập lần đầu tiên tại một tạp chí ở Thượng Hải vào tháng 6/1915 nhân dịp kỷ niệm việc TQ nhượng bộ trước “Bản yêu cầu 21 điểm” (Twenty-one Demands) của Nhật Bản.  

Các hiệp ước bất bình đẳng với các nước đế quốc phương Tây đã khiến cho lợi ích của người TQ trên chính đất nước của họ bị tổn hại. Sự sụp đổ của nhà Thanh vào năm 1911 đánh dấu sự kết thúc của hơn 2.000 năm chế độ phong kiến TQ, khởi đầu một giai đoạn bất ổn kéo dài, Trung Hoa bị phân thành nhiều vùng nhỏ, loạn lạc và bị các nước đế quốc đe dọa. 

{keywords}

“Thế kỷ ô nhục’ chi phối mạnh đến thế giới quan của TQ. Ảnh minh họa: EPA

“Thế kỷ ô nhục” được cho rằng dựa trên ba mất mát chính trên tầm quốc gia:

(1) mất mát về lãnh thổ với hàng loạt các cảng và những khu vực quan trọng biến thành các “tô giới” hay thuộc địa nằm dưới sự kiểm soát của nước ngoài.

(2) mất kiểm quyền soát đối với môi trường trong nước và quốc tế khi các cuộc khởi nghĩa nông dân lớn liên tục nổ ra, các phong trào độc lập ở Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ phát triển mạnh, các cuộc chiến tranh với bên ngoài đối diện với những thật bại lớn.

(3) mất mát về vị thế quốc tế cũng như lòng tự trong quốc gia.  

Đây là ba mất mát được coi là hữu hình, cho thấy rõ ràng hơn về một nước TQ yếu kém về mặt thực lực và vị thế quốc tế. Những mất mát hữu hình này là các công cụ chính giúp cho các nhà lãnh đạo TQ tạo ra được một làn sóng chủ nghĩa dân tộc và định hình nên cách tiếp cận của TQ đối với thế giới. 

Tuy nhiên, chính những mất mát hữu hình đó đã tác động mạnh mẽ tới tâm lý của cả dân tộc TQ, rồi dẫn đến những tác động mạnh mẽ hơn rất nhiều: những mất mát vô hình, bao gồm lòng tự trọng bị xâm phạm, sự uất hận về một thế kỷ bị đè nén, và cảm giác luôn nghĩ rằng TQ bị các nước xung quanh ức hiếp. 

Các nhận thức về văn hoá và lịch sử 

“Thế kỷ ô nhục” là đặc trưng có thể được nhìn nhận rõ nhất. Ngoài ra, một số yếu tố về văn hoá và lịch sử khác đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới quan của TQ. 

Thứ nhất là quan điểm cho rằng các tính cách văn hoá của người Trung Hoa từ xưa tới nay là không bao giờ thay đổi, là cố hữu. Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong các tuyên bố của TQ là nhận thức cho rằng TQ luôn luôn là một quốc gia coi trọng hoà bình và không bao giờ chủ động theo đuổi bành trướng (?).  

Quan điểm về tính lịch sử của văn hoá này không chỉ được TQ áp dụng cho bản thân mình, mà còn cho các quốc gia khác. Ví dụ như Mỹ luôn bị xem là một đế quốc luôn mong muốn tìm kiếm bá quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Và Nhật Bản thường bị xem là một quốc gia có tư tưởng bành trướng. 

Thứ hai là quan điểm về “tính tất yếu của lịch sử”, quan hệ chặt chẽ với các yếu tố khác. Theo quan điểm này thì TQ đã là một quốc gia hùng mạnh, đáng được tôn trọng và là một nhân tố đảm bảo hoà bình trong quá khứ, thì trong tương lai cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, “những thế lực thù địch” ở bên ngoài đã bao vây và ngăn cản TQ đạt được mục tiêu đó, như những gì mà họ đã làm trong “thế kỷ ô nhục”. 

Nhìn vào lịch sử, cần hiểu được “hệ thống quốc tế” theo quan điểm của TQ là gì. Cho tới cuối thế kỷ 19, TQ vẫn tự xem bản thân quốc gia mình là ở trung tâm (cái tên Trung Hoa thể hiện ý niệm đó). Hệ thống quan hệ “sách phong-triều cống” là đặc trưng cho mối quan hệ quốc tế ở Đông Á cho đến tận khi TQ phong kiến sụp đổ. Trong suốt hơn 2.000 năm, TQ là quốc gia thống trị quan hệ quốc tế và thương mại tại Đông Á, trong đó các quốc gia láng giềng cần phải “triều cống” để được nhận “sách phong” và các lợi ích kinh tế và chính trị khác.  

Mục tiêu của mối quan hệ “sách phong-triều cống” là đảm bảo một hệ thống khu vực ổn định, ít xáo trộn trong đó các các nhỏ hơn giữ được độc lập tương đối về mặt chính trị, nhưng chấp nhận vị trí thống trị của TQ.  

Thứ ba, xuất phát từ các giá trị Khổng giáo, người TQ coi trọng lòng trung thành và mối quan hệ thứ bậc dựa trên sự kính trọng lẫn nhau. Nghĩa vụ kiểu gia đình và Khổng giáo như vậy phần nào định hình nên nhận thức về vai trò của TQ tại Đông Á, khi TQ tự coi mình là “anh cả” của tất cả các quốc gia xung quanh. Nhận thức rằng cả “thiên hạ” đều xoay quanh trung tâm đặt dưới lòng trung thành và nghĩa vụ đối với “thiên tử” không phải là điều gì mới.  

Có thể thấy, thông qua bốn đặc điểm nhận thức như đã đề cập, thế giới quan của TQ xoay quanh việc nước này tự coi mình sở hữu quyền lãnh đạo đương nhiên ở Đông Á. “Thế kỷ ô nhục” đã tước đi quyền lịch sử “đương nhiên” này và mục tiêu hiện tại của TQ là lấy lại vinh quang từ quá khứ, không để cho các “thế lực bên ngoài” can thiệp vào khu vực và khiến các nước nhỏ hơn chấp nhận vai trò dẫn dắt của TQ. 

Còn tiếp...

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của SCIS.