Thực trạng thế giới và bản thân nước ta nhắc nhở phải rất tỉnh táo, ra sức củng cố nội lực, chủ động, khôn khéo ứng phó mọi biến động đang và sẽ xảy ra.

Lâu nay, ta thường nhận định “tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều nhân tố khó lường”. Cục diện quốc tế năm qua quả đúng vậy!

Có thực mới vực được đạo! Hãy bàn về tình hình kinh tế trước. Nhìn chung kinh tế thế giới có tăng trưởng nhưng các dự báo liên tục được điều chỉnh theo hướng giảm dần. Từ Tây Âu tới Nga, Nhật Bản, thậm chí cả một số nền kinh tế mới nổi, trong đó có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc… năm nay cũng không còn sung mãn như trước.

Vậy vì đâu nên nỗi? Nguyên do có nhiều và mỗi nước mỗi cảnh. Cái chung là hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bùng phát năm 2008 tiếp tục kéo dài mà cuộc khủng hoảng nợ đẩy Hy Lạp đến bờ phá sản là một biểu hiện. Nhưng đó chỉ là bề nổi. Phải chăng ẩn sau sự uể oải của nền kinh tế toàn cầu là những nhân tố sâu xa, cơ bản hơn cho thấy nó đang trải qua thời kỳ khủng hoảng mang tính cơ cấu?

{keywords}

"Ra sức củng cố nội lực, chủ động, khôn khéo ứng phó mọi biến động đang và sẽ xảy ra". Ảnh minh họa

Cái kiểu vay nợ để phát triển và bảo đảm phúc lợi xã hội có thể đẩy đất nước vào tình trạng phá sản. Cái mô hình chạy theo tốc độ bằng mọi giá có thể hụt hơi và để lại nhiều hệ lụy về tính bền vững. Cái cơ cấu kinh tế dựa quá mức vào các ngành kinh tế ảo hết sức rủi ro. Cái thế mạnh dựa trên khai thác dầu khí cũng dễ hở sườn. Cái chiến lược trông chờ quá mức vào xuất khẩu khá bấp bênh.

Thấm đòn về những bài học trên, xem ra bàn dân thiên hạ đang phải loay hoay điều chỉnh. Quá trình tái cơ cấu rộng lớn như vậy không thể hoàn tất trong một sớm một chiều mà sẽ còn dài dài. Bước vào 5 năm mới, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, kinh tế nước ta không thể không tính đến thực trạng này và những bài học của các nước.

Một trong những toa thuốc người ta sử dụng để chữa trị là liên kết kinh tế, đẩy mạnh quá trình tự do hóa thông qua việc hình thành các khu vực thương mại tự do mọc lên như nấm sau mưa. Năm 2015 đánh dấu cuộc chạy đua đàm phán và ký kết hàng loạt thỏa thuận thuộc loại này mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thí dụ điển hình được nói tới nhiều nhất. Liều thuốc ấy đắc dụng tới đâu cần có thời gian để kiểm chứng nhưng không khéo sẽ nảy sinh trạng thái chồng lẫn, ganh đua, rối rắm như món đặc sản Italia “spaghetti”, còn ở ta gọi là “canh hẹ”.

Cục diện chính trị - an ninh  phức tạp trong năm thể hiện qua những sự căng thẳng đối đầu, chạy đua vũ trang, trừng phạt lẫn nhau… làm cho kinh tế đã rối càng rối. Điều đó dễ hiểu thôi vì kinh tế và chính trị luôn gắn quyện với nhau. Nóng nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là tình hình Trung Đông, Bắc Phi với tâm điểm là Syria. Khu vực này vốn là nơi tích tụ những mâu thuẫn gay gắt về chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, chủng tộc và lợi ích chiến lược của các nước lớn. Chiến tranh lạnh kết thúc cũng là lúc mở đầu các cuộc chiến tranh, xung đột nóng kéo dài hàng chục năm nay do mâu thuẫn bên trong nhiều nước và do sự can thiệp từ bên ngoài.

Nét mới của năm 2015 là cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) gia tăng cường độ với sự tham gia của cả Nga. Để hiểu được căn nguyên những mâu thuẫn nội tại, tính toán của các nước lớn, sự ra đời và lớn mạnh khá nhanh của IS cũng như các thế lực khủng bố khác cần tới hàng pho sách. Ngay lúc này đây thế giới đứng trước vô vàn câu hỏi chưa có lời đáp: Tình hình nội bộ Syria sẽ đi về đâu? Vì sao IS phát triển nhanh, ai nuôi dưỡng chúng, ngoài các hoạt động khủng bố như vụ làm nổ máy bay Nga trên bán đảo Sinai và vụ tàn sát dã man ngày 13-11-2015 ở Paris, chúng có thể làm gì nữa ở đâu, lúc nào? Liệu liên minh chống IS có thể tiêu diệt được chúng bằng không kích chăng? Nội bộ liên minh chống IS bền chặt tới đâu, nhất là Mỹ vừa cần sự hợp tác của Nga, vừa tiếp tục gia tăng trừng phạt Nga, và sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga liệu hai nước còn nhìn mặt nhau? Dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ vào Tây Âu bao giờ chấm dứt, hệ lụy chính trị, an ninh, xã hội, kinh tế sẽ thế nào, “bà già châu Âu” sẽ xoay xở ra sao?

Những câu hỏi ấy sẽ vắt sang năm 2016 và những năm tiếp theo. Thêm vào đó những phức tạp chung quanh tình hình Ukraine bị các cuộc xung đột khác che khuất một thời vẫn âm ỉ, đôi khi ngọn lửa lại bùng cháy mà biểu hiện là “cuộc chiến khí đốt” giữa nước này với Nga vào những ngày đông giá lạnh.

Một điểm nóng khác từ những năm trước được chuyển tiếp sang năm 2015. Đó là tình hình trên Biển Đông. Cái mới là việc Trung Quốc gia tăng bồi đắp, xây dựng các cơ sở quân - dân sự trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam gây nên lo ngại không chỉ đối với Đông - Nam Á, mà cả toàn cầu vì một trong những con đường hàng hải và hàng không quan trọng hàng đầu thế giới qua đây. Chẳng thế mà ngoài ASEAN, các tổ chức, diễn đàn như Liên hiệp châu Âu (EU), Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7), Hội nghị Cấp cao Đông Á và cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc… công khai biểu tỏ thái độ ái ngại.

Đối đầu, căng thẳng chẳng đem lại lợi ích cho ai và năm nay đã hé lộ vài mảng sáng. Quan hệ phương Tây - Nga xem chừng có vài biểu hiện le lói về chiều hướng làm lành trước nguy cơ chung từ khủng bố. Các cặp quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, Nhật Bản - Hàn Quốc và cục diện tay ba Trung - Nhật - Hàn, thậm chí quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan cũng chứng kiến chuyển động từ rạn nứt sang hàn gắn; ngay hai miền Triều Tiên cũng có vài động thái giảm căng thẳng đan xen tiếng bấc tiếng chì, dọa dẫm lẫn nhau. Vấn đề hạt nhân của Iran được giải tỏa sau nhiều năm bế tắc. Mỹ thực thi chính sách bao vây, cô lập Cuba mấy chục năm nay, cuối cùng cũng phải nối lại quan hệ ngoại giao với “hòn đảo Tự do”.

Vòng về khu vực Đông - Nam Á, không chỉ có sự bất an trên Biển Đông mà chúng ta còn được chứng kiến những điều tốt lành hơn, trong đó có hai sự kiện mang tính cột mốc. Đó là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, tạo điều kiện cho Hiệp hội liên kết chặt chẽ hơn, phát triển mạnh mẽ hơn, uy tín quốc tế được nâng cao hơn. Sự kiện quan trọng thứ hai là kết quả cuộc tổng tuyển cử tự do ở Myanmar mở ra khả năng thực hiện hòa giải dân tộc và phát triển đất nước giàu bản sắc văn hóa và đầy tiềm năng kinh tế này.

Giống như thời tiết nóng nhất từ trước tới nay, thời tiết kinh tế, chính trị quốc tế năm nay nóng nhiều hơn mát. Khí hậu nóng do El Niño gây ra, còn cái nóng về kinh tế - chính trị toàn cầu chủ yếu do con người gây ra. Nhưng con người vốn có đầu óc; hy vọng những cái đầu nóng sẽ hồi tỉnh để cùng chung sức xây đắp một thế giới yên bình, phồn vinh hơn.

Nước ta vẫn được hưởng sự ổn định chính trị - an ninh; sau mấy năm trắc trở, lạm phát đã thấp, kinh tế đã tăng hơn, quan hệ ngoại giao không ngừng được mở rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao… Tiếng vậy cũng chẳng thể gối cao đầu ngủ yên. Kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức mà áp lực nợ công gia tăng là một mối lo, sự tụt hậu về trình độ phát triển so nhiều nước ngày một xa, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa nhích được bao nhiêu, năm 2020 nước ta vẫn chưa thể trở thành nước công nghiệp… Trong khi đó, mối lo bất ổn trên Biển Đông vẫn còn đó; những rắc rối trên thế giới không thể không ảnh hưởng tới ta… Thực trạng thế giới và bản thân nước ta nhắc nhở phải rất tỉnh táo, ra sức củng cố nội lực, chủ động, khôn khéo ứng phó mọi biến động đang và sẽ xảy ra.

Theo Vũ Khoan/ Thời nay Xuân Bính Thân

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại