"Có nhiều cán bộ "lên chức" nhưng người ta không hiểu vị ấy làm được việc gì, ai công nhận, ai bầu chọn... thậm chí đến cái bằng khen hoặc huân chương cũng ghi thành tích là "Thi đua yêu nước, đã góp phần xây dựng CNXH" một cách chung chung", ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang vừa nói trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam nhân dịp Hội nghị Trung Ương lần thứ 13 đang bàn về nhân sự.

Đại hội Đảng sẽ được tổ chức vào đầu năm tới. Và như ông biết đấy, công tác nhân sự luôn thu hút sự quan tâm của xã hội. Từng đứng đầu địa phương, ông chia sẻ thế nào về câu chuyện đúng người - đúng vị trí?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Từ trước đến nay, cán bộ các cấp, từ Trung ương đến cán bộ cơ sở thường hay than phiền là tại "Cơ chế" hoặc qui những "bất cập" thường thấy là do "Trình độ năng lực cán bộ yếu". Thậm chí có người còn cho rằng do “Dân trí kém nên mở rộng dân chủ là phải cẩn thận".

Vấn đề đặt ra ở đây là: "cơ chế" là do ta làm ra, và ta hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Ví dụ, thế hệ chúng tôi, lớp cán bộ tại chỗ hồi mới giải phóng, tuổi khoảng 20, tuy có văn hóa và chuyên môn hơn lớp kháng chiến nhưng do không qua thử thách thực tiễn nên thường bị nhận xét là "yếu chất và thiếu lượng", nay cũng đã về hưu. Sau đó được thay bằng một thế hệ mới, có bằng cấp đại học hoặc hơn, họ cũng có cả những chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành ngắn hạn khác mà vẫn bị nhận xét là chưa "trưởng thành" nên còn "Yếu" thì hỏi có thuyết phục không?

Năm 1945, 95% số dân mù chữ và chỉ với 5.000 đảng viên mà chúng ta đã làm được cuộc cách mạng thần thánh, hà cớ gì giờ đây ta đã có trên 3 triệu đảng viên, với hơn 90 triệu dân, trong đó có tới 95 % biết chữ, 24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và vô số có trình độ đại học và trung học chuyên nghiệp ta lại chịu chậm chân.

{keywords}
Ảnh: Chinhphu.vn

Ở các nước cùng có chung xuất phát điểm như là Hàn quốc, Singapore Malaisya, thậm chí cả Campuchia... có ai hay than phiền như ta vậy không? Có khi nào câu nói của những chuyên gia các tổ chức kinh tế quốc tế nhận xét "Việt Nam không chịu lớn" là do ta không chịu lớn mạnh và một cơ chế luôn bất cập là đúng hay không?

Mong rằng đại hội Đảng lần thứ XII sẽ giải đáp được câu hỏi này.

Nhìn vào kết quả bầu chọn tại các địa phương vừa rồi thì thấy chúng ta vẫn đang tiếp tục cải thiện cách chọn nhân sự đó thôi?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Điều đáng mừng là tất cả đều trẻ, có nhiều cấp bằng chứng tỏ được đào tạo bài bản và đều có thành phần chính trị đúng theo Trung ương qui định.

Theo tôi đó là cơ sở bước đầu để hy vọng.

Ông có nghĩ rằng giờ mà còn bị chi phối bởi tư duy vùng miền, tuổi tác hay lý lịch là không phù hợp thực tiễn không?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Theo tôi có thể là do cách bầu chọn xưa nay và do vừa qua cũng có một vài đồng chí giữ trọng trách đã phạm sai lầm nên khiến dư luận nghi ngờ cũng có cái lý của nó. Nhưng không sao, nghi là quyền của dư luận còn người "lấy điểm", "lấy lòng dân" là những người mới được bầu, đã được trang bị, rèn luyện khá bài bản và khá công phu ấy. Hãy nhìn họ làm mà nhận xét, chứ không nên nghe dư luận để rồi phán bừa.

Và cũng không nên so sánh một cách khập khiễng về tuổi tác giữa những thiên tài trong lịch sử và số cán bộ mà dư luận cho là "quá trẻ" hiện nay. Vì thiên tài là thiên tài chứ không phải “cứ tu lâu đều có thể lên hòa thượng!”

Có một thực tế khá phổ biến là có một số cán bộ "lên chức" nhưng người ta không hiểu vị ấy làm được việc gì, ai công nhận, ai bầu chọn... thậm chí đến cái bằng khen hoặc huân chương cũng ghi thành tích là "Thi đua yêu nước, đã góp phần xây dựng CNXH" một cách chung chung, thiếu thuyết phục, thiếu cạnh tranh và phát triển, chẳng khác nào nhà văn mà không có tác phẩm!

Dư luận hoài nghi về "cái khuôn" và "cái bánh" là thế. Chỗ này nếu có, thì phải rút kinh nghiệm.

Giờ cái ta cần là một lãnh đạo dám quyết, dám nói, dám làm, nhìn xa trộng rộng hay một lãnh đạo thiên về dĩ hòa vi quí?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Người có tố chất lãnh đạo dù ở cấp nào, hoàn cảnh nào đều là người biết đứng nhờ trên vai người khác để đủ sức vượt qua chính mình và dám dẫn dắt cả tập thể vượt lên hoàn cảnh để làm nên hạnh phúc cho cả cộng đồng.

Người ấy phải là người biết chấp nhận khác biệt, không bao giờ đổ lỗi cho khách quan hoặc cho ai khác khi bị thất bại mà luôn nhận nó về mình.

Bàn chuyện nhân sự, cảnh báo nạn chạy chức, chạy quyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “việc này khá phổ biến, không chỉ trong ngành tổ chức cán bộ, mà ở cả đào tạo giáo dục, cứ nghe bao nhiêu tỉ vào chức này, chức kia nghe mà xót cả ruột, nhức cả đầu! Người ta nói giờ chạy cũng tinh vi lắm, chẳng ai thừa nhận mình chạy, mà dưới dạng đi thăm, đi chúc tết, ngày lễ, gửi quà cũng rất khéo nhưng nhận rồi thì há miệng mắc quai, tay đã nhúng chàm, mai kia xét phải nể”. Ông chia sẻ thế nào về thực tế này?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy tiền (dự án)... ai ai cũng nói, nói nhiều và nói rất mạnh rồi, tôi không nói thêm nữa.

Về nhân sự thì vẫn là chuyện ai vào ai ra, ai lên ai xuống và kèm theo dị nghị về "phe nhóm" dưới danh nghĩa "nối tiếp truyền thống", "cha truyền con nối", "con ông cháu cha", "con vua thì được làm vua" v.v... Càng gần ngày Đại hội, càng râm ran chuyện nhân sự, ĐH sau dư luận còn "phong phú" hơn ĐH trước với nhiều "thực tiễn sinh động". Các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa là trung tâm dư luận bàn tán "thời sự" đề tài này nhiều nhất.

Dư luận thì luôn có động cơ khác nhau, có sai có đúng. Nhưng tập trung nhất và đúng nhất là dư luận phê phán việc thiếu dân chủ, thiếu công bằng trong qui trình tuyển chọn. Tức là người ta nói phương pháp chứ không nói kết quả hoặc ngược lại lấy kết quả để chứng minh cho phương pháp. Nghĩa là "cái khuôn bánh" chứ không nói "cái bánh" hoặc nếu có nói về "cái bánh" thì bao giờ cũng qui ngược lại là do "cái khuôn".

Lan Anh thực hiện