"Cái chết" của Dân Chủ, rạp chiếu có tuổi đời nửa thế kỷ còn sót lại từ thời bao cấp đã được báo trước từ lâu, thêm vào danh sách dài những rạp chiếu phải đóng cửa vì không thích nghi nổi với cơ chế vận hành mới của thị trường.

Những năm đầu thập niên 1990, nhà tôi ở gần với rạp Dân Chủ. Hàng tối cả xóm vẫn nghe vọng từ cái loa tiếng anh nhân viên đọc nội dung phim mới có Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh... Những ngôi sao đỉnh cao của dòng phim mì ăn liền thời ấy.

{keywords}
Rạp Dân Chủ chính thức đóng cửa sau nửa thế kỷ tồn tại.

Hơn 20 năm trước, cùng với những Tháng Tám, Đại Đồng, Đống Đa... Dân Chủ là địa chỉ vàng của các tín đồ phim ảnh với những suất chiếu cháy vé, đông người ra vào tấp nập. Đầu những năm 2000, Dân Chủ vẫn được coi là địa chỉ vàng của nhiều người khi đây là rạp đầu tiên của cả Hà Nội chiếu những bộ phim mới từ Hollywood, thời còn chưa có những nhà phát hành lớn như MegaStar (sau này là CGV), Galaxy.

Nhưng, năm 2006, cục diện đã bắt đầu thay đổi với sự xuất hiện của MegaStar cụm rạp chiếu đa năng đầu tiên do Mỹ hùn vốn đầu tư cùng 8 phòng chiếu đặt tại trung tâm thương mại Vincom. Khán giả Hà Nội lần đầu được làm quen với khái niệm cụm rạp hiện đại, được phục vụ theo đúng phong cách phương Tây và được quyền lựa chọn các suất chiếu của nhiều phim khác nhau trong ngày ở nhiều phòng chiếu. Cũng từ đây, văn hóa xem phim ngoài rạp cũng bắt đầu hình thành.

Tuy nhiên, khán giả được lợi bao nhiêu thì các chủ rạp cũ lại lo lắng bấy nhiêu. Họ buộc phải đứng trước lựa chọn phải thay đổi, hoặc xây dựng lại rạp chiếu, hoặc thay đổi cung cách phục vụ để thích nghi với tình hình mới. Rất nhiều rạp chiếu nhà nước đã cố gắng thay đổi theo hướng này như Trung tâm chiếu phim quốc gia, Rạp Tháng Tám. Song, rất nhiều rạp chiếu lâu năm ở Hà Nội dù trước đây ở những vị trí đắc địa nhưng phải đóng cửa (Fansland) hay chuyển đổi mục đích kinh doanh (Đặng Dung)... vì không có khách do rạp xuống cấp.

Dân Chủ vẫn trụ lại được trong cơn lốc phim ngoại nhập và đón nhận tin có thêm nhiều cụm rạp mới hiện đại của nước ngoài được khai trương liên tục. Rạp chiếu nhỏ nằm trên con phố đông đúc Khâm Thiên rất khó khăn trong việc tìm chỗ gửi xe buộc phải hút khách bằng giá vé rẻ nhằm hướng tới khán giả bình dân cũng như đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để hút khách.

{keywords}
Các cụm rạp hiện đại ra đời như nấm sau mưa. Ảnh: Vy Uyên.

Nhưng phần vì rạp nhỏ, chỉ có 1 phòng chiếu, lại thường không được chiếu vòng 1 những phim lớn nên Dân Chủ vì thế cũng dần vắng khách, có suất chiếu chỉ vài ba người. Sáng 23/11, rất nhiều khán giả gắn bó với rạp Dân Chủ đã bày tỏ sự tiếc nuối khi trang fanpage của rạp phát đi thông báo ngừng hoạt động đột ngột dù chỉ 1 ngày trước đó vẫn đón khách bình thường.

Với những khán giả từng gắn bó với nơi này, rạp Dân Chủ cũ đóng cửa khiến họ hụt hẫng vì mất đi một cảm giác thân thuộc. Nhưng với những người hiểu về thị trường rạp chiếu thì đây là điều đã được báo trước. Cơn lốc cạnh tranh dữ dội cùng sự ra đời như nấm mọc sau mưa của các cụm rạp đa chức năng với lượng phim phong phú cùng cơ sở vật chất mạnh khiến những rạp nhỏ như Dân Chủ khó trụ lại nổi.

Chỉ trong vòng 10 năm qua, Hà Nội đã đón nhận thêm vô vàn các cụm rạp hiện đại hầu hết do các nhà đầu tư Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia hùn vốn thực hiện. Mạnh nhất là CGV khi vừa đưa vào hoạt động cụm rạp 28 tại Việt Nam, và cũng là cụm rạp thứ 5 tại Hà Nội hôm 20/11 vừa qua, nâng tổng số phòng chiếu lên 40 phòng và gần 6.000 ghế ngồi. Đó là chưa kể đến 3 cụm rạp Platinum, 2 cụm rạp Lotte. Và năm tới sẽ có thêm 1 rạp chiếu màn hình IMAX ra đời.

{keywords}
Ngày nay khách đến rạp không chỉ để xem phim, mà còn để thư giãn. Ảnh: Vy Uyên.

Nếu như trước đây khán giả chỉ đơn thuần xem phim 2D, thậm chí thuyết minh tiếng Việt thì giờ với các cụm rạp hiện đại, khán giả có quyền lựa chọn nhiều phiên bản khác nhau, từ phim 2D, 3D, 4DX và sắp tới là IMAX với những trải nghiệm điện ảnh vượt trội. Chính vì vậy, những rạp chiếu quá hạn chế về công nghệ, phòng chiếu, địa điểm như Dân Chủ chắc chắn sẽ bị lép vế hẳn so với cụm rạp hiện đại kia. Do vậy dù có nỗ lực đến đâu cũng khó lòng trụ vững vì không thể bù lỗ cho những suất chiếu chỉ có 3,4 khách đi xem. Việc đóng cửa là hoàn toàn có thể dự báo được.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường 'nóng' nhất châu Á và thế giới hiện nay với các cụm rạp mới không ngừng mọc lên và lượng phim chiếu rạp lên tới gần 200/năm. Dự báo năm nay doanh số toàn thị trường sẽ chạm mốc 100 triệu USD. Tuy nhiên, để đánh đổi lấy những con số ấn tượng này thì cũng có nghĩa rất nhiều rạp chiếu cũ trong ký ức của người Hà Nội không còn cơ hội hoạt động. 

Vy Uyên