“Quay lại nhìn xem, chúng ta có gì. Chúng ta chẳng có gì để giúp học sinh hình dung khi học môn Lịch Sử, để khoe với thế giới về những sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, của các nhạc sĩ của chúng ta ngoài một số bản thảo viết tay của một số lãnh tụ cách mạng"- PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

Xem kỳ 2: Không nên dạy Lịch Sử bằng tư duy áp đặt

Là một nhà nghiên cứu, đi nhiều, tìm hiểu nhiều, ông có biết vì sao học sinh ở các nước lại thích thú với môn Sử?

Trò chuyện với một số học sinh cấp 2 một trường quốc tế tôi thấy các em bày tỏ sự yêu thích và hiểu biết môn lịch sử một cách đặc biệt. Thậm chí có em còn nắm được các kiến thức sử của lớp 12.

Tham khảo sách giáo khoa ở một số nước trên thế giới, ví dụ Pháp sẽ phần nào hiểu vì sao học sinh nước họ lại hứng thú với môn Sử. Đó là những cuốn sách được in mầu, trình bày gọn gàng, khoa học và bắt mắt. Từng bài sử không dài, chữ viết rất ít, chủ yếu là những hình ảnh minh họa cho từng vấn đề ở từng thời kỳ.

Những cuốn sách giáo khoa đó không chỉ đơn thuần là những câu chuyện lịch sử khô cứng, nội dung trong đó được lồng ghép cả địa lí và lịch sử nghệ thuật hay giáo dục công dân.

Tại nhiều nước, học lịch sử là giúp học sinh được tắm mình trong những trải nghiệm khám phá và nâng cao hiểu biết theo vấn đề chứ không phải bắt buộc phải học thuộc lòng từng chi tiết, từng con số một cách máy móc.

{keywords}

PGS. TS Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Petrotimes

Có lẽ tôi chưa thấy có nước nào trên thế giới lại đi tích hợp môn Giáo dục công dân và Tổ quốc. Tổ quốc là môn gì? Bởi lẽ tất cả những gì thuộc về tổ quốc cũng là nằm trong 3 môn lịch sử, môn địa lí và môn giáo dục công dân rồi. Bởi lẽ, khoa học về lịch sử, địa lý, và công dân là khoa học cơ bản nhất của chuyên ngành khoa học xã hội, chúng rộng hơn khái niệm của cái gọi là bộ môn Tổ quốc nhiều.

Ở Pháp và một số nước khác, Giáo dục Quốc phòng chỉ là một phần trong bộ   môn Giáo dục Công dân chứ không thành một môn độc lập. Dạy Quốc phòng là để giúp học sinh nhận biết về quốc phòng là gì, luật pháp về quốc phòng, như tổ chức quốc phòng, ai quyết định quốc phòng, về nghĩa vụ bảo vệ đất nước... Và môn Giáo dục công dân giúp học sinh biết cả về luật giao thông, luật bảo vệ môi trường…

Như vậy có thể thấy rằng nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa của ta rất khác với nhiều nước?

Đúng vậy. Vì sao chúng ta cứ lạc điệu với thế giới lâu thế? Chúng ta đã hội nhập sát sườn thế giới về kinh tế, không có lí do gì giáo dục của chúng ta lại không hội nhập.

Hội nhập không chỉ ở cách tổ chức dạy học, cách tổ chức làm sách giáo khoa. Mà chúng ta có thể hội nhập bằng cách lựa chọn một bộ sách giáo khoa chuẩn của những quốc gia tiên tiến, đã được thực tiễn chứng minh là thành công trong giáo dục Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Singapore để nghiên cứu và từ đó rút kinh nghiệm, học phương pháp để xây dựng sách giáo khoa của ta cho phù hợp với điều kiện nước ta.

Tôi được biết, ở các nước, ngoài những bộ sách giáo khoa dạy Sử, hay những cuốn truyện sử với những nội dung phong phú, sinh động, họ còn có hệ thống bảo tàng dồi dào hiện vật được xem là như những giáo trình trực quan có đúng không ạ?

Đúng vậy, để hiểu lịch sử, ngoài các câu chuyện được ghi lại, cần có những di sản được lưu giữ. Nếu như việc học lịch sử qua sách giáo khoa với những bức ảnh lịch sử hay tranh tượng nghệ thuật giúp các em về kiến thức thì việc học qua bảo tàng giúp các em dễ dàng hình dung và phát huy được sự chủ động tìm tòi và sáng tạo. Bởi lẽ trăm nghe không bằng một thấy.

Không một quốc gia văn minh tiên tiến nào lại không phát triển hệ thống bảo tàng. Bởi lẽ bảo tàng chính là ngôi trường học đầy những trải nghiệm sống động và thực tiễn. Bảo tàng mang đến phương pháp tiếp cận trực quan tốt nhất cho học sinh. Không chỉ là nơi lưu giữ rất nhiều những di sản quốc gia về văn hóa nghệ thuật, địa lí, lịch sử… hệ thống bảo tàng quốc gia còn là một kho tàng đầy tính trí tuệ và nhân văn. Đó là nơi đem lại những chất liệu tốt nhất cho thầy cô và các em học sinh bổ sung thêm nhận thức phong phú và sáng tạo.

Nhìn ra thế giới xung quanh sẽ thấy, người Nga tự hào với bảo tàng Puskin; Người Đức thuyết phục chúng ta bằng bảo tàng về thi hào Goethe ở Frankfurt am Main… Người Mỹ có những bảo tàng vô cùng hấp dẫn. Quay lại nhìn xem, chúng ta có gì. Chúng ta chẳng có gì để giúp học sinh hình dung khi học môn Lịch Sử, để khoe với thế giới về những sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, của các nhạc sĩ của chúng ta ngoài một số bản thảo viết tay của một số lãnh tụ cách mạng.

Nhìn di sản của cha ông, nhất là của giới khoa học và sáng tạo cứ mai một mất dần, rồi biến mất, tôi tiếc lắm.

Bàn tiếp về chuyện dạy và học môn Lịch Sử, PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho biết, “các nước tiên tiến, phát triển, người ta không áp đặt về tư duy. Học sinh có thể viết theo cách hiểu biết và sáng tạo riêng của mình”. Mời độc giả theo dõi tiếp kỳ 2.

Lan Anh thực hiện