Bởi từ trong sâu thẳm mỗi người từng đặt chân đến trường Kẻ Mẻn, nôi đất nghèo đầy ơn nghĩa ấy từng nuôi lớn biết bao giấc mơ và mở ra rất nhiều chân trời…

Bạn tôi vừa nhắn tin “chiều thứ 7 này, mời các bạn tập trung gặp mặt ở Vinh, sáng sớm chủ nhật về Đô Lương dự kỷ niệm 50 năm thành lập trường.”

Ngắn gọn, đơn giản vậy nhưng tôi biết có bao nhiêu điều đáng nói về mái trường Kẻ Mẻn – Trường Phổ thông cấp III Đô Lương 2 (nay là THPT Đô Lương 2), về các thầy cô giáo, về bạn bè cùng trường, cùng lớp năm nao…

***

Thầy trò lớp D khóa 1974-1977 nhận danh sách đầy đủ nhưng chưa có… nơi học và việc đầu tiên phải làm là tức tốc họp hội phụ huynh để bàn chuyện góp công, góp tranh tre nứa lá để dựng lớp. Mỗi phụ huynh đóng góp một cây tre và 20 tấm tranh lá, lao động 4-5 buổi, cả phụ huynh lẫn học sinh đều tham gia. Chưa kể sau này vào các kỳ hè, thầy trò tiếp tục lao động đóng gạch, vào Lèn Muội lấy củi đốt lò, tự lực xây dựng trường.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng (bên phải) trao quà của Cựu học sinh Đô Lương 2 tại HN mừng 50 năm thành lập trường.

Những giờ Toán của thầy Phát, thầy Cường, thầy Trạch, giờ Lý của thầy Thân, cô Thợi, giờ Hóa của cô Thực, cô Đướng, thầy Thành, giờ Văn của cô Thủy, cô Thanh, thầy Hùng, giờ Sử của cô Len.. giờ Địa của cô Minh, cô Quy, giờ Sinh của cô Quy, giờ Tiếng Nga của thầy Bảo, cô Hồng… Tiếng trống hết giờ luôn được chờ đợi của anh Phượng…dù đi đâu về đâu, sau hơn 40 năm tất cả chúng tôi vẫn nhớ, vẫn quen.

Dép cao-su cuốc bộ, qua đò từ sáng sớm, mang cơm nắm ngày học 2 buổi của nhóm học trò Nam Sơn, chiếc Phượng Hoàng cộc của Hoàng -Tràng Sơn, những điều muốn nói mà không sao dám nói ngày chia xa…Ấy là những năm tháng học trò Kẻ Mẻn chắc chắn nhiều người còn mãi mang theo.

Mang theo hình ảnh những người bạn thông minh, nghịch ngợm, những người vừa rời bút sách đã lên đường ra mặt trận biên giới Tây Nam cuối những năm bảy mươi thế kỷ trước. Tới, Minh, Thắng… không về!

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 8/1980 đăng bài thơ Có một nỗi niềm: “…Bạn trai không về nữa/Giữa tuổi hai mươi tròn/ Tấm bia hình quyển vở/Một dòng tên bình thường…”. Đến bây giờ tôi vẫn tin có rất, rất nhiều nỗi niềm của các thầy cô giáo, của bạn bầu, anh em dành cho những người trẻ mãi tuổi hai mươi ấy.

Và tình yêu thương, nói ra hay lặng im nơi những người bạn gái, những ánh mắt sau ngọn đèn khuya, những giọt nước mắt thầm rơi… tôi vẫn tin luôn được biết đến, được gìn giữ nâng niu qua năm tháng vơi đầy.

***

Từ mái trường tranh tre nứa lá ấy, từ nhiều nơi ở trong và ngoài nước, chúng tôi vẫn có dịp tề tựu, gặp gỡ, dù ngày càng có nhiều trường hợp phải ghé tai người bên cạnh mà hỏi nhỏ “Ai đó rứa mà nỏ mần răng nhớ được hầy?”.

Công lao lớn nhất là của bạn Sỹ, người vừa gửi tin nhắn cho mọi người nói ở đầu bài.

{keywords}
Học sinh chuyên toán Đô Lương 2 ngày hội ngộ.

Hồi đó học rất giỏi Toán. Thẳng thắn, chân tình hết mực. Là đạo diễn, điểm kết nối và lan tỏa, là tất cả của các chương trình gặp gỡ, giao lưu lớp D, cả khóa và thậm chí của hội trường kỷ niệm 50 năm lần này.

Có một “nhân vật trung tâm” như thế, việc to nhỏ lớn bé gì dù khó đến mấy cũng làm được. Ấy là người mà ngay từ lần biết đầu tiên, hôm nhà trường tập trung xướng tên những học sinh được lên thẳng, chúng tôi gắn bó cùng lớp D, qua thời đại học, đi làm, lập gia đình, lên chức ở cơ quan và ở… gia đình!

Từ bạn ấy, chúng tôi giữ liên hệ thường xuyên với các thầy cô giáo ở Hà Nội, Thanh Hóa, ở Vinh và ở chính nhà trường bây giờ. Trong niềm vui chung với bạn bè cùng lớp, tôi có niềm vui riêng, sự trân trọng và biết ơn không thể nói hết, đó là thầy cô từng đạp xe về dự đám cưới của vợ chông tôi ở quê, mấy chục năm sau dự đám cưới con gái chúng tôi ở Hà Nội. Cả khi cháu ngoại chẵn tháng, cả nhà cứ ríu rít gọi các cô giáo đến mừng bằng “Bà” hệt như gia đình vậy.

Tôi vẫn tin tất, tất cả học trò, khi bước vào đại học, kỳ về quê ăn Tết, người đến thăm không thể thiếu đầu tiên là thầy cô giáo. Cả hội cùng đi, chuyện trò như chim vỡ tổ. Tôi còn nhớ thầy hỏi “Kết quả thi học kỳ 1 có chưa, có trụ được không? Cố gắng nhé. Thầy tin các em làm tốt..”.

Học trò các thầy cô bây giờ có người tóc bạc trắng, ông nội, bà ngoại đủ cả. Lớp D có những người như Sỹ, Tiệp, Lệ…để mọi người gắn bó với thầy cô, với trường Kẻ Mẻn, không chỉ dịp trường kỷ niệm lớn mà bất cứ câu chuyện, sự việc to nhỏ nào.

Mừng hơn nữa là các lớp đi trước, đi sau, những người thành đạt, các thế hệ thầy cô giáo ở trường đều biết, cổ vũ hết lòng với anh em lớp D và cả khóa 1974-1977. Bởi từ trong sâu thẳm mỗi người từng đặt chân đến trường Kẻ Mẻn, nôi đất nghèo đầy ơn nghĩa ấy từng nuôi lớn biết bao giấc mơ và mở ra rất nhiều chân trời…

Nếu không phong phanh cuốc bộ, chen nhau lên đò ướt cả sách mỗi sáng sớm và tối muộn, không vươn lên để đi qua thời Kẻ Mẻn ấy, không biết bây giờ lũ chúng tôi về đâu?

Bùi Sỹ Hoa

(Lớp D, khóa 1974-1977)