Nếu như chốn pháp đình với kỷ cương của nó có thể bảo vệ người bị cáo khỏi những lời nhục mạ từ đám đông, thì tại phiên tòa xét xử lưu động, việc ngăn chặn này khó khăn hơn rất nhiều.

Ngày 28/10, TAND tỉnh Yên Bái xét xử lưu động vụ án giết 4 người gây chấn động dư luận. Hàng nghìn người dân đã tham dự phiên tòa, vây kín cả sân của Nhà văn hóa tỉnh này. Suốt phiên xử, thẩm phán phải liên tục nhắc nhở đám đông giữ trật tự để phiên tòa được diễn ra. Sự bức xúc là không khí chung từ phía những người tham dự phiên tòa, ai nấy đều mong muốn một bản án nghiêm khắc dành cho hung thủ.

Trước đó hơn một năm, hai bảo mẫu tại Thủ Đức cũng bị đem ra xét xử lưu động vì hành vi ngược đãi trẻ em. 

Ở đây, người viết không bàn đến bản án mà tòa đưa ra, mà muốn nói đến phương thức xét xử lưu động áp dụng trong nhiều vụ án được dư luận quan tâm. 

{keywords}
Phiên xét xử lưu động kẻ giết 4 người tại Yên Bái. Ảnh: Kiên Trung

Sức ép của số đông

Người dân phẫn nộ trước cái ác và đôi khi xét xử lưu động được lựa chọn như một phương pháp vừa để xoa dịu dư luận, vừa để răn đe, giáo dục cộng đồng. Mục tiêu này là tích cực, song, câu hỏi đặt ra là liệu một xã hội văn minh pháp quyền hướng đến nền tư pháp công bằng có chỗ cho kiểu xét xử này hay không?

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng To Kill a Mockingbird (Giết chết con chim nhại), nữ nhà văn Harper Lee đã miêu tả tâm trạng của một luật sư khi phải bào chữa cho bị cáo da đen tại một cộng đồng da trắng bài xích da đen vào thế kỷ trước ở Mỹ.  Vị luật sư đó đã chịu rất nhiều đe dọa, áp lực cả trong lẫn ngoài phiên xử và chỉ có lòng can đảm mới giúp vị luật sư bào chữa một cách trung thực nhất những gì ông nghĩ.  Bối cảnh của quyển tiểu thuyết nói trên là nước Mỹ vào những năm 30 của thế kỷ trước.

Không ít chuyên gia pháp lý cho rằng xét xử lưu động là một hình thức đã quá lỗi thời, lợi bất cập hại, không nên tiếp tục duy trì. Nhìn khung cảnh diễn ra tại Yên Bái hay tại Thủ Đức, khi các bị cáo đứng giữa cơn phẫn nộ của hàng ngàn người dân chỉ chực chờ một phán quyết cao nhất có thể, liệu phiên tòa có thể thực sự công bằng, khách quan mà không chịu bất cứ sức ép nào? 

Nhiều luật sư từng thừa nhận cảm thấy rất áp lực khi bào chữa cho các bị cáo trong vụ án được xử lưu động. Bởi lẽ, thật khó để đứng về thân chủ - bị cáo - trong bối cảnh áp lực khi có hàng ngàn người vây quanh.  Không hiếm luật sư chọn giải pháp an toàn là bào chữa qua loa, cốt sao giữ được uy tín, hay thậm chí là sức khỏe khi rời khỏi phiên tòa. Khi luật sư không thể phát huy hết vai trò thì một phiên tòa khó có thể coi là công bằng.

Thẩm phán trong các phiên tòa xử lưu động cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đám đông vây quanh. Nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon chỉ ra trong cuốn Tâm lý học đám đông rằng, đứng giữa một đám đông như vậy, vị thẩm phán khó lòng giữ được quan điểm của riêng mình. 

Khi luật sư không thể phát huy hết vai trò, các quyết định của thẩm phán bị ảnh hưởng, dù là vô tình hay hữu ý, thì công bằng trong xét xử, tiêu chí hàng đầu của một nền tư pháp, sẽ khó đạt được. 

{keywords}

Trong vụ xử bảo mẫu ở Thủ Đức, mặc cảnh sát lập hàng rào ngăn cản, người dân lao lên, đập tay liên tiếp vào phòng xử án đòi mở cửa. Ảnh: Mai Phượng

Sự tôn nghiêm của tòa án và nguyên tắc suy đoán vô tội

Tại các quốc gia tiên tiến, việc xét xử lưu động là không tồn tại. Bởi lẽ, không phải ngẫu nhiên mà tòa án được xây dựng với sự tôn nghiêm và những trình tự mang tính long trọng. Thẩm phán khi ngồi trong tòa án của mình mới thể hiện được quyền uy mà Nhà nước trao cho họ để thực thi công lý.   Người luật sư đứng trong pháp viện mới có thể tự tin tranh biện để bảo vệ tốt nhất thân chủ. 

Đưa một vụ án ra xét xử tại một nhà hát hay một nhà văn hóa, hay một trường học cũng là một cách gián tiếp tước đoạt sự uy nghiêm của thẩm phán, sự tự tin của luật sư.  Một bản án công bằng phải được quyết định dựa trên chứng cứ và pháp luật, chứ không phải dựa trên áp lực của dư luận hay số đông.

Ngoài ra, ngay chính trong mục tiêu của xét xử lưu động cũng hàm chứa sự bất cập. Trên thực tế, Việt Nam không có luật nào cho phép hay quy định về xét xử lưu động, mà nó thường được thực hiện dựa trên chủ trương muốn giáo dục và răn đe cho xã hội nói chung.  Thế nhưng, nếu vị thẩm phán bước vào phiên tòa với tư thế sẽ đưa ra một bản án để răn đe và giáo dục thì chẳng khác nào ông đã quyết định bị cáo là có tội ngay trước khi xét xử.  Điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội mà Bộ luật tố tụng hình sự và Hiến pháp quy định. 

Cùng ngày phiên tòa lưu động xét xử vụ Yên Bái diễn ra thì ở Sóc Trăng, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Phạm Văn Lé. Ông từng bị tạm giam một năm vì cáo buộc giết người, nhưng cuối cùng, cơ quan điều tra đã xác định ông Lé vô tội.  Khi ông Lé bị bắt, địa phương nơi ông ở đều biết. Và rồi buổi xin lỗi được diễn ra sau… cánh cửa đóng kín.

Nhiều nhà phân tích cũng quan tâm đến yếu tố tinh thần của bị cáo trong những vụ án xét xử lưu động.   Nỗi ê chề là “bản án” đầu tiên những bị cáo này phải chịu, bất chấp việc cuối cùng họ được phán xét có vô tội hay không. 

Nếu như chốn pháp đình với kỷ cương của nó có thể bảo vệ người bị cáo khỏi những lời nhục mạ từ đám đông, thì tại phiên tòa xét xử lưu động, việc ngăn chặn này khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì thế, đứng trên quan điểm rằng chỉ có pháp luật được phép trừng trị một tội ác, thì phải cân nhắc chuyện xét xử lưu động.

Tội ác cần phải bị trừng phạt, nhưng là theo cách công bằng nhất có thể. Xét xử lưu động không đem lại cảm giác an tâm và chứa đựng những nguy hại về sự không công bằng.  Một chế định như vậy thiết nghĩ không nên được tiếp tục!

Lê Nguyễn Duy Hậu