“Kết thúc được đàm phán TPP, Mỹ cho thấy khả năng lãnh đạo trong việc kết nối một tập hợp các quốc gia đa dạng… Tuy nhiên, khái niệm “thắng” trong trường hợp này cũng mang ý nghĩa tương đối”.

LTS: Xét về khía cạnh chiến lược, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần đặt trong bối cảnh một sự chuyển dịch về quyền lực toàn cầu đang diễn ra. Đó là nhận định tiếp theo của TS Trương Minh Huy Vũ, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn TP. HCM.

Theo đó, thông qua các sáng kiến hợp tác, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh địa chiến lược với nhau. So với thời chiến tranh Lạnh, quá trình tập hợp lực lượng không còn là một mất một còn, bởi yếu tố đan xen giữa hợp tác và đấu tranh trong quan hệ hai bên. Cạnh tranh này không phủ định nhau hoàn toàn bởi sự chồng lấn lẫn nhau về thành viên, thị phần, lẫn các luật chơi mà hai bên cổ súy.

>> Xem lại Kỳ 1:  Đại dự án sau 'bức màn bí mật' còn gay cấn

Các nhà quan sát khi nói về vai trò của TPP thường đề cập đến hiệp định như một công cụ để đối phó với sự trỗi dậy “hung hăng” của Trung Quốc, cả về hàm ý kinh tế lẫn chiến lược. Ông nghĩ sao về điều này?

Muốn luận giải rõ ràng về giả thuyết “TPP hướng tới ngăn chặn Trung Quốc”, chúng ta phải xuất phát từ một góc nhìn đa chiều căn cứ trên những tính toán kinh tế và chiến lược trong ngắn hạn, cũng như dài hạn.

TPP trước hết là một thỏa thuận về kinh tế, tuy vậy yếu tố địa chiến lược xuyên suốt trong nó từ những vòng đàm phán khởi đầu. Nhiều học giả Trung Quốc có quan điểm TPP đang vận dụng đòn bẩy thương mại cho các mục tiêu khác nhau, với cái đích cuối cùng là kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chẳng hạn, sự hiện diện của TPP có thể tạo ra một hiệu ứng gọi là “sự chệch hướng thương mại”: dòng thương mại từ một chủ thể xuất khẩu mạnh hơn sẽ được chuyển sang cho các chủ thể yếu hơn do hiệu lực của một hiệp định thương mại tự do. Hàng xuất khẩu từ phía các nước đang phát triển trong TPP, vốn có thể xem là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hàng xuất khẩu Trung Quốc, sẽ nương theo hiệu lực của TPP trong cuộc đua vào thị trường Mỹ.

Nhưng quan trọng hơn, TPP tham vọng áp dụng những tiêu chuẩn cao cho một tập thể các chủ thể chênh lệch lớn về trình độ phát triển. Sân chơi thiết lập qua TPP đặt ra một loạt “chuẩn mực hành vi/ứng xử” về thương mại và nhiều lĩnh vực liên quan khác. Các thỏa thuận đạt được tại Atlanta sẽ thiết lập các nguyên tắc mới về chính sách ngoại thương đằng sau những biên giới đang bị điều chỉnh và bóp méo, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế 2008.

Tập hợp các quốc gia hiện tham gia các thỏa thuận này, cùng với sự chuyển dòng trong thương mại và đầu tư mà chúng tạo ra sẽ là thước đo mới cho các hiệp định tương tự về sau.  Qua đó, những chuẩn mực này tạo thành nền tảng định hình “trật tự kinh tế” của khu vực trong những năm sắp tới.

{keywords}

TPP cần được đặt trong bối cảnh một sự chuyển dịch về quyền lực toàn cầu đang diễn ra

Như vậy có phải Mỹ và các đồng minh đã “thắng điểm trước” trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại Thái Bình Dương?

Bằng việc kết thúc được đàm phán TPP, Mỹ đã cho thấy khả năng lãnh đạo trong việc kết nối một tập hợp các quốc gia đa dạng, cũng như trong việc dẫn dắt thành công quá trình đàm phán một mô hình quản trị kinh tế tham vọng.

Tuy nhiên, khái niệm “thắng” trong trường hợp này cũng mang ý nghĩa tương đối, vì trong cuộc cạnh tranh này không phải nhất thiết là luôn có kẻ thắng, người thua. Giới phân tích đã nói nhiều về đối sách của Bắc Kinh với TPP qua Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự định gồm 16 thành viên. Hiệp định trong quá trình đàm phán này dựa trên khuôn khổ ASEAN+6 mà khi hình thành có thể sẽ chiếm tới 28,5% GDP toàn thế giới và 27,7% thương mại toàn cầu.

Quan sát cả TPP và RECP, chúng ta sẽ thấy có một số nước thuộc hiệp định này, mà không thuộc hiệp định kia, trong khi một số nhóm nước khác tham gia cả hai bên cùng một lúc. Bảy quốc gia bao gồm Australia, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam đều có chân trong cả hai khuôn khổ thương mại khổng lồ này.

Sự “chồng lấn” này có ý nghĩa gì thưa ông?

Việc thiết lập luật chơi qua các thể chế thương mại đa phương như TPP mà không có sự tham gia của khối BRICS (các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi)  đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng. Liệu họ có bị cuốn vào thị trường hấp dẫn này, hay đây là sẽ là thời điểm một khuôn khổ mới đầy cạnh tranh tăng tốc? Liệu TPP và TTIP (Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU đang đàm phán) có đẩy Ấn Độ và Nga về phía Trung Quốc, tạo ra một khối thống nhất đối đầu với phương Tây? Quá trình hình thành các khối riêng rẽ cạnh tranh lẫn nhau sẽ buộc các quốc gia khác phải lựa chọn và nghiêng về một phía? Đó là những tranh luận theo đuổi các dự án trên từ giai đoạn khởi đầu.

Tuy nhiên, đến thời thời điểm này, ngoài những câu chuyện khá nhiều màu sắc trên các phương tiện truyền thông, sự hình thành các khối đối đầu hay dị biệt về ý thức hệ giữa phương Tây và BRICS theo kiểu một mất một còn chưa rõ ràng về chứng cớ. Thay vào đó, hai khuôn khổ cạnh tranh này đang chồng lấn lên nhau. Dù Mỹ không thuộc RECP, và Trung Quốc không phải là một trong 12 nước thành viên của TPP, yếu tố đen xen giữa hợp tác và đấu tranh trong quan hệ hai bên luôn hiện hữu. Cạnh tranh này không phủ định nhau hoàn toàn bởi sự chồng lấn lẫn nhau về thành viên, thị phần, lẫn các luật chơi mà hai bên cổ súy.

Như vậy đâu là cơ hội cho các nước vừa và nhỏ trong khu vực, đặc biệt là các nước vừa có chân trong cả TPP và RCEP?

Có tới 7 nước khác nhau cùng là thành viên của cả hai hiệp định, vì vậy khó có thể khái quát đơn giản thành một mẫu số chung nhất. Nhưng có một điểm có thể nói ngay: việc kết thúc TPP có thể tạo cho các quốc gia thành viên một ưu thế thương lượng mới trong các hiệp định mà họ đang theo đuổi, bên cạnh đó tạo một sức ép cho các đối tác vẫn đang theo đuổi các chiến thuật “câu giờ”. 

Nhật Bản trong một thời gia đã dùng RCEP như một quân bài để tăng khả năng thương lượng với Mỹ trong các vòng đàm phán TPP. Ngược lại trong các vòng đàm phán RCEP, Tokyo muốn đặt ra tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực như đầu tư và sở hữu trí tuệ, đồng thời việc vi phạm các tiêu chuẩn này phải được dàn xếp qua một cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể (những hồ sơ mà Trung Quốc không muốn đưa vào). “Quân cờ TPP” được sử dụng trong chiến lược đàm phán của người Nhật.

Một số nghi nhận khác cũng đang nói về tác động của TPP trong việc thay đổi khả năng thương lượng cũng như vị thế trong hiệp định đầu tư song phương giữa Ấn Độ và Mỹ vốn vẫn đang diễn ra. Đàm phán của hiệp định này đã bị đặt trong hệ thống tiêu chuẩn của TPP. Với việc Mỹ đã giải quyết xong “khúc xương TPP” với 11 nước, New Delhi đang trong tư thế phải tăng tốc để không phải “trâu chậm uống nước đục”.

Kết thúc một vòng đàm phán là cơ hội để mở ra hoặc tăng tốc các đàm phán khác. RCEP, FTA giữa ASEAN với Liên Minh EU hay FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Iceland, Nauy và Liechtenstein)… là những trường hợp tiếp theo để chúng ta có thể quan sát các tác động trực tiếp, lẫn gián tiếp mà TPP mang lại.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)