"Nhiều doanh nhân bắt đầu làm ăn bài bản, nghiêm chỉnh, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp sống dựa dẫm vào những thế lực này khác để phát triển".

LTS: Nhân ngày doanh nhân 13/10, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Quốc Tuấn – nguyên thành viên ban nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng.

Đã có doanh nhân vươn ra thế giới

- Ông có nhận xét gì đội ngũ doanh nhân Việt Nam sau 30 năm đất nước đổi mới?

Mặc dù thời xa xưa ta cũng từng có một số nhà nho và các sĩ phu yêu nước lập doanh nghiệp như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà nhưng đó chỉ là thiểu số chứ không phải là truyền thống.

Phải nhìn nhận rằng nếu không có Đổi mới, sẽ không có đội ngũ doanh nhân như ngày hôm nay. Lúc đầu, ta chỉ dám gọi họ là “doanh nghiệp dân doanh” chứ chưa dám gọi là doanh nghiệp tư nhân vì cụm từ “tư nhân” hồi đó bị kì thị ghê lắm.

Tôi còn nhớ hồi làm Luật Doanh nghiệp (năm 2000) mới có khoảng 200 doanh nghiệp, đến giờ chúng ta đã có hơn 600.000. Mỗi doanh nghiệp đều phải có người quản lí và chúng ta gọi họ là đội ngũ doanh nhân.

Đóng vai trò quan trọng, nhưng đến hôm nay vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ về họ. Nếu xem xét thành phần xuất thân để khái quát lên đặc điểm của doanh nhân, sẽ thấy họ rất đa dạng, là những người bộ đội phục viên, công chức về hưu hay những thanh niên mới lớn lên và gần đây là những người được học hành khá bài bản.

{keywords}

Ông Vũ Quốc Tuấn. Ảnh: Chinhphu.vn

Hồi đó, chưa có trường lớp dạy họ làm doanh nhân, chỉ đơn giản là có ý tưởng kết hợp với vốn liếng, họ dám khai phá các ngành nghề mới, dám đương đầu, mở đường ra với thương trường quốc tế và chịu sự cạnh trang khốc liệt trên thị trường. Đồng thời phải chấp nhận rủi ro, mất mát... 

Chính vì vậy, doanh nhân xứng đáng để xã hội tôn vinh, đề cao. Nay đến thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vai trò của doanh nhân ngày càng được nâng lên về chất lượng và số lượng. Qua hơn 20 năm đổi mới, kiến thức về kinh tế thị trường của doanh nhân đã nâng cao và đã có một số doanh nhân, vươn ra thế giới như cà phê Trung Nguyên, Bitís, …Vinamilk để thấy cái tầm của doanh nhân Việt Nam.

Trong giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011-2015) và hội nhập kinh tế, các doanh nhân Việt Nam đã góp phần tích cực đưa khu vực doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế đất nước.

Khu vực đó giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế – xã hội, tăng thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Họ đã thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm…

Nhìn vào đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn càng thấy doanh nhân Việt Nam xứng đáng là nhân vật trung tâm của công cuộc hiện đại hoá - công nghiệp hoá, đóng vai trò quan trọng góp phần tạo ra động lực cho nền kinh tế.

- Doanh nhân đóng vai trò quan trọng với sự hưng thịnh của đất nước. Tuy nhiên, tại một cuộc gặp với doanh nhân, Thủ tướng đã chỉ ra rằng, trong một sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra hiện có đến 52% giá trị gia tăng là vốn, 27-28% là sức lao động. Năng suất tổng hợp như vậy chẳng được là bao. Ông chia sẻ thế nào về thực tế này?

Đã có nhiều phân tích, nhận định gần đây rằng năng suất lao động của nước ta quá thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore. Theo nguyên tắc, lương của người lao động tùy thuộc vào năng suất lao động, vì vậy mà lương không thể tăng nhanh hơn năng suất lao động.

Thực tế này dẫn đến lương của người lao động không đủ sống, tính ra mới đáp ứng 70% nhu cầu tối thiểu của một người lao động. Theo cách tính lương của thế giới là một người đi làm phải nuôi được bản thân mình và thêm một người nữa. Trong khi người lao động Việt Nam còn chưa nuôi nổi mình, thì làm sao mong nuổi thêm ai được. Dẫn giải như vậy để thấy người lao động nước ta điều kiện còn nặng nề lắm, chưa đủ để tái tạo sức lao động.

Thể chế nào doanh nhân ấy

- Vì sao năng suất lao động của ta thấp triền miên như vậy?

Chúng ta thường đổ lỗi cho người lao động, tôi nghĩ không phải vậy. Giá trị gia tăng của ta hiện nay chủ yếu do vốn lao động, mà năng suất lao động tổng hợp không bao nhiêu thì gốc gác chính là do chủ trương chính sách đầu tư của nước ta, sau đó là phương thức đầu tư.

Và lỗi cũng không phải do doanh nhân. Bởi, ta không chủ trương tạo nên giá trị gia tăng bằng năng suất lao động mà chủ trương lập ra những doanh nghiệp gia công, chế biến, làm thuê hay khai thác và bán tài nguyên thô.

Vì vậy, tôi cho rằng lỗi không phải do doanh nghiệp hay người lao động mà cái chính là do chủ trương đầu tư chủ yếu ở doanh nghiệp nhà nước. Người có quyền đầu tư đã có cách hiểu sai lệch về chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên mới có chuyện họ xây nhà máy bằng bất cứ giá nào. Từ đó, dẫn đến việc sản xuất mặt hàng trùng lặp.

Nói cho sòng phẳng thì năng suất lao động tổng hợp thấp chính là ở khu vực doanh nghiệp nhà nước chứ không phải khu vực doanh nghiệp tư nhân. Có một thời kỳ đua nhau làm xi măng lò đứng, nơi nơi sản xuất gạch, mía đường, chế biến gỗ, bột giấy… cuối cùng kết quả là rủ nhau cùng lỗ. Lúc đó đua nhau mở nhà máy sản xuất nhưng thị trường không có, nguyên liệu không đủ.

Đó là một trong vô vàn ví dụ cho thấy năng suất lao động của ta thấp là do chủ trương đầu tư của ta bất hợp lý. Chìa khóa quan trọng có thể giúp ta rút ngắn khoảng cách, cải thiện năng xuất lao động chính là khoa học kỹ thuật thì vẫn chưa được quan tâm đầu tư hợp lý.

- Trong môi trường ở ta, nhiều người cho rằng phải dựa dẫm là một điều kiện không thể thiếu nếu muốn tham gia thương trường. Mà như ông biết đấy, nếu cứ dựa dẫm vào người này, người nọ, cái này cái khác thì làm sao độc lập được. Có ai cho không ai cái gì bao giờ đâu. Trong quan hệ làm ăn, anh dựa vào tôi thì anh phải trả tôi… sự mặc cả này nhiều khi là đánh đổi…. Ông suy nghĩ gì về thực tế này?

Nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lâu nay tôi thấy mừng khi có nhiều doanh nhân bắt đầu làm ăn bài bản, nghiêm chỉnh, họ vươn lên bằng nỗ lực tự thân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp sống dựa dẫm vào những thế lực này khác để phát triển, tức là phát triển không bằng chính sức lực của mình mà dựa vào các mối quan hệ để tạo nên một chỗ dựa để phát triển. Chẳng hạn, họ dựa vào đất, dựa vào vay vốn một cách dễ dàng bởi doanh nghiệp nhà nước không phải thế chấp, hay dựa vào việc tham gia các dự án béo bở…

Tôi vẫn nói lâu nay rằng thể chế nào doanh nhân ấy. Có nghĩa rằng, doanh nhân sống ở môi trường nào thì phải thích nghi với môi trường ấy. Môi trường thể chế tạo ra môi trường kinh doanh và buộc doanh nhân muốn tồn tại phải theo môi trường ấy.

Ví dụ, nếu thể chế chúng ta tạo ra văn hóa phong bì thì doanh nhân phải đưa phong bì. Chỉ khi nào thể chế không còn văn hóa phong bì nữa thì doanh nhân mới không còn phải làm việc này nữa, rồi nếu thể chế khắc phục được tham nhũng, thì đương nhiên người ta không cần và không thể tham nhũng nữa.

Nói vậy để thấy gốc gác của của việc doanh nhân dựa dẫm là từ thể chế. Chính cái thể chế không còn phù hợp đã nuôi dưỡng một số người có chức quyền ở các cơ quan thuế, hải quan đến cảnh sát giao thông, quản lý thị trường… nhũng nhiễu doanh nhân.

Trước thực trạng này, để tồn tại, doanh nghiệp buộc phải dựa dẫm để phát triển. Mà dựa dẫm như thế sẽ dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, thu nhập lợi nhuận lại kém đi. Doanh nhân họ thu về một đồng, nhưng phải bỏ ra hai đồng thì nói chuyện gì nữa! Thế nhưng, vì cơm áo gạo tiền mà vẫn phải làm như vậy để tồn tại thôi.

Tôi đã từng phát biểu trong các buổi hội thảo rằng doanh nghiệp chúng ta đang vận hành trong một “thể chế sáu không”: không nhất quán, không lành mạnh, không thông suốt, không đồng bộ, không khả thi và không tiên liệu.

Ngoài việc doanh nhân dựa dẫm vào đó để kiếm chác, tôi muốn nói thêm hệ lụy nữa là từ đó, sẽ tạo ra văn hóa kinh doanh không lành mạnh.

Ví dụ khi doanh nghiệp nhà nước chiếm phần lớn đất vàng, tín dụng thì rõ ràng doanh nghiệp tư nhân bị lép vế, không còn chỗ tiếp cận nữa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lại càng bị thiệt thòi hơn nữa. Bởi họ không có điều kiện để được tiếp cận vốn liếng, đất đai tốt như thế để sản xuất kinh doanh. Thành ra môi trường văn hóa kinh doanh bị vẩn đục và không lành mạnh. Văn hóa kinh doanh không được thiết lập.

(Còn tiếp...)

Lan Anh