Đối với Việt Nam vẫn tương đối mới. Các khâu sản xuất vẫn rời rạc: nhà máy lo nhà máy, bộ phận chế biến lo chế biến, nông dân lo sản xuất của nông dân.

Kỳ 2: Bài toán sản xuất và chuỗi giá trị kinh tế

LTS: Vay vốn, làm ăn, thất bại, vay lãi để đáo hạn ngân hàng. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ đè nặng mãi lên vai người nông dân Tây Nguyên mà chưa biết cách nào giải quyết. Chúng tôi cố gắng đi tìm một câu trả lời thuyết phục nhất từ ông chủ tịch xã Bông Krang, huyện Lak, tỉnh Đaklak là ông Y Thinh Triek  và TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học – kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Mời độc giả xem phóng sự bằng hình ảnh:

Nên có liên kết giữa các nông dân

Hoàng Hường: Thưa TS Báu, theo cách nhìn nhận của ông thì những chính sách cho nông dân vay vốn hiện nay đã hợp lý chưa? Nếu chưa thì có vấn đề nào nên điều chỉnh?

Ông Lê Ngọc Báu: Đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với những cây đầu tư phát triển như hồ tiêu, cà phê, thì việc khát vốn luôn bức xúc. Dù Nhà nước có những chính sách giúp cho nông dân, nhưng những chính sách này tôi thấy khi triển khai bao giờ cũng có những cái trở ngại.

Ví dụ: một gói tín dụng ưu đãi là bài toán bảo đảm, nhưng thủ tục thế chấp phức tạp, mặc dù ưu đãi nhưng nhiều khi nông dân khó tiếp cận. Tôi cho rằng  dù cho vay dài hạn nhưng Nhà nước vẫn phải hỗ trợ giúp cho nông dân vay lãi suất thấp hơn. Nông dân tái canh là có một cái tài sản thế chấp chứ không phải là không có gì.

Thêm nữa, vấn đề thủ tục, hiện nay ngân hàng đòi hỏi đối tượng cần vay phải nằm trong vùng quy hoạch mới được vay vốn. Nhưng mà có những tỉnh như tỉnh Đak Nông giờ chưa có quy hoạch vùng cà phê, làm sao nông dân trồng loại cây này tiếp cận vốn được? Nhà nước phải có những bước cải tiến đơn giản hơn.

Tôi đã gặp những trường hợp người nông dân được vay vốn một năm, họ chưa đủ thời gian làm ra thành phẩm. Trong thời gian chờ đáo hạn họ phải vay đến tín dụng đen chịu lãi cao. Có gia đình nông dân đã mất nhà, mất ruộng vì vòng luẩn quẩn này, cách nào giúp họ không, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Báu: Nếu nông dân dựa vào tín dụng đen thì rủi ro rất lớn. Về lâu dài tôi nghĩ nên có liên kết giữa các nông dân với nhau, bởi vì nông dân rất ngại những thủ tục để có thể mà vay được vốn của ngân hàng. Tôi nghĩ Nhà nước nên đầu tư phát triển các nhóm, tổ hợp tác, đặc biệt là hợp tác xã để nông dân có thể hỗ trợ nhau và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật dễ dàng hơn.

Một nông dân khó có thể phòng trừ sâu bệnh, nhưng hợp tác xã sẽ hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Với phương châm đơn giản là làm đầu mối để nông dân tiếp cận được với đầu tư nông nghiệp, có thể bán sản phẩm trực tiếp để có được giá tốt hơn, không phải qua nhiều hoạt động trung gian. Đặc biệt người dân có thể tiếp cận được nguồn tín dụng của Nhà nước với lãi suất vừa phải chấp nhận được.

Có hình thức vay khác tôi thấy cũng rất đáng suy nghĩ: nông dân vay trước giống và phân bón, đến mùa trả chỉ được tính ½ giá thôi. Đây là một cuộc chơi không hề công bằng, bởi vì giá giống, phân bón bao nhiêu; ngô mua lại bao nhiêu đều do chủ nợ quyết định. Nông dân hầu hết là không có lãi, thậm chí là lỗ. Có cách nào hỗ trợ họ?

Ông Lê Ngọc Báu: Như tôi đã nói, về lâu dài phải tăng cường những tổ hợp tác. Khi làm ăn có uy tín hơn, những nhà đầu tư sẽ cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu cho hợp tác xã, không phải vay đại lý. Các nhóm sẽ liên hệ với những công ty nhận mua cho nông dân, tôi nghĩ làm theo phương án đó sẽ hiệu quả và căn cơ hơn. Những sự hỗ trợ nông dân như một vài % lãi suất cũng không hiệu quả.

{keywords}
TS Lê Ngọc Báu. Ảnh: Hoàng Hường

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Với một quy hoạch quy mô, làm thế nào để chào đón được những nhà đầu tư, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Báu: Một trong những cái tồn tại lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa những nhà sản xuất. Thứ hai, quy mô khoán đổi, ví dụ như sản xuất ngô của thế giới thì bình thường, bây giờ người ta đưa lên nhóm và như vậy thì giá thành sẽ rất thấp.

Còn Việt Nam như ở Tây Nguyên, chúng ta sản xuất ngô nhiều nhưng giá thành cao và thiếu vốn trầm trọng. Khi kêu gọi đầu tư thì những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế sẽ đầu tư để dây chuyền sản xuất với những công nghệ mới, cơ giới hóa hay dây chuyền chế biến.

Không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài nếu sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ, chi phí sẽ tăng rất nhiều. Tây Nguyên là một trong những vùng mà có điều kiện để sản xuất quy mô lớn. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích  doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp.

Họ đưa công nghệ mới, giống mới vào và vài năm sau các khu vực đó sẽ phát triển những công nghệ đó. Nên có cái nhìn rộng hơn, lợi ích lâu dài và lan tỏa. Những chính sách thuế khóa, đất đai... nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Việc cho vay vốn rủi ro cho cả hai phía ngân hàng và người vay. Cụ thể như người nông dân nuôi một con bò, có khi phải thế chấp cả tài sản của họ, chẳng may con bò chết thì tất cả vốn liếng sẽ ra đi. Cứ 10 hộ, 100 hộ như thế thì ngân hàng cũng sẽ rủi ro. Có cách nào đưa chính sách bảo hiểm rủi ro vốn vào?

Ông Lê Ngọc Báu: Có nhiều cố gắng để bảo hiểm, nhưng tôi thấy chưa có chương trình nào là thành công cả. Ví như hồ tiêu nếu không mắc bệnh nông dân có thể thu được hàng tỷ đồng mỗi năm, thế nhưng khi đặt vấn đề bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi thì phần lớn người dân cho là không cần.

Theo tôi bước đầu hãy làm với những cây có giá trị kinh tế cao, chứ còn bảo hiểm từ con bò, con trâu thì chúng ta chưa có kinh nghiệm, ngay cả nông dân  cũng không muốn góp vào bảo hiểm này. Tâm lý của họ là “tôi đóng tiền rồi cuối năm tôi chẳng được hưởng cái gì". Chỉ nên triển khai trước với những cây có giá trị.

Tóm lại theo ông để phát triển, chúng ta bắt buộc phải có quy trình đồng bộ giữa sản xuất, trung gian, vận chuyển, bán hàng?

Ông Lê Ngọc Báu: Đó là phát triển chuỗi giá trị. Đối với Việt Nam vẫn tương đối mới. Các khâu sản xuất vẫn rời rạc: nhà máy lo nhà máy, bộ phận chế biến lo chế biến, nông dân lo sản xuất của nông dân. Các nghiên cứu dù muốn có sản phẩm chất lượng cao, năng suất cao; nhưng đề tài nghiên cứu vẫn không tìm cách làm sao cho nông dân được nhiều tiền nhất, năng suất - chất lượng nhất. Vì vậy phải phát triển theo chuỗi giá trị liên kết - hỗ trợ nhau.

Trong công tác nghiên cứu nên hình thành những đề tài nó có tính chất chuỗi, chứ không phải tập trung nghiên cứu những giống có năng suất cao. Tôi ví dụ như một giống năng suất không cao lắm, chỉ có chất lượng cao, nhưng nó phù hợp với cây ăn quả trái mùa, giá cao gấp 3 lần, thì hiệu quả hơn giống vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng tốt.

{keywords}
Ông Y Thinh Triek. Ảnh: Hoàng Hường

Nên kéo dài hạn cho nông dân vay

Hoàng Hường: Thưa ông Y Thinh Triek, người dân phản ánh chính sách cho vay một năm gây khó cho họ. Ông nhìn nhận thế nào?

Ông Y Thinh Triek: Vay vốn ngắn hạn một năm chủ yếu để sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi con heo, con gà; còn nuôi trâu, nuôi bò thì phải dài hạn. Thời gian qua người dân xã tôi vay vốn 3 năm là cao, tuy nhiên nuôi bò thì 3 năm vẫn chưa đủ tiền để xoay xở. Bò 3 năm chưa được bán, bò đẻ thì phải 2 năm sau nữa nên đến hạn 3 năm không kịp để trả.

Ngoài việc động viên người dân sản xuất thì địa phương có cách nào kiểm soát nguồn vốn cho vay này không?

Trước khi vay vốn từ cấp trên, chúng tôi rà soát những vùng khó khăn nhất, và vùng có khả năng trả được. Vùng quá khó khăn thì cho vay để mua phân bón, sản xuất nông nghiệp .

Có trường hợp nào không thể trả nợ?

Một số trường hợp không trả được nợ đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương. Với các hộ không trả được đúng hạn, địa phương làm chính sách gia hạn cho những hộ đó.

Những hộ được gia hạn phải có những điều kiện gì?

Gia hạn thì cần vài tháng, hoặc là vay lãi bên ngoài trả nợ và để tiếp tục làm ăn kiếm sống.

Vay bên ngoài phải trả lãi cao không?

Vay bên ngoài trả lãi cao, thì nó khó khăn là cho địa phương.

Từ góc nhìn của địa phương, ông có đề xuất gì để hỗ trợ nông dân không?

Tôi muốn đề nghị với cấp trên: đối với các vùng khó khăn, các hộ nghèo và hộ cận nghèo nên có chính sách vay vốn dài hạn hơn, ít nhất là từ 3 đến 5 năm để đảm bảo cho bà con sử dụng vốn nuôi bò, chắc chắn là hộ nghèo và cận nghèo sẽ giảm. 

Nuôi bò thì hiệu suất kinh tế như thế nào?

Nuôi bò có nguồn thức ăn chủ yếu từ đồng cỏ và rừng. Đối với bà con thì chăn bò nhẹ nhàng so hơn với chăn nuôi các con khác. Ở đây thời tiết ổn định nhưng đất đai xấu, bà con nơi đây trồng lúa không đủ ăn, trồng cây công nghiệp dài ngày thì không đảm bảo được nguồn nước tưới và không đủ vốn để chi cho cây công nghiệp. 

Người dân tộc thiểu số họ kiếm sống và phụ thuộc vào kinh tế rừng cũng nhiều. Giờ kinh tế rừng còn giúp được họ không?

Về rừng thì hiện nay cạn kiệt rồi, cũng không thể giúp được họ.

Bây giờ nếu như không làm ruộng, không vay tiền nuôi bò thì không có cách nào để sống?

Đúng! nếu bây giờ cấp trên không cho vay vốn lãi suất thấp thì các hộ nghèo họ vẫn phải đi vay bên ngoài để mua con trâu, con bò nuôi.Theo tôi, từ nay đến nhiệm kỳ sắp tới thì đề nghị là các cấp, các ngành quan tâm chuyển dịch các cây trồng vật nuôi để nâng cao đời sống người dân.

Kỳ sau: Ý kiến 'ngược tai' của một chủ tịch xã với Nhà nước

Hoàng Hường (Thực hiện)