Tạo hóa khiến con người bất ngờ. Nhưng tài năng của con người còn khiến  tạo hóa… bất ngờ hơn.

Đó là câu nói phổ biến của người Trung Quốc về Cửu Trại Câu- "thung lũng chín làng"- khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia thuộc châu tự trị dân tộc Khương, dân tộc Tạng (Tứ Xuyên), khu bảo tồn sinh quyển thế giới được tổ chức UNESCO công nhận. Nghe có vẻ… ngoa ngôn, nhưng khi đến Cửu Trại Câu vào độ thu nhất, ngỡ ngàng thấy lá vàng, lá đỏ, lá xanh xen lẫn những dải mây trắng lượn lờ trên những ngọn núi cao 2000- 4000 m so với mặt biển, soi mình xuống hàng chục hồ nước xanh sẫm màu xanh kỳ lạ, hẳn người trần gian cũng phải tin đó là “thiên đường nơi hạ giới”. Chả thế, Cửu Trại Câu được xếp loại cảnh quan 5A- cao cấp nhất TQ, cần được bảo vệ.

{keywords}

Nơi điện thờ Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ảnh: Kim Dung

Núi ơ núi… hồ ơ hồ…

Rất vô tình, con đường từ Thành Đô- địa danh lịch sử- dẫn đến Cửu Trại Câu- “thiên đường nơi hạ giới” lại có hai địa danh như gửi thông điệp cho thế gian, về hành trình nhọc nhằn của kiếp nhân sinh ở những thời đại thăng trầm, ấm lạnh của lịch sử, trước khi đến được nơi hưởng phúc. Và thông điệp đó quyến rũ khách du lịch nườm nượp đến để chiêm ngưỡng, để được sống hòa vào với hơi thở của đời sống từ quá khứ đến hiện tại.

Đó là hai địa danh hấp dẫn: Vũ Hầu Tự- ngôi đền thờ vị quân sư xuất chúng, lỗi lạc Khổng Minh Gia Cát Lượng của Lưu Bị nước Thục, thời Tam Quốc. Và phố cổ Cẩm Lý.

Sử sách ghi nhận Khổng Minh Gia Cát Lượng là một nhà chính trị, quân sự chiến lược, ngoại giao kiệt xuất, một học giả và nhà phát minh kỹ thuật đại tài thời Tam quốc. Một con người được người đương thời tôn vinh “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Thời cuộc tao loạn, chí làm trai đã khiến con người thông thái, lỗi lạc này được nhân gian ca ngợi đến tận bây giờ, và có lẽ muôn đời sau. Nhưng như mọi kẻ anh hùng trong Tam Quốc Chí, ông hiểu rằng, thể chế chỉ là nhất thời, không phải là bất biến. Chính vì thế, ông cũng vẫn… đánh đố hậu thế mộ phần của mình, cả sau khi đã trở về với cát bụi.

Theo truyền thuyết dân gian, ông được an táng ở dưới chân núi Định Quân (tỉnh Thiểm Tây). Tên núi bắt nguồn từ việc khi ông đưa quân lên Hán Trung bắc phạt từng đóng trại tại đây. Nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng ông đã chuẩn bị hậu sự cho mình hết sức cẩn thận và bí mật. Tương truyền, quan tài ông được 04 binh sĩ khiêng về phía Nam, đến khi nào đòn gãy, thừng đứt thì chôn ngay tại nơi đó. Ông thực sự được an táng ở đâu, đến nay chưa ai tìm thấy (VTC News, ngày 08/1/2010)

{keywords}
Một góc phố cỏ Cẩm Lý. Ảnh: Kim Dung  

Có lẽ vì thế, ở TQ, rất nhiều nơi đã lập đền thờ Vũ Hầu để tưởng nhớ Gia Cát Lượng, mà miếu Vũ Hầu ở Thành Đô, nơi chúng tôi đến thăm chỉ là một trong số đó.

Nhưng thích thú nhất với người viết bài, lại là một tảng đá lớn, khắc ba chữ Hán- Hỷ Thần Vương- tạm dịch là “vua của sự vui vẻ”. Còn gì hơn thế trong đời sống của một XH đầy những chìm nổi, biến động, bất an, vẫn có được “hỷ thần”- tìm được sự vui vẻ của tinh thần ngự trị?

Vui vẻ như phố cổ Cẩm Lý cách không xa Vũ Hầu Tự

Dù đã được đi thăm những phố cổ Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam, và nhiều phố cổ của các tỉnh, t/p Trung Quốc, nhưng phố cổ Cẩm lý vẫn đủ sức mời gọi và quyến rũ khách thập phương bởi nét riêng, bởi sức sống ẩm thực của con phố này. Các món ăn, các loại bánh hấp, bánh rán, đồ nướng ngào ngạt mùi dầu, mùi gia vị tẩm ướp rất đặc trưng Trung Quốc được bày bán trong những nhà hàng nhỏ lợp ngói âm dương, treo những chiếc đèn lồng đỏ đặc sắc và bản sắc không trộn lẫn.

Một bên trang nghiêm để con người cung kính tưởng nhớ bộ óc của một vĩ nhân kỳ diệu. Hình dung một thời đại chính trị năm bè bẩy mối đầy biến động, thăng trầm, ly hợp, hợp tan với những tham vọng, khát vọng quyền lực và tự do…

Một bên sôi động để con người háo hức được hòa vào đời sống rất đỗi thường tình, đầy quyến rũ của chữ Đời, thưởng thức phong vị Trung Hoa thời hiện đại.

{keywords}
Hồ Trường Hải. Ảnh: Kim Dung

Nhưng sự đối lập đó là nhất quán. Và tất cả những sự đối lập đó- ồn ào hay tĩnh lặng, dung dị hay cao sang, hồn nhiên hay thâm nghiêm đều đã làm nên bản sắc một xứ sở đầy bí ẩn.

Để cuối cùng nơi con người ai cũng khao khát được dừng chân- “thiên đường nơi hạ giới”. Sau một chặng dài đi qua các ngôi làng của người dân tộc Giang, dân tộc Khương, dân tộc Tạng…Mỗi ngôi làng nói với nhân gian về bản sắc văn hóa riêng biệt của họ, qua kiến trúc cổ độc đáo, cách ăn mặc, ngôn ngữ như tiếng chim hót ban mai…

Đó cũng chính là Cửu Trại Câu, một quần thể các hồ nước đa diện như những “tuyệt sắc giai nhân” của rừng núi, quyến rũ khách thập phương đến thăm, cao điểm nhất là mùa thu, mùa của thiên nhiên mơ mộng và trữ tình, của đôi lứa yêu nhau luôn tràn đầy cảm xúc. Mỗi ngày Cửu Trại Câu có tới 7000 lượt khách tới thăm. 600 chiếc xe bus luôn phải túc trực nối nhau đưa đón lòng vòng giữa những con đường núi non xanh sẫm đẹp như tranh vẽ.

Ở đây, có thể bắt gặp các hồ nước, mỗi hồ một vẻ mười phân vẹn mười. Vừa giống nhau ở màu xanh kỳ lạ, đẹp mê hồn, lại vừa rất khác nhau. Nằm ở độ cao nhất, hơn 3000 m so với mặt nước biển, cũng là hồ rộng nhất và sâu nhất so với các hồ khác ở Cửu Trại Câu, là hồ Trường Hải, cái tên đã thấy độ hùng vĩ. Hiếm có hồ nước nào xanh ngắt như hồ nước này, một màu xanh “cổ vịt” vừa bằng lặng soi bóng núi, bóng rừng, vừa bí ẩn.

Thì hồ Ngũ Sắc là hồ “mê hoặc” khách du lịch nhất, dù về diện tích và độ sâu có phần khiêm tốn, nhưng đây là hồ nước khiến khách du lịch trầm trồ, xuýt soa nhất về sự đặc sắc của nó. Hồ có tới 05 màu sắc khác nhau, thay đổi theo từng giờ. Quyến rũ như một vẻ đẹp lạ, hồ Ngũ Sắc thường được khách viếng thăm lâu nhất, chụp ảnh, quay vi đê ô như không muốn rời.

Nếu như hồ Trúc soi bóng cả rừng trúc, thì hồ Gấu Trúc là nơi có các cá thể gấu trúc sinh sống. Chỉ tiếc rằng, giống loài quý giá này nay vắng bóng, chỉ còn khoảng 20 cá thể sinh sống.

Nếu như hồ Ngũ Hoa Hải, như cái tên của nó, luôn có những cánh hoa đủ sắc màu rơi trên mặt nước hồ thu, dưới đáy hồ có những thân cây tạo nên vẻ huyền ảo, thì hồ Gương (hay còn gọi là hồ Kính) là một hồ nước phản xạ ánh sáng tuyệt đẹp từ môi trường xung quanh, vừa rất động vừa rất tĩnh, rất lạ.

… v…v…

Sau các hồ nước kỳ ảo lại đến các thác nước. Thác Trân Châu ở Cửu Trại Câu không có tên trong 10 thác nước nổi tiếng trên thế giới (thác Angel ở Venezuela, thác Iguazu nằm giữa biên giới Brazil và Argentina, thác Victoria "tấm rèm nước" lớn nhất trên thế giới ngăn cách Zambia và Zumbabwe….) nhưng nó lại nổi tiếng theo kiểu khác. Đó cũng là nơi diễn ra các cảnh quay của bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký. Và thế là bất kể ngày nắng hay ngày mưa, ngày thường hay ngày lễ, con thác Trân Châu lúc nào cũng ầm ầm cuồn cuộn trên ngàn đổ về, kiêu hãnh tung bọt trắng xóa “biểu diễn” trước muôn ngàn con mắt hâm mộ, hiếu kỳ của khách thập phương.

Sự nổi tiếng hóa ra đôi khi không cần tài năng, mà chỉ cần …. sự tình cờ và may mắn.

{keywords}
Hồ ngũ Sắc. Ảnh: Kim Dung

Tạo hóa và bàn tay con người

Nhưng cho dù có hưởng phúc, thì hành trình nhân sinh của kiếp người còn là một hành trình của chữ “giác ngộ”, nhận thức và tỉnh thức trước những tham sân si của cõi đời, để tu tâm tu tính. Và vì thế mà khách du lịch đã đến Cửu Trại Câu, không ai không có mơ ước được đến Lạc Sơn và Nga My Sơn, dù chỉ một lần, để chiêm ngưỡng hai trong Tứ đại danh phật của TQ (một ở Triết Giang, một ở Hàng Châu, hai ở Lạc Sơn, Nga Mi Sơn thuộc Tứ Xuyên). Cho dù con đường đến Lạc Sơn là con đường sông nước, còn đến Nga Mi Sơn thực sự là lên núi cao, hành hương về cõi Phật. Người  trẻ có thể thong dong trong sương mù, hay mưa phùn giá rét. Người  yếu sức đành phải thuê cáng, mà phu khiêng là những người dân tộc Tạng. Không chỉ thế, dọc đường, có thể còn bắt gặp những người Tạng khắc khổ thồ hàng thuê, với giá rất rẻ mạt, kiếm sống qua ngày.

Gọi là Tứ đại danh Phật không hề ngoa, bởi tượng Phật Di Lặc được tạc ở Lạc Sơn, chính là bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới, được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở hợp lưu của ba con sông Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y. Bức tượng vĩ đại này được các nghệ nhân tài hoa nhất vùng Tứ Xuyên tạc trong…. 90 năm mới xong, từ một ngọn núi đá nguyên bản, bắt đầu từ năm 713, đời nhà Đường. Đây cũng là thời đại phật giáo ở TQ phát triển mạnh nhất. Chiều cao bức tượng tới 81m, đầu tượng có tới 1021 chỏm tóc trân châu. Có câu nói “núi là Phật, Phật là núi” đủ biết bức tượng Phật này cao lớn biết bao. Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16 m, rộng khoảng 6 m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí.

{keywords}
Tượng Phật Di Lặc ở Lạc Sơn. Ảnh: Kim Dung

Bức tượng Phật Di Lặc- biểu tượng sự lạc quan, được tạc để trấn an những nỗi lo sợ, nỗi đau của ngư dân vùng sông nước khi phải đi qua vùng nguy hiểm của dòng hợp lưu. Niềm tin tâm linh đó có khiến cho những ngư dân thêm dũng khí hay không, không rõ, nhưng chắc chắn hậu thế có dịp được chiêm bái một tác phẩm điêu khắc vĩ đại và nhận được một thông điệp về sự bình an và nghị lực sống.

Khác với bức tượng Di Lặc ở Lạc Sơn, bức tượng Đức Phổ Hiền Bồ Tát – tượng Phật 04 mặt- cưỡi voi trắng sáu ngà, biểu tượng của hạnh nguyện rộng lớn, công đức viên mãn, ngự trên đỉnh núi Nga Mi, cao 48 m, tượng trưng cho bốn phương tám hướng.  Đường lên Nga Mi sơn như một bức tranh thủy mặc. Ở đây đặc sắc nữa còn là Kim Đỉnh tự, nằm ở độ cao hơn 3000 m so với mặt nước biển, một ngôi chùa nổi tiếng. Tương truyền, năm 1976, Kim Đỉnh tự bị cháy, thiêu toàn bộ hơn 1000 cuốn kinh mộc bản, và hơn 7000 bức tranh. Năm 1986, Kim Đỉnh tự được xây lại, được dát và chạm trổ một chất liệu màu vàng rực rỡ, bên cạnh các chùa Bạc, chùa Đồng. Với nhiều người dân TQ, đặt chân lên đỉnh Nga My được coi là diễm phúc, nữa là với những khách thập phương. Vì vậy mà dù trời nắng  hay mưa mù, Nga My sơn lúc nào cũng nườm nượp người đến thăm, cầu khấn, hay đơn giản, chỉ để vãn cảnh chùa ở nơi có thể nhìn thấy cả lòng chảo cao nguyên Thanh Tạng, nơi con người ta có thể giao hòa với trời đất một cách thiêng liêng nhất.

{keywords}
Mái chùa cong trên núi Nga My. Ảnh: Kim Dung

Nhưng như một quy luật của đời người, bên vui sướng là buồn đau, bên hạnh phúc là bất hạnh. Quy luật đó dạy con người phải luôn nỗ lực, luôn can đảm. Tứ Xuyên cũng là địa danh có trận động đất khủng khiếp vào năm 2008. Cơn địa chấn khốc liệt đã giết chết tới 250.000 người.  Xe của chúng tôi đi qua vùng trước đây là tâm chấn của trận động đất khủng khiếp- huyện Vấn Xuyên, châu tự trị dân tộc Tạng, dân tộc Khương A Bá. Bẩy năm đã trôi qua, dấu vết giận dữ của đất, đau thương của con người dường như đã dịu lại. Chỉ thấy hồ vẫn xanh, núi vẫn cao, và những căn nhà của người Tạng, người Khương mới mọc lên với những kiến trúc đặc sắc, lạ lẫm, êm ả, buồn bã…

Cũng chính vì thế, mà ấn tượng không kém trong chuyến đi về “thiên đường nơi hạ giới” với người viết bài này, còn là show diễn Xuyên Kịch, một chương trình nghệ thuật đặc sắc của Cửu Trại Câu, do đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu dàn dựng, với tất cả những tiết mục thể hiện nghệ thuật dân gian của văn hóa Hán Thục cho đến thời hiện đại. Ở đó, từ thuở hồng hoang của Cửu Trại Câu, con người phải lao động, xây dựng cuộc sống và yêu nhau, cho đến bi kịch thảm khốc của con người trong trận động đất Tứ Xuyên đều được tái hiện, khiến cho cả khán phòng nghẹn ngào, xúc động. Để rồi hình ảnh cuối cùng là chiếc tháp đặc sắc và những dây cờ xanh đỏ của người Tạng xuất hiện trên trần khán phòng, như lời cầu nguyện, như khát vọng của người Tạng về bình an và hạnh phúc.

Tạo hóa khiến con người bất ngờ. Và tài năng của con người cũng khiến  tạo hóa… bất ngờ hơn.

Kỳ Duyên